Pitch Possitive Pledge – Liệu cam kết có đủ để cải thiện sự đứt gãy của quá trình pitching?

Pitch Possitive Pledge – Liệu cam kết có đủ để cải thiện sự đứt gãy của quá trình pitching?

“Có thể nói pitching là cơ hội tốt cho agency. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng có một số điều không cần thiết trong quá trình pitching gây hao tổn nguồn lực, đặc biệt là khi client tiến hành tìm kiếm đối tác agency mới”, chia sẻ của ông Julian Douglas – Vice Chairman của IMC agency VCCP Anh kiêm President của IPA.

Trong trường hợp tệ nhất, pitching đối với agency có thể là một trải nghiệm tốn kém nguồn lực, thời gian, kèm theo đó là nhiều đêm mất ngủ hay kiệt quệ tinh thần, khả năng sáng tạo. Một khảo sát hồi năm 2018 của tổ chức từ thiện NABS cũng cho thấy gần 40% lực lượng lao động ngành quảng cáo tại Anh luôn trong tình trạng căng thẳng và lo âu suốt 12 tháng qua. Theo hiệp hội các nhà quảng cáo tại Anh ISBA, tình hình này càng thêm trầm trọng trước tác động của COVID-19. Những hoạt động truyền thông, quảng cáo triển khai trong giãn cách xã hội ghi nhận kết quả tích cực, và các tổ chức muốn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này trong giai đoạn bình thường mới. Đây là vấn đề của ngành quảng cáo toàn cầu. Như nghiên cứu Provoke Insights Study tại thị trường Mỹ chỉ ra có 11% chuyên gia từ agency tham gia 1 pitching/tuần.  

Để giải quyết vấn đề này tại Anh, cơ quan thương mại quảng cáo IPA và ISBA cùng nhau thiết lập bảng cam kết “Pitch Positive Pledge”, kêu gọi agency, thương hiệu và các bên trung gian tham gia. Dự án còn có sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện liên quan đến sức khoẻ tinh thần là Campaign Against Living Miserably (CALM) và National Advertising Benevolent Society (NABS).

Nguồn: twitter

Cam kết nhằm giúp cải thiện quy trình pitching với trọng tâm là thay đổi hành vi của các bên; từ đó loại bỏ những yếu tố gây hại đến sức khoẻ tinh thần và đảm bảo sự minh bạch ở các khâu trước – trong – sau pitching, như sau:

  • Trước khi pitching, bảng brief cần phải rõ ràng và có văn bản công bố pitching công khai.
  • Trong quá trình pitching, client cần đưa ra yêu cầu rõ ràng cho agency; còn agency đề xuất giải pháp phù hợp, vừa tạo giá trị cho cả client vừa chú trọng sức khoẻ của nhân viên.
  • Sau khi pitching, client cần thông báo trực tiếp kết quả và phản hồi cho agency; phía agency cũng sẽ chấp thuận và tự đánh giá phần pitching của mình.

IPA và ISBA lên kế hoạch tiến hành khảo sát trước và sau khi ký Pitch Positive Pledge để xem liệu việc ký cam kết có thực sự hiệu quả. Lĩnh vực khảo sát bao gồm sức khoẻ tinh thần, sự lãng phí nguồn lực, chi phí, độ hiệu quả, và kết quả sẽ được công bố vào đầu năm 2023.

Nguồn: pitchpositivepledge

Ông Julian Douglas – Vice Chairman của IMC agency VCCP Anh kiêm President của IPA, chia sẻ: “Có thể nói pitching là cơ hội tốt cho agency. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng có một số điều không cần thiết trong quá trình pitching gây hao tổn nguồn lực, đặc biệt là khi client làm mới danh sách đối tác agency của họ”.

Được biết, đề xuất cải thiện quy trình pitching đã nằm trong chương trình nghị sự của ông Douglas kể từ khi nhậm chức President của IPA vào năm 2021. Trong quá trình hiện thực hoá sáng kiến, ông đã trò chuyện với nhiều chuyên gia phát triển kinh doanh, nhà tư vấn chuyên về ESG; học hỏi cách những công ty đạt được Kitemark (chứng chỉ biểu thị sự tin tưởng, an toàn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ).

Ông Douglas bày tỏ: “Tôi kỳ vọng Pitch Positive Pledge trở thành huy chương danh dự của các cilent, từ đó trở thành những minh chứng cho cho môi trường pitching lành mạnh”.

Ngay từ khi ra mắt vào tháng 5/2022, có hơn 70 đơn vị ký cam kết như thương hiệu là Nestlé, Samsung…; agency gồm Wunderman Thompson, BBH, AAR…

Chuyên gia nói gì về “Pitch Positive Pledge”?

