15 bí quyết để bạn sớm hoàn thành mục tiêu truyền thông

Bạn không thể sớm hoàn thành mục tiêu truyền thông của mình chỉ bằng việc liên tục cập nhật và tương tác với nhiều khách hàng tiềm năng.

Truyền thông đang trở thành yếu tố không thể thiếu của các chiến dịch tiếp thị quảng cáo. Bởi nó là chiếc cầu nối mang đến sự tin tưởng và thiện cảm ở mức độ cao nhất, thay thế xứng đáng cho các tương tác giữa người với người vốn đang bị lãng quên ở giữa kỷ nguyên số ngày nay.

Có nhiều phương thức truyền thông khác nhau từ trực tiếp đến gián tiếp, tạo ra cơ hội tiếp cận người tiêu dùng và khách hàng tiềm năng mỗi ngày cho thương hiệu của bạn. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng, mạng xã hội đang là nhóm kênh truyền thông mang lại hiệu quả lớn nhất. Đồng thời nó cũng nhận được sự ưu ái của các thương hiệu và mô hình kinh doanh, khi không ít nhà lãnh đạo và đội ngũ thương hiệu đang chấp nhận vung tiền cho các chiến dịch truyền thông mạng xã hội.

Tuy nhiên việc quá nhiều thương hiệu lạm dụng chi tiền cho các chiến dịch truyền thông lại dẫn đến một thực tế đáng lo ngại, đó là không còn nhiều thương hiệu chấp nhận đầu tư thời gian cũng như chất xám cho các nội dung truyền thông nữa. Thay vào đó, họ đặt niềm tin vô lối cho những đồng tiền được ném vào mạng xã hội. Tự nhủ rằng chỉ có sức mạnh của dòng tiền mới có thể mang lại sức mạnh cạnh tranh nhằm lấn át các đối thủ.

Truyền thông dần chứng tỏ được vai trò quan trọng (ảnh: Shutterstock).

Truyền thông dần chứng tỏ được vai trò quan trọng (ảnh: Shutterstock).

Một số trường hợp còn theo đuổi quan điểm “Content is King” một cách mù quáng. Liên tục cập nhật nội dung vô tội vạ trên các trang mạng xã hội, không ngừng tương tác với khách hàng và nghĩ đó là cách hiệu quả nhằm tối ưu chi phí truyền thông.

Thực tế là không có thương hiệu nào sớm hoàn thành các mục tiêu truyền thông của mình, chỉ bằng việc liên tục cập nhật nội dung và tương tác không ngừng ở trên mạng xã hội. Thậm chí hành động đầu tư tiền tấn cho các chiến dịch truyền thông cũng khó mang lại hiệu quả, nếu bản thân thương hiệu không có một định hướng nào rõ ràng và bền vững.

Trong bài chia sẻ lần trước về chủ đề các kênh truyền thông, Vũ từng khẳng định rằng mỗi kênh truyền thông khác nhau sẽ mang đến một hiệu quả khác nhau. Cũng chính từ nguyên do đó, mà mỗi kênh truyền thông đều có những kỹ thuật riêng biệt để làm nên sự hiệu quả. Ở bài chia sẻ lần này, Vũ muốn gửi đến các bạn 15 bí quyết để bạn sớm hoàn thành mục tiêu truyền thông của mình.

Chuỗi bí quyết gồm các kỹ thuật cơ bản nhất, dễ hiểu nhất khi sáng tạo nội dung trên ba nền tảng mạng xã hội phổ biến toàn cầu là Facebook, Instagram và Twitter. Tổng hợp và phân tích chi tiết bởi chuyên trang Social Insider. Được Vũ lược dịch lại và biên soạn nội dung bằng tông giọng đơn giản, dễ hiểu để cho bất cứ ai cũng có thể thấu hiểu nhóm kiến thức thương hiệu bổ ích này.

