FOMO là gì? 2 nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ bị bỏ lỡ

FOMO là gì? 2 nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ bị bỏ lỡ

Về cơ bản, FOMO là hiện tượng tâm lý khiến con người luôn có cảm giác sợ bị bỏ lỡ những tin tức, sự kiện, thông tin xung quanh.

Nếu bạn chưa rõ FOMO là gì, hãy thử nhớ lại những lần mình vô thức lấy điện thoại ra từ trong túi và kiểm tra thông báo, dù chẳng có tin nhắn nào cụ thể. Đó chính là hiệu ứng FOMO.

Ngược lại với những suy nghĩ thường gặp, FOMO không giới hạn ở môi trường kỹ thuật số. Nó đã tồn tại dưới dạng một hiện tượng tâm lý từ lâu, chỉ là gần đây FOMO trở nên phổ biến và tác động sâu sắc hơn đến cuộc sống nhờ sự xuất hiện của Internet.

FOMO là gì

FOMO 
Nguồn: vudigital.co

Đặc biệt ở nhóm đối tượng tiếp xúc với công nghệ từ sớm, FOMO ngày càng trở thành một dấu hiệu đáng báo động khi nó dẫn đến những bất ổn về mặt tâm lý và sự lãng phí thời gian, tiền bạc một cách vô ích.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều thương hiệu cũng tận dụng FOMO như một đòn bẩy tâm lý nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ. Những sự kiện thường niên như Black Friday, Lễ Độc Thân, hay ở Việt Nam là các ngày hội săn sale… đều là những phương pháp ứng dụng tâm lý FOMO.

Vậy cụ thể FOMO là gì, những hình thức cụ thể của FOMO và cách FOMO tác động đến chúng ta là như thế nào? Vũ sẽ giải đáp những câu hỏi trên trong bài chia sẻ lần này. Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu định nghĩa FOMO là gì.

FOMO là một hiện tượng tâm lý

FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear Of Missing Out” (tạm dịch: Nỗi sợ bị bỏ lỡ). FOMO thể hiện cảm giác lo lắng của một người rằng họ không biết hoặc sẽ bỏ lỡ thông tin, sự kiện, hoặc các quyết định mà họ cho là quan trọng.

Định nghĩa FOMO là gì còn được thể hiện qua mong muốn duy trì kết nối liên tục với những người khác để được trở thành một phần của một cộng đồng lớn hơn. Tâm lý FOMO có thể là kết quả của việc bỏ lỡ một bộ phim mới ra mắt, không đầu tư vào một cổ phiếu đang lên giá, hoặc không biết về một tin tức trên mạng xã hội. FOMO được xem là một hiện tượng tâm lý tiêu cực và có ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và hành vi của con người.

FOMO là gì: Patrick J. McGinnis là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ FOMO (ảnh: Influencer Economy)

Patrick J. McGinnis là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ FOMO
Nguồn: Influencer Economy

Tâm lý sợ bị bỏ lỡ lần đầu được nghiên cứu bởi Tiến sĩ Dan Herman vào năm 1996. Herman cho rằng tâm lý này đã trở nên phổ biến hơn với sự xuất hiện của Internet và điện thoại di động. Đến năm 2004, nhà đầu tư Patrick J. McGinnis đã đặt ra thuật ngữ FOMO trong một bài viết mà ông thực hiện lúc còn học ở trường Harvard. FOMO sau đó đã trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu cho đến ngày hôm nay.

Để hiểu rõ hơn về FOMO, mời bạn đọc tiếp bài viết – FOMO dưới những tác động của công nghệ và Internet.

FOMO là hệ quả của công nghệ

Như đã chia sẻ, FOMO không phải là một hiện tượng tâm lý mới xuất hiện. Ngay từ thời xa xưa, con người đã có tâm lý sợ bị bỏ lỡ và đã biết được những hậu quả của FOMO là gì.

Kinh Thánh có lẽ là văn bản lâu đời nhất mô tả lại hiện tượng này. Trong Kinh Thánh, Adam và Eva, sau khi nghe lời dụ dỗ của con rắn, đã đụng đến Trái Cấm và cuối cùng bị Đức Chúa Trời trục xuất khỏi vườn Địa Đàng. Đó chẳng phải là bài học về tâm lý tò mò và sợ bị bỏ lỡ hay sao?

