Marketer Tô Nguyễn Trọng Nhân
Tô Nguyễn Trọng Nhân

Online Customer Marketing Manager @ Logitech Vietnam

Mega Sale Campaign #4: Hiện tượng nhân sự “gãy” sau Mega Sale và kế hoạch chuẩn bị cho mùa cao điểm của sàn TMĐT

Mega Sale Campaign #4: Hiện tượng nhân sự “gãy” sau Mega Sale và kế hoạch chuẩn bị cho mùa cao điểm của sàn TMĐT

Chào các bạn, qua quan sát của bản thân và những buổi chia sẻ với anh em làm nghề, tôi thấy các vị trí trong ngành e-Commerce hiện đang khá “hot”, đặc biệt là khối Kinh doanh & Marketing, khi nhân sự vào ra liên tục và công ty cũng muốn tuyển người có kinh nghiệm để làm việc một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Các vị trí ở khối Commercial & Marketing nói chung hay Marketing Planner như tôi nói riêng, công việc sẽ không hào nhoáng, mà rất thực tế khi mọi nỗ lực đều nhằm vào mục tiêu duy nhất là doanh số.

Và trong giai đoạn COVID-19, tôi đã có dịp chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những bài toán nan giải khi chuyển dịch lên sàn TMĐT, và cũng có rất nhiều doanh nghiệp bứt phá với chiến lược chọn sàn làm điểm khởi đầu.

Nhìn lại thị trường TMĐT, bạn có thể thấy Shopee gia nhập Việt Nam vào năm 2016, các agency chuyên về sàn như OnPoint hay Jetcommerce cũng mới ra mắt vào năm 2017 hay 2018. Thị trường e-Commerce cũng chỉ mới thực sự bùng nổ vài năm trở lại đây. Tỷ trọng kênh TMĐT của các doanh nghiệp lớn hiện tại cũng chỉ chiếm trên dưới 10%.

Báo cáo của Kantar năm 2020 về thị trường Việt Nam. 

Thị trường TMĐT sẽ đạt khoảng 23 tỉ USD vào năm 2025, trong khi đó năm 2019 con số này chỉ dừng lại ở mức 5 tỉ USD, cho thấy sự sôi động của ngành này.

Sàn TMĐT buộc nhà bán hàng phải theo đuổi một cuộc chơi hoàn toàn khác

Ở góc độ các doanh nghiệp & thương hiệu lớn, bộ máy vận hành có thể khá cồng kềnh và việc chuyển dịch online quá nhanh khiến họ chậm thích nghi (có thể do nguồn lực hoặc chuyển đổi mô hình). Vì thế, họ cần sự hỗ trợ từ một bên thứ ba để phân phối sản phẩm lên các sàn TMĐT (Enabler Agency) như Onpoint hoặc Jetcommerce.

  • Các công ty này sẵn sàng đầu tư ngân sách để cạnh tranh trên sàn. Chỉ tính riêng hạng mục Marketing nội sàn, họ đã chi hàng chục nghìn USD cho mỗi chiến dịch Mega Sale. (Marketer có thể liên hệ Shopee hoặc Lazada để xem thông tin về các gói Marketing Solution, dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD).
  • Vẫn như các kênh khác, họ sử dụng chiến thuật Market Leader.

Trong các doanh nghiệp trên, sàn TMĐT được xếp vào kênh Modern Trade (kênh thương mại hiện đại) hoặc Sale. Marketer trong các doanh nghiệp này được trải nghiệm hầu hết các ngóc ngách của sàn (vì được làm việc trực tiếp với nhân sự KAM của sàn, nắm toàn bộ công cụ, vận hành toàn bộ các gói giải pháp Marketing và thấu hiểu hành vi khách hàng do được nhận các báo cáo phân tích từ sàn, đặc biệt là trải qua các kỳ Mega Sale với doanh thu “khủng”).

Ở góc độ doanh nghiệp tầm trung hoặc vừa và nhỏ, họ có thể tiếp cận sàn nhanh hơn do bộ máy và quy trình không quá cồng kềnh, nhưng cũng gặp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt là câu chuyện chiến lược đồng bộ các kênh bán & không tuyển được nhân sự thực thi có chuyên môn bài bản.

  • Hơn nữa, trên sàn TMĐT sẽ không còn là câu chuyện về “vít ads” hay “content is king” mà là về chất lượng sản phẩm & trải nghiệm khách hàng.
  • Bên cạnh đó, doanh số trên sàn ở giai đoạn đầu có thể thấp hơn so với kênh truyền thống (offline & social); khối lượng công việc đôi khi nhiều hơn gấp bội và chưa thực sự có hướng đi rõ ràng.

