Marketer Tạ Ngọc Thu Trang
Tạ Ngọc Thu Trang

Content Writer Intern @ BrandsVietnam

Inside Jobs #5: Suýt vỡ mộng về ngành quảng cáo vì những công việc không tên

Inside Jobs #5: Suýt vỡ mộng về ngành quảng cáo vì những công việc không tên

Được gắn mác “sang – xịn – mịn”, với độ “hot” của mình, ngành quảng cáo hiện đang thu hút số lượng lớn các bạn trẻ theo đuổi. Liệu ngành quảng cáo có thật sự “chanh sả” như các bạn trẻ vẫn nghĩ? 

Đến với số thứ 5 của series Inside Jobs, hãy cùng tháo gỡ những định kiến về vỏ bọc hào nhoáng của ngành với hai khách mời là chị Thùy Hương với 7 năm kinh nghiệm tại vị trí Planner và bạn Ngọc Trâm - một Account với 3 năm kinh nghiệm.

Là series nghề nghiệp do XONE Radio sản xuất, Inside Jobs khai thác những góc nhìn và kinh nghiệm làm việc thực tế của các chuyên gia – những “người trong cuộc” thuộc những lĩnh vực được đông đảo giới trẻ quan tâm.

* Ngành quảng cáo có phải chỉ có màu hồng và người làm quảng cáo lúc nào cũng diện những bộ cánh “cool” ngầu?

Chị Thùy Hương: Khi chị mới vô ngành và đến tận bây giờ, chị vẫn luôn ngưỡng mộ các anh chị "quần là áo lượt" đi làm, đặc biệt là những anh chị làm việc ở các creative agency. Bởi vì cần rất nhiều nỗ lực cân bằng giữa cuộc sống và công việc để có thể chăm chút cho vẻ ngoài giữa những deadline chặt cứng. 

Thực tế môi trường agency có rất nhiều thử thách, nhiều áp lực với khối lượng công việc lớn và không phải lúc nào cũng lấp lánh như bề ngoài. Trong quá trình làm việc, các agency triển khai nhiều chiến dịch từ nhiều khách hàng khác nhau trong cùng một lúc. Điều đó đòi hỏi nhân sự tại agency phải rất lì lợm cả về mặt thể chất và tinh thần để hoàn thành tốt công việc. Vậy nên chị cũng có lời nhắn đến các bạn trẻ là đằng sau sự “chanh sả” này là rất nhiều áp lực đè nặng. 

Bạn Ngọc Trâm: Với Trâm thì môi trường agency là 1 môi trường khá thú vị. Ở đây vốn không có những quy định ràng buộc về cách ăn mặc, tóc tai... chỉ cần các bạn thoải mái là được. Vậy nên chúng ta vẫn thường thấy những người làm agency sẽ có lối sống, cách ăn mặc, nói chuyện khá thoải mái, không gò bó. 

Inside Jobs #5: Suýt vỡ mộng về ngành quảng cáo vì những công việc không tên

Nguồn: Hires

* Vẫn thường có lời đồn rằng mối quan hệ giữa client và agency luôn ở hai bờ chiến tuyến. Chị Hương và Trâm nghĩ thế nào về ý kiến này?

Chị Thùy Hương: Bản thân chị làm trong ngành, chị thấy không phải như vậy. Đôi khi vẫn sẽ có một số trường hợp hai bên “cơm không lành canh không ngọt” nhưng phần lớn giữa client và agency sẽ làm việc và gắn bó với nhau như những cộng sự thân thiết. 

Đặc biệt, xung quanh chị có rất nhiều trường hợp 2 bên trở thành bạn thân sau quá trình làm việc. Mặc dù những ngày trước đó họ có thể cãi nhau ở trên bàn họp do bất đồng quan điểm. Nhưng ngày hôm sau, hai người vẫn có thể đi chơi, nấu ăn, làm bánh, tặng quà cho nhau.  

Bạn Ngọc Trâm: Như chị Hương có chia sẻ, giữa khách hàng và agency đôi lúc cũng sẽ tồn tại mối quan hệ bên ngoài công việc. Tụi mình vẫn là bạn bè với nhau và không phải lúc nào cũng đối chọi gay gắt như những câu chuyện vui chia sẻ trên mạng. 