Thực tế chỉ ra rằng, có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý của một con người như: sinh học, văn hoá, môi trường sống, quá trình trưởng thành… Mỗi thời điểm, mỗi quốc gia sẽ có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, thứ khiến FOMO “nổi tiếng” trong vài thập kỷ gần đây thì chỉ có một: công nghệ.

FOMO là gì: Cách chúng ta sử dụng công nghệ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý FOMO (ảnh: Lababan Photo)

Nguồn: Lababan Photo

Lần gần nhất bạn không bị sao nhãng bởi những thứ tin tức, thông báo, tin nhắn, email… là khi nào? Vũ đoán rằng đó là ngày cuối cùng trước khi bạn sở hữu chiếc smartphone đầu tiên. Kể từ khoảnh khắc đó, cứ khi nào rảnh rỗi, chẳng hạn như xếp hàng, ngồi trong toilet hay đi cà phê với bạn bè, ta lại chộp lấy điện thoại một cách vô thức.

Làm thế nào mà cưỡng lại được khi hiện nay chúng ta sở hữu quá nhiều tiện ích mà những năm 2000 không nhiều người nghĩ đến. Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, Reddit, Netflix, Tinder, Tiki, Shopee… Tất cả những tiến bộ trên đều nằm gọn trong một thiết bị điện tử nhỏ nhắn, vừa đủ để cầm bằng một tay!

Nhưng như mọi thứ trong cuộc sống, công nghệ cũng tồn tại mặt trái của nó. Ngày trước tuy chúng ta không được tiếp cận với những công nghệ tân tiến, nhưng ít ra ta vẫn có quyền “làm chủ” Internet và thời gian của bản thân.

Còn bây giờ thì ngược lại, chúng ta giống với những đối tượng bị điều khiển nhiều hơn. Có người chỉ vừa rời mắt khỏi điện thoại nửa tiếng đã cảm thấy bức bối, khó chịu. Có người mỗi buổi sáng phải kiểm tra đủ các tài khoản mạng xã hội mới cảm thấy “hài lòng” và bước ra khỏi giường, dù chẳng có thông báo hay tin nhắn nào cụ thể.

Đó chính là những biểu hiện rõ ràng nhất của tâm lý FOMO. Ta không thể ngồi yên nếu không biết chuyện gì đang xảy ra với thế giới, với bạn bè, với thần tượng. Công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống hiện đại, nhưng đồng thời nó cũng kéo theo những bất ổn về mặt tâm lý của xã hội.

Vậy điều đã biến đổi tâm lý FOMO là gì? Theo Patrick J. McGinnis, có 3 yếu tố đã thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ, tiếp nhận thông tin và gia tăng tâm lý FOMO: nguồn thông tin vô hạn, tính kết nối, cảm giác so sánh bản thân với người khác.

Nguồn thông tin vô hạn

Internet và các ứng dụng điện thoại biến nguồn thông tin mà chúng ta có thể tiếp nhận trở thành một suối nguồn vô hạn. Ta có quyền tìm kiếm bất cứ thứ gì mình muốn và theo dõi bất cứ người nổi tiếng nào mình yêu thích. Dù đối tượng đó có kém phổ biến đến đâu, chỉ cần họ có một tài khoản mạng xã hội là đủ. Dù nội dung đó có kén người đọc đến mức nào, cũng sẽ có người khai thác và viết về nó.

Ta sẽ biết mọi điều ta muốn biết chỉ với một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Nike, adidas sắp ra mắt sản phẩm mới ư? Quá dễ, chỉ cần một cú nhấp chuột vào tài khoản YouTube chuyên về thời trang là bạn sẽ nắm rõ thời gian và ưu đãi. Ca sĩ bạn yêu mến chuẩn bị tung MV? Rất đơn giản, chỉ cần nhấn nút “Thông báo” thì mọi thông tin về họ sẽ được gửi đến bảng tin của bạn.

Những thuật toán của Facebook, Instagram, TikTok… cho phép chúng ta lướt cả ngày mà cũng không hết tin tức. Sự tiện lợi và phổ biến của chúng đã định hình lại cách thông tin được tiếp nhận, xử lý, và lan toả. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng gây nghiện.

