Re-think CSR #15 – Đại diện INSEE Việt Nam: “Chiến lược – Chân thành – Nhất quán là 3 điểm cốt lõi cho một chiến dịch CSR hiệu quả”

Re-think CSR #15 – Đại diện INSEE Việt Nam: “Chiến lược – Chân thành – Nhất quán là 3 điểm cốt lõi cho một chiến dịch CSR hiệu quả”

INSEE Việt Nam đã chứng minh được triết lý “Vững xây cuộc sống” của mình với hệ thống chiến lược phát triển bền vững gồm 5 trụ cột sáng kiến liên kết chặt chẽ đến từng khía cạnh trong đời sống của cộng đồng. Với hệ thống sáng kiến đa tầng, đa dạng, INSEE Việt Nam đã quản lý nguồn lực như thế nào để thành công mang lại những giá trị bền vững, dài hạn cho cộng đồng?

CSR không chỉ đơn thuần là các hoạt động trách nhiệm xã hội nhỏ lẻ, mà nên gắn liền với hoạt động kinh doanh cũng như triết lý thương hiệu. Một chiến lược CSR đúng đắn có đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển bền vững (Sustainable Growth) của doanh nghiệp cũng như của cộng đồng và xã hội. 

Ở số thứ 15, Brands Vietnam đã có buổi gặp gỡ với bà Trần Hải Ninh, hiện là Giám đốc Nhân sự tại INSEE để chia sẻ quan điểm về hành trình tiến tới phát triển bền vững của thương hiệu tại thị trường Việt Nam. 

Re-think CSRlà chuyên mục do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam. 

* Đầu tiên, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm cá nhân về khái niệm CSR và các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung? 

Hiện nay, các hoạt động CSR ở Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và được tổ chức tốt hơn thay vì chỉ là một hoạt động đơn lẻ nhất thời. Tôi cảm thấy rất biết ơn vì chúng để lại sự thay đổi tích cực bền vững cho con người và đất nước Việt Nam. 

Bà Trần Hải Ninh, Giám đốc Nhân sự tại INSEE
Nguồn: INSEE

INSEE Việt Nam may mắn được thừa hưởng kinh nghiệm triển khai CSR hơn 50 năm của Tập đoàn INSEE ở rất nhiều quốc gia có trình độ phát triển khác nhau. Từ kinh nghiệm đó, tôi nghĩ 3 quan điểm cốt lõi mà mọi hoạch định CSR cần phải đạt được là: 

  • Tính chiến lược: Mỗi doanh nghiệp đều chỉ có một nguồn lực giới hạn nên chúng ta phải xác định ưu tiên một cách khôn ngoan, nỗ lực tối đa để có được tác động tích cực nhất đến hành tinh, cộng đồng và doanh nghiệp .
  • Tính chân thành: Tức là mang đến sự quan tâm đích thực thông qua việc lắng nghe và chú ý đến nhu cầu của các bên liên quan, để có những sáng kiến tác động sâu sắc. 
  • Tính nhất quán: Một chương trình CSR chuyên nghiệp nếu muốn có tác động sâu sắc cần thực hiện trong nhiều năm, cho nên yếu tố cuối cùng sẽ là “Khả năng thực hiện bền bỉ và kiên định trong thời gian dài bất chấp những thay đổi trong tổ chức”. Trong thực tế, INSEE có rất nhiều sáng kiến CSR đã thực hiện bền bỉ hơn 15 năm, mang lại sự đổi thay sâu sắc đến các cộng đồng thụ hưởng.

* Bà có thể chia sẻ tầm nhìn của INSEE Việt Nam về hoạt động CSR cũng như chiến lược CSR của tập đoàn? 

Tại INSEE, chúng tôi xem CSR là một cột trụ của Chiến lược Phát triển Bền vững bên cạnh các sáng kiến như Khí hậu & Năng lượng (Climate & Energy), Kinh tế Tuần hoàn (Circular Economy), Đa dạng Sinh học (Biodiversity), Quản lý hiệu quả tài nguyên nước (Water), và An toàn & Sức khoẻ nghề nghiệp (Occupational Health & Safety). Phát triển Bền vững đóng một vai trò quan trọng với tầm nhìn và chiến lược trong cả trung và dài hạn. Đây được xem là chìa khoá để hiện thực hoá triết lý thương hiệu “Vững xây cuộc sống” của INSEE, giúp kiến tạo một thế giới tốt đẹp và đáng sống hơn. Điều này không chỉ định hình mọi quyết định kinh doanh mà còn trong cả tư duy và hành vi của nhân viên INSEE. 

