Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Inside Jobs #3: Câu chuyện làm phim kinh dị và công thức của nỗi sợ

Inside Jobs #3: Câu chuyện làm phim kinh dị và công thức của nỗi sợ

Làm thế nào để biến một câu chuyện đã quá quen thuộc thành một tác phẩm kinh dị vừa rùng rợn, vừa mới lạ? Hãy cùng theo dõi tập 3 của Inside Jobs để khám phá cách tạo nên những bộ phim kinh dị.

Trong số thứ 3 này, Inside Jobs mời nhà sản xuất (NSX) Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn để chia sẻ về quá trình sản xuất và những thủ thuật “hù dọa” được sử dụng trong phim giật gân (Thriller), sinh tồn (Survival). Được biết, hai anh là người đứng sau những tác phẩm nổi tiếng “Bắc Kim Thang” (2019), “Rừng thế mạng” (2021), “Chuyện ma gần nhà” (2022)…

Là series nghề nghiệp do XONE Radio sản xuất, Inside Jobs khai thác những góc nhìn và kinh nghiệm làm việc thực tế của các chuyên gia – những “người trong cuộc” thuộc những lĩnh vực được đông đảo giới trẻ quan tâm.


* Được biết, trước đây hai anh đều làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, vậy những kinh nghiệm đó đã hỗ trợ cả hai như thế nào trong quá trình làm phim?

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Trước đây, tôi đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo, có cơ hội làm việc cùng, cũng như học hỏi từ các đạo diễn trong và ngoài nước. Những trải nghiệm này giúp tôi hiểu hơn về ngôn ngữ điện ảnh, xây dựng được một quy trình làm phim bài bản mang bản sắc của riêng mình. 

Inside Jobs #3: Câu chuyện làm phim kinh dị và công thức của nỗi sợ

Nhà sản xuất Hoàng Quân

Khi làm marketing, marketer phải thấu hiểu khách hàng, thị trường và sản phẩm. Tương tự, khi sản xuất một bộ phim, tôi cũng phải nghiên cứu, lồng ghép các xu hướng thị trường cho tác phẩm dựa trên sự thấu hiểu nhóm khán giả mà bộ phim hướng tới. Nhờ đó, câu chuyện của tôi mới có thể tạo sự tò mò và khuyến khích khán giả xem phim. Ngoài ra, trong mỗi khung hình, từng yếu tố như diễn viên, đạo cụ, ánh sáng… đều phải có một vai trò nhất định và liên kết với câu chuyện. 

NSX Hoàng Quân: Bản thân tôi có khoảng 15 năm kinh nghiệm trong mảng sản xuất Content, bao gồm cả Content Video. Trong quá trình làm các video quảng cáo cho khách hàng, tôi nhận ra làm phim là cơ hội cho tôi kể câu chuyện của mình. Rất may mắn là tác phẩm đầu tiên của tôi, “Bắc Kim Thang”, được khán giả yêu thích và đón nhận. Vậy nên tôi đã quyết định bước sang mảng sản xuất phim. 

* Hai anh có thể kể một vài khó khăn khi bắt đầu làm phim?

NSX Hoàng Quân: Ở vị trí là một NSX, tôi đã từng dự trù kinh phí chỉ bằng 30% so với kinh phí thực tế. Đến khi bắt tay vào lập kế hoạch và sản xuất, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra kinh phí đó không đủ sản xuất bộ phim như mong muốn của mình. Hơn nữa, những ngày đầu bước chân vào con đường làm phim, tôi và Tấn nhận nhiều sự hoài nghi từ mọi người. Thế nên ngoài việc tin bản thân mình có thể làm được, chúng tôi còn phải tự tìm kiếm cơ hội cho mình. 

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Theo tôi, mỗi công đoạn sản xuất đều có khó khăn riêng. Có những vấn đề chúng tôi cần giải quyết chúng ngay từ ban đầu để tránh hiệu ứng “gãy đổ” ở các giai đoạn tiếp theo. Tôi ví dụ phần tiền kỳ luôn là phần cần đầu tư nhiều thời gian, công sức nhất. Đây là giai đoạn ekip thống nhất cách sắp xếp bối cảnh và hình dung cách chuẩn bị tốt nhất cho câu chuyện khi quay. Nếu phần này làm không kỹ, đến khi quay, giám đốc hình ảnh hay đạo diễn muốn thay đổi một vài chi tiết (dù nhỏ đến đâu), thì cả đoàn phim đều bị ảnh hưởng. Ví dụ giai đoạn tiền kỳ của “Rừng thế mạng” mất gần 6 tháng. Riêng tôi đã phải đi trên con đường rừng đó nhiều lần để nắm được thời tiết, khí hậu và những thay đổi trong ngày của bối cảnh.

