Giải pháp giúp các tổ chức tăng tốc và hướng tới tương lai bền vững hơn
Ngày Môi trường Thế giới sắp đến như một lời nhắc nhở về tính cấp thiết của sự thay đổi mang tính chuyển đổi trong việc giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách.
Dưới đây là phần chia sẻ của ông Mark Vester, nhà lãnh đạo toàn cầu của SABIC, phụ trách mảng kinh tế tuần hoàn, về những giải pháp để hướng tới tương lai bền vững hơn.
Cam kết bảo vệ tính bền vững và môi trường của SABIC là kim chỉ nam để đơn vị này liên tục cải tiến hoạt động của mình, thúc đẩy những cá nhân và tổ chức khác cùng chung tay hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ cuộc sống bền vững.
Những cam kết về tính bền vững của SABIC là hành động hưởng ứng chủ đề Môi trường Thế giới "Chỉ một Trái đất" năm nay, thể hiện nhu cầu sống bền vững và chuyển đổi theo hướng sống xanh hơn thông qua hợp tác chuỗi giá trị, quản trị toàn diện, chính sách và tiêu dùng có trách nhiệm.
Giải quyết các vấn đề môi trường do sự yếu kém trong quản lý chất thải
Khi thế giới chuyển đổi theo hướng bình thường mới, những lo ngại về quản lý chất thải nhựa do Covid-19 mang lại đã trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu. Đại dịch đã gây ra những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, chuyển sự chú ý sang các vấn đề sức khỏe và an toàn, trong bối cảnh nhận thức về môi trường ngày càng tăng.
Để môi trường bền vững trong tương lai và thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu, các công ty cần dũng cảm đi đầu và hợp tác với nhiều bên liên quan để đổi mới và tiên phong trong các giải pháp riêng nhằm cải thiện hơn nữa và nâng cao tính bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh tuyến tính truyền thống thành mô hình hợp tác nhiều bên, yêu cầu người điều phối phải thúc đẩy hợp tác với các bên liên quan trong chuỗi giá trị như: Chủ sở hữu thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà tái chế và chính phủ để tạo ra sự thay đổi bền vững với quy mô lớn.
SABIC thường xuyên thúc đẩy sự chuyển đổi trong toàn bộ chuỗi giá trị bằng cách hợp tác với các đối tác hạ nguồn và thượng nguồn, để tái tạo và đi tiên phong trên con đường hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn vì lợi ích của con người và của hành tinh này.
Có ba nhóm cơ hội lớn mà các tổ chức có thể hướng tới để đóng góp vào tiến trình bền vững, bao gồm việc tạo ra một chuỗi giá trị tuần hoàn, giảm lượng khí thải CO2 và đổi mới để sản xuất bền vững.
Tạo chuỗi giá trị tuần hoàn
Mặc dù nhựa tái chế đang nhanh chóng được sử dụng trên khắp thế giới, nhưng giá cả và nguồn cung vẫn là một thách thức lớn do những hạn chế của ngành hiện nay trong việc thu gom, năng lực xử lý, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Phát triển một hệ thống tái chế tuần hoàn là một công việc quan trọng và đòi hỏi tất cả các thành phần bên trong hệ sinh thái phải thực hiện phần việc của mình.
Tính riêng tại Việt Nam, có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương mỗi năm. Để giải quyết vấn đề cấp bách về rác thải nhựa đại dương, năm 2021, SABIC và công ty tái chế nhựa HHI có trụ sở tại Malaysia, đã công bố quan hệ hợp tác tiên phong trong việc tạo ra nhựa polyme tuần hoàn được cấp chứng nhận trên thế giới. Đây là loại nhựa được sản xuất thông qua quá trình tái chế rác nhựa đại dương (Ocean-Bound Plastics - OBP) tiên tiến.
OBP là nhựa đã qua sử dụng, được thu hồi từ các tuyến đường thủy và các khu vực đất liền trong bán kính 50 km tính từ bờ biển. OBP có thể được tái chế thông qua một quy trình tiên tiến sáng tạo giúp phá vỡ rác nhựa này thành các hạt nhựa ban đầu, trước khi được sản xuất thành nhựa polyme tuần hoàn đã được cấp chứng nhận. Loại nhựa này có chất lượng giống hệt nhựa nguyên sinh và có thể tái chế rất nhiều lần. Quy trình tái chế tiên tiến cho phép chuyển đổi rác thải nhựa đại dương thành dầu nhiệt phân, được SABIC sử dụng trong quy trình sản xuất của họ như một chất thay thế cho các nguyên liệu hóa thạch truyền thống.
