Marketer Minh Trương
Minh Trương

Business Director @ VR PLUS

Thực tế ảo thay đổi ngành bán lẻ

Thực tế ảo thay đổi ngành bán lẻ

Thực tế ảo đã góp phần làm thay đổi ngành bán lẻ theo chiều hướng tích cực, gia tăng trải nghiệm mua sắm cho nhiều khách hàng trên khắp thế giới và mở ra một tương lai mới cho lĩnh vực này.

Khách hàng bắt đầu quen với việc mua sắm trực tuyến khi công nghệ ngày càng phát triển. Giờ đây, họ cũng mong đợi trải nghiệm mua sắm trở nên thoải mái hơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, thực tế ảo đã xuất hiện và đang dần thay đổi ngành bán lẻ.

1. Sự khác biệt giữa AR và VR trong bán lẻ

Thực tế ảo (Virtual Reality – VR) trong mua sắm thường được kết hợp với công nghệ Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR) cho phép khách hàng tương tác với sản phẩm. Cả hai đều nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm thoải mái hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng cũng có những điểm khác biệt:

  • Về cơ bản, Thực tế ảo tăng cường (AR) cho phép khách hàng nhìn thấy các sản phẩm kỹ thuật số (digital) đã được ảo hoá ở trong chính thế giới thực, trong khi trải nghiệm mua sắm Thực tế ảo (VR) mang họ vào bên trong một thế giới ảo. Ví dụ, các cửa hàng có công nghệ thực tế ảo tăng cường cho phép khách hàng tương tác với sản phẩm mà không cần chạm vào chúng, thử nghiệm một sản phẩm ảo trong không gian thật, xem xét chúng trước khi đến cửa hàng để thử hay mua hàng.
  • Thực tế ảo hoàn toàn biến đổi thực tế, thay vì tăng cường chúng. Ví dụ, bạn muốn ghé thăm một cửa hàng mới nhưng không thể đến đó ngay lập tức, chuyến tham quan thực tế ảo cho phép bạn quan sát mọi thứ như thể bạn đang ở đó. 

AR trong trung tâm siêu thị

AR trong trung tâm siêu thị – sử dụng điện thoại thông minh để xem thông tin hiển thị khu mua sắm

2. Các con số thống kê về thực tế ảo trong thị trường bán lẻ

Nếu AR và việc áp dụng công nghệ 3D là bước đầu tiên để nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, thì VR là bước tiếp theo mà các nhà bán lẻ thực hiện. Điều này thể hiện qua các số liệu thống kê sau:

  • Shopify, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn, có tỷ lệ chuyển đổi tăng 94% sau khi triển khai AR tại các cửa hàng của họ.
  • Doanh thu tổng thể của MOSCOT, nhà sản xuất kính mắt có trụ sở tại New York, tăng 174% sau khi triển khai chức năng dùng thử ảo trên trang web của họ.
  • Theo Statista, giá trị của thị trường thực tế ảo đạt 30,7 tỷ USD.
  • Báo cáo của Statista cũng cho biết, số lượng người dùng di động tích cực thử công nghệ AR/VR đạt 810 triệu.

Những con số này dự đoán tiềm năng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường mua sắm VR. Dự báo do Market Research Future đưa ra kỳ vọng, đến năm 2030, thực tế ảo trong thị trường bán lẻ toàn cầu sẽ có mức độ tăng trưởng CAGR là 25% và đạt 19 tỉ USD.

Các chỉ số theo báo cáo của Market Research Future

Các chỉ số theo báo cáo của Market Research Future

3. Lợi ích của thực tế ảo trong bán lẻ

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong các cửa hàng giúp gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy các chiến dịch marketing, đồng thời thay đổi hành trình trải nghiệm khách hàng và tăng doanh số bán hàng.

  • Tương tác với khách hàng: Lợi ích lớn nhất của VR trong bán lẻ là giúp thương hiệu gia tăng sự kết nối với khách hàng. Với VR và AR, khách hàng có thể cảm nhận, dùng thử và xem sản phẩm ngay tại nhà. Trải nghiệm mua sắm đắm chìm trong một không gian được ảo hoá (Immersive Shopping), tạo ra cảm giác kết nối cả về thể chất và cảm xúc giữa khách hàng và thương hiệu. Ví dụ, The North Face đã giới thiệu sản phẩm áo khoác giữ ấm McMURRO, bằng cách đưa khách hàng đi tham quan Nepal thông qua VR.

  • Cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm VR: Con người thường cảm thấy gần gũi hơn với những thứ khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ nhất. Sử dụng công nghệ VR, thương hiệu có thể cá nhân hoá hành trình trải nghiệm và mua sắm của khách hàng. Ví dụ, khách hàng có thể là nhà thiết kế và tự thiết kế chiếc áo khoác bằng các công cụ ảo trước khi đặt hàng. Hay trong lĩnh vực bất động sản và nội thất, khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn vật liệu hay trang thiết bị nội thất... Và điều tuyệt vời là họ có thể thực hiện điều đó ngay tại nhà.