Inside Jobs #3: Câu chuyện làm phim kinh dị và công thức của nỗi sợ

* Anh hãy cho biết quá trình phát triển kịch bản phim thường sẽ diễn ra như thế nào?

NSX Hoàng Quân: Có thể nói, quá trình phát triển kịch bản kéo dài vài tháng là chuyện bình thường. Và để có một kịch bản hoàn chỉnh, chúng ta sẽ phải đi qua nhiều bước. Quá trình đó bắt đầu từ lên ý tưởng, tóm tắt kịch bản (synopsis), đến xây dựng hồ sơ nhân vật, dàn ý, và bản thảo. Khâu viết bản thảo đôi khi sẽ trải qua hơn mười, thậm chí là 20 lần đánh giá, điều chỉnh. Sau khi hoàn thành và hình dung được diễn biến câu chuyện, chúng tôi sẽ đi khảo sát bối cảnh. Từ đó, kịch bản sẽ được gọt giũa thêm để phù hợp hơn với bối cảnh thực tế. 

Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành kịch bản kéo dài còn có thể do nhiều nhân vật đã được “đo ni đóng giày” cho một diễn viên từ khâu viết kịch bản. Tuy nhiên, nếu ekip không mời được diễn viên đó thì kịch bản phải điều chỉnh lại. Nên quá trình phát triển kịch bản diễn ra trong nhiều tháng hay vài năm là chuyện bình thường.

* Vậy nếu một cốt truyện quá quen thuộc thì kịch bản cần thêm thắt những yếu tố nào để trở nên hấp dẫn hơn?

Inside Jobs #3: Câu chuyện làm phim kinh dị và công thức của nỗi sợ

Đạo diễn Trần Hữu Tấn

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Theo tôi, những câu chuyện đời thường khi được nhìn từ một góc nhìn khác sẽ trở thành một chất liệu mới để làm nên bộ phim hay. Ví dụ, chúng tôi đã nhìn một bài hát dân ca quen thuộc như Bắc Kim Thang dưới góc nhìn khác, bằng cách thêm sự kịch tính pha thêm chút kinh dị. 

Nhìn chung, chất liệu dân gian luôn được tôi ưu tiên đưa vào kịch bản của mình. Từ đó, tôi thêm thắt một số yếu tố và tạo ra một góc nhìn mới. Các bạn có thể dễ dàng nhìn thấy điều đó trong một số tác phẩm của tôi như: “Bắc Kim Thang”, “Chuyện ma gần nhà”, và sắp tới là “Con Cám” – một dự án sẽ được bấm máy trong năm 2023.

* Ở giai đoạn kịch bản, anh hãy chia sẻ thêm về cách mình hình dung câu chuyện sẽ diễn ra trên màn ảnh như thế nào, nhất là với thể loại phim kinh dị?

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Làm phim là công việc yêu cầu sử dụng trí tưởng tượng, nên tôi bắt đầu hình dung góc máy, ánh sáng, màu sắc, phục trang, hành động của diễn viên... Khác với cách làm vẽ Story Board của nhiều NSX, đạo diễn khác, tôi sẽ viết xuống để làm rõ những tưởng tượng của mình. Sau đó, tôi cùng giám đốc hình ảnh bàn bạc, đưa ra một khung hình tương đối hoàn chỉnh, rồi mới trình bày ý tưởng tới những bộ phận khác. 

Việc không vẽ Story Board cho phép trí tưởng tượng của tôi thêm phong phú, đồng thời, đoàn phim cũng sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian. Bởi những hình ảnh mang tính tưởng tượng so với bối cảnh thực tế sẽ có sự khác biệt, theo đó việc lên Story Board từ hình dung của mình cũng có thể không còn phù hợp.

Theo quan sát của chúng tôi, người hâm mộ thể loại phim kinh dị bây giờ không dễ bị hù doạ nữa. Trước đây, đạo diễn thường dùng âm thanh, chuyển cảnh ghê rợn để khiến khán giả giật mình. Còn bây giờ, khán giả có thể dễ dàng đoán trước những phân cảnh rùng rợn. Thế nên, nhà làm phim sử dụng khung hình tĩnh để khán giả không có sự đề phòng. Khung hình tĩnh tưởng chừng bình thường đó lại ẩn chứa những điều bất thường như hành động, cách hoá trang... kỳ dị. Lúc này, câu chuyện không mang tính hù doạ nữa mà mang lại cảm giác ám ảnh, day dứt khó tả cho người xem.

* Liệu khi đã có kịch bản rồi, chúng ta có thể bắt đầu quá trình sản xuất một bộ phim chưa, thưa anh Quân?

Người làm sáng tạo luôn cần tự đặt ra những câu hỏi “How” và “Why”, giúp họ nhận diện rõ hơn những vấn đề mà mình đang làm và tạo cho nhân vật có động cơ rõ ràng hơn. 

