Chiến lược Marketing của Spotify: Cá nhân hoá, lấy người dùng làm trung tâm
Spotify là một nền tảng phát nhạc trực tuyến mang tính cách mạng khi góp phần làm thay đổi thói quen của người dùng, từ nghe nhạc miễn phí chuyển sang sẵn sàng trả tiền để nghe nhạc.
Spotify ra mắt vào năm 2008, đến nay, nền tảng này đã có hơn 70 triệu bài hát mà người dùng có thể nghe miễn phí (nhưng vẫn bị quảng cáo làm gián đoạn). Hoặc người dùng có thể trả một mức phí cố định hàng tháng để được sử dụng các tính năng như nghe nhạc ở chế độ ngoại tuyến, chất lượng âm thanh tốt hơn và không có quảng cáo.
Trong quý 2/2021, Spotify tự hào có 356 triệu người nghe hàng tháng, gấp gần 4 lần so với những gì mà Apple Music có.
Nền tảng này từng vướng vào nhiều vụ kiện tụng với các ngôi sao như Taylor Swift, Neil Young, Janis Joplin; và đặc biệt là “scandal” làm rò rỉ dữ liệu người dùng. Dù vậy, Spotify vẫn luôn được người dùng ưa chuộng.
Một trong những yếu tố giúp Spotify thu hút đông đảo người dùng, đó là các chiến dịch Marketing được cá nhân hoá cho nhóm khách hàng mục tiêu
Các chiến dịch tiêu biểu của Spotify
Năm 2021: “Only You”
Kể từ năm 2008, Spotify đã bắt đầu tìm hiểu về người dùng của mình. Điều này giúp thương hiệu triển khai các chiến dịch mang tính cá nhân hoá.
“Only You” được ra mắt vào tháng 6/2021 nhằm tôn vinh sở thích nghe nhạc của từng cá nhân. Tính năng này được hoàn chỉnh dựa trên chính trải nghiệm trong ứng dụng của người dùng.
Người dùng có thể xem số liệu thống kê cá nhân về những lần nghe của bản thân. Ví dụ như “Bài hát của bạn trong năm”, “Chủ đề của bạn” hoặc chia sẻ một vài sự thật thú vị về thói quen nghe nhạc của người dùng.
Ngoài ra, Spotify còn ra mắt tính năng mới – Blend, thúc đẩy người dùng tương tác với ứng dụng nhiều hơn và tăng thời gian nghe mỗi ngày. Với Blend, người dùng và bạn bè có thể tạo, chia sẻ và quản lý một danh sách phát chung. Để kết hợp với ai đó, họ cần mời người bạn của mình vào ứng dụng. Đây là một chiến thuật của Spotify giúp tạo ra những khách hàng nghe nhạc mới.
Năm 2020: “#2020Wrapped”
#2020Wrapped là một tính năng giúp người dùng xem lại các bài hát, nghệ sĩ và album được họ nghe nhiều nhất trong năm vừa qua, trên ứng dụng Spotify dành cho hệ điều hành iOS và Android. Chiến dịch này cũng nhằm vinh danh các nhạc sĩ và podcasters, những người đã mang đến giây phút giải trí thoải mái và cung cấp thông tin hữu ích trên khắp thế giới.
Chiến dịch đã trở thành bản đánh giá ngắn về một năm đầy sự kiện thông qua sở thích âm nhạc của người dùng trên toàn cầu.
Như thường lệ, Spotify đã gửi các thông điệp của mình một cách hài hước. Thương hiệu đề cập đến các chủ đề phù hợp, bao gồm các vấn đề xã hội mà người nghe quan tâm trong năm 2020.
#2020Wrapped đã giúp lượt tải xuống ứng dụng Spotify tăng lên đến 21% trong tuần đầu tiên của tháng 12. Thêm vào đó, số lượng người nghe và sử dụng ứng dụng tăng trưởng mạnh, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng so với một năm trước đó tăng 29%.
Năm 2019: “Âm nhạc cho mọi tâm trạng”
Nhằm tiếp cận gần hơn với người dùng Gen Y và Gen Z, Spotify sử dụng meme trong các hoạt động truyền thông của mình. Với câu từ và hình ảnh đơn giản, hài hước, đúng insight, meme khiến người dùng cảm thấy như được thấu hiểu.
