UX là gì, từ A tới Z có khi không bằng từ U tới X
UX là gì? UX từ đâu mà có? Vì sao phải tìm hiểu về UX? UX là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng không chỉ trong thiết kế mà còn là liên quan đến việc phát triển thương hiệu. Bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu về khái niệm User Experience – UX.
Theo nghiên cứu của Kinsta, 70% người mua hàng trực tuyến sẽ hủy bỏ giao dịch nếu họ có trải nghiệm không tốt với website. Còn dựa trên thống kê của trang tin Toptal, 88% người dùng sẽ không quay lại một trang web/ứng dụng có giao diện xấu hoặc tốc độ tải quá chậm.
Rất dễ để nhận ra rằng mọi người không thích những website hay sản phẩm không đáp ứng kỳ vọng của họ. Nói cách khác, những thương hiệu nào mang lại trải nghiệm kém cho người dùng sẽ rất nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi. Ở đây, từ khóa chính là: trải nghiệm người dùng, hay còn gọi là UX (User Experience).
UX là một thuật ngữ còn xa lạ với những người mới tìm hiểu về thiết kế hoặc chưa bao giờ “đụng tay” vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo quan điểm của Vũ, mọi người đều nên hiểu UX là gì, vì nó không chỉ được dùng trong thiết kế mà còn xuất hiện trong rất nhiều công đoạn khác của quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
UX là gì cũng thường xuyên bị nhầm lẫn với thuật ngữ UI (User Interface). Mặc dù UX và UI có liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng chúng lại có những đặc điểm hoàn toàn khác biệt.
Trong bài viết này, Vũ sẽ cùng các bạn tìm hiểu về khái niệm UX là gì, lược sử UX, tầm quan trọng của UX và cách phân biệt UX và UI. Tuy nhiên, để hiểu được chi tiết UX là gì và quy trình thiết UX đòi hỏi một lượng kiến thức rất lớn và Vũ không thể nào chia sẻ đến các bạn mọi thứ trong khuôn khổ một bài viết. Vì vậy, đội ngũ Vũ Digital sẽ chọn lọc và gửi đến bạn đọc những điều mà chúng tôi tin là quan trọng và hữu ích. Như thường lệ, hãy cùng bắt đầu bằng việc giải đáp câu hỏi “UX là gì?”
UX là gì: Định nghĩa
UX là viết tắt của cụm từ “User Experience”, tạm dịch là “trải nghiệm người dùng”. UX là mối quan hệ giữa sản phẩm của thương hiệu và những người sử dụng sản phẩm đó. UX bao gồm mọi khía cạnh liên quan đến cảm nhận, suy nghĩ khi người dùng tương tác với sản phẩm, website, ứng dụng,…
Từ đó, ta có thể hiểu thiết kế UX (UX Design) là quá trình tạo ra một trải nghiệm hoàn chỉnh, hữu ích cho người dùng khi họ sử dụng sản phẩm, nhằm mang đến sự hài lòng và kết nối người dùng với thương hiệu. Những UX Designer sẽ đặt người dùng ở vị trí trung tâm và đề xuất giải pháp nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của họ.
UX ngày càng trở nên quan trọng và là một yếu tố không thể thiếu khi phát triển và thiết kế sản phẩm. Nhà đồng sáng lập thương hiệu Apple – Steve Jobs đã từng nói:
Thiết kế không chỉ là chuyện một sản phẩm trông hoặc mang lại cảm giác ra sao, thiết kế còn là cách sản phẩm đó hoạt động như thế nào.
Hãy liên tưởng đến cách chúng ta sử dụng internet.
Những trang web đời đầu thường rất đơn giản, chúng chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin với giao diện khá thô sơ. Điều này là dễ hiểu khi nhu cầu của chúng ta thời đó với internet là không nhiều. Vào những năm 2000, mạng xã hội là một thứ còn xa vời và mãi đến năm 2014, Youtube mới có tên miền chính thức tại Việt Nam.
