Reputa: Báo cáo Bán niên 2022 – Xu hướng thảo luận thị trường chứng khoán trên digital
Nửa đầu năm 2022 là khoảng thời gian nhiều biến động của thị trường chứng khoán với xu hướng sụt giảm thanh khoản mạnh trong quý 2 do xuất hiện liên tiếp các sự vụ về lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức trong thị trường. Ngoài ra, các sự kiện kinh tế thế giới cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến diễn biến thị trường như xung đột chiến tranh giữa Nga và Ukraine, chiến lược Zero COVID của Trung Quốc và rủi ro lạm phát tăng cao.
Hãy cùng xem các số liệu được phân tích bởi Hệ thống Reputa – Social Listening Tool về xu hướng thảo luận thị trường chứng khoán trên digital 6 tháng đầu năm 2022.
1. Thảo luận về thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2022 tăng 139% so với cùng kỳ 2021
Năm 2022 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng thảo luận trên digital tăng 139% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Với 710.826 thảo luận thu được, mức độ quan tâm của dư luận về thị trường trong nửa đầu năm 2022 tăng gần 2,4 lần. Lý giải cho việc này, trong thời gian vừa qua thị trường liên tục chứng kiến các sự vụ bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết vì hành vi thao túng giá chứng khoán, xử lý vi phạm các lãnh đạo thuộc các tổ chức chứng khoán như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội... vì chưa làm tròn trách nhiệm được giao. Những sự kiện, sự vụ trên ít nhiều cũng đã tạo ra những tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.
Vào khoảng đầu tháng 1 năm nay, thị trường ghi nhận 70.778 thảo luận, trong đó nổi bật nhất là sự vụ ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC bị phạt 1,5 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng vì bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022, không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định.
Theo sau là hàng loạt các sự kiện, sự vụ nổi bật diễn ra liên tục từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 khiến lượng thảo luận ngày càng tăng cao. Sự vụ ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng (Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) bị bắt do thao túng thị trường xảy ra liên tiếp đã tạo ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp và tổ chức trong thị trường. Bên cạnh những tin tiêu cực, tin tức kết thúc phiên giao dịch 3/3, VN-Index đạt mốc 1.505 điểm, thanh khoản thị trường tăng vọt; Thanh khoản thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 4 tăng 56,68%... là những tin tích cực hiếm hoi trong khoảng thời gian này.
2. Thị trường ghi nhận hơn 136.000 thảo luận tiêu cực sau hàng loạt sự vụ về lãnh đạo chứng khoán
Trong tổng 710.826 thảo luận thị trường ghi nhận được trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tin tiêu cực đạt 19,27%, chiếm ưu thế so với lượng tin tích cực (14,88%). Các nội dung tích cực xoay quanh các thông tin về sự tăng trưởng của thị trường và các mã chứng khoán, các thảo luận hưởng ứng hoạt động, phát ngôn của lãnh đạo...
Trong khi đó, các nội dung phàn nàn chủ yếu xoay quanh tin tức tiêu cực về lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức trong thị trường, phàn nàn về biến động giảm giá của các mã chứng khoán và xu hướng lao dốc của toàn thị trường. Nổi bật là khoảng tháng 4, thị trường liên tục tiếp nhận các biến động tiêu cực, thanh khoản thị trường sụt giảm, VN-Index ghi nhận nhiều phiên giao dịch giảm trên 20 điểm và hàng loạt cổ phiếu rơi vào trạng thái bị bán tháo.
Có thể nói năm 2022 là một năm nhiều biến động của thị trường chứng khoán với hàng loạt sự vụ diễn ra liên tục trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, nổi bật nhất là sự vụ của ông Trịnh Văn Quyết đã nhận được 41.368 lượt quan tâm của dư luận với 26,41% tin tiêu cực và 9,15% tin tích cực. Lượng tin đến từ kênh báo chí chiếm tỷ trọng cao nhất (39%), tuy nhiên không có sự cách biệt quá lớn đối với lượng tin trên mạng xã hội (chiếm 37%).
3. Tình hình kinh tế tác động lớn đến các mã chứng khoán thuộc ngành năng lượng, bất động sản và xây dựng
Bên cạnh sự bùng nổ các sự vụ của lãnh đạo, sự kiện khủng hoảng ngành năng lượng xuất phát từ cuộc chiến của Nga và Ukraine cũng tạo ra những ảnh hưởng ngắn hạn không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là các mã cổ phiếu thuộc ngành năng lượng. Trong danh sách top 10 mã chứng khoán được thảo luận nhiều trong 6 tháng đầu năm 2022, FLC (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) và GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam) chiếm 2 vị trí đầu tiên với lượng thảo luận đạt lần lượt 26.843 và 25.965.