Hoàn thành mục tiêu truyền thông trên Instagram

Được Facebook mua lại cách đây tròn một thập kỷ, Instagram có giai đoạn đạt mức tăng trưởng còn cao hơn cả Twitter, Pinterest và chính Facebook. Sở hữu lợi thế khác biệt là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, tích hợp vô vàn hiệu ứng chỉnh sửa khác nhau cùng nhiều tính năng short contents thú vị. Instagram là sân chơi riêng cho người dùng trẻ tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, vậy bí quyết sáng tạo nội dung và thúc đẩy tính hiệu quả của chiến lược truyền thông Instagram là gì?

Đừng nghĩ đến việc “mua tương tác” để hoàn thành mục tiêu truyền thông

Người làm truyền thông càng muốn hoàn thành mục tiêu truyền thông sớm chừng nào, thì lại dễ bị thuyết phục bởi những lời chào mời mua bán tương tác chừng đấy. Tuy nhiên bạn đừng nghĩ đến việc “mua tương tác” để hoàn thành mục tiêu truyền thông trên Instagram. Vì mạng xã hội này không khuyến khích và chấp nhận tiếp tay cho hành động đó.

Có hai phương án phổ biến nhất để mua bán lượt tương tác. Đó là tạo ra nhiều tài khoản giả và tương tác qua lại với những tài khoản có liên quan đến thương hiệu của bạn, hoặc là mua hẳn các dịch vụ bot ảo để tạo ra nhiều lượt tương tác hơn nữa. Trong khi đó, định hướng của Instagram là khuyến khích các tương tác thật sự, thân thiện và bền vững giữa tài khoản này với tài khoản kia.

Mua bán tương tác để đạt mục tiêu truyền thông không phải ý kiến hay (ảnh: Travel Payouts).

Mua bán tương tác để đạt mục tiêu truyền thông không phải ý kiến hay (ảnh: Travel Payouts).

Mạng xã hội Instagram có thể phát hiện ra các tài khoản ảo và xoá chúng ngay lập tức nếu cần, thậm chí họ có riêng một đội ngũ chuyên phát hiện ra các tương tác ảo và thư rác. Dĩ nhiên hành động mua bán tương tác sẽ không giúp bạn hoàn thành mục tiêu truyền thông trên Instagram. Đôi khi lại tạo tác dụng ngược làm ảnh hưởng đến chất lượng của mô hình kinh doanh về lâu dài.

Một số cách để phát hiện việc mua bán tương tác trái quy định có thể kể đến như: số người theo dõi thấp hơn số lượt theo dõi, các bài viết thường được đăng tải cùng một ngày trong nhiều tháng, số lượng tương tác thấp hơn nhiều so với số người theo dõi,…

Hãy mạnh dạn sử dụng nhiều hashtag

Bắt đầu xuất hiện từ năm 2010, hashtag và Instagram như được sinh ra để dành cho nhau. Chúng không thể tách rời đến nỗi hashtag trở thành một trong những yếu tố quan trọng, quyết định được thành bại của một bài viết, một chiến dịch truyền thông cũng như các mục tiêu truyền thông lâu dài của đội ngũ thương hiệu.

Sau khi theo dõi hơn 640 nghìn bài viết của gần 7 nghìn tài khoản Instagram, đội ngũ Social Insider đã rút ra kết luận quan trọng về số lượng hashtag. Theo đó mỗi tài khoản sẽ có một số lượng hashtag tương ứng để phù hợp với mục tiêu truyền thông. Chẳng hạn một tài khoản có từ 50 nghìn đến dưới 100 nghìn người theo dõi, số lượng hashtag lí tưởng ở mỗi bài viết là 8 hashtag. Con số này tiếp tục dao động trong trường hợp tài khoản có dưới 50 nghìn hoặc trên 100 nghìn người theo dõi.

mục tiêu truyền thông

Hashtag và Instagram không thể tách rời nhau (ảnh: PLANOLY Blog).