Nhưng câu chuyện của năm 2022 lại khác hoàn toàn. Giờ đây Facebook là thứ chúng ta kiểm tra đầu tiên khi vừa mở mắt dậy. Tik Tok, Youtube trở thành thứ “thuốc giải” tinh thần hiệu quả dành cho tất cả mọi người sau nhiều giờ làm việc căng thẳng. Nói cách khác, cuộc sống chúng ta hiện tại đang gắn liền với công nghệ.
Như một hệ quả tất yếu, người dùng ngày một đòi hỏi nhiều hơn ở các trang web hay ứng dụng. Họ muốn tốc độ tải nhanh hơn, hình ảnh chất lượng hơn, giao diện hiện đại hơn,… Ranh giới giữa “hài lòng” và “thất vọng” trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Những thứ khiến người dùng không vừa ý khi tương tác với thương hiệu đều ảnh hưởng đến thái độ và cảm nhận của họ dành cho thương hiệu. Từ đó, vai trò của một UX Designer lại càng trở nên nổi bật và cần thiết.
Tuy nhiên, khái niệm UX là gì không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thiết kế website, app, hay các sản phẩm công nghệ. UX bao hàm ý nghĩa rộng hơn rất nhiều.
Mọi thương hiệu, mọi sản phẩm đều mang đến một quá trình trải nghiệm và người dùng sẽ có cảm nhận riêng của mình khi sử dụng chúng. Liệu đó là cảm nhận tích cực, tiêu cực, hay không gì cả? Điều này phù thuộc vào quá trình phát triển sản phẩm, cách làm truyền thông, và việc thương hiệu giúp người dùng giải quyết vấn đề như thế nào.
Hãy tưởng tượng bạn vừa mua một chai nước suối tại cửa hàng, nhưng chai nước ấy lại quá trơn khiến bạn không cầm chắc được, hoặc nắp chai quá khó mở. Bạn khó chịu và tự nhủ rằng lần tới mình sẽ không mua thương hiệu này nữa. Sau này khi nhìn thấy chai nước, trong đầu bạn lập tức hiện về những ký ức không mấy vui vẻ và bạn thuật lại câu chuyện trên cho người quen của mình, khuyên họ không nên mua sản phẩm này vì chúng rất trơn và khó mở.
Tệ hơn, không chỉ bạn mà rất nhiều người khác cũng gặp phải tình cảnh trên. Thế là câu chuyện “chai nước trơn và cái nắp khó mở” cứ thế lan truyền.Thương hiệu nước suối này bỗng chốc đã mất điểm hoàn toàn trong mắt người dùng. Đây là cách mà một sản phẩm có UX kém ảnh hưởng đến quá trình cảm nhận của chúng ta.
Một vấn đề khác khiến nhiều người thắc mắc là tại sao không viết tắt cụm User Experience là UE mà lại là UX? Lý do đơn giản là vì chữ “Experience” trong tiếng Anh có phiên âm là /ɪkˈspɪəriəns/ với chữ “ex-” đọc giống như chữ cái “X”. Mọi người vi vậy đã quen đọc, viết “User Experience” tắt là UX, và cụm từ này vẫn được dùng cho đến hiện tại.
Tóm lại, UX là thành phần thiết yếu đối với sự thành công của thương hiệu. Hiểu được UX là gì là bước đầu để designer xây dựng nên những sản phẩm thân thiện, phù hợp với người dùng.
UX là gì: Lược sử của UX
Khi tìm hiểu UX là gì, chúng ta thường liên tưởng đến các vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc nhiều người cho rằng UX là một thuật ngữ “hiện đại”, mới xuất hiện gần đây.
Thực tế, dù khái niệm “User Experience” đúng là chỉ chính thức được dùng vào những năm 1990, nhưng tổ tiên chúng ta đã áp dụng nhiều cách thức khác nhau để tạo ra những trải nghiệm cho mọi người.
Theo quan điểm của Vũ, để hiểu rõ hơn UX là gì, bạn đọc cần nắm được lược sử của lĩnh vực này. Nhưng vì sao lại phải mất công như thế? Chẳng phải thuộc lòng định nghĩa UX là gì là đã đủ để chúng ta đi phỏng vấn rồi sao?