Trải nghiệm, tuỳ chỉnh, cá nhân hoá sản phẩm trước khi mua hàng

Trải nghiệm, tuỳ chỉnh, cá nhân hoá sản phẩm trước khi mua hàng

  • Sử dụng các công cụ tiếp thị trong VR: Mục tiêu sau cùng của tiếp thị là giới thiệu sản phẩm ra thị trường và làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn đối với tệp khách hàng mục tiêu. Để khách hàng thấy được những lợi ích, tính năng của sản phẩm là mục tiêu mà các nhà tiếp thị cần phải đạt được. Và VR có thể làm tốt điều này. Ví dụ, adidas đã mang đến góc nhìn 360 độ về hành trình leo núi của hai vận động viên được tài trợ bởi thương hiệu qua công nghệ VR.

  • Trưng bày sản phẩm hiệu quả: Xét cho cùng, bán sản phẩm là phần quan trọng nhất của ngành bán lẻ. Quá trình khách hàng đi qua khu vực trưng bày của nhãn hàng, xem các sản phẩm trên kệ, lựa chọn, kiểm tra và thêm sản phẩm vào giỏ hàng... có thể mang đến những dữ liệu vô giá cho các nhà bán lẻ. Nhiều nhà bán lẻ nhận thấy rằng việc có một phòng trưng bày ảo giúp họ biết chính xác cách phân phối sản phẩm trên kệ mà không cần phải phỏng đoán.

Tối ưu hoá trưng bày sản phẩm qua thói quen và hành vi của khách hàng

Tối ưu hoá trưng bày sản phẩm qua thói quen và hành vi của khách hàng

  • Thử nghiệm sản phẩm mới hoặc nghiên cứu tiếp thị: Trước khi thực hiện bất kỳ chiến dịch quảng cáo hoặc ra mắt sản phẩm quan trọng nào, nhiều công ty thường chạy thử nghiệm khả năng chấp nhận của người dùng. Và công nghệ VR cực kỳ hữu ích trong việc này. Ví dụ, nếu nhà bán lẻ muốn thử nghiệm bộ sưu tập mới trước khi giới thiệu với khách hàng tại hệ thống các cửa hàng thực, họ có thể giới thiệu bộ sưu tập đó với khách hàng từ khắp nơi trên thế giới qua công nghệ VR.

VR cho phép sản phẩm mới được ra mắt và lấy ý kiến người tiêu dùng trước khi đưa vào sản xuất 

VR cho phép lấy ý kiến người tiêu dùng trước khi sản xuất sản phẩm mới

  • Phân tích dữ liệu hành vi của người tiêu dùng: Mua sắm thực tế ảo cung cấp một lượng dữ liệu khổng lồ cho việc phân tích tiếp thị. Dữ liệu này có thể được sử dụng để cải thiện nhận thức về thương hiệu và trải nghiệm của khách hàng. Ví dụ, công nghệ theo dõi mắt được tích hợp trong tai nghe VR (headset) di động đã giúp Kellog’s hiểu được cách khách hàng lựa chọn sản phẩm trên kệ. Từ đó, thương hiệu biết được mặt hàng nào khách hàng thấy hấp dẫn và mặt hàng nào không thu hút sự chú ý của họ.

VR giúp thương hiệu thấu hiểu được hơn nhu cầu của khách hàng

VR giúp thương hiệu thấu hiểu hơn nhu cầu của khách hàng

  • “Cặp song sinh kỹ thuật số” (Digital Twins) giúp cắt giảm khí thải carbon: Nhiều khách hàng thường du lịch đến các quốc gia khác để xem các bộ sưu tập khác nhau của những thương hiệu yêu thích, chuyến đi này làm tăng thêm lượng khí thải carbon gây hại cho bầu khí quyển. Khi các thương hiệu bắt đầu giới thiệu mô hình ảo của cửa hàng, còn được gọi là “Cặp song sinh kỹ thuật số” (Digital Twins), khách hàng không còn nhu cầu đi lại để xem quần áo nữa thay vào đó họ có thể nhìn thấy và cảm nhận sản phẩm ngay tại nhà. Trên thực tế, Sáng kiến ​​Phát triển Bền vững Toàn cầu kỳ vọng mô hình Digital Twins sẽ góp phần giảm 20% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2030.

Digital twins giúp cắt giảm 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030

Digital Twins giúp cắt giảm 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030

4. Cách VR được sử dụng trong kinh doanh bán lẻ

Sau khi nhìn thấy những lợi ích của VR, các nhà bán lẻ bắt đầu triển khai công nghệ này theo nhiều cách khác nhau.

