Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Inside Jobs #2: Nghề sản xuất phim – Làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và kinh doanh trong một tác phẩm?

Inside Jobs #2: Nghề sản xuất phim – Làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và kinh doanh trong một tác phẩm?

"NSX là người chịu trách nhiệm với nhà đầu tư, đồng thời chịu trách nhiệm với cả đạo diễn và ekip về kết quả kinh doanh mà bộ phim mang lại. Vậy nên, kỹ năng quản lý tài chính là không thể thiếu. Họ cần nắm chắc tình hình công việc của đoàn phim để đưa ra những phương án chi tiêu sao cho phù hợp".

Đó là chia sẻ của chị Thanh Trần trong số thứ 2 của series Inside Jobs do Xone Radio thực hiện. Được biết, chị Thanh đang là một nhà sản xuất (NSX) tài năng, đứng sau thành công của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Tình đầu thơ ngây” (2019), “Ống kính sát nhân” (2018)…

Inside Jobs Là series về nghề nghiệp do XONE Radio sản xuất, Inside Jobs khai thác những góc nhìn và kinh nghiệm làm việc thực tế của các chuyên gia – những “người trong cuộc” thuộc những lĩnh vực được đông đảo giới trẻ quan tâm.

* Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có điện ảnh. Theo chị, ngành điện ảnh có những thay đổi nào trong thời gian giãn cách?

Inside Jobs #2: Nghề sản xuất phim – Làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và kinh doanh trong một tác phẩm?

Nhìn chung, ngành điện ảnh đã chịu nhiều thiệt hại khi các rạp phim phải đóng cửa trong suốt mùa dịch. Những bộ phim đã sản xuất thì không thể ra rạp được, còn những bộ phim đang trong giai đoạn sản xuất cũng không thể tổ chức đoàn quay dễ dàng như trước kia. Cho nên, tôi và các đồng nghiệp đã tận dụng thời gian đó để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Đồng thời, chúng tôi cũng có nhiều thời gian hơn để họp và bàn bạc kỹ lưỡng cho những dự án sẽ bấm máy trong năm tới.

* Được biết, chị từng học Master of Fine Art tại Đại học Full Sail ở Mỹ. Vậy chị nhận thấy chương trình học ở đó có gì khác so với các chương trình đào tạo tại Việt Nam?

Trước khi có quyết định du học, tôi đã xác định rằng tôi muốn được học một chương trình cho phép bản thân được thực hành thật nhiều. Có 2 lý do tôi chọn Mỹ. Thứ nhất, Mỹ là nơi dẫn dắt nền điện ảnh toàn cầu nói chung, nền điện ảnh của họ luôn mới mẻ và tạo ra những xu hướng mới nhất. Thứ hai, môi trường học ở Mỹ luôn ưu tiên việc thực hành. Ở Full Sail, tháng đầu tiên tôi và các bạn đã được tham gia sản xuất phim. Sau trải nghiệm làm phim ngắn đó, chúng tôi mới bắt đầu học về từng khâu nhỏ trong quá trình làm phim: viết kịch bản, pitching, đạo diễn… Đây có thể là khác biệt dễ thấy nhất giữa chương trình học ở Mỹ và Việt Nam. Ở Việt Nam, sinh viên thường sẽ học lý thuyết trước, rồi sau đó mới thực hành.

Lúc tôi học tại trường Full Sail, tất cả những bộ phim chúng tôi làm đều là “phim 0 đồng”. Nghĩa là những bộ phim không có tiền đầu tư và được nhà trường hỗ trợ đạo cụ, camera, ánh sáng… Nhờ việc làm những bộ phim 0 đồng đó, tôi mới nắm được đâu là những hạng mục cần kinh phí và đâu là những hạng mục linh động được. Ngoài ra, trường còn có casting lobby, là nơi để casting những diễn viên không chuyên sống xung quanh khu vực trường. Đây là một mô hình khá thú vị để mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau: chúng tôi thì có diễn viên, các bạn ấy có thêm kinh nghiệm diễn xuất. 

Inside Jobs #2: Nghề sản xuất phim – Làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và kinh doanh trong một tác phẩm?

Nguồn: Pexels

* Theo quan sát của chị, cách sản xuất phim ở Mỹ và Việt Nam có những khác biệt nào?

Khác biệt lớn nhất mà tôi thấy đó là họ có những điều luật rõ ràng để bảo vệ bản quyền phim và bảo vệ những người làm phim. Ở Mỹ, họ có một hiệp hội để bảo vệ những đoàn phim thuộc hiệp hội. Tất cả nhân sự thuộc đoàn phim từ đạo diễn, diễn viên đến người lái xe tải đều được đảm bảo các quyền lợi về lương, thời gian làm việc… Ví dụ đoàn phim quay 12 tiếng thì nhân sự phải được sắp xếp nghỉ ngơi 10 tiếng, rồi sau đó cả đoàn mới quay lại làm việc tiếp. Nếu nhà sản xuất hay studio nào vi phạm sẽ bị kiện hoặc bị phạt. 

Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những quy định rõ ràng như vậy để mọi người trong đoàn phim có được môi trường làm việc an toàn hơn.

* Vậy thì cụ thể, nghề sản xuất phim sẽ làm những công việc gì, thưa chị? 

Công việc của NSX là sẽ làm thế nào để biến một ý tưởng thành một bộ phim và đem bộ phim đó tới khán giả qua nhiều kênh khác nhau.

Sản xuất phim là một trong những bộ phận quan trọng đằng sau ống kính. Để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất cần sự tham gia của rất nhiều người, trong đó sẽ nhiều người đứng tên là NSX. Ở đây, NSX được biết tới là người thực sự tham gia tổ chức sản xuất, điều phối các khía cạnh khác nhau trong quá trình sản xuất phim. Họ còn có thể là người phải đưa ra nhiều quyết định từ việc lựa chọn đạo diễn, diễn viên, nhà phát hành… Tất cả công việc đó sẽ là cả một hành trình dài cần thời gian để cân nhắc và đưa ra lựa chọn. Bên cạnh đó, NSX cũng có thể là người đầu tư kinh phí cho các dự án phim.

Tóm lại, công việc của NSX là sẽ làm thế nào để biến một ý tưởng thành một bộ phim và đem bộ phim đó tới khán giả qua nhiều kênh khác nhau.

* Từ kinh nghiệm của chị, liệu NSX có phải là người quyết định mọi thứ trong một dự án phim?

Nhiều người nghĩ rằng NSX có quyền quyết định rất nhiều thứ nhưng sự thật không phải như vậy. Vì sản xuất phim là cả một quá trình dài và cần sự đóng góp từ nhiều phía, mọi quyết định đưa ra cần được cân nhắc kỹ càng và thống nhất. Nhưng nếu NSX đồng thời là nhà đầu tư thì phạm vi quyết định của họ sẽ lớn hơn vì mọi quyết định của NSX thường liên quan đến tài chính. Ví dụ, đạo diễn chọn một diễn viên hạng A cho vai diễn nhưng kinh phí không cho phép thì NSX có thể đưa ra góp ý để các bên cùng cân nhắc.

Inside Jobs #2: Nghề sản xuất phim – Làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và kinh doanh trong một tác phẩm?

Quá trình làm phim là cả một quá trình thuyết phục, trao đổi, tranh luận và cùng nhau đưa ra quyết định cuối cùng
Nguồn: Pexels

Ngược lại, đôi khi các NSX thường muốn tìm những ngôi sao nổi tiếng để bảo chứng cho doanh thu của phim. Nhưng diễn viên có phù hợp với nhân vật hay không thì đó lại là áp lực của người đạo diễn. Có thể nói rằng đạo diễn và NSX là 2 người chịu trách nhiệm khác nhau và thường xuyên sẽ có ý kiến đối lập nhau trong quá trình làm việc. Đạo diễn sẽ là người chịu trách nhiệm liên quan tới chất lượng nghệ thuật của một bộ phim từ hình ảnh, độ liền mạch của câu chuyện. Trong khi đó, NSX lại mang trách nhiệm liên quan đến tài chính: kinh phí sản xuất, doanh thu phòng vé, truyền thông… 

Nhìn chung, NSX sẽ gặp nhiều áp lực với những bộ phim thương mại. Còn những bộ phim độc lập, mục tiêu của người sản xuất sẽ không phải là số lượng vé bán ra. Họ thường tập trung vào việc đưa thông điệp của bộ phim đến với những khán giả phù hợp. Tóm lại, quá trình làm phim là cả một quá trình thuyết phục, trao đổi, tranh luận và cùng nhau đưa ra quyết định cuối cùng. NSX cũng chỉ là một phần trong đó, chứ không phải là người có toàn quyền quyết định.

* Chị hãy chia sẻ những khó khăn mà NSX thường gặp phải trong quá trình làm việc?

Trong quá trình làm phim, NSX sẽ phải gặp nhiều tình huống khó đỡ, không mong muốn. Ví dụ khi đoàn phim làm việc với diễn viên có lịch trình khá bận rộn, một thay đổi từ họ có thể khiến cả đoàn phim bị trễ tiến độ, kéo theo đó là việc tốn kém chi phí của cả đoàn.

Còn một vấn đề nữa mà NSX sợ hãi nhất đó chính là bể bối cảnh. Ví dụ đoàn tìm được một ngôi nhà có cấu trúc và thiết kế đáp ứng đủ tiêu chí mà bộ phim tìm kiếm. Sau đó, NSX quyết định ký hợp đồng và đặt cọc để thuê nhưng tới ngày dựng cảnh thì ngôi nhà đã bị sửa sang và không còn giống như ban đầu nữa. Những tình huống như vậy khiến cả đoàn gấp rút tìm cách cải tạo, dựng lại hoặc tìm một địa điểm khác.