Về lý thuyết, lược sử UX đóng vai trò quan trọng để chúng ta hiểu rõ về UX là gì. Như mọi lĩnh vực khác, việc tìm hiểu nguồn gốc của một sự vật, sự việc sẽ giúp chúng ta có nhiều kiến thức hơn. Dù bạn mới bắt đầu mày mò về UX hay đã là một Designer nhiều kinh nghiệm, những nội dung này sẽ mang đến cho bạn nhiều góc nhìn mới mẻ.
4000 năm trước công nguyên: Phong thủy và cách sắp xếp không gian
Bạn sẽ thắc mắc nghệ thuật phong thủy thì liên quan gì đến UX? Nhưng những chia sẻ sau có thể sẽ khiến bạn suy nghĩ lại.
Hơn 6000 năm trước, người Trung Quốc cổ đại đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống của con người. Họ cho rằng không gian của một phòng ngủ, phòng khách, hoặc của cả một ngôi nhà cần phải được sắp xếp và thiết kế theo một trật tự nhất định để không ngăn cản dòng chảy năng lượng – thứ mang đến sự an toàn, may mắn cho gia chủ.
Cũng giống như cách một chuyên gia phong thủy sắp xếp đồ đạc trong nhà, một UX designer cũng áp dụng các nguyên tắc tương tự để xây dựng nên những ứng dụng hay website thân thiện với người dùng. “Dòng chảy năng lượng” được những designer hiện đại hiểu như “dòng hoạt động của người dùng” (User Flow) – tiến trình một người dùng sử dụng sản phẩm, kể từ khi mở ứng dụng đó lên cho đến khi thoát ra bên ngoài.
Cả hai cùng hướng đến một kết quả là tạo ra trải nghiệm hoàn chỉnh cho người sử dụng. Dựa trên điều này, có thể nói phong thủy là một trong những hình thức “thiết kế UX” đầu tiên xuất hiện trong lịch sử.
Thế kỷ thứ 5 trước công nguyên: Người Hy Lạp cổ đại
Những tính toán về việc tạo ra trải nghiệm cũng xuất hiện trong xã hội Hy Lạp cổ. Dựa trên những tài liệu thu thập được, các nhà khoa học tin rằng khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, người Hy Lạp đã kiến tạo nên những công cụ, môi trường làm việc để phù hợp nhất với nhu cầu của người lao động.
Một trong những dấu hiệu chứng minh người Hy Lạp cổ đại nhận thức được về nguyên tắc trải nghiệm là việc Hippocrates – cha đẻ của ngành Y – phân tích cách thiết lập nơi làm việc của bác sĩ phẫu thuật.
Trong một tập ghi chép, Hippocrates viết về ánh sáng trong phòng, vị trí của bác sĩ – “bác sĩ nên ngồi hoặc đứng ở một vị trí mà người đó cảm thấy thoải mái” – và cách sắp xếp các dụng cụ phẫu thuật; “Chúng phải dễ tiếp cận bất cứ khi nào được yêu cầu và chúng phải được đặt đúng cách để không cản trở bác sĩ.”
Điều này không làm bạn nghĩ tới những concept thiết kế UX sao?
Những năm 1940: Hệ thống sản xuất Toyota
Khoảng những năm 1940, Toyota đã cho ra mắt hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System – TPS) với trọng tâm là khách hàng và người lao động.
Về nội bộ, hệ thống TPS được xây dựng dựa trên nền tảng là sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho nhân viên, và rất nhiều sự đầu tư đã được thực hiện để tạo ra môi trường làm việc hiệu quả nhất.
Đồng thời, đóng góp của nhân viên cũng được khuyến khích và tôn trọng. Một công nhân nhà máy hoàn toàn có thể phản hồi với cấp trên nếu anh ta phát hiện ra sai sót của máy móc và nêu lên những ý kiến để cải thiện tình hình. Đây là những thứ không hề phổ biến ở thời điểm đó.
Hệ thống sản xuất của Toyota đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của UX. Nó cho thấy mọi người đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến quá trình mà một người tương tác, sử dụng các sản phẩm máy móc.