Chẳng hạn như Trâm, có trường hợp Trâm và khách hàng nọ trong công việc thường sẽ xảy ra cãi vã, than phiền do đôi khi không hiểu ý nhau hoặc có những sai sót trong công việc làm ảnh hưởng đến đối phương. Tuy nhiên, tụi mình đã phân định rạch ròi giữa công việc và cuộc sống nên khi kết thúc dự án dù không còn làm chung nữa nhưng cả hai vẫn giữ liên lạc. Trâm nghĩ đây là những chuyện vẫn thường xuyên xảy ra giữa khách hàng và agency. Cho nên các bạn trẻ không nên bị ảnh hưởng quá nhiều từ những câu chuyện trên mạng, vốn chỉ phản ánh một phần thực tế. 

* Hai chị có thể chia sẻ những ấn tượng ban đầu của mình về ngành quảng cáo và liệu cả hai có những khoảnh khắc “vỡ mộng” sau khi thực sự dấn thân vào ngành không?

Inside Jobs #5: Suýt vỡ mộng về ngành quảng cáo vì những công việc không tên

Nguồn: Pexels

Chị Thuỳ Hương: Thật ra lúc mới chân ướt chân ráo đi làm, chị nghĩ chắc sẽ làm video, brainstorm ý tưởng... Nhưng sự thật không phải vậy, đời không như là mơ. Nhiều lúc chị không có gì để làm hoặc nếu có cũng là những việc nhỏ.

Bản thân chị cũng chán khi làm những công việc nhỏ như vậy. Nhưng chị vẫn cố gắng chủ động xin để được làm và nghĩ rằng mình “lợi dụng” những việc này để có thể học hỏi và hiểu sâu hơn về ngành. Chị nghĩ những bạn mới đừng ngại làm những việc nhỏ và hãy cố gắng tự học được càng nhiều càng tốt trong giai đoạn này. 

Bạn Ngọc Trâm: Lúc mình mới vào ngành so với bây giờ đã có rất nhiều điều khác so với mình tưởng tượng. Ví dụ khi mình mới làm Account Intern tại một agency. Mình đã rất tự tin và nghĩ rằng với những kỹ năng sẵn có, sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm thì công việc sẽ không quá khó. Tuy nhiên, khi đó mình đã gặp trúng một vị sếp rất khó tính. Điều đó làm mình cảm thấy sợ và rất áp lực. Đây cũng là lúc những khoảnh khắc vỡ mộng bắt đầu. 

Đối với một bạn intern non nớt, nhiều lần “bị dập” khiến mình phải suy nghĩ lại xem bản thân có hợp hoặc có làm được công việc Account hay không. Chẳng hạn như bất kỳ một task nào dù đơn giản hay phức tạp mình cũng phải làm đi làm lại. Thậm chí mình đã phải sửa đúng một từ nhiều lần cho đến khi đúng ý của sếp và của khách hàng.

Nhưng khi đó sếp mình đã nói một câu khiến mình suy nghĩ khá nhiều: “Em nên suy nghĩ thật kỹ liệu em có hợp làm Account hay không, nếu em cảm thấy thích Account thì hãy tìm cách thay đổi bản thân để phù hợp với nó”. Câu nói này đã trở thành động lực giúp mình vượt qua những khó khăn và sự nghi ngờ bản thân trước đó. Sau này khi đã làm quen với công việc, mình mới cảm thấy biết ơn sự nghiêm khắc trong những ngày đầu training đó. Có thể điều đó không dễ chịu nhưng sẽ là nền tảng tốt cho việc phát triển những kỹ năng cần thiết sau này. 

Inside Jobs #5: Suýt vỡ mộng về ngành quảng cáo vì những công việc không tên

Nguồn: Unsplash

* Theo chị Hương và Trâm, đâu là yếu tố tạo nên thành công của một chiến dịch quảng cáo?

Chị Thùy Hương: Với chị quảng cáo không nên chỉ xoay quanh về sản phẩm và nhãn hàng mà nên lồng ghép thêm yếu tố nhân văn. Nhân văn ở đây không phải xây dựng những giá trị quá lớn lao mà chính là sự thấu hiểu về con người. Người làm quảng cáo nên hiểu về những ngóc ngách, những câu chuyện thật của khách hàng để triển khai được những chiến dịch thật sự kết nối được với nhóm đối tượng mục tiêu.

