Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Inside Jobs #1: Nghề biên kịch – “Kịch bản hay chưa đủ để làm nên một tựa phim thành công”

Inside Jobs #1: Nghề biên kịch – “Kịch bản hay chưa đủ để làm nên một tựa phim thành công”

Là series về nghề nghiệp do XONE Radio sản xuất, Inside Jobs khai thác những góc nhìn và kinh nghiệm làm việc thực tế của các chuyên gia – những “người trong cuộc” thuộc những lĩnh vực được đông đảo giới trẻ quan tâm.

Trong số đầu tiên, Inside Jobs mời biên kịch Trần Khánh Hoàng để chia sẻ về bức tranh nghề biên kịch cũng như cách anh đối diện với “nỗi đau” khi mới bước chân vào nghề. Được biết, anh Trần Khánh Hoàng từng là biên kịch của nhiều tác phẩm điện ảnh đình đám như “Em chưa 18”, “Vu Quy đại náo”, “Thất Sơn Tâm Linh”…

Trước khi rẽ hướng sang biên kịch, anh từng là giáo viên dạy hoá. Theo anh, có sự liên quan nào giữa 2 công việc này? Ngoài ra, đâu là sự khác biệt giữa nghề biên kịch và những nghề viết khác như viết báo, copywriter?

Theo tôi, sự liên quan duy nhất giữa một biên kịch và một giáo viên dạy hoá là suy nghĩ logic. Ví dụ, một bộ phim dài khoảng 90 phút tương đương khoảng 100 trang kịch bản. Nhiệm vụ của biên kịch là lột tả toàn bộ câu chuyện “vừa vặn” trong 100 trang đó thông qua việc sắp xếp tình tiết một cách logic để đảm bảo kích thích sự tò mò và các cung bậc cảm xúc của khán giả.

Biên kịch Trần Khánh Hoàng

Còn sự khác biệt lớn nhất giữa nghề biên kịch với những nghề viết khác là ở khâu sản xuất. Nghĩa là, khi viết báo, viết tiểu thuyết, người viết đặt dấu chấm cuối cùng là đã có trong tay tác phẩm. Nhưng khi biên kịch viết “The End” thì đó chỉ là bước đầu tiên để tạo nên tác phẩm phim hoàn chỉnh. Giai đoạn tiếp theo còn rất nhiều chông gai, như tìm nhà sản xuất, đạo diễn, nguồn đầu tư và cần nhiều sự góp sức để nó trở thành phiên bản có thể sản xuất khả thi nhất. Ngoài ra, câu chuyện trong điện ảnh thường được kể 3 lần: (1) biên kịch kể trên giấy, (2) đạo diễn kể trong quá trình on-set và (3) đạo diễn và Editor kể lại lần nữa trong quá trình hậu kỳ. Qua 3 lần như vậy, kịch bản sẽ có sự thay đổi thành phiên bản phù hợp nhất để ra mắt khán giả.

* Trong số này, Inside Jobs có đặt ra chủ đề là “Drama hóa những câu chuyện đời thường”. Vậy khi viết kịch bản, anh thường lấy ý tưởng từ đâu và quá trình xây dựng kịch bản từ ý tưởng đó diễn ra như thế nào?

Thực ra, theo tôi “Drama hoá câu chuyện đời thường” thì không đúng lắm vì cuộc đời có khi còn drama hơn. Thông thường, tôi hay góp nhặt những “drama” đó và hệ thống lại thành những câu chuyện xuyên suốt trong kịch bản của mình.

Có thể nói, mỗi người viết thường sẽ theo đuổi một chủ đề nào đó. Ví dụ điển hình là ông Christopher Nolan– đạo diễn nổi tiếng của “Tenet” hay “Inception”…, bị “ám ảnh” bởi thời gian nên các bộ phim của ông luôn xoay quanh các vấn đề thời gian. Còn đối với tôi, cảm hứng xuyên suốt của tôi chính là sự tiếc nuối khi bỏ lỡ một điều gì đó; và sự trăn trở rằng liệu khi có cơ hội làm lại thì sự việc có tốt hơn không.

Chẳng hạn, trong tác phẩm “Mùa viết tình ca”, anh chàng nhạc sĩ bị lu mờ trước những hào quang và quên mất lý do bắt đầu sự nghiệp. Mạch phim dần trả lời cho câu hỏi: “Liệu có cơ hội nào để anh ấy có thể sửa chữa sai lầm và trở thành một phiên bản tốt hơn của mình không?”.

