Digital Sale: Thứ “vũ khí bí mật” được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Hai năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã đặt đội ngũ sales (nhân viên kinh doanh) vào tình huống phải chủ động tìm kiếm khách hàng trên internet. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhân viên sales cần nắm vững cách thức bán hàng số (Digital Sale) – vốn là thứ đầy xa lạ với rất nhiều người.

Ở nhiều doanh nghiệp, đội ngũ sales vẫn đang duy trì tình trạng thụ động, chờ số điện thoại của khách hàng từ đội marketing. Nhưng từ khi doanh nghiệp áp dụng Digital Sale, thì các nhân viên kinh doanh (sales) đã có thể tự tìm kiếm, tiếp cận khách hàng nhanh chóng qua internet.

Vậy, thứ “vũ khí bí mật” Digital Sale được nhiều doanh nghiệp quan tâm là gì? Cách áp dụng giải pháp gia tăng hiệu quả kinh doanh này như thế nào?

Để hiểu rõ hơn, người viết đã có cuộc trao đổi chi tiết với anh Lê Minh Tâm – chuyên gia đào tạo kỹ năng Digital Marketing của Trung tâm Vinalink (Vinalink Academy).

Digital Sale: Thứ “vũ khí bí mật” được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Digital Sale là thuật ngữ khá “mới mẻ”, anh có thể giải thích rõ hơn về khái niệm và vai trò của giải pháp này?

Digital Sale thực chất không phải là khái niệm xa lạ đối với doanh nghiệp. Digital Sale là việc bán hàng trên môi trường số như Facebook, Zalo, YouTube… Công việc bán hàng này sẽ do đội sales ở các doanh nghiệp thực hiện. 

Tuy nhiên, cách thức bán hàng không phải là rao bán, seeding thông thường, mà mỗi nhân viên sales sẽ có chiến lược xây dựng hình ảnh cá nhân, có chứa thông điệp để gửi đến khách hàng. 

Cách đây 2 năm, thuật ngữ “Digital Sale” bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Khách hàng không trực tiếp đến cửa hàng, điểm giao dịch được.

Trong khi đó, đội ngũ sales khá đông đảo, nếu họ không biết tận dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng thì sẽ khó có thể kéo doanh thu trong hoàn cảnh hạn chế giao dịch trực tiếp. Chưa kể, với số lượng nhân viên sales đông, nếu không khai thác hết nguồn lực này thì rất lãng phí tài nguyên của doanh nghiệp!

Theo anh, để xây dựng thương hiệu, tiếp cận nhiều khách hàng, nhân viên sales cần trang bị những tư duy, kỹ năng gì? Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tạo điều kiện như thế nào, để bộ phận sales phát triển tốt hơn kỹ năng bán hàng trên môi trường số?

Đầu tiên, mỗi nhân viên sales cần trang bị kiến thức, tư duy, công cụ và những cách làm phù hợp năng lực của bản thân. 

Họ có thể tận dụng những khả năng vốn có như thuyết trình, nhảy, hát, diễn… để phát triển kênh TikTok, Facebook, YouTube… riêng, xây dựng thương hiệu cá nhân, là người có chuyên môn về lĩnh vực của doanh nghiệp. 

Về tư duy, mỗi nhân viên sales cần tìm kiếm các hội nhóm phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp để bán hàng. Đồng thời, họ cũng phải kết hợp chặt chẽ với đội ngũ marketing để xây dựng cộng đồng khách hàng, xây dựng thư viện nội dung.

Cùng với đó, đội sales cần tăng cường phối hợp với đội marketing trong các hoạt động seeding, đăng loạt bài về chương trình giảm giá. Nhân viên sales sẽ livestream về nội dung mà khối marketing yêu cầu, từ đó triển khai kế hoạch chạy quảng cáo.

Ngoài việc phối hợp với đội ngũ marketing, nhân viên sales cần có tư duy nội dung, để chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh đơn giản hoặc quay clip… 

Về phần mình, lãnh đạo doanh nghiệp cần tạo điều kiện hơn về thiết bị, công cụ chuyên nghiệp lẫn ngân sách cho đội ngũ sales. Bởi lẽ, nhân viên sales còn phải dành thời gian để tư vấn khách hàng trực tiếp hoặc online.

Cuối cùng, chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý thường xuyên tuyển dụng, đào tạo, trẻ hóa đội sales, làm mới lực lượng bán hàng. Đội ngũ marketing nên tổ chức các chương trình trực tuyến, đào tạo cho đội sales về những kỹ năng thiết yếu trên môi trường số.

Xin lưu ý rằng, có hai phương thức bán hàng mà doanh nghiệp cần định hướng cho nhân viên sales thực hiện:

Thứ nhất là phương thức bán hàng Outbound (Outbound Sale): Đội sales chủ động tìm kiếm các hội nhóm có khách hàng tiềm năng để rao bán sản phẩm, đăng bài trên các kênh có sẵn. Khách hàng ở đâu thì mình rao bán sản phẩm ở đó.

Thứ hai là phương thức bán hàng Inbound (Inbound Sale): Tạo ra những giá trị thu hút khách hàng trước rồi mới bán hàng sau. 