Năm 1955: Henry Dreyfuss và nghệ thuật thiết kế vì con người
Một nhân vật quan trọng trong lịch sử thiết kế UX là Henry Dreyfuss. Dreyfuss là một kỹ sư công nghiệp người Mỹ, nổi tiếng với việc thiết kế và cải thiện khả năng sử dụng của các sản phẩm tiêu dùng như máy hút bụi Hoover, điện thoại để bàn,…
Triết lý sáng tạo của Dreyfuss được thiết lập dựa trên các phương pháp tiếp cận khoa học và hướng đến sự tiện lợi khi sử dụng. Năm 1955, ông viết tác phẩm “Thiết kế cho con người” (Designing for People). Trong đó, Dreyfuss mô tả sự thành công của một nhà thiết kế sản phẩm là khi người dùng “cảm thấy an toàn, thoải mái, tích cực khi mua và sử dụng sản phẩm”. Ngược lại, nếu người dùng cảm thấy khó khăn hay kém hứng thú khi dùng sản phẩm, đồng nghĩa với việc nhà thiết kế đã mắc sai lầm.
Năm 1966: Walt Disney & Disney World
Chúng ta thường hiểu lầm rằng kỹ sư là những người duy nhất có vai trò chủ yếu trong lịch sử phát triển của UX. Nhưng thực tế, Walt Disney – người làm nên thành công của thương hiệu giải trí cùng tên – mới được nhiều người xem như một trong những thiên tài đầu tiên về UX.
Disney luôn đam mê tạo ra nhiều trải nghiệm huyền ảo, nhập vai và thú vị nhất cho người khác và Disney World là minh chứng cho sự xuất sắc của ông.
Trong bài báo của mình cho Tạp chí UX, Joseph Dickerson – UX Designer của Disney – đã tóm tắt bộ nguyên tắc hướng dẫn mà Walt Disney dành cho cho đội ngũ kỹ sư của mình: tìm hiểu khách hàng, hiểu những nhu cầu và mong muốn của họ, từ đó giao tiếp với họ thông qua màu sắc, hình dáng, và kết cấu của các tác phẩm.
Kết quả là bây giờ chúng ta có một công viên Disney World mà bất cứ trẻ em nào cũng muốn đến tham quan. Những nguyên tắc của Walt Disney đến nay vẫn còn được ứng dụng trong mọi bản thiết kế UX.
Thập niên 1970: Xerox, Apple và kỷ nguyên máy tính cá nhân
Những năm 1970 đánh dấu sự ra đời của máy tính cá nhân. Đây cũng là lúc các nhà tâm lý và kỹ sư bắt đầu hợp tác với nhau để kiến tạo nên một quá trình trải nghiệm sản phẩm phù hợp nhất cho người dùng.
Những kết quả đột phá nhất thời điểm này thuộc về trung tâm nghiên cứu PARC của tập đoàn Xerox, bao gồm giao diện đồ họa và chuột máy tính cầm tay.
Năm 1984: Macintosh
Macintosh – Máy tính phổ thông đầu tiên của Apple được trang bị giao diện đồ họa với một màn hình tích hợp và một thiết bị chuột riêng biệt. Đây là một cột mốc mang tính lịch sử, bởi vì lúc này mỗi người đều có thể sở hữu riêng cho mình một chiếc máy tính.
Kể từ đó, Apple bắt đầu tập trung hơn cho UX trong những sản phẩm của hãng. Và thương hiệu này thật sự đã làm rất tốt điều đó. Từ iPod vào năm 2001 đến iPhone vào năm 2007, những cái tên này đều gần như đi liền với tính từ “tuyệt vời” khi nhắc đến chất lượng của chúng.
Năm 1995: Donald Norman và ý tưởng về “User Experience”
Vào khoảng thời gian này, thiết kế UX đã tồn tại, nhưng nó không có một tên gọi chính thức và cụ thể.
Cho đến khi Donald Norman – một nhà khoa học nhận thức – hợp tác với Apple và lấy chức danh User Experience Architect (Kỹ sư trải nghiệm người dùng). Norman trở thành người đầu tiên sử dụng cụm từ User Experience một cách chính thức và ông cũng dùng thuật ngữ UX Design để chỉ việc thiết kế những thứ liên quan đến trải nghiệm người dùng.