FOMO là gì: Thông tin cứ liên tục tìm đến và chúng ta cũng không muốn cưỡng lại ham muốn tiếp nhận chúng (ảnh: Gilles Lambert)

Thông tin cứ liên tục tìm đến và chúng ta cũng không muốn cưỡng lại ham muốn tiếp nhận chúng
Nguồn: Gilles Lambert

Không đến mức tàn phá như các chất cấm, nhưng chúng vẫn tác động đến cuộc sống theo một cách không mấy tích cực. Có bao giờ bạn chỉ định lướt Facebook khoảng 10 phút nhưng cuối cùng lại lãng phí cả một giờ chưa? Điều này khá dễ hiểu vì thông tin cứ liên tục tìm đến và chúng ta cũng không muốn cưỡng lại ham muốn tiếp nhận chúng. Ta ngày càng dựa vào công nghệ như một nơi để giải trí, xả stress… đến mức gần như không thể sống thiếu công nghệ.

Theo một khảo sát của trang Asurion, hầu hết người tham gia cho rằng họ không thể sống nếu không sử dụng smartphone trong một ngày. Để dễ hình dung hơn, đây cũng là khoảng thời gian mà họ nghĩ mình sẽ không chịu nổi nếu thiếu thức ăn hoặc nước uống.

Làm sao một ngày có thể trọn vẹn nếu ta không biết thần tượng của mình trưa nay ăn món gì cơ chứ?

Khả năng kết nối

Bên cạnh việc chìm đắm trong lượng thông tin khổng lồ, tâm lý FOMO của chúng ta còn được gia tăng thêm từ khả năng kết nối. Hai yếu tố này như cộng hưởng với nhau và chúng khiến ta ngày càng lạc sâu vào thế giới ảo.

Kết nối cũng là một từ khá phổ biến trong tuyên ngôn của các mạng xã hội. Chẳng hạn, sứ mệnh của Facebook là “cung cấp cho mọi người quyền chia sẻ, đồng thời làm cho thế giới cởi mở và kết nối hơn”. Trên mạng, ta vừa có thể đóng nhân vật chính vừa là một khán giả nhiệt thành của những người xung quanh.

FOMO là gì: Trên mạng xã hội, ta vừa có thể đóng vai chính vừa là một khán giả nhiệt thành của những người xung quanh (ảnh: Unsplash)

Trên mạng xã hội, ta vừa có thể đóng vai chính vừa là một khán giả nhiệt thành của những người xung quanh
Nguồn: Unsplash

Báo cáo của trang tin Mashable cho biết, 56% người dùng sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ nhiều sự kiện, tin tức, và trạng thái của bạn bè khi không sử dụng mạng xã hội. Con số này thật sự mang nhiều ý nghĩa nếu chúng ta biết số lượng sử dụng Facebook tính đến năm 2022 là gần 3 tỷ người.

Những story dài chưa đến 1 phút, những status vô thưởng vô phạt, những bức hình check in địa điểm du lịch, những bình luận trên mạng… chúng đóng vai trò cầu nối để ta biết được mọi người đang làm gì và để họ biết về cuộc sống của ta.

Từ nguồn thông tin sẵn có và khả năng kết nối tức thời, chúng ta có yếu tố ảnh hưởng thứ 3, đỉnh điểm và là mối nguy lớn nhất của tâm lý FOMO.

Cảm giác so sánh bản thân với người khác

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu công cụ duy nhất mà các nhà nhân chủng học trong tương lai có thể dùng để nghiên cứu về chúng ta là Instagram? Họ sẽ rút ra được kết luận gì về xã hội loài người năm 2022?

Dựa trên những quan sát của mình, Vũ cho rằng họ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mọi người đều trông có vẻ hạnh phúc. Người thì toàn những hình ảnh tươi cười bên cạnh những cốc cà phê Starbucks, người thì mỗi tháng lại tận hưởng kỳ nghỉ ở một địa điểm khác nhau. Sau đó, các nhà nhân chủng học hẳn sẽ thấy thất vọng vì cuộc sống của họ không thể so sánh với chúng ta.

Tất nhiên đó chỉ là một ví dụ, nhưng nó tương đối sát với thực tế. Vì chưa cần đến tương lai, ngay lúc này đây chúng ta cũng đã cảm thấy ganh tị với mọi người, đó có thể là bạn bè, một KOL hoặc một câu chuyện ta vô tình bắt gặp trên mạng. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn rất thường xuyên so sánh mình với những cá nhân khác.