Quan trọng là mỗi doanh nghiệp trước khi đào tạo Digital Sale thì cần định hướng rõ phương thức bán hàng mà doanh nghiệp mình muốn và sẽ đi. 

Digital Sale: Thứ “vũ khí bí mật” được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Theo anh, khi có quá nhiều nhân viên sales của một doanh nghiệp cùng bán hàng trên internet như vậy, thì liệu có thể dẫn đến tình trạng “loãng” hoặc khó kiểm soát thông tin không? 

Tất nhiên, việc kiểm soát, định hướng nội dung đăng tải chính là vấn đề khó khăn cần phải đối mặt khi triển khai Digital Sale. 

Người quản lý sẽ phải xây dựng quy trình tổng thể, logic để đồng nhất nội dung của các nhân viên sales, không tạo ra tình trạng “loãng”, hoặc sự khủng hoảng, lẫn lộn thông tin trên môi trường online.

Đồng thời, Digital Sale cũng tạo ra nhiều thách thức hơn cho đội ngũ quản lý ở khía cạnh giám sát, đo lường, đánh giá các tài khoản cá nhân mà nhân viên sales được cấp: Liệu họ có tích cực đăng bài, tương tác không?...

Một vấn đề nữa là đội ngũ sales truyền thống vẫn còn tâm lý e ngại sử dụng hình ảnh, thông tin khi xây dựng thương hiệu cá nhân.

Dù vậy, như tôi đã nói, xu hướng này là một sự phát triển tích cực và không nên bỏ qua!

Hiện, số đông khách hàng thường có tâm lý thích nội dung của cá nhân hơn là nội dung trên fanpage của công ty. Do đó, thay vì thuê các KOL có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp có xu hướng biến chính nhân viên trong hệ thống của mình thành những KOL, để giảm thiểu chi phí.

Bộ phận sales tự lập những kênh thương hiệu riêng, trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube… với content hay, hữu ích, hình ảnh, âm thanh sống động thu hút khách hàng.

Ngoài vấn đề đã nêu, theo anh, việc các nhân viên kinh doanh “thể hiện mình” trên môi trường internet, nhằm mục đích thu hút và bán hàng, thì có dẫn đến tình trạng xung đột, mâu thuẫn với đội ngũ Digital Marketing không?

Không! Bởi lẽ, hai bộ phận sales và marketing hoạt động rất riêng biệt. Website của công ty vẫn do đội ngũ marketing quản lý. Còn lại, đội sales sẽ phát triển các kênh cá nhân, cửa hàng, chi nhánh để tìm kiếm thêm khách hàng, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Đồng thời, sales và marketing cũng có sự khác biệt về đặc thù và phương hướng phát triển công việc. 

Lực lượng marketing sẽ sử dụng email chăm sóc khách hàng cũ và những khách hàng tiềm năng quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp. Marketing mở rộng phạm vi quảng cáo thông qua các chiến dịch marketing, tạo thị trường thu hút khách hàng mới.

Còn nhân viên sales lại dùng lời nói để tư vấn, thuyết phục khách hàng. Họ không o ép khách hàng mua mà khéo léo truyền tải những ưu điểm nổi bật của sản phẩm để khách hàng thay đổi tư duy, tác động tới quyết định mua.

Digital Sale: Thứ “vũ khí bí mật” được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Là người đào tạo các chương trình Digital Sale, anh có trải nghiệm và chiêm nghiệm như thế nào ở những doanh nghiệp từng áp dụng triển khai giải pháp này?

Hiện tại, Vinalink Academy đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp trong công tác đào tạo, phát triển hoạt động Digital Sale. 

Những bài giảng do tôi trực tiếp biên soạn khai thác sâu vào lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Học viên sẽ được phân tích, thực hành trên chính sản phẩm mình đang kinh doanh. 

Có rất nhiều doanh doanh nghiệp quan tâm đến chương trình đào tạo Digital Sale của Vinalink, như: Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), Tổng công ty dịch vụ số Viettel (Viettel Money), Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott), Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) – Chi nhánh miền Bắc và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank)…

Ngoài ra, nội dung chương trình đào tạo cũng sẽ được yêu cầu xây dựng phù hợp với từng đối tượng học viên, lớp quản lý khác với lớp chuyên viên, lớp chuyên sâu khác với lớp dành cho người mới bắt đầu.

Chương trình đào tạo Digital Sale giúp nhân viên sales của doanh nghiệp thực hiện tốt chiến lược bán hàng số và tối ưu chi phí đến từng đơn hàng. Đồng thời, đội ngũ sales sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo để duy trì thương hiệu lâu bền trên internet, thu hút thêm nhiều khách hàng và tăng doanh thu.

Trải qua các khóa đào tạo, tôi và Vinalink Academy đã được lắng nghe những ý kiến phản hồi quý báu từ học viên và doanh nghiệp. Trong đó, họ cảm thấy hạnh phúc, hài lòng khi triển khai giải pháp thúc đẩy kinh doanh từ gốc rễ này, làm tăng vai trò và giá trị của bộ phận sales lên một tầm mức mới.

Xin chân thành cảm ơn chuyên gia Lê Minh Tâm đã nhiệt tình chia sẻ!

Thu Phương (thực hiện) – Vietchuyennghiep.vn