Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Kantar – FMCG Monitor Quý 1/2022: Nhu cầu với các sản phẩm FMCG vẫn ở mức thấp

Kantar – FMCG Monitor Quý 1/2022: Nhu cầu với các sản phẩm FMCG vẫn ở mức thấp

Báo cáo FMCG Monitor Quý 1/2022 mới nhất của Kantar tổng hợp và cập nhật tình hình và xu hướng phát triển trọng điểm của ngành hàng FMCG tại 4 Thành phố chính và Nông thôn Việt Nam.

Tình hình kinh tế Việt Nam

Đối mặt với tình hình căng thẳng của dịch COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraine, GDP trong Quý 1/2022 vẫn duy trì mức tăng ổn định, với chỉ số CPI dưới 2%. Tuy nhiên, nhiều khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức mới trong những tháng tới.

Quan điểm người tiêu dùng

Niềm tin của người tiêu dùng Việt về triển vọng kinh tế và sức mua đang dần phục hồi vì tình hình COVID-19 đã có những tín hiệu khả quan trong những tháng gần đây.

Các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng

Bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhiều hơn về giá xăng dầu. Đây là mối lo ngại lớn thứ hai của người dân tại 4 Thành phố lớn trong Quý 1/2022. Thêm vào đó, mối lo về giá thực phẩm cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Bức tranh FMCG

Trong Quý 1/2022, nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm thuộc ngành hàng FMCG cho tiêu dùng tại nhà vẫn ở mức thấp vì nhiều người vẫn đang thắt chặt hầu bao. Sự tăng trưởng của ngành chủ yếu được thúc đẩy bởi việc tăng giá bán. 

Hiệu suất ngành

Theo báo cáo Tết 2022, hầu hết sản lượng tiêu thụ ở các ngành hàng đều bị giảm sút do sức mua trong mùa Tết 2022 giảm. Không chỉ thị trường FMCG, việc tăng giá trở thành động lực tăng trưởng ở nhiều nhóm ngành chính.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực nông thôn Việt Nam khi giá bán trung bình tại những nơi này cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Sữa toả sáng khi là ngành duy nhất đạt được kết quả hoạt động khả quan nhờ sự tăng trưởng sản lượng tiêu thụ và giá.

Ngành hàng tiêu biểu

Các loại nước sốt  như tương cà, tương ớt và Mayonnaise có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong ba tháng đầu năm 2022, bất chấp giá tăng ở hầu hết các danh mục sản phẩm này.

Toàn cảnh thị trường bán lẻ

Tính đến Quý 1/2022, tại 4 Thành phố trọng điểm, 22% chi tiêu cho FMCG thực hiện chủ yếu ở các kênh online, ministore và cửa hàng chuyên dụng (Speciality Stores). Xu hướng này đang mở rộng ở vùng nông thôn Việt Nam. Do đó, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần quan tâm đến cách mà người tiêu dùng mua sản phẩm FMCG để đạt được mức tăng trưởng cao hơn.

Tiêu điểm chính

Tầm quan trọng của các gia đình nhỏ (Nuclear Family) ngày càng tăng

Số lượng các gia đình quy mô nhỏ tại Việt Nam tăng mạnh. Điều này dẫn đến kích thước giỏ hàng của người tiêu dùng sẽ thu nhỏ lại (chỉ bằng 80% kích thước trung bình). Vì vậy, các nhà sản xuất và thương hiệu cần đưa ra nhiều lựa chọn sản phẩm có trọng lượng nhỏ hơn cho người tiêu dùng.

Lạm phát ảnh hưởng đến người tiêu dùng Việt Nam

Hầu hết các ngành hàng FMCG đều đang chứng kiến mức lạm phát tăng cao, gần chạm đỉnh 7%. Điều đó trở thành thách thức đối với cả người tiêu dùng và thương hiệu. Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi hành vi để thích nghi với áp lực này theo nhiều cách khác nhau.

Tải về báo cáo phiên bản đầy đủ tại đây.

Tường Vi / Brands Vietnam
* Nguồn: kantarworldpanel