FOMO là gì: Chúng ta dễ nảy sinh cảm giác so sánh trước những hình ảnh trên mạng xã hội (ảnh: Jakob Owens)

Chúng ta dễ nảy sinh cảm giác so sánh trước những hình ảnh trên mạng xã hội
Nguồn: Jakob Owens

Nếu trước kia ta phải nhấc điện thoại lên gọi hỏi thăm mới biết người bạn mình vừa sắm món đồ hiệu nào, sau đó mới xuất hiện cảm giác so sánh và tủi thân, thì Internet và công nghệ đã “nâng” nỗi lo âu đó lên một tầm cao hơn. Mặc dù chúng ta không biết chắc điều gì ẩn sau những bức hình trên mạng, ta cứ phải so sánh trước đã.

Điều này dẫn đến việc ta dần có cảm giác thua sút so với người khác. Hội chứng FOMO sẽ khiến chúng ta đánh giá bản thân thông qua số lượng thả tim, nó khiến ta dù không muốn vẫn phải lên mạng xem mọi người đang làm gì và kiểm tra xem có tin tức gì mà mình đã bỏ lỡ hay không. Về lâu dài, ta sẽ quên mất những giá trị mà đáng ra ta nên trân trọng hơn trong cuộc sống.

Không chỉ về tinh thần, FOMO cũng khiến ta chịu những tổn thất trên khía cạnh vật chất. Một số người sẽ có cảm giác không thoải mái nếu xung quanh ai cũng sử dụng iPhone 12, trong khi mình chỉ dừng lại ở iPhone 8. Dù cho sản phẩm hiện tại có tốt đến mức nào, vẫn sẽ có một động lực ngầm thôi thúc chúng ta phải “nâng cấp” chúng để không phải mang cảm giác thiệt thòi với người xung quanh.

FOMO không phải một trào lưu meme giải trí. Nó để lại những tác động nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ta tưởng tượng. Nhưng ngay cả khi hiểu điều đó, ta vẫn không thể cưỡng lại việc kiểm tra Facebook thường xuyên hay săn những món đồ giảm giá mà ta không cần đến.

Tại sao lại như thế? Để trả lời câu hỏi đó, ta cần tìm hiểu về hai hình thức FOMO đã gắn với tâm lý con người từ hàng thế kỷ trước.

FOMO là tâm lý xuất phát từ khao khát của bản thân

Để hiểu rõ hơn FOMO là gì, ta nên hiểu FOMO theo những hình thức cụ thể. Theo Patrick James McGinnis, con người thường đối diện với hai kiểu FOMO là gì sau:

Khao khát đạt được những thứ tốt đẹp hơn

Bản chất của FOMO là gì? McGinnis cho rằng, bản chất của FOMO xuất phát từ khát vọng tìm đến những thứ tốt hơn trong cuộc sống nhằm cải thiện tình trạng hiện tại. Ở đây chúng ta cần tập trung vào vai trò của nhận thức. Khi một người tin hoặc không tin, thích hoặc không thích điều gì, đó là nhận thức.

Do đó, nếu chúng ta tin rằng một hành động ở hiện tại sẽ dẫn đến một tương lai hứa hẹn hơn, ta sẽ tìm cách để thực hiện nó. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao ta thuyết phục được não bộ tin rằng hành động này sẽ mang đến một kết quả tốt? Đây là lúc vai trò của những hình mẫu xã hội (Social Proof) xuất hiện.

Điểm chung của những Serena Williams, Sơn Tùng MTP, Cristiano Ronaldo, Trấn Thành.. là họ nổi tiếng và sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ. Mỗi bài đăng quảng bá sản phẩm từ những người này sẽ mang đến một lượng khách hàng lớn cho thương hiệu, do đó thương hiệu sẵn sàng chi nhiều tiền để mời những người nổi tiếng trên làm đại diện cho nhãn hàng.

Có hai lý do dẫn đến khả năng tác động của những cá nhân trên.

Về cơ bản, những người này được xem như những hình mẫu trong xã hội. Họ thành công, sở hữu bộ sưu tập xe hơi đắt tiền, những bộ trang phục lộng lẫy và ăn ở những nhà hàng sang trọng nhất. Nói cách khác, hàng triệu người mong muốn được sống cuộc sống của họ.

Mặt khác, với sự trợ giúp của mạng xã hội, khoảng cách giữa KOL và Follower lại càng gần nhau hơn. Ngoài những ảnh chụp đã được sắp đặt trước, người hâm mộ còn biết được cuộc sống đời thường của thần tượng. Họ làm gì, ăn gì, mua gì… cũng đều được cập nhật. Mạng xã hội giúp ta có sự kết nối chặt chẽ với những hình mẫu xã hội (như đã chia sẻ ở phần trước).