Marketer phụ trách sàn TMĐT thường không được phân chia công việc một cách rõ ràng. Họ phải “kiêm” nhiều đầu việc như marketing, promotion, digital, product planning, P&L Cashflow… thậm chí là thiết kế. Và dĩ nhiên, KPI là doanh số và Profit. Điều này khiến các bạn mới bắt đầu không khỏi bị áp lực và những người có kinh nghiệm thì khó tuyển.

Shopee bắt đầu từng bước cho nhà bán hàng bán xuyên biên. Bạn có thể mua hàng ở nước ngoài (đa số từ Trung Quốc) vận chuyển về Việt Nam với phí ship rẻ & thời gian không quá lâu. Đây là dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh mang tầm cỡ khu vực.

Hiện tượng nhân sự “gãy” sau mỗi Mega Sale

Nhiều đồng nghiệp từng tâm sự với tôi rằng: “Làm ở Lazada/ OnPoint trong 6 tháng giống như làm 1 năm ở ngoài”. Câu nói này, thoạt nghe có vẻ vui vui, nhưng bạn cũng có thể phần nào hiểu được khối lượng công việc và tần suất làm việc của dân trong ngành như thế nào. Có thể kể đến như:

  • Thức khuya: Việc làm việc cả 1 ngày và thức đến 2-3 giờ sáng hôm sau, hay đi làm vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật là chuyện rất bình thường (trong các kỳ Mega Sale), dù làm Client/ Agency hay sàn TMĐT, bạn đều sẽ nằm trong guồng quay đó.
  • Áp lực doanh số và tăng trưởng: Cùng một đội ngũ nhân sự, có khi ít hơn, nhưng KPI doanh số năm nay đã gấp đôi so với năm ngoái. 
  • Thị trường thay đổi chóng mặt: Cạnh tranh về giá đã không còn được ưa chuộng như lúc trước, khách hàng ngày càng khắt khe và đòi hỏi nhiều hơn, số lượng nhà bán hàng nhảy vào cuộc chơi mỗi lúc một nhiều... Xu hướng người tiêu dùng thay đổi đồng nghĩa với việc marketer phải đổi mới chiến lược.

Cuối năm là giai đoạn các chiến dịch Sale xuất hiện với tần suất dày đặc. Và nếu các ngày Sale rơi vào cuối tuần thì đó là một “cơn ác mộng”. Sau Mega Sale, vì quá căng thẳng và áp lực nên nhân sự thường sẽ mất “mood” làm việc. Tôi gọi đó là hiện tượng “gãy”, “gãy” về mặt tinh thần và “gãy” về mặt thể chất.

Nếu doanh số đạt đúng target, mọi người sẽ rất vui, giống như Việt Nam ghi bàn vậy. Nhưng ngược lại, mọi chuyện sẽ khá tệ. Tệ vì không biết mình đã cố gắng đủ chưa, tệ vì những câu hỏi khó trả lời của cấp trên, tệ vì mình phụ lòng & công sức của các team khác.

Như các bạn cũng biết, một khi sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần không vững, những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện và kéo theo đó là hiệu suất công việc giảm. Hậu Mega Sale, thực chất là giai đoạn nhảy cảm nhất với người làm trong lĩnh vực sàn TMĐT.

Bảng xếp hạng các thương hiệu Launry & Household. Trong đó, Downy & Ariel do team của tôi phụ trách, để có thể đạt được thứ hạng này trong BXH, cả team đã phải nỗ lực trong suốt 1 tháng

Cần chuẩn bị gì cho mùa cao điểm e-Commerce sắp tới?

Các chiến dịch 8.8, 9.9, 10.10, 11.11 và Tết là những chiến dịch “đinh” của sàn. Vì thế, tháng 6 được xem là giai đoạn hạ nhiệt của ngành. Nhân sự có khoảng thời gian 1 tháng (tháng 7) để chuẩn bị tinh thần cho một loạt chiến dịch không ngừng nghỉ (tôi chưa tính đến các chiến dịch Super Brand Day của nhà bán hàng).

Những mốc thời gian được tô đỏ là giai đoạn khiến marketer sàn TMĐT thực sự lo lắng

Giai đoạn dao động của nhân sự

Đây cũng chính là thời gian dao động của nhân sự trong ngành. Việc “thay máu” nhân sự diễn ra với tần suất khá nhiều ở thời điểm tháng 6, tháng 7. Công ty tìm kiếm nhân sự mới để bổ sung lực lượng cho giai đoạn nóng nhất năm hoặc nhân viên trong ngành muốn tìm một bến đỗ mới... trước khi bước vào guồng quay cuối năm & Tết. (Đến khoảng tháng 9, họ không còn muốn nghỉ nữa mà “trụ lại” đến qua Tết).