Vậy biên kịch làm gì tiếp theo để chuyển ý tưởng đó thành kịch bản hoàn chỉnh, thưa anh?

Thông thường, chúng ta không thể tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh chỉ từ ý tưởng. Ý tưởng sơ khai có thể bắt nguồn từ những yếu tố như nhân vật, địa điểm, mẩu chuyện nhỏ…, và chúng đang bị phân mảnh. Nhiệm vụ của người biên kịch sẽ là tìm cách lấp đầy những khoảng trống còn lại, và “thử” với nhiều yếu tố khác nhau để tạo nên tác phẩm tốt nhất có thể.

Trong biên kịch, có một yêu cầu khi kể về ý tưởng của mình là tóm tắt toàn câu chuyện trong một đến hai câu hay còn gọi là logline. Logline là kim chỉ nam giúp biên kịch luôn đi đúng hướng với mục tiêu kịch bản. Công thức để viết logline là “một nhân vật bằng mọi giá làm điều gì đó để đạt được cái gì đó”. Ví dụ, với “Em chưa 18”, logline là một anh chàng playboy bằng mọi giá phải thoát khỏi bẫy tình của cô nữ sinh 18 tuổi.

Logline là đề bài và biên kịch dựa vào đó để lập dàn ý, triển khai thành một câu chuyện hoàn chỉnh theo cấu trúc 3 hồi (khai đề, phát triển vấn đề và giải quyết vấn đề) cốt truyện biên kịch mong muốn khác nhau.

Cốt truyện phim thì có rất nhiều, thông thường dễ gặp nhất có lẽ là câu chuyện khai thác yếu tố “cá ra khỏi nước” (fish out of water). Nghĩa là, đặt nhân vật vào một thế giới hoàn toàn không phù hợp với bản thân mình, họ làm thế nào để “làm chủ” được thế giới đó, và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Làm sao để biên kịch dung hoà thị hiếu của khán giả với thể loại kịch bản mình thân thuộc?

Thị hiếu khán giả vốn dĩ là điều biên kịch không thể tiên liệu vì chúng thay đổi liên tục và nhanh chóng. Từ khâu lên ý tưởng, sản xuất, hậu kỳ đến khi công chiếu có thể mất đến 1 năm hoặc hơn. Trong khoảng thời gian đó, thị hiếu khán giả có thể đã thay đổi rồi. Thế nên, tôi không có lời giải cho việc cân bằng 2 yếu tố thị hiếu và thể loại mình thân thuộc.

Nhưng điều duy nhất biên kịch có thể tin tưởng là câu chuyện mình khai thác đủ hay và dành tâm sức trau chuốt nó. Không chỉ vậy, mọi thành viên trong ekip cũng đặt niềm tin vào câu chuyện đó và mong muốn câu chuyện ấy xuất hiện ngoài rạp. Có như vậy ekip mới luôn hướng đến mục tiêu tạo ra một bộ phim “chạm” được khán giả.

Theo anh, một bộ phim thành công có cần những câu thoại gây viral không? Và có phải một bộ phim có nhiều “plot twist thì mới thu hút?

Tôi là một người luôn ý thức là thoại trong phim của mình phải mang tính đời sống, tạo không khí thân thuộc giống như cách mà mọi người nói chuyện với nhau.

Trong điện ảnh có một câu là “Không ai biết điều gì cả”. Chính vì vậy, một bộ phim thắng hay thua, một câu thoại có viral hay không thì thực sự tôi không biết.

Ngược lại, khi viết kịch bản với mục tiêu phải có những câu thoại viral thì nhiều khi hiệu ứng ngược, gây ra sự gượng gạo cho nhân vật. Tôi tin là khi nhân vật được người xem yêu thích, cảm được tình huống thì họ sẽ muốn chia sẻ lại. Ví dụ câu thoại “Bố không phải sinh ra đã làm bố, bố cũng lần đầu tiên làm bố” của Reply 1988. Đây là phân đoạn người cha xin lỗi đứa con vì những sai sót khi làm cha mẹ. Tôi nghĩ câu thoại ấy viral là vì nó chạm vào những điều khán giả từng trải qua.