Instagram có cơ chế xử lý hashtag không giống nhiều mạng xã hội khác. Khi người dùng tìm kiếm theo hashtag, một chuỗi bài viết từng được gắn hashtag sẽ xuất hiện trình tự tuỳ vào mức độ phổ biến. Không sử dụng hashtag đồng nghĩa rằng bạn đang tự ẩn đi bài viết của mình với mọi người. Ngược lại khi mạnh dạn sử dụng và gắn hashtag, bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu truyền thông với mức độ lan truyền nội dung mạnh mẽ.

Cần lưu ý thêm rằng, số lượng hashtag cần phải phù hợp với từng tài khoản theo như công thức phía trên. Tránh lạm dụng quá nhiều hashtag dễ tạo ra cảm giác bạn đang spam nội dung, hình thức bài viết cũng bị ảnh hưởng vì phần hashtag sẽ được in đậm và lấn át những thông điệp chính cần truyền tải.

Quan tâm nhiều hơn việc sử dụng Stories

Instagram Story là tính năng giúp thương hiệu kết nối với người dùng một cách gần gũi hơn, đời thực hơn và tạo cảm giác như đang đối thoại trực tiếp. Thay vì tạo ra 6 bài viết mỗi ngày hay nhiều hơn thế và khiến người dùng cảm thấy chán ngán, bạn có thể tạo ra 6 stories mỗi ngày mà vẫn giữ được mối dây liên kết tích cực với khách hàng của mình (theo nghiên cứu của đội ngũ Social Insider).

Một ưu điểm khác của tính năng Stories so với bài viết thông thường nằm ở tính tương tác. Khi đăng tải Stories bạn có thể tuỳ chỉnh thêm vào các tiện ích Đặt câu hỏi, Khảo sát thống kê hoặc Dán thẻ vị trí. Mỗi tiện ích đều là một “mồi câu tương tác” mà đội ngũ Instagram đã mang đến, với nhiệm vụ hỗ trợ đội ngũ thương hiệu sớm hoàn thiện các mục tiêu truyền thông. Theo thống kê, hơn một nửa thương hiệu lớn tại Mỹ đã và đang sử dụng tính năng Instagram Story mỗi ngày. 

Chỉ sử dụng hình ảnh chất lượng cao

Có không ít doanh nghiệp và đội ngũ thương hiệu đang sử dụng hình ảnh kém chất lượng, kích thước không đúng chuẩn một cách tràn lan trên nhiều kênh truyền thông mạng xã hội. Tuy nhiên đừng lặp lại điều đó một lần nào nữa và nhất là trên nền tảng Instagram – nơi luôn được biết đến là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng đầu thế giới hiện nay.

Nên nhớ rằng Instagram được biết đến là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng đầu thế giới (ảnh: wearebecome).

Nên nhớ rằng Instagram được biết đến là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng đầu thế giới (ảnh: wearebecome).

Uy tín thương hiệu và phần nào đó là chất lượng sản phẩm của bạn nữa, có thể được người dùng Instagram đánh giá chi tiết chỉ bằng chất lượng hình ảnh trên bài viết. Nhiều người có suy nghĩ rằng Instagram đã có sẵn các công cụ chỉnh sửa ảnh, vậy thì tại sao phải tối ưu chất lượng ảnh chụp trước khi lên nội dung? Câu trả lời nằm ở chính các thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu mà chúng tôi muốn đề cập ngay sau đây.

Đại diện Zara, H&M và Reserved đã chia sẻ rằng, họ đang hoàn toàn nghiêm túc trong việc xử lý chất lượng hình ảnh trước khi cập nhật nội dung trên Instagram. Đặc biệt là về màu ảnh cũng như độ sáng tốt, hai yếu tố khiến họ thuyết phục người dùng ngay từ những hình ảnh đầu tiên và nhanh chóng đi đến quyết định mua hàng. Từ đó hoàn thành tốt vai trò và những mục tiêu truyền thông bền vững của thương hiệu.

Đừng bỏ qua phần tiểu sử

Dù đang xây dựng thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân, thì bạn đừng bỏ qua phần tiểu sử nếu muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu truyền thông của mình. Phần tiểu sử là nơi duy nhất Instagram cho phép người dùng đặt đường link dẫn ra bên ngoài, thậm chí người dùng có thể thay đổi chúng bất cứ lúc nào cần thiết.