Cơ hội

Nhân sự trong sàn (đặc biệt là các vị trí Commercial & Marketing), có thể muốn tìm đến Client để bổ sung những nhóm kiến thức mình còn thiếu. Đây là cơ hội “có 1 không 2” cho các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp muốn chuyển dịch lên sàn). Vì không dễ để tìm được nhân sự có chuyên môn cao trong ngành và hiểu về sàn trong thời điểm hiện tại.

Và ngược lại, nhân sự cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, khi doanh nghiệp đang muốn cải thiện doanh thu trong giai đoạn cuối năm. Đặc biệt là trong giai đoạn “bình thường mới”, doanh nghiệp càng có lý do để đẩy mạnh kênh sàn TMĐT.

Thách thức

Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân nhân sự, khi trò chuyện với những người trong ngành, sau các chiến dịch quý 1 và quý 2, tôi thấy rằng có nhiều người đã lên kế hoạch nghỉ việc, hoặc không muốn làm nữa vì cảm thấy công việc này đang chiếm quỹ thời gian cá nhân của mình khá nhiều.

Người làm nghề có kế hoạch cho giai đoạn nước rút cuối năm

Đối với marketer trong ngành 

Chuẩn bị về mặt sức khoẻ tinh thần & sức khoẻ thể chất là quan trọng nhất.

Kiến thức chuyên môn có thể được bồi dưỡng liên tục qua các trải nghiệm làm việc thực tế. Nhưng điều bạn cần là một nền tảng sức khoẻ tốt, kèm theo tinh thần vững vàng, vì giai đoạn cuối năm sẽ có nhiều việc căng thẳng, có thể xảy ra bất cứ lúc nào (sếp, đồng nghiệp, đối tác, KPI, báo cáo, tổng kết cuối năm...).

Có sẵn kế hoạch “buông”

“Buông” ở đây không phải là nghỉ việc, mà là “buông” những thứ không thực sự quan trọng và không đóng góp nhiều cho kết quả công việc cuối cùng của bạn. Ví dụ, một project làm 3 kênh (Shopee, Tiki, Lazada) với 3 KPI. Trong trường hợp bạn không thể làm tốt cả 3 thì nên có kế hoạch buông bớt 1 kênh nằm ngoài khả năng của mình nhất, tập trung vào 2 kênh còn lại và nỗ lực để đạt được nó, thậm chí là vượt KPI (đây là cơ sở để bạn đàm phán trong các cuộc họp). Theo tôi, làm như vậy sẽ tốt hơn so với việc dành hết nội lực của mình, cố làm tốt cả 3 KPI nhưng cuối cùng không đạt cái nào cả.

Hiểu mình và hiểu thị trường & cố gắng xác định điểm đến tiếp theo

Khi tôi còn làm marketing trong công ty về TMĐT, vì công ty có tính chuyên môn hoá khá cao, nên tôi không trực tiếp phụ trách các việc liên quan đến vận hành, logistic hay commercial.

Lúc này, tôi sẽ có 2 hướng. Một là, tôi sẽ nâng cao kiến thức và kỹ năng về Marketing, tìm hiểu thật sâu về lĩnh vực này. Hai là, tôi sẽ học tập & trải nghiệm thêm các vị trí khác như Commercial để có đủ độ chín về tổng quan. Và tuỳ vào điểm đến tiếp theo, tôi sẽ có kế hoạch & sự lựa chọn nhất định.

Đối với người muốn gia nhập ngành

  • Chuẩn bị về mặt kiến thức trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8)
  • Tận dụng mọi cơ hội ngay từ bây giờ vì tháng cao điểm tuyển dụng bổ sung nguồn lực nhân sự sắp đến
  • Tìm hiểu bản thân & tính cách thực sự vì như tôi mô tả, đây là một trong những ngành hot nhưng có tốc độ đào thải rất nhanh vì mang tính cạnh tranh cao & áp lực rất lớn.

Tóm lại, trên đây là góc nhìn của tôi nhằm mang đến bức tranh tổng quan cho doanh nghiệp, người trong ngành và người ngoài ngành về tính chất công việc cũng như những khó khăn & thách thức trong ngành này. Hy vọng nó sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để đi đến những quyết định đúng đắn.

* Nguồn: totrongnhan