Năm 1998, Norman xuất bản quyển sách “The Design of Everyday Things”, một tác phẩm mà những UX Designer ngày nay nên tìm hiểu.
Hiện tại và tương lai
Thiết kế UX là một lĩnh vực phát triển không ngừng. UX gắn liền với tốc độ thay đổi của công nghệ, nhu cầu của người dùng, và câu chuyện của nó vẫn đang được chúng ta viết tiếp theo thời gian.
Từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ âm thanh, từ thực tế ảo đến 3D, những UX Designer hiện nay phải đối mặt với những thách thức mà thế hệ đi trước có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến. Nhiệm vụ của chúng ta là hãy khám phá mọi khả năng mà UX có thể dẫn chúng ta đến.
UX là gì: Vì sao UX quan trọng?
Chúng ta đã hiểu UX là gì và lược sử của UX là gì. Nhưng cụ thể thì tầm quan trọng của UX với thương hiệu là như thế nào?
UX giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng
Nếu đột nhiên bị buộc phải sử dụng Facebook, Google, Youtube,…bằng phiên bản đầu tiên của những ứng dụng này, có lẽ chúng ta sẽ không chịu nổi quá 5 phút. Lý do rất đơn giản. Vì chúng thiếu quá nhiều tính năng mà ngày nay mọi người đã quen thuộc như Story, Video Call,…
Điều này chứng tỏ rằng nhu cầu của người dùng luôn thay đổi và họ luôn yêu cầu được trải nghiệm những phiên bản dễ sử dụng hơn, nhiều chức năng hơn và hoàn thiện hơn của sản phẩm.
Họ không muốn mình phải sử dụng những trang web bị lỗi font chữ hay những ứng dụng ví điện tử load 5 phút chưa xong. Theo nghiên cứu của Businesswire, gần 90% người dùng sẽ từ bỏ một thương hiệu họ yêu thích chỉ sau hai lần trải nghiệm không tốt. Ngược lại, một sản phẩm có UX tốt sẽ khiến khách hàng muốn tiếp tục sử dụng hơn.
Một ví dụ phù hợp là Duolingo. Duolingo là ứng dụng hỗ trợ việc học ngôn ngữ với hàng triệu người dùng trên khắp thế giới, và cách mà ứng dụng này tạo ra những trải nghiệm thúc đẩy việc học ngoại ngữ cũng được rất nhiều người yêu thích.
Ai cũng biết việc học một thứ tiếng khác ngoài tiếng mẹ đẻ là một thách thức không hề dễ dàng, đặc biệt với những người bận rộn. Nào là từ vựng, ngữ pháp,… chỉ nghĩ tới viễn cảnh phải làm bài tập mỗi ngày thôi đã dễ làm chúng ta chùn bước.
Duolingo mang đến những trải nghiệm giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc học. Giải pháp của ứng dụng là chia nhỏ tiến trình học ra thành nhiều cột mốc khác nhau, từ dễ đến khó. Cùng với đó là việc đặt ra những mục tiêu đơn giản như 10 – 20 phút học mỗi ngày cùng những lời nhắc nếu họ “lỡ quên”, Duolingo giúp người dùng không bị áp lực khi mường tượng ra quá trình học.
Mặt khác, giao diện đăng ký và sử dụng Duolingo cũng rất đơn giản, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, phong cách hoạt hình thân thiện, đồng bộ kết quả trên cả ứng dụng lẫn website (nếu dùng máy tính),… Tất cả những điều này góp phần mang lại một trải nghiệm tích cực và hiệu quả cho người dùng.
Nhiệm vụ của UX Designer thời nay ngày càng trở nên thách thức hơn. Nhưng nếu giải quyết được bài toán về UX, chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho thương hiệu.
UX tốt giúp khách hàng kết nối với thương hiệu
Đây là kết quả khi chúng ta hiểu được UX là gì và vận dụng hiệu quả UX trong công việc. UX tốt sẽ giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và có cảm nhận tốt về trải nghiệm đó.