Cụ thể hơn, với nhóm các sáng kiến CSR, INSEE Việt Nam sẽ hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng ở đa dạng khía cạnh. Trong đó, tập đoàn tập trung vào 3 lĩnh vực chiến lược chính: 

  • Hỗ trợ cho giáo dục với cuộc thi INSEE Prize dành cho sinh viên xây dựng và môi trường, chương trình đào tạo nghề cho doanh nghiệp (Enterprise-based Vocational Education Program)
  • Phát triển cộng đồng bền vững thông qua các chương trình như Nhận thức Xanh, Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và năng lượng, Tăng cường Sức khỏe & An toàn 
  • Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững cho cộng đồng và xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng thợ với các dự án xây dựng trường học, cầu, đường, phát triển nông thôn mới, hạ tầng cấp nước sạch, nhà cho các hoàn cảnh khó khăn… 

Phát triển Bền vững đóng một vai trò quan trọng với tầm nhìn và chiến lược trong cả trung và dài hạn, là chìa khoá để hiện thực hoá triết lý thương hiệu “Vững xây cuộc sống” của INSEE.

* Từ những quan điểm trên, INSEE Việt Nam đã có những hoạt động tiêu biểu nào để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của mình tại thị trường Việt Nam và hoạt động CSR đã đem lại những kết quả cụ thể nào đối với đối tượng nhận hỗ trợ, cộng đồng, môi trường và cho chính thương hiệu? 

Về trụ cột phát triển giáo dục, INSEE đã triển khai nhiều chương trình nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua đào tạo và giáo dục cho cộng đồng.

Cụ thể, INSEE đã thực hiện chương trình đào tạo nghề tại doanh nghiệp (EVE) nhằm phát triển, nâng cao năng lực lao động và cơ hội việc làm tại địa phương. Thông qua chương trình, công ty đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ mới tốt nghiệp THPT tại địa phương phát triển các kỹ năng qua chương trình đào tạo kết hợp với trường cao đẳng/ dạy nghề tại địa phương. Nắm vững lý thuyết, các bạn sẽ được thực hành thực tế tại INSEE. Sau 3 năm, học viên sẽ tốt nghiệp với chứng chỉ cao đẳng và có cơ hội làm việc tại những vị trí kỹ thuật của nhà máy. Chương trình đã đào tạo thành công gần 300 kỹ thuật viên và hầu hết các học viên đều chọn gắn bó cùng với INSEE trong suốt 20 năm qua.

Một chương trình nổi bật khác là cuộc thi INSEE Prize – Sân chơi cho các bạn sinh viên về Xây dựng và Môi trường Bền vững. Đây được xem là một sân chơi cho các bạn sinh viên áp dụng những kiến thức đã học, được trải nghiệm và có cơ hội triển khai dự án thực tế, giúp giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội và tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Trải qua hành trình 13 năm tổ chức, INSEE Prize đã trực tiếp đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng và huy động từ các đối tác hơn 10 tỷ đồng để triển khai 8 dự án vào thực tế, với hơn 5.000 người được hưởng lợi trên toàn quốc. 

Lễ ký kết triển khai dự án Mật Ngọt – Thư viện cho trẻ em vùng núi ở tỉnh Ninh Thuận. Buổi lễ vinh dự có sự tham gia của Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, cô Wiraka Moodhitaporn, cùng lãnh đạo các công ty đồng hành.
Nguồn: INSEE

Về trụ cột phát triển cộng đồng, chúng tôi đã liên tục triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng hằng năm như khám sức khoẻ cho người cao tuổi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chương trình bảo hiểm y tế cho học sinh, chăm lo cho các trẻ em xung quanh khu vực nhà máy hoạt động, tặng quà cho thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu và hỗ trợ các hộ nghèo đón Tết… Bên cạnh đó, INSEE cũng mang đến nhiều chương trình hỗ trợ hoàn thiện các ngôi nhà cho thợ xây khó khăn như “Ngôi nhà đáng sống” và đồng hành cùng đối tác trong việc xây dựng những ngôi nhà tình thương cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. 

