Qua 2 năm COVID-19, ngành thẩm mỹ làm đẹp đã có cuộc cách mạng chuyển đổi số như thế nào?
Qua 2 năm dịch bệnh, ngành thẩm mỹ làm đẹp đã có những bước chuyển đổi số nhanh chóng, xuất hiện nhiều mô hình tập đoàn thẩm mỹ hơn, đáp ứng nhu cầu của số lượng khách hàng ngày một đông.
Để thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp đã đóng cửa trong 2 năm đại dịch COVID-19 thật sự rất khó, nhưng tôi có thể chỉ ra 5 yếu tố quan trọng khiến các doanh nghiệp đóng cửa:
- Tâm lý lo sợ nhiễm bệnh của khách hàng.
- Doanh nghiệp không có tư duy quản trị.
- Kiểm soát kế hoạch tài chính chưa tốt.
- Nhân sự không được đào tạo văn hoá doanh nghiệp và đãi ngộ tốt.
- Chủ doanh nghiệp ngại thay đổi không áp dụng chuyển đổi số.
Khi tư duy kinh doanh còn lạc hậu, ít đổi mới phương pháp chăm sóc, điều trị và cách chăm sóc khách hàng, doanh nghiệp khó có thể tồn tại và nếu tồn tại được cũng ảnh hưởng rất nhiều tài sản đi kèm.
Khi tư duy kinh doanh còn lạc hậu, doanh nghiệp khó có thể tồn tại và nếu tồn tại được cũng ảnh hưởng rất nhiều tài sản đi kèm.
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhiều cá nhân, doanh nghiệp hoặc tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp đã thay đổi tư duy vận hành, áp dụng chuyển đổi số, kết hợp với mô hình kinh doanh mới. Điều này giúp họ tạo ra dòng tiền ổn định, thay đổi cách hoạt động nội bộ, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi mới mẻ và khác biệt. Cụ thể như:
- Kinh doanh mỹ phẩm: Nhu cầu chăm sóc da và cơ thể luôn cao, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp thay đổi kết cấu sản phẩm và khâu vận chuyển hàng, thì vẫn có thể tồn tại được nhưng không tạo được sự khác biệt, do trong thời gian COVID-19 có rất nhiều doanh nghiệp làm tương tự.
- Kinh doanh thiết bị chăm sóc cơ thể cầm tay: Đây là lựa chọn “vẹn cả đôi đường” khi vừa mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, vừa tạo nguồn doanh thu dồi dào cho doanh nghiệp thẩm mỹ làm đẹp trong thời gian đó. Điển hình là máy triệt lông IPL, máy massage mặt, máy rung giảm mỡ bụng…
- Nhượng quyền thương mại: Đây là “sân chơi” không dành cho “tay mơ”. Theo quan sát của tôi, có ít nhất 2 tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp trong thời gian này đã đẩy mạnh nhượng quyền với tốc đố rất nhanh, phủ rộng trên khắp cả nước. Họ quy chuẩn hoá cách vận hành trên nền tảng công nghệ, tập trung vào vận hành Sale & Marketing, Logistics, Nhân sự, Tài Chính, Đào tạo nội bộ… Doanh thu tăng gấp 2 – 3 lần so với cách vận hành cũ.
- Thâu tóm đối thủ: Theo quan sát của tôi, có ít nhất 5 tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp và y tế thực hiện việc này để tạo tiền đề phát triển khi xã hội quay lại “bình thường mới”. Sau khi thâu tóm, họ thay đổi mô hình kinh doanh theo nhiều phân khúc khách hàng: thấp cấp, trung cấp, cao cấp. Một số tập đoàn hướng đến mảng y tế như điều trị xương khớp, truyền dưỡng chất hoặc chuyển hướng lên bệnh viện thẩm mỹ.
Ngành làm đẹp chính thức hoạt động phồn thịnh từ tháng 4/2022, các cơ sở làm đẹp chăm sóc khách hàng ngày đêm, khách hàng được thoả mãn nhu cầu làm đẹp sau nhiều tháng chờ đợi. Dịch vụ được nhiều doanh nghiệp tập trung là giảm béo, nám, trị mụn, triệt lông, xương khớp… Những doanh nghiệp thẩm mỹ làm đẹp không có sức đề kháng hay sự chuẩn bị tốt về nhân sự dễ dàng bị loại khỏi cuộc đua, nhường chỗ cho những doanh nghiệp kinh doanh có tâm, có tầm, có tài và luôn đặt khách hàng làm trung tâm để chăm sóc, nâng niu.
Các tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp dựa vào nguồn lực tài chính của mình để thâu tóm và chuyển đổi nhiều phân khúc từ thấp cấp đến cao cấp; đầu tư vào công nghệ làm đẹp có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở khang trang và hiện đại; áp dụng nhiều giải pháp chăm sóc, điều trị, đặc trị, y tế giúp chăm sóc khách hàng tốt, an toàn hơn. Đây thật sự là điều đáng mừng cho thị trường sau rất nhiều thông tin tiêu cực về ngành. Đặc biệt, tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp đầu tư mạnh về chuyển đổi số, ứng dụng vào quản trị khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng trên từng điểm chạm, quản trị chất lượng dịch vụ để tạo sự tiện lợi cho khách hàng. Song song đó, doanh nghiệp tập trung ứng dụng chuyển đổi số quản trị hiệu suất lao động đến từng nhân viên, giúp nhân viên biết chính xác mục tiêu cá nhân cần đạt trong ngày.
Riêng hoạt động nhượng quyền thương mại, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ các gói đầu tư và tìm hiểu kỹ phương án vận hành của chuỗi hệ thống, đặc biệt là khâu nhân sự nghiệp vụ và công nghệ vận hành. Vì trong thực tế đã có nhiều trường hợp, các chuỗi nhượng quyền bị lũng đoạn do không đáp ứng kịp nhu cầu nhân sự nghiệp vụ, buộc phải dừng cuộc chơi. Điểm mạnh của nhượng quyền thương mại cho ngành thẩm mỹ làm đẹp chính là hệ thống quản trị và vận hành được đầu tư bài bản ngay từ đầu, bộ phận Sale & Marketing có sự thống nhất xuyên suốt, vấn đề tài chính và sản phẩm đảm bảo thu hồi vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, điểm yếu là không thể phát triển đa dạng dịch vụ, nếu lũng đoạn nhân sự nghiệp vụ sẽ khiến nhà đầu tư mắc kẹt trong chính cơ sở của mình.
Qua 2 năm dịch bệnh, ngành thẩm mỹ làm đẹp đã có những bước chuyển đổi số nhanh chóng, xuất hiện nhiều mô hình tập đoàn thẩm mỹ hơn, đáp ứng nhu cầu của số lượng khách hàng ngày một đông. Trong bối cảnh đó, theo tôi để không bị bỏ lại phía sau, chủ doanh nghiệp hay chủ đầu tư các cơ sở làm đẹp cần có phương pháp quản trị tổng quan, đưa ra định hướng bằng số liệu realtime, nâng cao chất lượng nhân sự về cả yếu tố chuyên môn và kỹ năng công nghệ cơ bản.