Số doanh nghiệp dùng Viber sẽ tiếp tục bùng nổ với 5 xu hướng quảng cáo số đáng chú ý
Quan sát nội bộ tại Viber còn cho thấy trong thời kỳ đại dịch, các doanh nghiệp ở Việt Nam và thế giới đã tích cực sử dụng tất cả các loại tin nhắn doanh nghiệp của Viber. Trong năm ngoái, các tin nhắn giao dịch kinh doanh (chẳng hạn như xác nhận đơn hàng, cập nhật giao hàng, thông báo giao dịch…) đã tăng 37% trên toàn cầu và 69% tại Việt Nam.
Số lượng người dùng của các ứng dụng nhắn tin đang nhiều hơn bao giờ hết. Vào năm 2021, loại ứng dụng này đã có hơn ba tỷ người dùng và dự kiến vào năm 2024 hằng tháng sẽ vượt mức 75% người dùng Internet trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, thời gian tương tác cũng có xu hướng đang tăng dần qua từng năm. Theo báo cáo Digital 2022 mới nhất cho biết, mọi người hiện đang dành nhiều thời gian hơn cho các ứng dụng nhắn tin so với trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh số hóa của thế giới, các doanh nghiệp cũng đang dần chuyển đổi từ tiếp thị truyền thống sang hình thức tiếp thị qua điện thoại di động và tin nhắn vì loại hình này cho phép họ có cơ hội trò chuyện trực tiếp, riêng tư với khách hàng cũng như xây dựng các mối quan hệ không thể đạt được bằng các kênh tiếp thị khác.
Các ứng dụng tin nhắn tức thời đã trở thành "phao cứu sinh" cho các thương hiệu trong đại dịch
"Các ứng dụng tin nhắn tức thời đã trở thành "phao cứu sinh" cho các thương hiệu trong thời kỳ đại dịch, mang đến cho họ những lựa chọn mới về cách giao tiếp với khách hàng và xu hướng này có khả năng vẫn tiếp tục sau khi Covid-19 kết thúc. Các nghiên cứu cho thấy 77% doanh nghiệp đã bắt đầu nhắn tin cho khách hàng trong thời gian diễn ra đại dịch và có kế hoạch tiếp tục làm như vậy", bà Cristina Constandache - Giám đốc Doanh thu Rakuten Viber – nhấn mạnh trong một chia sẻ mới đây.
Quan sát nội bộ tại Viber còn cho thấy trong thời kỳ đại dịch, các doanh nghiệp ở Việt Nam và thế giới đã tích cực sử dụng tất cả các loại tin nhắn doanh nghiệp của Viber. Trong năm ngoái, các tin nhắn giao dịch kinh doanh (chẳng hạn như xác nhận đơn hàng, cập nhật giao hàng, thông báo giao dịch…) đã tăng 37% trên toàn cầu và 69% tại Việt Nam. Đồng thời, các tin nhắn khuyến mại (ưu đãi đặc biệt, phiếu giảm giá và giảm giá cá nhân) tăng 29% trên thế giới và 100% ở Việt Nam. Đã có một sự tăng trưởng đáng kể trong tin nhắn trò chuyện doanh nghiệp của Viber trên tất cả các thị trường, và có một số quốc gia đạt mức tăng lên đến 300%.
Nhờ sự tăng trưởng hàng năm của tin nhắn doanh nghiệp và số lượng những người dùng tích cực tại Việt Nam, Viber tiếp tục mở rộng nền tảng của mình bằng cách phát triển nhiều phương hướng phục vụ cho cả người dùng doanh nghiệp và cá nhân. "Đơn cử, Viber đã xây dựng các quan hệ đối tác để mở rộng các dịch vụ của mình, chẳng hạn như liên kết với các nhà khai thác viễn thông hàng đầu và các công ty Fintech như MoMo. Viber cũng đã và đang củng cố nền tảng của mình để cung cấp thông tin phù hợp và kịp thời cho người dùng Việt Nam — từ thông tin thể thao, phối hợp với VTV Live, đến truy cập giải trí độc quyền với giải trí MCV", đại diện nói thêm.
Số lượng tài khoản doanh nghiệp mở mới trên Viber để kết nối 1-1 với khách hàng tăng vọt 87%
Thực tế, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho truyền thông số khi năm 2021 đã có hơn 91,3 triệu người dùng điện thoại thông minh, và Chính phủ hiện đang triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số để gia tăng tỷ lệ lên đến 85% vào cuối năm 2022.