Chiến dịch cũng quảng bá podcast trên Spotify, cho khách hàng biết rằng dịch vụ phát trực tuyến cũng có “Một podcast cho mọi tâm trạng”.
Năm 2018: “#2018Wrapped”
Spotify biết người dùng nghe gì khi buồn, khi vui và thậm chí cả khi họ tắm. Vào năm 2018, nền tảng quyết định sử dụng thông tin này cho một chiến dịch tiếp thị. Bên cạnh đó, tương tự việc tạo danh sách phát, chiến dịch này là kết quả của quá trình người nghe trải nghiệm trên ứng dụng. Những chiến dịch tương tự biến Spotify trở thành văn hoá đại chúng và khiến khán giả mục tiêu muốn tham gia vào “trò vui” nghe nhạc trực tuyến.
Năm 2017: 2018 goals
Năm 2017 là một năm tốt đẹp đối với Spotify, doanh thu của họ đã tăng 40%. Đó là thời điểm thích hợp để thu hút thêm sự chú ý của người dùng trên toàn thế giới.
#goals là hashtag bắt đầu bằng #, phổ biến vào năm 2017. Hiện nay, bạn vẫn có thể bắt gặp những story và ảnh được gắn hashtag #lifegoals, #adulthoodgoals, #relationshipgoals, #hairgoals...
Vào Giáng Sinh năm 2017, Spotify đã thực hiện một chiến dịch nêu bật các mục tiêu cho năm 2018. Tất cả là về âm nhạc và tiết lộ thói quen của những người nghe Spotify bằng thông điệp vui nhộn. Chiến dịch đã thành công rực rỡ: Spotify chứng kiến lượng người đăng ký và nhận thức về thương hiệu tăng lên đáng kể.
Bài học tiếp thị từ Spotify
1. Tận dụng dữ liệu lớn
Ngày nay, cá nhân hoá trở thành yếu tố cần thiết trong tiếp thị và phát triển sản phẩm. Thu thập dữ liệu về khách hàng, sau đó sử dụng dữ liệu đó để nâng cao trải nghiệm người dùng và xây dựng các chiến dịch tiếp thị có tính liên quan là điều mà các công ty nên làm. Dữ liệu chính là thứ giúp Spotify có thể tạo ra những chiến dịch thành công.
2. Sử dụng nội dung do người dùng tạo
Spotify luôn quan tâm đến những gì người dùng nghĩ, làm và nói. Quảng cáo tốt nhất không phải là quảng cáo về công ty, mà là về khách hàng. Hãy để khách hàng của bạn kể một câu chuyện về họ và sau đó xem bạn có thể làm gì với câu chuyện đó.
3. Sử dụng các chủ đề thịnh hành và bắt đầu bằng #
Khách hàng thường thích thú với những tin tức và các xu hướng mới nhất xã hội. Marketers của Spotify luôn biết cách nắm bắt thời điểm, sáng tạo chiến dịch thành một gói câu chuyện và sự kiện. Do đó, những biển quảng cáo và hình ảnh luôn thu hút được sự chú ý của một lượng lớn khán giả.
Các công ty có thể sử dụng công cụ lắng nghe mạng xã hội để kịp thời phát hiện các chủ đề và hashtag phổ biến liên quan đến lĩnh vực hoặc thị trường ngách của mình.
4. Tận dụng các đề cập trên mạng xã hội
Trên mạng xã hội, người dùng thường kể về trải nghiệm tích cực lẫn tiêu cực với các sản phẩm và dịch vụ. Spotify luôn chú ý đến mong muốn của khách hàng và đó cũng là nền tảng để các marketer phát triển chiến lược nội dung.
Ví dụ: Chiến dịch Wrapped của Spotify đều là về trải nghiệm cá nhân. Điều Spotify làm là tạo ra những hình ảnh đẹp mắt, rồi chờ đợi những hashtag liên quan đến họ.
5. Sử dụng phương pháp tiếp cận phù hợp với khách hàng
80% khách hàng có khả năng mua hàng từ một thương hiệu mang đến những trải nghiệm được cá nhân hoá. Đây là cách Spotify mê hoặc khách hàng của mình và thu hút người dùng mới.
Để làm tốt điều đó, hãy bắt đầu từ những điều đơn giản, chẳng hạn như nhân khẩu học (năm sinh, giới tính, địa chỉ, ngôn ngữ)...
* Nguồn: AdsPlus