Thế giới thương hiệu ngày nay chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trên đường đua, một sai lầm của người này sẽ là lợi thế của người kia. Mọi nhà lãnh đạo đều muốn khách hàng có trải nghiệm tốt với thương hiệu của mình, vì đó là cơ sở để họ tiếp tục sử dụng lần hai, lần ba,… và giới thiệu thương hiệu đến người khác.
Khách hàng chưa khi nào lại có nhiều lựa chọn mua sắm như bây giờ và nếu thương hiệu gây thất vọng trong trải nghiệm, họ sẽ ngay lập tức chuyển qua sử dụng sản phẩm khác hoặc tệ hơn là gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng thương hiệu với sự trợ giúp của mạng xã hội.
Cạnh tranh giữa các trang thương mại điện tử (TMĐT) là một trường hợp như thế. Chăm sóc khách hàng, các chính sách đổi trả, chương trình khuyến mãi, hệ thống trình bày sản phẩm,… Những yếu tố này được những thương hiệu TMĐT đầu tư và cải thiện theo thời gian nhằm mang lại một trải nghiệm hoàn hảo nhất cho người dùng.
Chúng ta sẽ chắc chắn sẽ hài lòng khi một thương hiệu giải quyết vấn đề giao nhầm hàng nhanh chóng và thỏa đáng. Ngược lại, một điểm trừ trong cách trả lời của nhân viên tổng đài thôi cũng có thể dẫn đến kết cục là một bài đăng chỉ trích thương hiệu trên các diễn đàn.
Một trải nghiệm tốt về lâu dài cũng sẽ giúp thương hiệu có thêm nhiều khách hàng trung thành hơn. Hãy lấy ví dụ về Apple – một trong những thương hiệu thành công nhất lịch sử.
Apple luôn hướng đến người dùng trong mọi hoạt động và sản phẩm của mình. Steve Jobs, nhà đồng sáng lập của hãng, là một chuyên gia trong lĩnh vực trải nghiệm người dùng. Ông luôn biết khách hàng cần gì, ngay cả khi họ không nhận ra điều đó, và mang đến giải pháp cho những nhu cầu đó. Sản phẩm của Apple luôn nổi tiếng là dễ sử dụng và thiết kế sang trọng, đẹp mắt, từ iPod, iPhone, cho đến iMac, iWatch…
Không chỉ sản phẩm, các chiến dịch truyền thông, các cửa hàng Apple,… đều mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đậm chất “Apple”, thứ mà không đối thủ nào có thể sao chép được của thương hiệu này. Những sự kiện khác như việc hãng từ chối yêu cầu bẻ khóa iPhone từ chính quyền Mỹ cũng đã tạo nên một sự tin tưởng rất lớn dành cho “Táo khuyết”. Khách hàng tin tưởng Apple và hài lòng với chất lượng khi trải nghiệm những sản phẩm của thương hiệu, về lâu dài sẽ trở thành những khách hàng trung thành và những người truyền bá thương hiệu Apple.
UX giúp tiết kiệm chi phí
Một sản phẩm có UX tốt và được người dùng đánh giá cao sẽ giúp thương hiệu tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc chỉnh sửa hoặc thay đổi thiết kế.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những công ty đầu tư vào thiết kế UX sẽ giúp giảm chi phí marketing, tăng cơ hội mua hàng những lần sau đó và từ đó giúp gia tăng đáng kể thị phần.
Dựa trên những thống kê của Forrester, một sản phẩm có UX tốt có khả năng sinh lời gấp 10 lần vốn đầu tư của thương hiệu. Nếu chúng ta giải quyết được nhu cầu của người dùng và mang lại cho họ một trải nghiệm tuyệt vời, thương hiệu hoàn toàn tự tin vào việc họ sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm.
Những công ty kinh doanh nhưng không đầu tư vào hệ thống website hay chăm sóc khách hàng, vốn đã mang lại trải nghiệm kém, sẽ rất khó thành công về lâu dài.
Người dùng ngày nay rất khó tính, và như Vũ đã chia sẻ, họ sẽ chuyển sang “làm giàu” cho đối thủ của thương hiệu nếu họ cảm thấy thương hiệu không được đáp ứng nhu cầu của mình.