NSX Hoàng Quân: Có một câu nói trong ngành mà tôi rất tâm đắc chính là “tiền kỳ càng lâu thì càng hiệu quả”. Theo đó, người làm nghề có thêm thời gian xác định tính hợp lý của câu chuyện. Chẳng hạn, một ý tưởng bạn từng đánh giá là đúng đắn sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh của 2-3 tháng sau. Thế nên, tôi cho rằng người làm sáng tạo luôn cần tự đặt ra những câu hỏi “How” và “Why”. Đó sẽ là cách giúp họ nhận diện rõ hơn những vấn đề mà mình đang làm và tạo cho nhân vật có động cơ rõ ràng hơn. 

* Tuy đã chuẩn bị rất kỹ trong giai đoạn tiền kỳ, nhưng những tình huống phát sinh là điều không tránh khỏi. Vậy anh sẽ xử lý như thế nào khi những tình huống đó xảy ra?

NSX Hoàng Quân: Những tình huống phát sinh có thể kể đến thời tiết xấu hoặc sức khoẻ của diễn viên không được tốt. Ví dụ, quá trình quay “Rừng thế mạng” khá đặc biệt khi có những ngày quay chỉ kéo dài 30 phút vì chúng tôi phải canh đúng thời điểm quay lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Hay nếu thời gian quay chỉ có 15 phút quay nhưng ekip gặp trục trặc về máy móc thì chúng tôi phải dời cảnh quay đó sang hôm sau. 

Nhưng đôi khi, những tình huống đó lại mang đến những bất ngờ thú vị cho cảnh quay. Như trong “Chuyện ma gần nhà”, có một phân đoạn trong kịch bản sẽ diễn ra vào ban đêm. Nhưng vào ngày quay, quá trình set up máy quay đã kéo dài hơn dự kiến và đến khi kết thúc cảnh quay thì bình minh cũng lên rồi. Trùng hợp là khung cảnh lúc đó lại mang một kết thúc đẹp cho cảnh quay ấy. Qua ví dụ này có thể thấy kịch bản sẽ được sáng tạo lại một lần nữa từ những chất liệu tự nhiên như ánh sáng, thời tiết, bối cảnh… Nhờ đó, tác phẩm của mình trở nên hoàn thiện hơn.

* Gần đây, nhiều bộ phim quốc tế thuộc thể loại kinh dị, giật gân được khán giả đón nhận nồng nhiệt như Squid Game của Hàn Quốc. Theo anh, phim kinh dị ở nước ngoài có gì khác so với tại Việt Nam?

NSX Hoàng Quân: Theo tôi, có một khoảng cách khá lớn giữa quy trình và cách thức làm phim ở Việt Nam và nước ngoài. Thực tế ngành phim ở Việt Nam, thị trường vẫn còn khá nhỏ, và ngân sách sản xuất cũng khiêm tốn. Trong khi đó, khán giả Việt vốn đã có cơ hội thưởng thức những tác phẩm điện ảnh với tiêu chuẩn quốc tế. Cho nên, thách thức của chúng tôi sẽ là tìm cách kể câu chuyện sao cho thật hấp dẫn và trong phạm vi ngân sách, công cụ cho phép. Bên cạnh đó, mô hình làm phim phổ biến ở Việt Nam là sẽ trải qua nhiều công đoạn kiểm duyệt. Nếu bộ phim có những phân cảnh nhạy cảm như trong Squid Game sẽ có thể bị yêu cầu chỉnh sửa hoặc cắt bỏ. 

Inside Jobs #3: Câu chuyện làm phim kinh dị và công thức của nỗi sợ

Nguồn: Phụ nữ Online

* Một ekip làm phim luôn mong chờ tác phẩm của mình sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Tuy nhiên, có ít phim thuộc thể loại Thriller tại thị trường Việt làm được điều đó. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Khác với thể loại phim về gia đình hay hài kịch mà nhiều nhóm khán giả có thể xem được, thể loại Thriller khá kén khán giả. Dù vậy, tôi tin rằng thể loại này đang dần được nhiều khán giả đón nhận hơn, và là “mảnh đất” tiềm năng cho những nhà làm phim trẻ. Bằng chứng là bộ phim Squid Game đã thu hút được sự quan tâm của đồng đảo người xem trên khắp thế giới.

Chính vì thế, mục tiêu của chúng tôi là sẽ cải thiện bản thân từng ngày để làm nên những bộ phim hay, những tác phẩm sau sẽ phải tốt hơn tác phẩm trước. Và tôi hy vọng với nỗ lực này thì một ngày không xa, những tác phẩm của chúng tôi sẽ được nhiều khán giả công nhận và đón nhận rộng rãi.

* Cảm ơn những chia sẻ của hai anh.

Xem them bài viết cũng chuyên mục tại đây.

Tường Vi / Brands Vietnam