FOMO là gì: Mạng xã hội giúp chúng ta kết nối ngay lập tức với những hình mẫu xã hội (ảnh: cottonbro)

FOMO là gì: Mạng xã hội giúp chúng ta kết nối ngay lập tức với những hình mẫu xã hội
Nguồn: cottonbro

Theo thời gian, chúng ta dần xem người nổi tiếng như một tấm gương đáng để noi theo trong nhiều khía cạnh, từ suy nghĩ, hành vi mua sắm cho đến cách ăn mặc thường ngày.

Mạch suy nghĩ thường sẽ là: anh A nổi tiếng và anh sử dụng sản phẩm B; tôi tin tưởng anh A do đó tôi sẽ sử dụng sản phẩm B. Có thể bạn không trực tiếp nghĩ vậy, nhưng trong tiềm thức khi lựa chọn một sản phẩm, bạn sẽ quyết định dựa trên niềm tin rằng tôi sẽ tìm được một giải pháp tốt hơn vì tôi biết có người nổi tiếng sử dụng nó.

Một ví dụ tương đối dễ thấy là ở các trường hợp mua bán chứng khoán, tiền điện tử, hay bất động sản. Những sản phẩm mà người tham gia thị trường càng ít hiểu về chúng thì tâm lý FOMO càng dễ được áp dụng.

Để khuyến khích khách hàng, các công ty thường sử dụng hình ảnh những người thành công (thường là “triệu phú tự thân”), vạch ra những viễn cảnh tươi đẹp và khuyến khích mọi người tham gia để nhanh giàu có như những triệu phú kia.

Nhà đầu tư có thể không hiểu về sản phẩm, nhưng có một thứ họ hiểu rất rõ: khát vọng của bản thân. Họ muốn được giàu có, được đổi đời, được thay đổi tình cảnh hiện tại, được mua một ngôi nhà mới, một chiếc xe mới… Cơ hội đằng kia thì chỉ có một, không lúc này thì không bao giờ (như lời quảng cáo). Vậy có lý do nào để họ không bỏ tiền ra cơ chứ?

Không chỉ một, mà hàng triệu người sẽ bị tác động bởi hiệu ứng FOMO theo cách như thế. Tất cả những điều này diễn ra trong một vài giây suy nghĩ ngắn ngủi, nhưng nó có thể tạo ra những bước ngoặt lớn với cuộc đời mỗi người.

Nhu cầu được hoà nhập

Bạn đọc có lẽ đã biết về khái niệm tháp nhu cầu Maslow – lý thuyết mô tả những nhu cầu cơ bản của con người. Trong đó, tầng thứ 3 của tháp thể hiện nhu cầu được thuộc về một nhóm, cộng đồng cụ thể, nhằm có được cảm giác an toàn, yên tâm và được chấp nhận. Đó cũng là động lực thúc đẩy tâm lý FOMO trong chúng ta.

Việc hoà nhập trong một cộng đồng giúp chúng ta có cảm nhận rõ hơn về giá trị của bản thân và đảm bảo mình sẽ không bị bỏ lại phía sau. Nhu cầu này được liên kết chặt chẽ với hiện tượng hiệu ứng đám đông. Ta sao chép hành vi đám đông vì không muốn bị đứng ngoài cuộc, ta đứng ngoài cuộc vì không làm theo đám đông.

“Đã xem bộ phim A, tin tức B, scandal C chưa?” Câu hỏi dạng như thế sẽ chia tách một nhóm lớn thành hai nhóm nhỏ: biết và chưa biết. Sự kiện càng nóng hổi, những người “biết” sẽ tự động hình thành cảm giác ưu việt hơn về khả năng cập nhật thông tin của mình, xem những người “chưa biết” là những kẻ ngoại cuộc.

Điều này buộc những người “chưa biết” phải tìm hiểu về thông tin đó để không có mặc cảm bị bỏ lại. Thứ cảm giác này tương đối dễ xuất hiện ở thế hệ trẻ, những người vốn đang tìm cách định nghĩa giá trị của bản thân. Những tin tức nóng hổi, những sự kiện giải trí, những phong trào xã hội… đều là nơi mà nhu cầu được hoà nhập thể hiện rất rõ.

FOMO là gì: Nhu cầu được hòa nhập là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý FOMO (ảnh: Thibault Trillet)

Nhu cầu được hoà nhập là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý FOMO
Nguồn: Thibault Trillet

Không chỉ áp dụng cho việc cập nhật tin tức hay các trào lưu xã hội, FOMO theo nhu cầu được hoà nhập còn được những doanh nghiệp khai thác một cách triệt để.

Các thương hiệu thường thiết kế chiến dịch marketing, truyền thông theo một mục tiêu nhằm kích thích tâm lý FOMO để bạn sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp. Từ những sự kiện thường niên như Black Friday, ngày Độc Thân (ở Trung Quốc), cho đến những hàng người xếp hàng để chờ xem sản phẩm mới của Apple, FOMO là một đòn tâm lý mà các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng.

Ví dụ, nếu bạn biết đến một tiệm bánh chỉ bán ít hơn 400 cái một ngày, nhưng ngày nào cũng có hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt mình mua bánh, bạn có muốn thử không? Chắc chắn nhiều người tìm đến thương hiệu này để ít nhất cũng phải thử một lần cho biết.

Cách làm này mang đến hai kết quả

Một, việc giới hạn số lượng bánh giúp tạo cảm giác khan hiếm và gia tăng sự khao khát của khách hàng. Chúng ta không có hứng thú với thứ mà ai cũng có thể sở hữu. Ta chỉ muốn những gì mà số ít mới có quyền sử dụng. Cảm giác được thuộc về một nhóm người có “đặc quyền” ăn những chiếc bánh trên sẽ mang đến một khoái cảm đặc biệt, tất nhiên nó không đến từ chiếc bánh, mà là từ cảm giác khan hiếm ảo chủ tiệm tạo ra.

Hai, việc có hàng dòng người xếp hàng chứng tỏ những chiếc bánh xứng đáng với việc chờ đợi. Bỏ một hoặc hai tiếng buổi sáng để được ăn một chiếc bánh ngon đến mức hàng trăm người phải chờ đợi thì quá xứng đáng,

Tiệm bánh trên không phải một ví dụ mơ hồ. Đó là cách Dominique Ansel xây dựng thương hiệu bánh của mình thành một thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới. Không tận dụng những hình mẫu xã hội, Ansel đã khai thác triệt để nhu cầu hoà nhập trong tâm lý con người để biến sản phẩm của mình thành một thứ đáng thèm khát.

FOMO là gì: Nhà sáng lập tiệm bánh Dominique Ansel chụp hình cùng dòng người xếp hàng chờ mua bánh (ảnh: gothamist)

Nhà sáng lập tiệm bánh Dominique Ansel chụp hình cùng dòng người xếp hàng chờ mua bánh
Nguồn: gothamist

FOMO là một ngành công nghiệp tỷ đô

Năm 2018, tờ NPR Marketplace của Mỹ đã đăng một bài báo với tựa đề “FOMO là ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ đô la ở Trung Quốc” (tựa gốc: FOMO in China is a $7 billion industry) và nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Nhân vật chính trong bài viết, Chen Jun, là một ông bố trẻ sống cùng gia đình trong căn hộ nhỏ ở thành phố Thượng Hải. Mặc dù đã có một công việc ổn định, Chen vẫn không ngừng tìm cách để cải thiện cuộc sống của gia đình. Và rồi một ngày kia, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Chen tìm thấy một diễn đàn podcast có tên là “Con đường dẫn đến tự do tài chính”.

Chỉ với 29 đô cho một năm đăng ký tài khoản, Chen và hàng triệu người khác, sẽ được Lixiaolai – tỷ phú Bitcoin giàu nhất Trung Quốc khi đó – trực tiếp chỉ dạy cách đầu tư và kiếm lời từ tiền điện tử. Ấn tượng bởi những quảng cáo đó, Chen đã bỏ việc và chuyển hướng sang công cuộc kiếm tiền toàn thời gian bằng Bitcoin.

Điều gì có thể sai được chứ? Bitcoin là cơn sốt của toàn thế giới khi đó chứ không chỉ riêng gì Trung Quốc. Nhiều người sau một đêm đã trở thành triệu phú, thậm chí là tỷ phú, chỉ từ việc giao dịch những đồng tiền điện tử không hề có thật. Chen tin rằng cơ hội của mình là có thật. Hàng triệu người khác cũng tin như thế. Và họ sẵn sàng bỏ tiền để biết được những “bí quyết” làm giàu.