Mục tiểu sử cũng được Instagram ưu ái đặt tại vị trí thuận lợi, thu hút người xem ngay từ lần đầu tiên họ truy cập vào trang nội dung của bạn. Cộng với ưu điểm cho phép đặt link dẫn ra ngoài, chủ tài khoản có thể “tranh thủ” call to action để khách hàng mục tiêu tìm đến nhiều kênh truyền thông khác. Chẳng hạn như Facebook, Twitter, Pinterest hay Youtube.

Đừng bỏ qua phần tiểu sử trên tài khoản Instagram (ảnh: Social Insider).

Đừng bỏ qua phần tiểu sử trên tài khoản Instagram (ảnh: Social Insider).

Lấy ví dụ ở tài khoản Instagram của Sue B.Zimmerman – một người có nhiều năm kinh nghiệm marketing mạng xã hội, chúng ta biết rằng ngoài Instagram thì cô còn liên tục chia sẻ kiến thức bổ ích ở trên Youtube. Thậm chí ít phút trước đã có một video mới được đăng tải trên kênh Youtube của cô, người có mong muốn tìm hiểu kiến thức marketing thông qua video chỉ cần bấm vào đường link rút gọn ở phần tiểu sử. 

Hãy chuyển đổi thành tài khoản Instagram doanh nghiệp

Không ít người có thói quen sử dụng mạng xã hội để truyền thông thương hiệu và hoàn thành các mục tiêu truyền thông của mình, nhưng không chuyển đổi thành tài khoản doanh nghiệp mà vẫn hoạt động như một tài khoản cá nhân. Điều này làm ảnh hưởng đến các kế hoạch và mục tiêu truyền thông ở trên mọi nền tảng, mà Instagram thì cũng không phải một ngoại lệ.

Chuyển đổi tài khoản Instagram thành tài khoản doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả về mặt hình ảnh, hệ thống quản lý nội dung chặt chẽ hay sự chuyên nghiệp khi “giao tiếp” với khách hàng. Nó còn mang đến cơ hội để bản thân nhà sáng lập và đội ngũ kiểm soát tốt quá trình truyền thông thương hiệu. Thâm nhập sâu vào trình quản lý hoạt động và nội dung để hiểu khách hàng của mình hơn, biết họ đang cần hay chờ đợi điều gì và hiện thực hoá những mong đợi đó bằng sức mạnh của truyền thông.

Tài khoản doanh nghiệp giúp bạn theo đuổi các mục tiêu truyền thông hiệu quả (ảnh: Social Media College).

Tài khoản doanh nghiệp giúp bạn theo đuổi các mục tiêu truyền thông hiệu quả (ảnh: Social Media College).

Tài khoản doanh nghiệp Instagram có giao diện được chia làm 3 phần, gồm các tab là Content, Activity và Audience. Mỗi tab sở hữu một vai trò khác nhau, từ quản lý nội dung đăng tải, kiểm tra hoạt động tiếp cận hay tương tác với người dùng cho đến tìm hiểu nhiều hơn về hành vi người dùng. Đặc biệt là các khách hàng mục tiêu thường xuyên sử dụng Instagram.

Hoàn thành mục tiêu truyền thông trên Facebook

Facebook không phải mạng xã hội đầu tiên nhưng là mạng xã hội đánh dấu một kỷ nguyên truyền thông mới của con người. Ngày nay khi số người dùng Facebook đã phải tính bằng hàng tỉ, việc có ai đó không sử dụng Facebook sẽ trở nên vô cùng kỳ quặc. Dù người ta không ngừng rao giảng nhau nghe những bài học về tác hại có thật của mạng xã hội này. 