Còn về plot twist, tôi nghĩ cần làm rõ một chút, plot twist không chỉ là những nút thắt, tình huống bất ngờ ở cuối phim mà nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Sử dụng “plot twist” như thế nào sẽ tuỳ thuộc vào việc biên kịch muốn kể điều gì trong cảnh này. Theo tôi “plot twist” chỉ là công cụ kể chuyện thôi, quan trọng là mình dùng nó đúng chỗ. Tôi giả dụ thông thường, khán giả có xu hướng mong đợi một cú twist “bùng nổ” ở cuối phim. Nhưng nếu biên kịch dựa vào đó mà lơ là những phút còn lại trong phim, câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán. Từ đó, khán giả mất kiên nhẫn và ngừng xem phim.

Một bộ phim thành công có cần câu thoại viral không?
Nguồn: Galaxy Play

* Từ góc nhìn của anh Hoàng, các bạn trẻ có nên bắt đầu với dạng phim “remake”?

Theo tôi, tinh thần Việt Nam được lồng ghép vào phim remake là yếu tố thu hút người xem đến thể loại phim này. Có như vậy, người Việt mới dễ dàng cảm nhận sự liên kết mà đồng cảm và thoải mái hơn khi xem. Ví dụ, “Tháng năm rực rỡ”, “Em là bà nội của anh”… là những phim remake thành công chinh phục khán giả Việt Nam khi khéo léo thả hồn Việt vào phim.

Đối với tôi, viết kịch bản phim remake còn tạo cơ hội cho biên kịch mổ xẻ tác phẩm có sẵn và thực hành điều chỉnh những điểm chưa tốt. Đây là một trải nghiệm thú vị và bổ ích giúp biên kịch nâng cao tay nghề.

Anh hãy chia sẻ những khó khăn mà biên kịch thường gặp trong quá trình làm việc?

Biên kịch sẽ gặp vấn đề nhiều nhất ở khâu viết lại. Cấu trúc kịch bản giống với cấu trúc của một ngôi nhà. Nếu có một lỗ hổng xuất hiện, việc sửa chữa có thể làm ảnh hưởng đến các chi tiết khác trong kịch bản. Thế nên nhiều lúc, chuyện “đập đi xây lại” kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Hay khi làm việc với đạo diễn và nhà sản xuất, việc khó nhất là kịch bản đạt được sự đồng thuận của cả ba. Theo kinh nghiệm bản thân, lý tưởng là khi biên kịch, đạo diễn, và nhà sản xuất đồng hành, nhất trí ngay từ khâu lên ý tưởng. Trong quá trình đó, các bên cần thoả hiệp hạ cái tôi xuống và đưa ra những góp ý mang tính xây dựng.

Như vậy đối với bản thân tôi, viết lại và làm việc với đạo diễn, nhà sản xuất là 2 khâu nhiều “sóng gió” cho biên kịch.

Nguồn: SaigonDance

Cuối cùng, anh Hoàng có lời khuyên nào muốn gửi gắm đến các bạn trẻ đang mong muốn theo đuổi nghề biên kịch không?

Tôi có 2 điều muốn lưu ý là sự kết nối của kịch bản với khán giả; và mối liên hệ giữa kịch bản hay với doanh thu tốt.

Đầu tiên, bất kể câu chuyện là gì thì đều cần có sự kết nối với khán giả. Bởi nếu người xem không cảm thấy sự liên kết với nội dung phim, sẽ rời đi bất cứ lúc nào, và đánh giá kém bộ phim.

Thứ hai là phân định rõ ràng giữa một kịch bản hay và doanh thu của phim đó. Làm phim là quá trình nhiều công đoạn với sự góp sức của nhiều bên. Kịch bản hay chưa đủ để làm nên một bộ phim thành công vì còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như vị đạo diễn “chắc tay”, diễn viên, hay ekip âm thanh, ánh sáng, quay phim, makeup… Bên cạnh đó, chiến lược marketing cũng đóng một vai trò quan trọng vì chúng ta đang tạo ra một sản phẩm thương mại. Một kịch bản trở thành sản phẩm thương mại và đạt được thành công về mặt thương mại đòi hỏi nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của biên kịch. Nên theo tôi, biên kịch chỉ cần làm tốt công việc của mình.

Tôi mong những chia sẻ trên giúp các bạn trẻ mong muốn theo đuổi nghề biên kịch có thêm kiến thức và hình dung rõ hơn về nghề.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh Hoàng.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Tường Vi / Brands Vietnam