Ngoài ra, quý 2/2022 là khoảng thời gian đầy biến động của các mã cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, với hầu hết các mã đều có mức giảm mạnh 30-40%. Nguyên nhân đến từ việc kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn tín dụng vào bất động sản, thanh tra trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng...
Trong danh sách Top 10 mã chứng khoán có ngày giao dịch đầu tiên trên sàn mới được thảo luận nhiều nhất, có đến 5/10 mã thuộc các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Nguyên nhân đến từ chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ đã tạo ra những kỳ vọng tích cực đối với các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, hạ tầng đang niêm yết, nổi bật là CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel nhận được hơn 2.000 thảo luận.
4. SSI giữ vững top 1 về lượng thảo luận trên digital
Nhìn chung mức độ quan tâm của dư luận về Top 10 công ty chứng khoán vào nửa đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. Trong đó tổng thảo luận về Top 10 công ty tăng 126% và danh sách Top 3 công ty vẫn giữ vững là SSI, VPS, VNDS với tổng lượng thảo luận tăng 97%.
Với lượng thị phần đứng đầu cùng với các hoạt động truyền thông nổi bật như đồng hành cùng đội tuyển bóng đá nữ trong trận SEAGames, chương trình Bí mật đồng tiền... SSI tiếp tục dẫn đầu lượng thảo luận, vượt xa các đối thủ khác với 47.652 lượt đề cập, chiếm hơn 30% trong tổng thảo luận của Top 10 công ty trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy chỉ đứng vị trí thứ hai về lượng thảo luận với tỷ trọng 17%, nhưng tỷ lệ tin tích cực của VPS được ghi nhận khá cao với 25,29%, dư luận bày tỏ sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, trải nghiệm giao dịch và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Qua các dữ liệu được thống kê và phân tích, dư luận có xu hướng quan tâm nhiều về các “Tin tức vĩ mô” khi đề cập đến các công ty chứng khoán, chiếm hơn 47% tổng thảo luận. Ngoài ra các nhận định và phân tích thị trường chuyên sâu của Top 3 công ty cũng nhận được sự hưởng ứng lớn từ người dùng với 19,73% lượng đề cập.
Khác với 6 tháng đầu năm 2021 – lượng thảo luận về “Hoạt động kinh doanh” (22,89%) chiếm tỷ lệ cao vượt trội so với “Các chương trình khuyến mãi” (2,96%), đầu năm 2022, lượng đề cập đến “Các chương trình khuyến mãi” của Top 3 công ty (15,05%) đạt tỷ trọng lớn hơn “Hoạt động kinh doanh” (6,65%).
5. Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong 6 tháng cuối năm
Với lượng thảo luận lớn được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 710.826 thảo luận, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt sự tăng trưởng vượt bậc về mức độ quan tâm của người dùng (139%). Nội dung thảo luận xoay quanh các diễn biến của thị trường, mã chứng khoán, tình hình hoạt động của doanh nghiệp và các hoạt động của lãnh đạo. Trong đó, thị trường ghi nhận 19,27% tin tiêu cực và 14,88% tin tích cực. Trong tương lai, thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ đạt mức tăng tích cực, VN-Index có thể lên đến 1.610 điểm (Theo Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”).
Trên đây là một số nội dung phân tích về Xu hướng thảo luận thị trường chứng khoán Việt Nam trên digital trong 6 tháng đầu năm 2022 dưới góc nhìn và bộ chỉ số đo lường của Social Listening, được thống kê phân tích bởi đội ngũ Reputa.
Tải xuống bản báo cáo đầy đủ tại đây và đăng ký tài khoản Reputa để sử dụng tính năng thông tin thị trường, từ đó đưa ra các chiến lược đầu tư phù hợp.
Reputa ứng dụng công nghệ AI vào Social Listening, với khả năng thu thập, thống kê nhiều dạng nội dung từ đa nguồn kênh trên internet. Sở hữu 9 nguồn dữ liệu được thể hiện dưới 3 hình thức phổ biến nhất hiện nay, Reputa sẽ mang đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thấu hiểu thị trường và khách hàng hiệu quả.
Liên hệ với Reputa để được hỗ trợ chi tiết:
- Email: [email protected]
- Hotline: Bộ phận Kinh doanh - 028 2213 7979