Còn rất lâu nữa hoặc có thể là không bao giờ, để một mạng xã hội hay kênh truyền thông nào khác đủ sức vươn lên soán ngôi của Facebook. Sẽ là mông lung nếu bạn cứ ngồi yên đó chờ đợi Facebook “tự huỷ”, thay vì vậy hãy điểm qua những bí quyết để sớm hoàn thành mục tiêu truyền thông ở trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Đừng bỏ qua những phản hồi tiêu cực

Amy Cooper – nhà sáng tạo nội dung đến từ Bauer Media từng chia sẻ như sau:

Những phản hồi tiêu cực đôi khi không xuất phát từ một sự thật rõ ràng, chỉ đơn giản là vì người gửi phản hồi muốn làm như vậy mà thôi.

“Nhưng đó cũng là cơ hội để đội ngũ thương hiệu một lần nữa rà soát lại các thiếu sót trong hệ thống của mình. Tuỳ thuộc mục đích sử dụng mạng xã hội của bạn là gì mà sẽ có cách phản hồi lại những nhận xét tiêu cực. Chẳng hạn như bạn sử dụng mạng xã hội để khách hàng có thêm phương tiện phản hồi, đánh giá chi tiết về sản phẩm. Khi đó cần phản hồi những nhận xét tiêu cực bằng một thái độ tích cực nhất có thể.”

Nhiều lãnh đạo và đội ngũ thương hiệu ngày nay đang phớt lờ các phản hồi tiêu cực trên Facebook. Nhưng đây cũng đồng thời là cơ hội để bạn hoàn thành và chinh phục các mục tiêu truyền thông của mình, thông qua việc tạo dựng khác biệt hoá từ chính hành động tiếp nhận và phản hồi tích cực những nhận xét có phần tiêu cực. 

Phản hồi tiêu cực cũng là một phần của truyền thông (ảnh: Trust).

Phản hồi tiêu cực cũng là một phần của truyền thông (ảnh: Trust).

Một số bước phản hồi mà bạn có thể tham khảo thêm như sau: trả lời rằng bạn đã tiếp nhận và xử lý vấn đề càng sớm càng tốt, nhận lỗi ngay khi biết được rằng vấn đề không xuất phát từ khách hàng. Lên kế hoạch xử lý vấn đề, công khai chúng nếu cần để thể hiện rằng thương hiệu của bạn luôn quan tâm và sẵn sàng lắng nghe khách hàng.

Những hành động này tuy nhỏ nhưng là quá đủ để chứng minh được tinh thần và thái độ dám chịu trách nhiệm, từ đó xây dựng hình ảnh cũng như uy tín bền vững cho thương hiệu. Tạo dựng lợi thế để thương hiệu sớm hoàn thành các mục tiêu truyền thông.

Không tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu

Có bao nhiêu khả năng thành công và hoàn thành tốt mục tiêu truyền thông của mình, nếu như bạn đứng nói một điều gì đó với tất cả những người không quan tâm đến những gì bạn nói? Câu trả lời đã rất rõ ràng, mục tiêu truyền thông của bạn sớm muộn cũng sẽ thất bại thảm hại. Trừ khi bạn không ngại thay đổi và thay đổi mạnh mẽ ngay từ bây giờ.

Nội dung truyền thông và khách hàng mục tiêu cần được song hành với nhau, tương quan lẫn nhau dựa trên hành vi, thói quen cũng như sở thích tiêu dùng của những khách hàng bạn muốn hướng đến. Sẽ rất khó để thuyết phục một người xa lạ mua hàng hay ủng hộ thương hiệu của bạn, khi họ không có chút hứng thú nào với những nội dung mà bạn đang tích cực chia sẻ.

Kết hợp nội dung truyền thông và hành vi của khách hàng mục tiêu cũng chỉ là bước khởi đầu. Xa hơn nữa, bạn cần nắm rõ khách hàng mục tiêu của mình về sở thích, vị trí cũng như nghề nghiệp của họ để tìm ra nội dung truyền thông “có sức nặng.” Thông qua đó hoàn thành các mục tiêu truyền thông thương hiệu của mình.

Nội dung truyền thông phải phù hợp với chiến lược truyền thông

Cũng như việc nội dung truyền thông cần phải phù hợp với thói quen của khách hàng mục tiêu, nội dung truyền thông cũng phải bám sát chiến lược truyền thông nếu bạn muốn sớm hoàn thành các mục tiêu truyền thông của mình. Thương hiệu của bạn không thể xây dựng chiến lược truyền thông một đằng, rồi lại đi xây dựng nội dung một nẻo. Hành động này làm mất đi tính nhất quán cần có khi xây dựng thương hiệu nói chung và theo đuổi các mục tiêu truyền thông nói riêng.

Khách hàng tiềm năng thường có thói quen nhìn qua một lượt xung quanh họ, tìm kiếm nội dung truyền thông phù hợp với tính cách và nhu cầu của bản thân để đạt được sự thấu hiểu cần thiết ban đầu.

Nội dung truyền thông phải phù hợp với chiến lược truyền thông (ảnh: LeadG2).

Nội dung truyền thông phải phù hợp với chiến lược truyền thông (ảnh: LeadG2).

Trước khi quyết định mua hàng, ủng hộ thêm nhiều lần nữa hay xa hơn là gắn bó trung thành với thương hiệu của bạn. Hỗ trợ bạn hoàn thành sớm các mục tiêu truyền thông bằng cách sẵn sàng kể lại, quảng cáo và lôi kéo thêm nhiều người khác cùng tham gia vào hệ sinh thái sản phẩm của thương hiệu.

Muốn làm được điều đó, thương hiệu phải nhất quán và luôn tham gia vào những lĩnh vực liên quan đến thế mạnh của chính mình. Tuyệt đối không “đá chéo sân” hay sa đà vào những lĩnh vực mà mình không có nhiều kiến thức khi xây dựng nội dung truyền thông.

Sớm hoàn thiện phần giới thiệu thông tin của doanh nghiệp

Phần thông tin doanh nghiệp hay tài khoản trên Facebook cũng không kém phần quan trọng so với thông tin doanh nghiệp trên Instagram. Nhưng vai trò của cả hai thì tương đối khác biệt, trong khi thông tin doanh nghiệp trên Instagram được sử dụng với mục đích chia sẻ link ra các kênh truyền thông bên ngoài. Phần thông tin doanh nghiệp trên Facebook lại góp phần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và mức độ đáng tin cậy của thương hiệu.

Bạn khó lòng theo đuổi các mục tiêu truyền thông của mình mà không có sự tin tưởng từ khách hàng mục tiêu. Nhiều người cho rằng ngồi hoàn thiện hết từng thông tin doanh nghiệp trong phần giới thiệu là việc làm vô nghĩa, tốn quá nhiều thời gian. Nhưng đối với người dùng mạng xã hội nói chung và đặc biệt là khách hàng tiềm năng của bạn trên Facebook, từng dòng thông tin chứa địa chỉ hay số điện thoại của doanh nghiệp đều là những yếu tố rất đáng tin cậy. 

Một số đội ngũ thương hiệu còn “mạnh dạn” cập nhật thông tin là “luôn mở cửa” dù chỉ hoạt động trong giờ hành chính, như một lời khẳng định rằng mọi vấn đề và câu hỏi của khách hàng đều sẽ được kịp thời giải đáp nhanh chóng. Một số khác cố tình đưa địa chỉ công ty ra những đoạn đường lớn, những điểm đến công cộng nổi tiếng gần đó để góp thêm phần nào vào hình ảnh đáng tin cậy của doanh nghiệp. Suy cho cùng tất cả đều là vì mục tiêu truyền thông và sự tin tưởng từ phía khách hàng.

Xoá mọi đường link URL khỏi bài viết của bạn

Có một thực tế không phải ai cũng biết, khi bạn chèn URL vào bài viết mà không kèm theo hình ảnh hay nội dung nào khác, Facebook sẽ cho phép người dùng bấm vào hình thumbnail để truy cập thẳng vào bài viết thay vì bấm vào đường link. Vì thế khi chèn URL và Facebook đã “nhận diện” được bài viết bạn muốn chia sẻ, bạn có thể xoá đường link URL đó đi mà không làm thay đổi nội dung bài đăng.