Ông Adam Graham – Founder của consultancy agency Gray Matters

"Tôi tin rằng Pitch Positive Pledge góp phần tạo nên những thay đổi tích cực về hiệu quả chi phí. Mọi agency nên ký cam kết, từ đó tạo tiền đề cho những thay đổi tiếp theo sau này. Nhiệm vụ của Pitch Positive Pledge là làm cho pitching thực tâm, có trách nhiệm và hiệu quả hơn cho cả client và agency".

Bà Wendy Dixon – Chief Growth Officer tại M&C Saatchi Group

“Mong muốn phát triển công việc kinh doanh mà không có những cuộc pitching nặng nề của chúng tôi vẫn chưa thành hiện thực. Nên chúng tôi đã ký Pitch Positive Pledge vì tin rằng toàn ngành càng đoàn kết thì càng đạt được nhiều thay đổi tích cực.

Phần lớn cách tiếp cận trong pitching ngày nay đều đã lỗi thời. Chúng tôi đầu tư nhiều nguồn lực để tự mình tìm ra ‘đáp án’ cho những bảng brief mà không nhận lấy bất kỳ thù lao nào. Thậm chí những agency được chọn sẽ phải bắt đầu lại công việc từ con số 0.

Thực tế, khách hàng sẽ được nhận được nhiều giá trị hơn và kết quả nhanh chóng hơn khi các giải pháp được xây dựng dựa trên sự cộng tác. Là một ngành công nghiệp, chúng ta cần đồng lòng, làm rõ vấn đề này với khách hàng và các đơn vị trung gian.”

Ông John Barham – Managing Director của digital marketing agency ROAST (trực thuộc TIPi Group)

“Áp lực tìm nguồn tăng trưởng mới đè nặng lên các doanh nghiệp. Các agency tham gia pitching sẽ cảm nhận điều này rõ nét nhất. Thời gian biểu dày đặc, và mong muốn gây ấn tượng khách hàng gây xáo trộn khối lượng công việc của agency. Tình hình này thêm trầm trọng trước sự ảnh hưởng của COVID-19. Thế nên, TIPi Group sẵn lòng ký cam kết bởi chúng tôi hy vọng agency và thương hiệu cùng nhau tạo nên bức tranh pitching công bằng và hiệu quả hơn.

Về phía agency, điều này đòi hỏi bản lĩnh đánh giá kỹ lưỡng hơn các bảng brief, và chỉ cam kết sử dụng nhiều nguồn lực hơn nếu bảng brief nhận được là rõ ràng và phù hợp với tiêu chí của agency.

Còn thương hiệu cần chấp thuận và nhận thức được quy mô dự án liên quan đến quy trình lựa chọn agency. Chẳng hạn như nội dung pitching rõ ràng, việc ước tính thời gian đưa ra phản hồi; hay đánh giá năng lực agency thông qua các case-study…”

Bà Julie Cohen – Founder kiêm CEO của independent creative agency Across the Pond (đối tác của Snap và Facebook)

“Across the Pond từ chối tham gia pitching. Thay vào đó, chúng tôi ưu tiên xây dựng quan hệ ổn định với khách hàng theo thời gian.

Tôi hoan nghênh sáng kiến Pitch Positive Pledge nhưng cảm thấy kế hoạch này ‘hoàn toàn không nắm được trọng tâm vấn đề’. Cam kết này chỉ đơn giản giúp giải quyết câu chuyện cung – cầu chênh lệch, thời gian làm việc kéo dài, ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể lực của nhân viên.

Positive Pitch Peldge lên án sự đứt gãy trong quy trình pitching; nhưng cũng đồng thời ngầm khẳng định rằng chúng ta sẽ tiếp tục áp dụng lối pitching lỗi thời này một cách ‘tích cực và minh bạch’ hơn. Đây không phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.

Trớ trêu thay khi thế giới quảng cáo có thể thay đổi và tiến bộ hơn nhiều. Và ắt hẳn ngành truyền thông quảng cáo là ngành duy nhất tự phá huỷ tương lai của chính mình. Thế giới không ngừng xoay vần nên chúng ta cũng cần phải thay đổi quy trình chứ không thể chỉ làm cho nó ‘đẹp’ hơn.

Bên cạnh đó, để thu hút và giữ chân nhân tài, chúng ta cần xây dựng và duy trì môi trường làm việc hoà nhập, thúc đẩy quyền tự chủ, và xây dựng nhận thức rõ về mục đích làm việc cho nhân viên. Nhưng pitching ngày nay đi ngược lại hoàn toàn những điều trên.”

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp