Doanh nghiệp sữa đang lao đao vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao?

Doanh nghiệp sữa đang lao đao vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao?

COVID-19, tình hình chính trị – xã hội bất ổn, cùng nhiều yếu tố khác đã đẩy giá sữa nguyên liệu trên thế giới lên mức cao kỷ lục. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm và tìm cách cân đối chi phí.

Doanh nghiệp sữa “căng mình” chịu sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Theo VnExpress, 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sữa ở Châu Âu đã 2 lần lập đỉnh mới lên 5.100 euro/tấn và khu vực Nam Mỹ là 4.300 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Mỹ. New Zealand – nguồn nhập khẩu chính trước đây – giảm do sản lượng ít hơn vì ảnh hưởng của COVID-19 khiến nước này thiếu lao động. Điều này, càng khiến giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước tăng cao.

Thống kê mới nhất của Rabobank tại hội nghị sữa toàn cầu 2022 ở Pháp gần đây cho thấy giá sữa nguyên kem bình quân tại Châu Âu quý II đạt 5.100 euro/tấn, tăng gần 14% so với quý 1. Dự báo giá sữa nguyên kem ở các khu vực Châu Âu sẽ đi ngang ở đỉnh, còn Châu Đại Dương và khu vực Nam Mỹ tiếp tục tăng trong quý 3 thêm 10%. Đây cũng là mức giá đạt đỉnh mới và tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ của ngành sữa. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sữa trong quý 2 đã tăng 59% so với cùng kỳ.

Tại Mỹ, giá sữa bán buôn đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá bán lẻ sữa tươi nguyên kem tăng 15%.

Mary Ledman, nhà chiến lược sữa toàn cầu tại Rabobank, cho rằng COVID-19 đã làm tăng giá của nhiều loại hàng hoá khi việc khoá chặt các chuỗi cung ứng toàn cầu bị bóp méo. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng sữa, khi nông dân phải bỏ thêm các chi phí đắt đỏ để xử lý phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Nguồn: VnExpress

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế – chính trị thế giới cũng góp phần tạo ra làn sóng tăng giá sữa nguyên liệu trên toàn cầu. Theo BNews, căng thẳng giữa Nga – Ukraine đang làm tăng giá năng lượng cũng như nhu cầu dự trữ lương thực của Châu Âu, khiến giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi bò toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Âu và Australia đang nuôi nhiều bò lấy thịt thay vì lấy sữa cũng dẫn đến số lượng đàn bò sữa ngày càng giảm.

Thông báo của Chính phủ Trung Quốc về lợi ích sức khoẻ của việc tiêu thụ các sản phẩm sữa chống lại tác hại của đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ tăng trưởng tiêu thụ sữa không ngừng ở Trung Quốc.

Về giá đường, đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến chi phí đầu vào tăng vọt, kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất sữa giảm thời gian qua. Năm 2022, nguồn cung đường toàn cầu dự kiến sẽ giảm do điều kiện mùa khô nóng. Cùng với các chính sách thuế hạn chế đường nhập khẩu, giá đường Việt Nam ngày càng đắt đỏ. VDSC dự kiến, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với tác động kép do giá đường thô và sữa nguyên liệu tăng.

Tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp sữa đều đang “căng mình” chịu sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng với lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm. Báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp sữa đã tăng thêm 5% giá bán ra trong nửa đầu năm, do nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Vinamilk cho biết, 6 tháng đầu năm giá sữa nguyên liệu tăng 60-70%, thậm chí có nhóm tăng 100%. Cùng với đó, thức ăn chăn nuôi giá cước vận chuyển tăng phi mã đã góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao. Tương tự, tại TH True Milk, Nutifood, VPMilk cũng không nằm ngoài bối cảnh trên. Do đó, hầu hết hãng sữa đều đã điều chỉnh giá bán ra trên thị trường.

Nguồn: VnExpress

Nhưng theo các chuyên gia, tỷ lệ này tăng giá này khá thấp so với nguyên liệu đầu vào. Do đó, lợi nhuận ngành sữa năm nay được các công ty chứng khoán nhận định là thấp hơn so với các năm trước đó. Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2021. Còn IDP dù đặt doanh thu tăng 14%, lên 5.500 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 45%, về 452 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, đánh giá dù các doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ phương án như mua hàng tích trữ dài hạn hay chọn đối tác cung ứng giá tốt nhưng quý 3, giá sữa tiếp tục dự báo leo thang sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Hiện, 60% nguyên liệu để sản xuất sữa bột là nhập khẩu nên giá nguyên liệu tác động lên nhóm này khá lớn. 6 tháng đầu năm sức tiêu thụ của nhiều nhóm sữa tăng trưởng chậm.

Ngành sữa trong nước: Trong cái khó, “ló” nhiều cơ hội

Theo ông Trung, giai đoạn này nếu các doanh nghiệp biết cân đối chi phí để có giá sản phẩm hợp lý, thị phần sữa của họ sẽ nhanh chóng tăng cao. Thống kê của thị trường Việt Nam cho thấy sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

Đồng thời, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 26-28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người, các nước Châu Âu từ 80-100 lít. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic... dùng cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, ung thư, tiểu đường... xu hướng tăng cao hơn.

Để không bị lung lay trước cơn bão giá về nguyên liệu xảy ra bất ngờ trên thế giới, ngành sữa Việt cần chuyển mình xây dựng các trang trại theo hướng hiện đại hoá, phát triển xanh, bền vững và đa dạng sản phẩm. Hiện các công ty sữa Việt Nam đang tập trung vào việc nâng cao năng lực cốt lõi như đầu tư nâng cấp năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và đàn bò, từ đó giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, khi áp lực tăng chi phí đầu vào giảm.

Năm 2022, Vinamilk sẽ được thúc đẩy triển khai 4 dự án chiến lược nhằm tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho giai đoạn 5 năm 2022-2026 gồm: dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò, với quy mô hợp tác các giai đoạn dự kiến lên đến 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.

Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu, Vinamilk cùng Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) triển khai tổ hợp dự án gồm: trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại Mộc Châu – Sơn La, dự kiến khởi công trong năm nay.

Nguồn: Hires

Về phía IDP, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường, sức khỏe và chế độ ăn uống đòi hỏi ngành sữa phải đa dạng hóa sản phẩm, ví dụ như chuyển sang đồ uống có nguồn gốc thực vật, mở rộng quy mô trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sữa cần đổi mới chiến lược marketing về sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Rabobank, sang 2023, giá sữa nguyên liệu sẽ giảm nhẹ và đi ngang. Do đó, ngành sữa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giảm áp lực và có thêm cơ hội mới.

Báo cáo của Kantar cũng cho thấy, thị trường sữa toàn cầu sẽ dần thoát khỏi cơn khủng hoảng nguyên liệu khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn. Đặc biệt, trong nhóm các khu vực tăng trưởng, Châu Á sẽ là nơi có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Theo dự báo của Tập đoàn IMARC, giai đoạn 2022-2027, thị trường sữa toàn cầu kỳ vọng tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,09%. Trong tương lai, thị trường sẽ đạt giá trị 8,76 tỷ USD vào năm 2027.

* Nguồn: Tổng hợp