Bằng cách tái chế rác thải OBP trong khu vực, SABIC đang đóng vai trò như một người điều phối, thông qua hợp tác với nhiều bên liên quan, nhằm thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn trong khu vực, hỗ trợ thế hệ những người tiêu dùng hiểu biết và đòi hỏi các vật liệu và quy trình bền vững trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Chủ động giảm lượng khí thải CO2
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm lượng khí CO2 trong khí quyển là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng tăng cao đã dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính (greenhouse gas - GHG) tăng theo cấp số nhân, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất Đông Nam Á.
Các nghiên cứu đánh giá vòng đời của SABIC đã phát hiện ra rằng sẽ tiết kiệm được khoảng 2 kg khí thải CO2 cho mỗi kg polyme tuần hoàn được cấp chứng nhận và sản xuất từ quá trình tái chế hỗn hợp nhựa đã qua sử dụng thay cho quá trình đốt cháy rác thải thông thường. Quan trọng nhất, nó góp phần làm giảm hơn nữa tổng lượng khí thải CO2 mà chúng ta tạo ra.
Với suy nghĩ đó, các doanh nghiệp cần có hành động cụ thể để biến mục tiêu của Hiệp định Paris thành hiện thực. Tất cả cần chung tay để theo đuổi nỗ lực và khám phá các giải pháp giúp đạt được sự trung hòa cacbon vào năm 2050. Tập trung vào việc giảm khí thải trực tiếp và gián tiếp tạo ra do quá trình sản xuất, SABIC đang đặt mục tiêu giảm 20% khí thải nhà kính vào năm 2030 trên toàn thế giới so với năm 2018. Điều này phù hợp với nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu giảm lượng khí thải cacbon ròng về 0 vào năm 2050. Để hỗ trợ sáng kiến này, Việt Nam đã hợp pháp hóa việc thành lập thị trường cacbon, nhằm thực hiện nhiều mục tiêu bao gồm giảm khí thải nhà kính, nâng cao những đóng góp của Việt Nam vào các mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu, và khuyến khích đổi mới công nghệ xanh và sạch hơn.
Đổi mới để sản xuất bền vững
SABIC tiếp tục đổi mới nhằm hướng tới sản xuất bền vững. Để giải quyết những thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng và hệ thống, điều này khuyến khích sự tiến bộ theo hướng bền vững hơn, từ cả khu vực công và tư nhân.
Khi áp dụng trong bối cảnh bình thường mới, những khoản đầu tư như vậy có thể giúp tăng năng lực sản xuất, tạo việc làm và tái thiết nền kinh tế, đồng thời, tăng cường khả năng phục hồi trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy tiến bộ và đổi mới cần phải là một phần trong chiến lược dài hạn của bất kỳ doanh nghiệp nào. Phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong việc thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới, mô hình kinh doanh và quan hệ đối tác. Các ngành công nghiệp phát triển mạnh nhờ sự đổi mới và hợp tác để đưa công nghệ mới ra thị trường, giảm lượng khí thải cacbon, hỗ trợ hệ sinh thái để cải thiện thực hành quản lý chất thải và thậm chí cải thiện tỷ lệ tái chế.
Cùng nhau giải quyết các vấn đề bền vững
Các thách thức về tính bền vững không thể được giải quyết một cách đơn lẻ. Những vấn đề phức tạp này thường có mối liên hệ với nhau, đòi hỏi phải có một cách tiếp cận phối hợp và xuyên suốt để hướng tới một lĩnh vực hóa dầu bền vững hơn. Khi mọi người nhanh chóng thích nghi và phát triển theo hướng bình thường mới, cộng đồng, các doanh nghiệp và chính phủ cần phải hợp tác với nhau để vượt qua những thách thức và nắm bắt cơ hội trong việc thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn và đổi mới vì một tương lai tốt đẹp hơn.