“Hôm nay phải mở mang”: Học cách “mở mang” mỗi ngày để viết tốt hơn

“Hôm nay phải mở mang”: Học cách “mở mang” mỗi ngày để viết tốt hơn

“Nếu không thể viết cho hấp dẫn, hãy viết cho chân thành” – khi nghe được câu nói này của chị Nguyễn Thuỳ Dung trên podcast của Brands Vietnam gần đây, mình đã ngay lập tức đặt mua quyển sách “Hôm nay phải mở mang" để nghiền ngẫm. Lúc đầu vì tâm đắc câu nói trên của tác giả, một phần vì ấn tượng khá tốt với tác phẩm “Chữ xưa còn một chút này” và page “Ngày ngày viết chữ”. Đến khi bắt đầu đọc, mình nhận ra quyển sách như một cứu tinh giúp bản thân tìm ra phương pháp viết lách và biên tập nội dung tốt hơn.

Sau một thời gian gắn bó với công việc viết, mình nhận ra cách hành văn và dùng từ vựng của bản thân đang dần trở nên nhàm chán và thiếu màu sắc. Dù mình có tìm đọc sách và các nguồn tài liệu khác, tình hình cũng không mấy cải thiện. May mắn sao, khi vừa đọc xong hai chương đầu quyển sách “Hôm nay phải mở mang”, mình nhận ra ngay 2 vấn đề bản thân đang gặp phải trong quá trình làm Content Writer.

Nguồn: Ngày ngày viết chữ

Đầu tiên, tác giả đề cập đến việc người bình dân ít khi nào dùng sai ngữ pháp, chỉ có những người đọc quá nhiều sách hoặc bài viết trên mạng mới dễ sai các lỗi cơ bản nhất. Tiếp theo, chị Dung cũng chỉ ra rằng người viết nội dung nên đọc như một người viết, không nên đọc như một độc giả thông thường.

Ngẫm nghĩ một chút, hai điều trên rất đúng với cá nhân mình. Mặc dù duy trì thói quen đọc, thời gian vừa qua mình đọc các bài viết trên mạng nhiều hơn sách giấy. Theo mình, vì mạng xã hội chủ yếu theo xu hướng (trending) nên nhiều bài đăng không chú trọng đến cấu trúc ngữ pháp. Độc giả trên mạng xã hội cũng ít khi đòi hỏi cao về bài viết trên mạng như đọc sách. Do đó, việc tiếp xúc quá nhiều với bài viết mạng có thể tác động không ít đến thói quen dùng từ và cách hành văn.

Tiếp theo, chị Dung cho rằng thói quen đọc sách để tiếp nhận thông tin và kiến thức là chưa đủ đối với người làm nghề viết. Để viết tốt hơn, người viết nội dung nên để ý đến văn phong, từ vựng được sử dụng trong sách. Nếu gặp những từ hay và mới lạ, hãy ghi chú lại kẻo quên. Khi đọc một câu văn hay và cuốn hút, hãy ngẫm nghĩ xem: Tác giả đã dùng cách diễn đạt như thế nào? Khi gặp đoạn văn tối nghĩa, bạn cũng nên ghi chú lại để xem nên chỉnh sửa ra sao, đồng thời tự nhắc bản thân sẽ không phải mắc phải lỗi tương tự. Khi đọc đến đoạn này, mình thầm nghĩ rằng điều này nghe qua có vẻ đơn giản, tuy nhiên để thực hiện một cách đều đặn cần có tính kỷ luật cao và duy trì động lực mỗi ngày.

“Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang” – Tác giả Nguyễn Thuỳ Dung

Không chỉ vậy, đây còn là quyển sách chứa nhiều kiến thức hữu ích về tiếng Việt nhất mình từng đọc. Tác giả chỉ ra những lỗi ngữ pháp, lỗi dùng từ thường gặp mà ngay cả người làm việc với con chữ mỗi ngày như mình cũng hiếm khi chú ý đến. Chẳng hạn như danh từ đơn vị, phép liên kết trong văn bản, phép tu từ… đây là các khái niệm khá quen thuộc khi học Ngữ văn hồi cấp 3, nhưng hiếm ai chú ý để vận dụng khi viết nội dung (trong số đó có mình). Cuốn sách này giúp mình hệ thống lại kiến thức cũ, đồng thời học cách áp dụng vào công việc hàng ngày.

Với cá nhân mình, “Hôm nay phải mở mang” là tựa sách hữu ích cho người làm nghề viết. Hiện nay, những quyển sách về chủ đề viết nội dung được xuất bản trên thị trường đa phần đều đến từ các cây bút nước ngoài. Đây là một trong số ít đến từ tác giả người Việt và cung cấp lượng kiến thức hữu ích về cách sử dụng tiếng Việt đúng và chuẩn. Dù là người mới bắt đầu viết hoặc có nhiều kinh nghiệm, quyển sách này ắt hẳn sẽ mang đến không ít bất ngờ về lượng kiến thức bổ ích về tiếng Việt.

Hãy đọc thử “Hôm nay phải mở mang” và học cách “mở mang” mỗi ngày để viết tốt hơn nhé!