Khi giai đoạn dịch bệnh diễn biến căng thẳng, tập đoàn cũng đã đồng hành cùng báo Thanh Niên hỗ trợ 400 thợ xây khó khăn bị mắc kẹt tại TP.HCM và đồng hành cùng các khách hàng trong hành trình hỗ trợ cộng đồng mùa dịch với các gói tài trợ vật phẩm y tế tại Đà Lạt, xe cấp cứu 0 đồng tại Bến Tre.  

Với vai trò là công ty cung cấp vật liệu xây dựng và xử lý chất thải cùng triết lý “Vững xây cuộc sống”, mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng cho cộng đồng là một trụ cột trách nhiệm xã hội quan trọng mà chúng tôi luôn theo đuổi. Nổi bật nhất có thể kể đến là dự án trường Kiên Bình 2 tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là dự án đặc biệt có ý nghĩa đối với địa phương, tạo điều kiện cho 700 em học sinh hộ nghèo và dân tộc thiểu số được đến trường, đồng thời mang đến môi trường giảng dạy và học tập với cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi cho các thầy cô và trẻ em tại địa phương với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Ngoài ra, INSEE cũng đã xây dựng 14 cây cầu dân sinh và hơn 120km đường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được thuận tiện và an toàn.   

Lễ khởi công xây dựng trường Tiểu học Kiên Bình 2 tại khu vực biên giới khó khăn
Nguồn: INSEE

Lễ khánh thành đường giao thông nông thôn tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
Nguồn: INSEE

* Bà có thể chia sẻ thêm quan điểm của tập đoàn về chương trình “Cùng xi măng INSEE xây tô hoàn thiện ngôi nhà đáng sống cho thợ hồ khó khăn” và những kết quả đạt được từ chương trình này? 

Đối với INSEE, người thợ xây chính là nhóm đối tác quan trọng của doanh nghiêp. Họ là những người ngày đêm tạo dựng nên những tổ ấm hoàn thiện, những công trình biểu tượng nhưng lại không thể hoàn thiện chính căn nhà cho bản thân và gia đình. Nhận thấy được vấn đề này, chúng tôi quyết định thực hiện dự án xây tô hoàn thiện “Ngôi nhà đáng sống” thuộc Quỹ Vững xây cuộc sống của Xi măng INSEE Việt Nam dành cho các gia đình thợ hồ khó khăn. 

Theo dự kiến, chương trình sẽ hỗ trợ xây tô hoàn thiện khoảng 20 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà diện tích xây tô từ 250-300m² tường. Chúng tôi sẽ ưu tiên cho các gia đình thợ hồ có thành viên yếu thế, những gia đình có trẻ từ 12 tuổi trở xuống hoặc người trên 65 tuổi, là gia đình đông nhân khẩu, hộ nghèo. Đây được đánh giá là dự án đầy ý nghĩa và nhân văn của xi măng INSEE Việt Nam dành cho những người thợ hồ đã dành nhiều công sức xây dựng nên những ngôi nhà đẹp, đầy ắp hạnh phúc khắp mọi miền đất nước.

Nguồn: INSEE

* Theo chia sẻ ở trên, INSEE Việt Nam hiện đang triển khai đa dạng các hoạt động trách nhiệm xã hội, bà có thể chia sẻ phương pháp phân bổ nguồn lực và quản lý vận hành như thế nào để đảm bảo chất lượng cho từng hoạt động CSR của doanh nghiệp? 

INSEE đã thiết lập một cơ cấu tổ chức chặt chẽ để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược ở cả cấp tập đoàn và cấp quốc gia. Ở cấp tập đoàn, một ban chỉ đạo bao gồm các lãnh đạo chủ chốt ở từng quốc gia sẽ hoạch định các cột trụ chiến lược. Ở tại mỗi cột trụ chiến lược đó, có một lãnh đạo chịu trách nhiệm thực thi sáng kiến ở cấp độ tập đoàn và cấp độ quốc gia. Cuối cùng ở mỗi quốc gia, chúng tôi cũng có điều phối viên CSR là một trong những thành viên lãnh đạo chính của công ty tại địa phương để đảm bảo có đủ nguồn lực và thẩm quyền để vận hành chiến lược nhất quán. Tương tự như cách thức tổ chức, việc cập nhật được thực hiện hai tháng một lần ở cấp độ quốc gia và cấp độ vùng để thúc đẩy việc triển khai một cách hiệu quả. 