Do đó, Việt Nam sớm được nhìn nhận là một trong những thị trường chiến lược của Viber. Người dùng và doanh nghiệp tại đây chắc chắn sẽ có những bước phát triển đáng kể trong năm nay. Theo khảo sát tiêu dùng của LivePerson năm 2021, 73% người dùng ưu tiên việc giao tiếp với nhãn hàng thông qua tin nhắn hơn các cuộc gọi, và dữ liệu Viber cũng cho thấy được điều đó. Viber hi vọng các đoạn đối thoại bằng tin nhắn (trợ lý mua sắm sản phẩm, quản lý đơn hàng và vận chuyển, hỗ trợ khách hàng hậu mãi, phản hồi của khách hàng…) sẽ tiếp tục tăng trưởng.
"Chỉ trong năm vừa qua, số lượng tài khoản doanh nghiệp mở mới trên Viber để kết nối 1-1 với khách hàng tăng vọt 87%. Trong số các ngành công nghiệp hàng đầu sử dụng giải pháp doanh nghiệp của Viber gồm các dịch vụ tài chính, bán lẻ (trong đó có cả thương mại điện tử), du lịch & nghỉ dưỡng, và chăm sóc sức khỏe", bà Cristina Constandache nói thêm.
Vị này cũng chia sẻ top 5 xu hướng tin nhắn quan trọng mà doanh nghiệp có thể thực hiện trong năm 2022 để tăng trưởng doanh thu, bao gồm:
Thứ nhất, Tăng cường cá nhân hóa: Với ứng dụng chuyên để nhắn tin, một vài trong vô số thương hiệu đã thiết kế nên bộ công cụ đặc sắc và thành công thu hút ngày càng nhiều người dùng. Có rất nhiều ví dụ điển hình về tính cá nhân hóa được ứng dụng trong lĩnh vực logistics.
Chẳng hạn như về QuadX - một công ty cung cấp dịch vụ bán lẻ logistics ở Philippines. Nhằm tăng lượng hàng bán cho các doanh nghiệp Anh, QuadX đã xác định được phân khúc khách hàng mục tiêu chính là những người đã từng mua hàng từ những người bán ở Mỹ và tiếp cận họ bằng các tin nhắn marketing đã được cá nhân hóa trên Viber. Và kết quả là 25% trong số người đã từng mua hàng từ Mỹ và được tiếp cận thông qua Viber đã quyết định mua hàng từ Anh. Theo thời gian, chỉ số KPI của những giao dịch ở Anh đã đạt mức 187%, tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai, Nhiều nội dung trực quan hơn: Nhờ sự phát triển của những nền tảng như Instagram và Snapchat, mọi người dần quen thuộc hơn với việc tương tác với những nội dung mang tính trực quan. Và xu hướng này đang bắt đầu trở nên phổ biến trong tiếp thị tin nhắn khi mà các doanh nghiệp quyết định truyền tải những thông điệp chứa nhiều hình ảnh thu hút hơn.
Lấy ví dụ về Coca-Cola, một thương hiệu đã thành công thu hút người tiêu dùng thông qua trò chơi hoạt hình dựa trên cốt truyện về Lễ Phục Sinh truyền thống ở Đông Âu kết hợp với kỹ thuật storytelling hiện đại một cách đầy sáng tạo. Kết quả nhận được thì thật đáng kinh ngạc khi chỉ riêng ở Bulgaria, chiến dịch đã đạt được 350.000 lượt tương tác với thời gian chơi trung bình của mỗi người dùng là hơn 5 phút rưỡi và tổng số phút chơi là hơn 188.000 phút. Số lượng người đăng ký chatbot tăng 30% và tổng số lượt tải xuống của bộ sticker đạt hơn 63.000 lượt.
Thứ ba, Tăng sự tập trung vào tương tác: Không giống như marketing truyền thống chỉ gửi đi những thông điệp 1 chiều, nhắn tin là cuộc trò chuyện qua lại giữa 2 bên và mang lại giá trị kết nối thực giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Thứ tư, Tăng cường tự động hóa: Những tin nhắn tự động có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như nhắc nhở cuộc hẹn hay cập nhật giao hàng… Điều này giúp các nhà quản lý và nhà tiếp thị có thể tiết kiệm thời gian để tập trung hơn vào các khía cạnh khác trong doanh nghiệp.
Thứ năm, Tối ưu hóa kênh tiếp thị: Trong năm 2022, các công ty không chỉ đo lường tỷ lệ mở, tỷ lệ nhấp (CTR) và tỷ lệ chuyển đổi, mà còn bao gồm phân tích thêm các số liệu phức tạp và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch đã thực hiện ở cấp độ chi tiết. Vì hình thức tiếp thị qua ứng dụng nhắn tin vẫn đang còn tương đối mới nên vẫn chưa có cách tiếp cận chung để áp dụng cho tất cả trường hợp. Tuy nhiên, việc bỏ thời gian và công sức để tìm kiếm những gì phù hợp với doanh nghiệp và khách hàng mục tiêu thì vô cùng xứng đáng, phía Viber nói thêm.
Nguồn: CafeF