Ngoài ra, NSX là người chịu trách nhiệm với nhà đầu tư, nhiều khi với cả đạo diễn và ekip về kết quả kinh doanh mà bộ phim mang lại. Vậy nên, kỹ năng quản lý tài chính là không thể thiếu. Họ cần nắm chắc tình hình công việc của đoàn phim để đưa ra những phương án chi tiêu sao cho phù hợp. Ví dụ một bộ phim cần 10 tỷ đồng để hoàn thành công đoạn làm phim và 5 tỷ đồng cho Marketing. Lúc này, chúng ta cần nhìn nhận rằng nhờ 5 tỷ đồng đó, doanh thu của phim có thể chạm mốc 30 đến 40 tỷ đồng. Và kỳ vọng doanh thu sẽ thay đổi nếu NSX đầu tư ít hoặc nhiều hơn cho giai đoạn Marketing.

Việc lựa chọn diễn viên chính là sự cân bằng của những cái tôi.

* Đôi lúc, NSX sẽ muốn trong phim của mình có sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng để bảo chứng cho doanh thu. Chị hãy chia sẻ thêm cách một NSX làm việc với những người nổi tiếng, làm sao để thuyết phục họ tham gia vào bộ phim của mình?

Thông thường, các diễn viên có kinh nghiệm sẽ rất khắt khe trong việc lựa chọn kịch bản cũng như ekip mà họ sẽ làm việc cùng. Đó chính là rào cản lớn nhất khi một NSX lần đầu làm việc với ngôi sao. Vậy nên, thay vì đến nói chuyện trực tiếp với diễn viên đó thì NSX nên tìm những người đã từng làm việc với họ để hiểu cách diễn viên làm việc như thế nào. Đồng thời, việc có người kết nối ở giữa sẽ giúp 2 bên dễ dàng làm quen, trao đổi với nhau hơn.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn diễn viên chính là sự cân bằng của những cái tôi. Cụ thể là cái tôi của đạo diễn và NSX. Đôi lúc, đạo diễn không muốn chọn diễn viên này vì họ có thể không phù hợp với nhân vật trong phim nhưng NSX lại mong muốn có sự tham gia của diễn viên đó để tạo hiệu ứng truyền thông. Khi ấy, cả hai cần thảo luận và lựa chọn để bộ phim có được sự cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và truyền thông. 

Nếu đạo diễn đã có tay nghề tốt và nắm trong tay một kịch bản hay thì đoàn phim có thể casting những diễn viên trẻ để tạo cơ hội cho những ngôi sao mới toả sáng. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều phim thành công mà không cần diễn viên nổi tiếng. Ví dụ “Em chưa 18” là một tác phẩm điện ảnh đạt được mức doanh thu ấn tượng. Dù nữ diễn viên Kaity Nguyễn lúc đó là một gương mặt hoàn toàn mới nhưng nhờ nét diễn tự nhiên và phù hợp với nhân vật, cô đã hoàn toàn “chiếm sóng”. Đây là một ví dụ điển hình khi một bộ phim làm nên tên tuổi cho diễn viên.

Inside Jobs #2: Nghề sản xuất phim – Làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và kinh doanh trong một tác phẩm?

“Em chưa 18” là bộ phim làm nên tên tuổi cho diễn viên Kaity Nguyễn
Nguồn: Kenh14

* Được biết, chị từng làm việc với các đạo diễn và mang khá nhiều phim đi Liên hoan phim Quốc tế. Vậy một bộ phim như thế nào để đủ tiêu chí mang đến những buổi Liên hoan phim (LHP)?

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều LHP, mỗi LHP lại có một tiêu chí lựa chọn khác nhau. Có những LHP thì họ ưu ái những bộ phim độc lập, có những LHP lại hướng sự chú ý tới phim thương mại nhiều hơn. Do đó, NSX cần phải biết những yêu cầu của các LHP và xem xét. Thậm chí, một tác phẩm có thể được tranh giải tại một số LHP từ giai đoạn ý tưởng. “Đất lành” (The land of healing) – một bộ phim mà tôi sắp sản xuất là một tác phẩm dự thi chỉ ở dạng ý tưởng, và đã đạt được giải thưởng Discovery Award tại LHP BIFAN, Hàn Quốc. Bên cạnh niềm vui được giải, tôi cũng rất vui vì mình có được cơ hội kết nối với những nhà đầu tư để bộ phim này có thể bấm máy trong năm tới. 

Bên cạnh những buổi công chiếu và giải thưởng, LHP còn có những chợ phim. Đó chính là nơi các nhà sản xuất, nhà đầu tư, ngôi sao tụ họp và là nơi những nhà làm phim trẻ có thể quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình đến với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, chợ phim còn là nơi các nhà làm phim mua bán những dự án tương lai và ý tưởng của mình nữa.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị Thanh.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Tường Vi / Brands Vietnam