Hơn thế nữa, Ban Giám đốc sẽ tổ chức các cuộc họp hai lần một năm với các bên hữu quan gồm chính quyền, các đoàn thể, các cộng đồng địa phương để đối thoại, lắng nghe các ý kiến về hoạt động của INSEE cũng như hiệu quả của các chương trình CSR tại địa phương để kịp thời điều chỉnh.  

Về phía tập đoàn, nhóm chuyên trách CSR sẽ gửi cán bộ tới từng quốc gia để phối hợp làm khảo sát ý kiến mỗi 2 năm với các cộng đồng nhằm đánh giá độc lập mức độ hiệu quả và đưa ra các khuyến nghị cho việc thực thi CSR tại từng quốc gia. 

Buổi họp mặt với các bên hữu quan tại Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhằm lắng nghe các phản hồi từ chính quyền, đoàn thể và cộng đồng địa phương.
Nguồn: INSEE

* INSEE Việt Nam đã có những hoạt động truyền thông như thế nào để người tiêu dùng, khách hàng, giới truyền thông có được những thông tin chính xác về các chương trình, hoạt động của tập đoàn?  

Đối với các chương trình và hoạt động về trách nhiệm xã hội, ngoài việc chủ động gửi thông cáo báo chí, đăng tải thông tin và bài viết trên các kênh truyền thông khác nhau, chúng tôi còn xuất bản Báo cáo Phát triển Bền vững hàng năm để đảm bảo mọi thông tin được truyền thông cụ thể và dễ dàng tiếp cận đến các bên liên quan. Bên cạnh đó, INSEE cũng định kỳ tổ chức họp mặt với các bên hữu quan mỗi 6 tháng để cập nhật các hoạt động đã, đang và sẽ triển khai trên địa phương. 

Trong công tác truyền thông nội bộ, INSEE không chỉ đẩy mạnh thông tin về những hoạt động trên các nền tảng nội bộ mà chúng tôi cũng kêu gọi và khuyến khích mỗi CBNV cùng góp sức thông qua chương trình “Tình nguyện viên” để tạo ra giá trị thiết thực cho xã hội. 

Giám đốc cùng nhân viên INSEE tham gia hoạt động tình nguyện lắp đặt ống dẫn nước tại ấp Ba Trại và Hòn Trẹm (tỉnh Kiên Giang) giúp mang lại nước sạch cho bà con.
Nguồn: INSEE

* Bà có thể chia sẻ những điểm các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn như ngành sản xuất xi măng cần lưu ý (khó khăn, thử thách) khi thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội tại thị trường Việt Nam? 

Theo tôi, có 3 lưu ý quan trọng khi thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác. 

Đầu tiên là cần giữ được tính nhất quán kiên định trong tầm nhìn, chiến lược và thực thi. Như đã nói ở trên, các tác động tích cực bền vững của CSR chỉ thể hiện sau 5 năm, thậm chí 10 năm nên các doanh nghiệp sẽ cần những kế hoạch triển khai dài hạn, nhất quán để đi được đến kết quả cuối cùng.

Tiếp theo là cần đảm bảo các nguồn lực hữu hiệu về tài lực, vật lực và thời gian trong suốt nhiều năm cho CSR bên cạnh các ưu tiên về đầu tư kinh doanh. Cuối cùng là cần sự kiên nhẫn và sự quan tâm đích thực, sẵn sàng lắng nghe các đối tác, cộng đồng địa phương để thực thi hiệu quả.

Có thể thấy, 3 lưu ý trên đều liên quan đến tính dài hạn của chiến lược CSR, sự kiên định và thực hiện bền bỉ suốt cả một thập niên rõ ràng không bao giờ là dễ dàng.  

Chương trình đào tạo nghề cho doanh nghiệp (Enterprise-based Vocational Education Program) – chương trình đã được thực hiện bền bỉ hơn 20 năm tại Việt Nam.
Nguồn: INSEE

* Cảm ơn bà vì những chia sẻ trên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam