Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

The BoF Sustainability Index 2022: Lời hứa bền vững của ngành thời trang vẫn còn bỏ ngỏ

The BoF Sustainability Index 2022: Lời hứa bền vững của ngành thời trang vẫn còn bỏ ngỏ

Theo báo cáo The BoF Sustainability Index 2022, những nỗ lực nhằm chống biến đổi khí hậu và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm hơn vào năm 2030 của ngành công nghiệp thời trang vẫn chưa có tiến triển.

Phương pháp nghiên cứu

The BoF Sustainability Index là báo cáo thường niên của The Business of Fashion (một trong những website uy tín chuyên về tin tức, quan điểm trong lĩnh vực thời trang), đánh giá tiến độ của 15 thương hiệu thời trang danh tiếng với các mục tiêu về môi trường và xã hội vào năm 2030. Các tiêu chí đánh giá gồm: Tính minh bạch, lượng khí thải, nước, hoá chất, chất thải, chất liệu và quyền lợi người lao động

Phạm vi nghiên cứu của The BoF Sustainability Index 2022 mở rộng đến 30 thương hiệu lớn từ cao cấp, thể thao đến đường phố. Cụ thể, các thương hiệu có mặt trong báo cáo năm nay gồm: Abercrombie & Fitch Co., adidas, American Eagle Outfitters, Anta Sports, Asics, Burberry Group, Capri Holdings, Fast Retailing, Fila Holdings Corp., Gap Inc., H&M Group, Hermès, HLA Group Corp., Inditex, Kering, Levi Strauss & Co., Lululemon Athletica, LVMH, Next PLC, Nike Inc., Prada Group, Puma, PVH Corp., Ralph Lauren Corp., Richemont, Skechers USA, Tapestry, Under Armour, Urban Outfitters Inc. and VF Corp.

Tồn tại khoảng cách lớn giữa cam kết và kết quả thực tế

Một thập kỷ qua đánh dấu sự chuyển mình liên tục của ngành công nghiệp thời trang để đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu và kinh doanh có trách nhiệm hơn vào năm 2030. Chỉ còn 8 năm nữa nhưng kết quả không mấy khả quan: hiệu suất thực hiện 5/6 tiêu chí sụt giảm. Đó là do 15 thương hiệu mới được bổ sung vào nghiên cứu chưa hoạt động thực sự hiệu quả. 

Tiến bộ công nghệ, chính sách kêu gọi góp phần thúc đẩy các hãng thời trang nhanh chóng hành động. Nhưng sự hạn chế trong trách nhiệm giải trình, đầu tư nguồn lực và chất lượng dữ liệu đang kiềm hãm những thay đổi thực sự. Những “gã khổng lồ” trong nhóm 15 thương hiệu góp mặt trong báo cáo năm ngoái ngoi lên như những người dẫn đầu. Dù vậy, tiến độ của họ vẫn quá chậm để đạt được mục tiêu trước năm 2030. Thêm vào đó, một số thương hiệu mới được thêm vào báo cáo năm 2022 vẫn chưa đưa ra cam kết nào về vấn đề bền vững.

The BoF Sustainability Index 2022: Lời hứa bền vững của ngành thời trang vẫn còn bỏ ngỏ

Nhìn chung, tiến độ chuyển đối của các thương hiệu chưa đồng đều, rõ ràng, và hơn hết vẫn còn rất chậm:

  • Tiến độ thực hiện chậm chạp: Tổng điểm trung bình của 30 công ty chỉ chạm mức 28/100. Puma có thành tích cao nhất với 49 điểm. Burberry là thương hiệu duy nhất nằm trong nhóm mới bổ sung lọt vào top 10 với số điểm 41.
  • Hiệu suất hoạt động bị kéo xuống: Việc bổ sung 15 thương hiệu mới đã kéo điểm số trung bình trên tất cả 6 tiêu chí, đặc biệt là mục “lượng khí thải”. Trong khi điểm trung bình của 15 hãng ban đầu đã tăng từ 31 lên 36 điểm, thì các thương hiệu mới được bổ sung chỉ đạt trung bình 20 điểm.
  • Vẫn có những thương hiệu đang nỗ lực tăng tốc: Fast Retailing là thương hiệu có tiến độ nhanh nhất. Hãng đã có thêm 11 điểm, nâng tổng điểm của mình lên 30 trong năm 2022. Puma và Hermès đã có những cải thiện trong hiệu suất thực hiện,   được thể hiện với điểm số lần lượt là 49 và 32 (cao hơn năm ngoái 9 điểm).
  • Nhiều thương hiệu vẫn còn đang trì trệ: URBN, Skechers, Fila Holding, Anta và HLA Group đưa ra rất ít thông tin, thậm chí chưa có kế hoạch chi tiết để giải quyết những tác động của họ đến môi trường và xã hội, đều chỉ đạt được hơn 10 điểm.

Theo Tường Vi/ Brands Vietnam
Nguồn: Business of Fashion