UX là gì: UX và UI
Đây có lẽ là vấn đề được nhiều người thắc mắc nhất khi tìm hiểu khái niệm UX là gì. UX và UI (User Interface) rất thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau ngay cả với những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế.
Vũ sẽ dành một bài chia sẻ để phân tích sâu hơn về thuật ngữ UI. Trong phạm vi bài viết này, Vũ sẽ giới thiệu tổng quan để bạn đọc hiểu được sự khác nhau giữa hai khái niệm này.
Để tóm gọn điểm khác biệt giữa UI và UX, chúng ta có thể hiểu như sau: UX là cách mà người dùng cảm nhận, suy nghĩ về sản phẩm, website hay ứng dụng của thương hiệu; trong khi đó, UI là cách mà họ tương tác với giao diện, chức năng của sản phẩm, website và ứng dụng đó.
UX tập trung vào người dùng còn UI sẽ tập trung vào tính năng. UX là quá trình còn UI là những “trạm dừng chân” của quá trình.
UI bao gồm các yếu tố thẩm mỹ, phong cách thiết kế, khả năng phản hồi và tương tác của sản phẩm. UI tập trung vào bố cục, màu sắc, typography, chuyển động,… của sản phẩm; nhằm đảm bảo một UX hoàn chỉnh cho người dùng. Nói cách khác, UX và UI tuy khác biệt nhưng có liên quan chặt chẽ đến nhau.
Chúng ta hãy quay lại với ví dụ Duolingo để tìm hiểu rõ hơn. Những yếu tố như: trang đăng ký tài khoản, đồ họa mang phong cách hoạt hình, kiểu chữ tròn, màu sắc rực rỡ, cách hiển thị hệ thống bài học, chế độ nền tối… chính là UI. Và tất cả các yếu tố này được Duolingo đưa vào và điều chỉnh nhằm giúp người dùng có một trải nghiệm UX hoàn hảo nhất với ứng dụng học ngoại ngữ này.
Cả UX và UI đều là những thành phần thiết yếu và không thể tách rời của một quy trình thiết kế thành công, vì chúng đáp ứng những yêu cầu, mong muốn khác nhau. Một trải nghiệm hoàn hảo sẽ bắt đầu với UX và tiếp sau đó là UI.
Thiết kế có UI mà không tập trung vào UX cũng tương tự như việc một họa sĩ sơn vẽ nguệch ngoạc lên giấy mà không có mục đích. Ngược lại, thiết kế có UX mà không có UI sẽ giống như việc họa sĩ muốn người xem nhìn vào một khung tranh trống, không hề có vải, giấy hay màu sắc bên trong. Hiểu được ý nghĩa của UI và UX là gì là rất quan trọng để designer tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho người dùng.
Lời kết
Qua bài viết này, Vũ hy vọng bạn đọc đã hiểu được UX là gì, tầm quan trọng của UX là gì và các cột mốc chính trong lược sử của UX là gì. Trải nghiệm người dùng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Như Vũ đã chia sẻ, một website có UX kém sẽ khiến người dùng mất thiện cảm với thương hiệu và họ có thể ngay lập tức chuyển sang đối thủ của hãng.
Việc hiểu UX là gì sẽ giúp designer có tư duy tốt hơn trong việc tạo ra những sản phẩm thân thiện, phù hợp và giải quyết đúng nhu cầu của người dùng. Đây là nền tảng để thương hiệu kết nối với khách hàng. Tuy nhiên, trải nghiệm người dùng là một lĩnh vực rất rộng và cần phải cập nhật kiến thức liên tục, vì chúng luôn thay đổi với sự tiến bộ của công nghệ. Designer vì thế phải luôn học hỏi thêm để cải thiện bản thân.
Mặt khác, UX cũng không chỉ nằm gọn trong thế giới của công nghê. Nhà lãnh đạo cần quan sát tất cả những điểm chạm của khách hàng với thương hiệu của mình và tìm cách mang đến cho họ những trải nghiệm đặc biệt nhất.
Xin chân thành cảm ơn,
*Nguồn: Vũ Digital