FOMO là gì: FOMO khiến những thị trường chứng khoán, tiền ảo trở nên đầy biến động (ảnh: SCMP)

FOMO khiến những thị trường chứng khoán, tiền ảo trở nên đầy biến động
Nguồn: SCMP

Điểm đáng chú ý về câu chuyện của Chen không phải là sự mạo hiểm đến bất ngờ khi chấp nhận bỏ việc hay niềm tin cuồng nhiệt về những bài học làm giàu, mà đó là cách FOMO ảnh hưởng đến anh ấy và nhiều người khác. Họ sẵn sàng đầu tư một lượng tiền và đặt cược tương lai của cả gia đình vào Bitcoin – chỉ từ một kế hoạch làm giàu nhanh chóng và viễn cảnh tươi sáng được gói gọn trong vài tập podcast.

Chưa bàn đến tính đúng sai của mô hình tiền điện tử, nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều: Chen không đơn độc. Bài báo trên đưa ra quan điểm rằng thị trường các khoá học dạy làm già từ Bitcoin của Trung Quốc  được hỗ trợ rất nhiều bởi những người luôn mang tâm lý sợ hãi rằng mình sẽ bỏ lỡ một xu hướng đang thịnh hành, cho dù họ cũng không chắc là mình có thật sự cần đến nó không.

Tâm lý này dẫn đến hành động chấp nhận mua những khoá học trôi nổi trên mạng, hoặc bỏ việc như trường hợp của Chen. Nó có vai trò như một liều thuốc giúp xoa dịu những nỗi sợ sâu thẳm trong tâm hồn họ. Nó khiến họ có một cảm giác thoả mãn và an toàn, nếu đối chiếu theo tháp nhu cầu Maslow, họ sẽ được đáp ứng những nhu cầu ở tầng 3 (thuộc về cộng đồng) như đã chia sẻ.

Khi tâm lý FOMO được áp dụng trong kinh doanh, nó chỉ nhằm đạt được một mục tiêu duy nhất: khuyến khích người dùng làm một hành động mà bình thường họ sẽ không làm, hoặc chần chừ trong việc ra quyết định.

Không chỉ Bitcoin, mà mọi ngành nghề, mọi sản phẩm đều có thể tạo nên hiệu ứng FOMO. Do đó, nói không ngoa khi cho rằng đây là hiệu ứng tâm lý có tác động mạnh mẽ nhất trong kinh doanh. Và một điều nữa cần lưu ý, FOMO không bỏ sót bất kỳ ai, từ những người lao động phổ thông cho đến các “chuyên gia” tự nhận là mình sành sỏi trên thương trường.

Từ thế giới thật đến môi trường kỹ thuật số, FOMO đều đan xen sâu sắc đến cách thương hiệu thu hút sự chú ý và thúc đẩy động lực mua hàng của chúng ta. Việc tỉnh táo nghiên cứu mọi thứ trước khi quyết định sẽ giúp chúng ta không bị mắc những bẫy lừa đảo đang “tung hoành” hiện nay.

FOMO là một “căn bệnh” có thể được chữa lành

Những thông tin trên dường như tạo ra một cảm giác e dè khi chúng ta nghe đến thuật ngữ FOMO. FOMO khiến chúng ta lãng phí thời gian, mất đi sự tập trung và tốn tiền vào những thứ vô ích. Vậy những cách thức để thoát khỏi tâm lý FOMO là gì?

Sẽ có nhiều lời khuyên khác nhau về việc này. Nếu bạn tìm đến những chuyên gia tâm lý, họ có lẽ sẽ khuyên bạn bớt xài điện thoại đi và gặp gỡ nhiều người hơn. Nếu bạn gặp những nhà đầu tư lão làng, họ sẽ dạy bạn cách lập chiến lược mua bán để tránh rơi vào những cạm bẫy tài chính. Nói cách khác, mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau cho tâm lý FOMO.

Nhưng tựu trung lại, có hai điều mà chúng ta cần thực hiện như sau: tập trung vào những thứ mình thật sự cần & bỏ qua những thứ còn lại.