URL là không cần thiết khi Facebook đã tự tích hợp link vào ảnh bìa (ảnh: Vũ Digital).

URL là không cần thiết khi Facebook đã tự tích hợp link vào ảnh bìa (ảnh: Vũ Digital).

Việc làm này giúp bài đăng của bạn gọn gàng hơn, “sạch sẽ” hơn về tổng thể và nâng cao trải nghiệm người dùng khi theo dõi bài viết. Thậm chí khi có quá nhiều đường link trong cùng một bài đăng, bao gồm cả thông tin website hay định vị trụ sở doanh nghiệp, độ hiệu quả của bài đăng cũng sẽ giảm sút và làm ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu truyền thông của bạn.

Hoàn thành mục tiêu truyền thông trên Twitter

Twitter rõ ràng không phải đối thủ xứng tầm của Facebook hay Instagram, nếu chúng ta chỉ nhìn vào số lượng người dùng và số lượt tải về trên các cửa hàng ứng dụng. Nhưng tầm ảnh hưởng của Twitter đến truyền thông thế giới cũng là không thể phủ nhận, nhất là khi một lượng lớn người dùng trung thành của Twitter là các nhà khoa học, CEO công nghệ hay thậm chí là các chính trị gia hàng đầu.

Thay vì “rèn luyện thói quen sống ảo” cho hàng triệu người dùng, Twitter mang đến cơ hội trở thành ngôi sao truyền thông cho bất cứ ai trong số vài trăm nghìn người dùng trung thành của họ. Đó chính là điều khác biệt đã làm nên tên tuổi cũng như tầm vóc của thương hiệu có logo màu xanh đặc trưng. Dưới đây là những bí quyết để mô hình kinh doanh của bạn trở thành mảnh ghép quan trọng của mạng xã hội này.

Đừng viết những dòng tweet quá dài

Trong những năm tháng phát triển của mình, Twitter đã sớm giới hạn ký tự của một bài đăng xuống còn 280 chữ. Khác với Facebook hay Instagram vốn luôn được xem như những mini-blog, nơi bạn có thể chia sẻ ngắn gọn nhưng vẫn rõ nghĩa các thông điệp truyền thông của mình. Twitter chỉ cho phép người dùng chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc hay nỗi băn khoăn ở ngay tại thời điểm nhất định. Bằng những câu từ ngắn gọn nhất có thể.

Giới hạn lí tưởng nhất cho một dòng tweet là dưới 100 chữ, nó đặc biệt thu hút mọi ánh nhìn và mang lại góc độ trực quan hơn cho những nội dung chính cần truyền đạt. Chẳng hạn như một bức ảnh đẹp, hay một đường link rút gọn dẫn đến các kênh truyền thông khác của thương hiệu.

Đừng phớt lờ những lần mention của người dùng

Mention là một nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng người dùng Twitter, nó giống như việc bạn “được tag tên” ở trên Facebook hay Instagram. Nhưng người dùng Twitter chỉ mention một người hay một thương hiệu nào đó, khi họ đặc biệt quan tâm và bị lôi cuốn bởi những bài đăng có liên quan. Vì thế khi có ai đó mention bạn, nghĩa là không loại trừ tình huống có thêm một khách hàng tiềm năng đã chủ động tiếp cận thương hiệu của bạn.

Các thương hiệu lớn luôn quan tâm đến từng phản hồi của khách hàng (ảnh: Social Insider).

Các thương hiệu lớn luôn quan tâm đến từng phản hồi của khách hàng (ảnh: Social Insider).

Vì vậy đừng phớt lờ những lần mention đó của người dùng. Bằng chứng là rất nhiều thương hiệu theo đuổi tốt các mục tiêu truyền thông trên Twitter, họ cũng tích cực phản hồi từng mention của người khác dù chúng đi theo hơi hướng tích cực hay tiêu cực. Có thể kể đến chú chim xanh của ứng dụng học tập Duolingo, hay CEO tai tiếng nhưng cũng lắm tài nghệ của hãng xe điện Tesla, Elon Musk. 