Chẳng hạn như hồi xưa chị có làm quảng cáo cho nhãn hàng sữa dành riêng cho những em bé sinh mổ. Sau khi trao đổi thêm với những bà mẹ sử dụng phương pháp này, tụi chị đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng họ không thích bị nói quá nhiều về từ sinh mổ. Bởi vì các mẹ sẽ cảm thấy có lỗi khi không thể sử dụng phương pháp sinh thường để giúp con khoẻ mạnh hơn. 

Khi đó team đã ngồi xuống và cố gắng suy nghĩ cách để miêu tả những em bé sinh mổ nhưng tránh sử dụng cụm từ này. Sau quá trình brainstorm cùng nhau, tụi chị đã nảy ra ý tưởng về em bé chuột túi (kangaroo). Tại sao gọi là em bé kangaroo? Vì hình ảnh em bé sinh mổ có thể được nói giảm nói tránh bằng việc các bé “chui” ra từ vết rạch (chiếc “túi” tự nhiên) trên bụng mẹ. Ngoài ra, đội ngũ cũng muốn liên hệ đến hình ảnh kangaroo bảo vệ con trong chiếc “túi” của mình. Ý tưởng này đã được khách hàng rất yêu thích.

Từ đó chị rút ra được rằng nên dành thời gian nhiều hơn để hiểu về đối tượng quảng cáo của mình. Điều này giúp marketers hiểu được rằng mình đang làm quảng cáo cho những người như thế nào, họ đang có những tâm tư tình cảm gì. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp quảng cáo trở nên đời nhất và con người nhất có thể.

Người làm quảng cáo cần dành thời gian nhiều hơn để hiểu về đối tượng quảng cáo của mình. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp quảng cáo trở nên đời nhất và con người nhất có thể.

* Trong quá trình làm nghề, hai chị có thể chia sẻ đâu là những kỹ năng một Planner và Account cần có? 

Chị Thùy Hương: Theo chị, với một bạn làm Planner thì tư duy logic là yếu tố quan trọng nhất. Logic đó không chỉ nằm trong suy nghĩ, trong cách mình giải quyết vấn đề của khách hàng, mà còn phải trong cách trình bày bài thuyết trình. 

Các bạn Planner cũng sẽ phải làm việc với nhiều người từ nhiều team với nhiều cá tính khác nhau nên ngoài tư duy logic, Planner cũng cần những kỹ năng mềm khác như kỹ năng giao tiếp và truyền đạt. Thông thường, mỗi một người sẽ yêu thích một cách lắng nghe và tiếp thu thông tin khác nhau. Ví dụ sẽ có những người thích nghe thông tin thuần dữ liệu, nhưng cũng có người hiểu vấn đề tốt hơn qua những câu chuyện truyền cảm hứng. Lúc đó Planner phải tìm cách để truyền đạt thông tin phù hợp, đảm bảo cộng sự của mình có thể hiểu chiến lược để tìm ra ý tưởng đúng brief và hay. 

Bên cạnh đó, một kỹ năng tưởng đùa nhưng thật là khả năng làm slide đẹp. Khi đã có nội dung hay (logic và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng) thì hình thức đẹp sẽ là một điểm cộng rất lớn. 

Bạn Trâm: Trâm nghĩ công việc Account đòi hỏi một tổ hợp rất nhiều kỹ năng mềm khác nhau. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp và truyền đạt tốt. Vì Account sẽ phải giao tiếp với rất nhiều người thuộc nhiều team khác nhau trong ngày nên cần phải có cách giao tiếp phù hợp với từng đối tượng. Nghĩa là, khách hàng nói gì, feedback gì thì Account sẽ truyền đạt lại cho team một cách chính xác và dễ hiểu nhất.

Kỹ năng tiếp theo Trâm muốn đề cập là kỹ năng quản lý thời gian và đầu việc. Như Trâm chia sẻ, công việc Account sẽ đi cùng chiến dịch từ đầu đến cuối. Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, các bạn Account phải có kỹ năng phân bổ và sắp xếp thứ tự ưu tiên các đầu việc của mình hiệu quả, đảm bảo tiến độ công việc chung.

Cuối cùng, nghề Account còn đòi hỏi tính tỉ mỉ, nhạy bén. Vì Account cũng sẽ phụ trách những công việc về giấy tờ, hợp đồng, ngân sách nên tính cẩn thận sẽ giúp tránh những sai sót không đáng có.

* Cảm ơn những chia sẻ của hai chị.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thu Trang / Brands Vietnam