  • V-Commerce trở thành một lĩnh vực riêng biệt trong thương mại điện tử

Thương mại điện tử đã có được một vị trí vững chắc trong ngành thương mại và trở nên phổ biến hơn so với bán lẻ vật lý. Việc bán và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thông qua internet có ứng dụng công nghệ thực tế ảo bắt đầu thu hút sự quan tâm của các nhà bán lẻ và được tách riêng thành một phân nhóm với tên gọi là V-Commerce.

Việc giúp khách hàng có được trải nghiệm ảo với sản phẩm đã góp phần làm giảm đáng kể số lượng người mua từ bỏ giỏ hàng của họ ngay trước bước thanh toán (shopping cart abandonment).

  • Gặp gỡ ảo với khách hàng

Thực tế ảo giúp thương hiệu và khách hàng tương tác tốt hơn. Một chuyến tham quan ảo đến cửa hàng sẽ nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Ngược lại, thương hiệu có thể giải đáp thắc mắc và tư vấn cho khách hàng như trong một cửa hàng vật lý.

Khi nhìn thấy sản phẩm ưa thích trong cửa hàng, ngay lập tức khách hàng có thể hình dung cách sử dụng sản phẩm. Ví dụ, sau khi thiết lập kính VR vào cửa hàng đồ dùng nhà bếp và tiện ích, khách hàng có thể xem cách họ làm sinh tố bằng máy xay sinh tố trong thực tế ảo.

  • Tuỳ biến, cá nhân hoá thiết kế sản phẩm

Thực tế ảo đã làm thay đổi ngành bán lẻ khi công nghệ này được giới thiệu là có khả năng cấu hình sản phẩm. Điều này cho phép khách hàng xem sản phẩm trong môi trường ảo, kiểm duyệt sản phẩm, thay đổi giao diện và tùy chỉnh theo ý thích của họ. Công cụ cấu hình sản phẩm VR chủ yếu được sử dụng trong ngành bán lẻ khi các sản phẩm có thể được thay đổi theo nhu cầu và sở thích của khách hàng.

Ứng dụng VR – tuỳ biến cấu hình, giao diện sản phẩm khi mua ô tô

Ứng dụng VR – tuỳ biến cấu hình, giao diện sản phẩm khi mua ô tô

  • Tham quan cửa hàng ảo

Việc mở cửa hàng thực tế ảo để khách hàng có thể tham quan cho thấy sự cởi mở của thương hiệu, đồng thời khách hàng có thể cảm nhận văn hoá và bản sắc của thương hiệu. Bằng cách sử dụng công nghệ này, thương hiệu có thể tương tác với khách hàng và cho phép họ ghé thăm các thiết lập ảo của cửa hàng mà không cần thực sự bước chân ra khỏi nhà.

Showroom VR của thương hiệu Sunhouse

Showroom VR của thương hiệu Sunhouse

  • Huấn luyện, đào tạo nhân viên

Ngành công nghiệp bán lẻ thực tế ảo không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, mà còn cho cả nhân viên. Việc đào tạo nhân viên trở nên hiệu quả hơn sau khi ứng dụng VR. Ví dụ, các tình huống rủi ro vốn chỉ được thông báo và lưu ý trong các tài liệu tập huấn, nhưng nhờ công nghệ thực tế ảo chúng sẽ được hệ thống lại và trở thành tài liệu đào tạo cho nhân viên mới. Nhân viên có thể giải quyết các tình huống khó khăn, tương tác với khách hàng và tìm hiểu thêm về sản phẩm, để chuẩn bị tốt hơn cho công việc của họ. Bên cạnh đó, trong khi sản phẩm không ngừng được phát triển và nâng cấp, việc đào tạo nhân viên phải diễn ra liên tục, ứng dụng VR sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong vấn đề này.

5. Các trường hợp điển hình ứng dụng VR trong bán lẻ

VR đã làm thay đổi ngành mua sắm và các thương hiệu sẽ không dừng lại với những gì họ đã có. 

  • Alibaba: Khái niệm cửa hàng thực tế ảo được sử dụng rất nhiều trong chiến lược của gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Alibaba. Cửa hàng đã giới thiệu một chương trình khuyến mãi cho các cửa hàng được ảo hoá, nơi mà khách hàng có thể đi qua, chọn những thứ họ muốn mua, xem nội dung và giá cả, sau đó thêm chúng vào giỏ hàng.

Ứng dụng virtual showroom của Alibaba

Ứng dụng Virtual Showroom của Alibaba

  • Toms: Công ty giày Toms là một ví dụ khác về VR tại cửa hàng. Công ty đã lắp một góc trải nghiệm có kính VR tại 100 cửa hàng, quảng bá về chương trình tặng giày cho trẻ em Peru.

