Vai trò của ý tưởng, thông điệp và chiến lược trong chiến dịch quảng cáo

Vai trò của ý tưởng, thông điệp và chiến lược trong chiến dịch quảng cáo

“Quảng cáo tốt gãi đúng chỗ ngứa. Quảng cáo đỉnh cao gãi đúng chỗ sướng”. Đó là góc nhìn chân thật về quảng cáo đã được anh Ti gửi gắm trong cuốn sách đầu tay của mình – “Think Out Of The Book” – Nghĩ ngoài sách vở.

Thay vì chỉ tập trung vào giải quyết, đáp ứng những nhu cầu hiện có của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu đã nỗ lực để tạo ra những nhu cầu mới và đáp ứng những nhu cầu mới đó. Đây là công việc khó nhằn và đòi hỏi cao tính sáng tạo của marketer hay người làm quảng cáo, nhưng nó là công việc bắt buộc phải làm nếu thương hiệu muốn tạo ra sự khác biệt.

Dưới đây là 3 lưu ý được anh Đốc Tờ Ti chia sẻ trong “Think Out Of The Book”, những chia sẻ này chính là nền tảng mà những bạn trẻ mới vào nghề cần lưu ý để xây dựng nên những chiến dịch quảng cáo hiệu quả.

1. Đừng chỉ nghĩ đến Copy hay Visual. Hãy nghĩ một cái AD.

Thông thường, sau bước nhận brief Art Director sẽ tập trung truy tìm ý tưởng bằng hình ảnh trong khi Copywriter sẽ tư duy ý tưởng bằng câu chữ, sau đó cả hai sẽ “xếp hình” suy nghĩ vào với nhau để thống nhất được ý tưởng lớn. Đó cũng là một cách, nhưng theo anh Đốc Tờ Ti cách hay hơn để tận dụng tối đa khả năng sáng tạo là quên đi vai trò của mình. Hãy quên đi việc bạn là Art hay Copy, chúng ta là người bán hàng, chúng ta cần nói gì để thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.

“Nói gì không chỉ nghĩa là câu chữ. Show gì không chỉ nghĩa là hình ảnh. Chúng nên có nghĩa: Cái Ad (mẫu quảng cáo) cần nói gì để thuyết phục người ta mua hàng.”

Bước đầu tiên cần thực hiện trong một quy trình sáng tạo quảng cáo là xác định được rõ thông điệp mình muốn truyền tải, sau đó mới đến bước tính dùng câu chữ, hình ảnh, âm nhạc… như thế nào để thể hiện ý muốn nói hay ho, hấp dẫn, thuyết phục nhất.

“Hình ảnh, câu chữ không phải là câu chuyện. Chúng chỉ là cách thức, phương tiện để kể câu chuyện.”

2. Đừng chỉ nghĩ 1 cái AD. Hãy nghĩ đến 1 chiến dịch! Xa hơn nữa là hành trình của thương hiệu!

Để sản xuất được nội dung hay một mẫu quảng cáo chúng ta cần phải có ý tưởng. Nhưng ngay cả khi ý tưởng có hay đến đâu thì mẫu quảng cáo vẫn có thể bị “giết” nếu nó không bám sát, phục vụ ý tưởng lớn của chiến dịch (big idea/ strategy idea…)

Trong một chiến dịch quảng cáo, sẽ có nhiều content khác nhau. Mỗi content có nhiệm vụ khác nhau, xuất hiện ở những thời điểm, nơi chốn, nền tảng khác nhau. Nhưng điều chắc chắn, chúng phải cùng nói, dẫn dắt người nghe đến ý tưởng lớn của chiến dịch.

Theo tác giả Đốc Tờ Ti, cách để các bạn trẻ có thể tiến bộ nhanh hơn cũng như bồi dưỡng khả năng sáng tạo của mình là hãy nghĩ rộng hơn, nhìn khái quát hơn, và quan trọng nhất hãy hiểu rõ bức tranh toàn cảnh.

Nhìn tổng thể chiến dịch, hiểu rõ mục đích, mục tiêu. Tiếp đến là tìm những cách để hiện thực hoá mục tiêu đó, tức là tìm nội dung gì, thuộc bước nào, giai đoạn nào của chiến dịch, có nhiệm vụ gì…? Cuối cùng mới là sáng tạo câu chữ, hình ảnh.

“Từ nhận biết đến thẳng mua sắm thì thương hiệu nào chả muốn. Nhìn thấy quảng cáo xong là lao đi mua hàng – Mơ!!! Tiếp thị thời nay cũng giống bóng đá hiện đại – Đường vòng là đường ngắn nhất → Tấn công biên.”

3. Một AD dở chỉ là một AD dở. Nhưng một chiến lược dở thì hỏng hết.

Một mẫu quảng cáo/nội dung ví như một cái nhà trong thành phố. Nếu cái nhà xấu, không hợp lý, thì cũng chỉ là chuyện một cái nhà xấu. Nhưng một thành phố quy hoạch sai, xấu, thì rất đáng quan ngại.

Mọi nội dung quảng cáo đều cần một cái nền móng để đứng đúng, đứng vững. Cái móng chính là ý tưởng lớn của nhóm nội dung, của chiến dịch, của thương hiệu. Ý tưởng lớn (chiến lược), vì thế, có thể coi là một quy hoạch, trước khi những nội dung quảng cáo được xây lên.

“Và bản chất, định vị, chiến lược, là một trò chơi khó. Sẽ có ai đó phải thua.”

Bên cạnh những quan điểm trên, “Think Out Of The Book” – Nghĩ ngoài sách vở còn chứa đựng nhiều chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả Đốc Tờ Ti về ngành quảng cáo tại Việt Nam. Cuốn sách như là cuốn sổ tay, nơi tác giả ghi chép lại những kinh nghiệm làm nghề, những bài học được anh đúc rút sau nhiều năm đâm vào rút ra với quảng cáo cùng với đó là những kiến thức nền tảng đã được thực nghiệm và làm mới. Hi vọng bạn đọc sẽ rút ra được nhiều điều có ích cho bản thân sau khi đọc cuốn sách này. Để những chương sáng tạo mới lại tiếp nối ra đời trong cuộc sống của mỗi chúng ta.