Elon Musk không bao giờ chi tiền để xây dựng đội ngũ truyền thông mạng xã hội. Thay vào đó, ông thường tự mình theo dõi và phản hồi từng bình luận của người dùng trên Twitter. Mục tiêu truyền thông của ông cùng với đội ngũ của mình là giao tiếp với khách hàng bằng hành vi và cảm xúc thật của một con người, thay vì ứng dụng công thức và các bài giảng về kỹ thuật truyền thông xuất hiện nhan nhản trên thị trường.

Đừng tweet hai lần trên một dòng sông

Đôi khi bạn bất ngờ vì bài đăng hay một dòng tweet vô thưởng vô phạt của mình lại phát huy hiệu quả, rồi có xu hướng liên tục lặp lại chủ đề, nội dung đó hay thậm chí “sao y bản chính” cho nhiều bài đăng kế tiếp. Đây là thói quen xấu cần hạn chế ở trên mọi nền tảng mạng xã hội chứ không riêng gì Twitter, bởi nội dung của bạn sẽ bị đánh giá là thiếu sáng tạo và sao chép quá giới hạn.

Bạn có thể sử dụng cùng một phong cách viết, tông giọng thương hiệu cho tất cả các bài đăng. Nhưng cần tránh lặp lại một nội dung hay chủ đề quá nhiều lần, liên tục thay đổi chủ đề mới cũng là cách nhanh nhất nhằm phá bỏ giới hạn của sức sáng tạo. Hỗ trợ đội ngũ thương hiệu trên chặng đường hoàn thành các mục tiêu truyền thông của mình.

Hạn chế lạm dụng tính năng retweets

Facebook và Twitter cũng có những nét tương đồng nhất định mà bạn rất dễ nhận ra, chẳng hạn như comment trên Facebook sẽ tương ứng với reply trên Twitter. Và nếu bạn là người có thói quen liên tục chia sẻ các thông điệp, bài đăng hay thông tin mới nhất ở trên mạng Facebook, thì chắc chắn bạn đã từng nghe qua tính năng tương tự trên Twitter – đó là retweets. 

Không nên lạm dụng tính năng retweet trên Twitter (ảnh: Guidesy).

Không nên lạm dụng tính năng retweet trên Twitter (ảnh: Guidesy).

Retweets cho phép người dùng chia sẻ lại những thông tin và bài đăng mà bản thân yêu thích, tạo ra một nhóm người hay cộng đồng to lớn cùng nhau bàn luận về một chủ đề nóng hổi trên Twitter. Tất nhiên là các tài khoản cá nhân của Twitter cũng giống như trên Facebook, có thể tự do chia sẻ lại bao nhiêu nguồn nội dung tuỳ thích cũng được. Nhưng điều tương tự sẽ không xảy ra khi bạn đã chọn chuyển đổi sang tài khoản doanh nghiệp.

Tài khoản doanh nghiệp cần giữ được tính nhất quán, sự chỉn chu và quan điểm truyền thông rõ ràng. Không nên lạm dụng tính năng retweets vì nó dễ tạo ra cảm giác rằng đây là một thương hiệu thiếu uy tín, trước sau bất nhất và không trung thành theo đuổi chiến lược thương hiệu đến cùng. Các dòng retweets bằng tài khoản doanh nghiệp cũng cần bám theo một vài chủ đề cụ thể, có liên quan đến lĩnh vực hay mô hình kinh doanh mà thương hiệu đang theo đuổi.

Qua bài chia sẻ này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn tổng quát nhất về mục tiêu truyền thông. Từ đó theo đuổi và sớm hoàn thành mục tiêu truyền thông của mình ở trên mọi nền tảng mạng xã hội, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác.

Xin chân thành cảm ơn,

 

*Nguồn: Vũ Digital