Virtual reality with Toms

  • Volvo: Công ty đã sử dụng Google Cardboard cho ứng dụng Volvo Reality cho phép người lái xe thử đi qua các địa điểm ảo khác nhau trước khi ra quyết định mua hàng. Sáng kiến ​​này hiệu quả đến mức các công ty xe hơi khác bắt đầu áp dụng theo.

  • Mastercard và Swarowski: Một ví dụ điển hình khác về mua sắm thực tế ảo trực tuyến là ứng dụng do Mastercard và Swarovski phát triển. Nhà sản xuất trang sức đã quảng bá bộ sưu tập đồ trang trí nhà của mình bằng cách cho phép khách hàng xem các mặt hàng trong ngôi nhà thực tế ảo, lựa chọn và thanh toán bằng thẻ Mastercard.

6. Tác động của COVID-19 đối với VR trong bán lẻ

Đại dịch COVID-19 làm hạn chế khả năng kinh doanh của các cửa hàng, đặc biệt tình hình tệ hơn khi họ không có bất kỳ sự hiện diện trực tuyến nào. Đây cũng là lý do mua sắm online trở nên phổ biến cùng với sự phát triển của internet. Có thể thấy, những doanh nghiệp nào có thể tiếp cận khách hàng ngay cả trong thời gian cách ly sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, và các doanh nghiệp khác bắt đầu tìm cách để có thể di chuyển lên môi trường trực tuyến. 

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, ngành công nghiệp VR đã tăng 50% so với năm trước. Điều này cho thấy VR nói chung và bán lẻ VR nói riêng có khả năng cạnh tranh mạnh hơn so với các hoạt động tiếp thị khác, chẳng hạn như cửa hàng trực tuyến, quảng cáo vật lý, hay các kênh truyền thống như TVC và radio.

Các cửa hàng bán lẻ thực tế ảo bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn và khách hàng đã quen với cái gọi là “thực tế mới”. Vào năm 2020, gần 32% người đã sử dụng công nghệ AR và VR để mua sắm. Nhìn chung, COVID-19 đã chuyển đổi công nghệ thực tế ảo từ một công nghệ ngách trở thành một trong những phương pháp nổi bật để quảng bá bán lẻ và tương tác với khách hàng.

Một số chuyên gia trong mảng truyền thông, tiếp thị cũng nhận định rằng khi COVID-19 qua đi, người tiêu dùng sẽ quay lại với thói quen mua sắm tại các cửa hàng phân phối vật lý, nhu cầu của doanh nghiệp với VR sẽ giảm đi. Ai cũng có lý lẽ riêng khi đưa ra nhận định của mình, tuy nhiên thói quen mua sắm và nhu cầu trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng ngày càng cao và khó tính hơn. Và người tiêu dùng mới là người quyết định việc đó chứ không phải các chủ doanh nghiệp. Vậy thương hiệu thông minh sẽ ngồi đợi hay sẽ nắm bắt, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tự làm chủ bước tiến trong chiến lược bán hàng và tiếp thị của mình?

7. VR đang thay đổi bán lẻ như thế nào?

Thực tế ảo bắt đầu chiếm lĩnh hầu hết các ngành kinh doanh như bất động sản, nhà hàng, khách sạn & du lịch, y tế, giáo dục, sản xuất, sự kiện… và bán lẻ cũng không ngoại lệ. Ngành công nghiệp mua sắm là ngành mà mọi người sử dụng hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của họ và tất nhiên, các nhà cung cấp muốn cải thiện và cung cấp dịch vụ tiện nghi, thoải mái hơn cho người tiêu dùng. Các cửa hàng giới thiệu hoạt động mua sắm trong VR theo nhiều cách: sử dụng VR tại cửa hàng, cung cấp các chuyến tham quan cửa hàng ảo và thậm chí phát minh ra V-Commerce. Những con số nêu trong bài viết này phần nào cho thấy hiệu quả của công nghệ và mức độ yêu thích của khách hàng. 

Thêm vào đó công nghệ VR/AR là một trong những công nghệ nền tảng bên cạnh chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), để tiến tới một kỷ nguyên mới của internet đó là Web3.0 và Metaverse, và khi điều đó dần dần trở thành hiện thực, nó sẽ thay đổi cách con người mua sắm.

Có thể thấy, VR là công nghệ hữu ích cho kinh doanh bán lẻ, nhưng việc triển khai cần thời gian và nỗ lực của các chuyên gia lành nghề. Sẽ tốt hơn nếu doanh nghiệp và thương hiệu của bạn kết hợp với một đơn vị tư vấn & triển khai đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Nếu bạn cần sự trợ giúp của chuyên gia trong việc thực hiện một dự án VR, VR PLUS sẽ luôn sẵn sàng trợ giúp.

*** Nguồn tham khảo: Statista, Shopify, Alibaba, Wikipedia…

Nguồn: VR PLUS