1. Tập trung vào những thứ mình thật sự cần

Lựa chọn những gì bạn thực sự cần bao gồm việc biết điều gì quan trọng, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu và sau đó lập kế hoạch để đạt được những thứ đó. Khi chúng ta có thể dành thời gian tập trung vào những gì “nên” làm thay vì những điều mình “có thể” làm, ta sẽ vận hành cuộc sống với niềm tin rằng mình đang làm những điều đúng đắn. Và đó là liều thuốc giải cho hội chứng FOMO, tâm lý khiến muốn làm mọi thứ.

Nếu bạn đang cần hoàn thành một công việc quan trọng, hãy tập trung làm việc đó trong vòng một khoảng thời gian nhất định trước khi đụng đến điện thoại hay mở trang Facebook. Nếu bạn đang trong một buổi họp mặt với bạn bè, hãy tập trung vào cuộc trò chuyện và ngưng sử dụng Facebook trong khoảng nửa tiếng.

FOMO là gì: Việc tập trung vào những mục tiêu thật sự quan trọng trong cuộc sống sẽ giúp hạn chế tâm lý FOMO (ảnh: pexels)

FOMO là gì: Việc tập trung vào những mục tiêu thật sự quan trọng trong cuộc sống sẽ giúp hạn chế tâm lý FOMO
Nguồn: Pexels

Cách làm này không chỉ giúp chúng ta hoàn tất công việc nhanh hơn, tập trung vào hiện tại mà còn mang đến một cảm giác hoàn thiện hơn cho cuộc sống – vốn dĩ không hề có nếu ta mãi dán mắt vào màn hình.

Mặt khác, khi đứng trước những lựa chọn quan trọng, như mua một món hàng hay đầu tư một số tiền lớn, chúng ta cần phân tích mọi thứ liên quan và tìm kiếm những review thật sự chất lượng. Điều quan trọng là hướng sự chú ý vào nhu cầu thực tế của bản thân. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi khách quan để kiểm tra sự cần thiết của những sản phẩm đó. Không nên chỉ dựa vào danh tiếng và lời hứa hẹn của một vài cá nhân để rồi vướng vào những vụ lừa đảo hoặc lãng phí tiền vô ích.

2. Loại bỏ những thứ kém quan trọng

Khi đã xác định được những mục tiêu quan trọng ở thời điểm hiện tại, việc tiếp theo ta cần làm là loại bỏ những chướng ngại vật ngăn ta đạt được mục tiêu đó. Nói đúng hơn, ta phải học cách quản lý việc sử dụng công nghệ, mức độ kỳ vọng của bản thân và hiểu được rằng mọi người chỉ đăng tải những gì tốt đẹp nhất của họ lên mạng.

Đối với công nghệ, chúng ta đều biết nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Do đó, việc loại bỏ hoàn toàn công nghệ khỏi lịch trình hàng ngày là một điều tương đối viển vông, nhưng không vì thế mà ta để chúng làm chủ mình. Hãy học cách sử dụng hợp lý để tối đa hoá công dụng mà những ứng dụng như Facebook, Twitter mang đến cho chúng ta, chứ không phải là gia tăng tâm lý FOMO bên trong mình.

Lời kết

Vũ hy vọng bạn đọc đã hiểu được tâm lý FOMO là gì, những nguyên nhân dẫn đến tâm lý FOMO là gì và những cách thức để quản lý hiệu ứng tâm lý này. FOMO không phải một hiện tượng tâm lý mới, nhưng với sức tác động của công nghệ, nó đã có những ảnh hưởng tương đối đáng kể đến cuộc sống của chúng ta.

Việc liên tục kiểm tra mạng xã hội, hay lãng phí tiền vào những sản phẩm không cần thiết, đều là hệ quả của tâm lý FOMO. Do đó, việc cần thiết là chúng ta sớm nhận ra cách mà công nghệ và các thương hiệu đang làm để giành lấy sự chú ý của người dùng và tìm cách thoát khỏi vòng xoáy đó.

Một phương pháp bạn có thể thực hiện là tập xác định những mục tiêu quan trọng ở hiện tại và dành thời gian cho chúng, tránh bị chi phối bởi những thứ kém liên quan khác. Ngoài ra, học cách quản lý việc sử dụng công nghệ cũng là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tâm lý FOMO. Bởi suy cho cùng, cuộc sống vẫn tồn tại những thứ đáng giá hơn là những bức ảnh trên mạng hay những món đồ khuyến mãi.

* Nguồn: Vũ Digital