Bàn Về Visual Content Marketing

Content Marketing là một khái niệm đã quá quen thuộc, nhưng bạn đã bao giờ nghe tới Visual Content Marketing chưa? Visual Content Marketing (hay Nội dung Tiếp thị Thị giác) không chỉ là những hình ảnh bắt mắt hay những Infographic đa dạng. Đây là một công cụ truyền thông quyền lực mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không nên bỏ qua.

 

Visual Content Marketing (VCM) là gì?

VCM là một công cụ truyền thông đánh vào hệ thống thị giác của con người, sử dụng hình ảnh để truyền tải nội dung. VCM giúp kể câu chuyện thương hiệu thông qua những hình thức bắt mắt và hấp dẫn. 

 

Tại sao VCM mang lại hiệu quả?

Theo nhiều nghiên cứu, bộ não của chúng ta có khả năng xử lý thông tin hình ảnh gần như là ngay lập tức. So với các hình thức truyền thông khác, ví dụ như văn bản thuần túy, Nội dung Tiếp thị Thị giác có lợi thế hơn vì 3 điểm sau:

 

Sự thu hút:

Nội dung thị giác tận dụng thiết kế để truyền đạt thông tin một cách trực quan, sinh động và hấp dẫn, giúp thu hút sự chú ý của công chúng tốt hơn. Từ đó làm nổi bật thương hiệu trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

 

Sự dễ hiểu:

Như đã đề cập, hệ thống xử lý hình ảnh của não bộ nhanh hơn và hiệu quả hơn so với tiếp nhận các dạng nội dung khác. Theo một báo cáo từ MIT vào năm 2014, não có thể xử lý một hình ảnh chỉ trong 13 mili giây. Điều này có nghĩa là nội dung thị giác dễ hiểu hơn, từ đó thúc đẩy người dùng tương tác nhiều hơn. 

 

Sự ghi nhớ:

Hệ thống xử lý thông tin hình ảnh gắn chặt với phần lưu trữ trí nhớ dài hạn của não bộ. Điều này khiến nội dung thị giác được ghi nhớ dễ dàng hơn so với các loại hình truyền thông khác. 

 

VCM sẽ giúp cho thương hiệu như thế nào?

Các ấn phẩm thương hiệu truyền thống thường được nhắc tới như: quảng cáo truyền thống, tờ rơi bán hàng, thông cáo báo chí không thường niên, … đã không còn quá hiệu quả. Khách hàng hiện nay ưa chuộng content marketing và đòi hỏi nội dung cần có giá trị, vừa giải trí, vừa giáo dục và truyền cảm hứng. Infographic, e-book hay bất kỳ dạng nội dung thị giác nào khác sẽ được coi là giải pháp tối ưu hơn trong kỷ nguyên marketing hiện đại. 

 

Nâng cao nhận thức về thương hiệu:

Cho dù áp dụng phương thức Marketing cổ điển hay hiện đại, mục đích gắn kết và tương tác với khách hàng vẫn là cốt yếu. Tạo ra nội dung có giá trị giúp tiếp cận tập khách hàng ngoài các kênh truyền thông thuộc sở hữu của thương hiệu (owned media platforms). Cụ thể như trong mảng SEO, hình ảnh giúp tăng tính cạnh tranh cực kỳ tốt cho thông tin bởi chúng có tính nhận diện và dễ hiểu. Theo khảo sát của LewisPR, nội dung giàu hình ảnh có số lượt xem cao hơn 94% so với bên không có hình ảnh. 

 

Cải thiện sự tương tác:

Theo một thống kê từ Twitter, những tweet kèm hình ảnh nhận được cao hơn 35% lượt retweet và 28% với tweet gồm video. Ngày này các nền tảng mạng xã hội đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ sang hướng làm nội dung thị giác. Tiêu biểu như Facebook với hàng loạt video trực tuyến với lượng view khủng.

 

Đa dạng về nội dung:

Nội dung tiếp thị thị giác có tính linh hoạt cao. Nó có thể được triển khai dưới nhiều định dạng, hình thức khác nhau. Ngoài ra, các nội dung này cũng dễ dàng được bẻ nhỏ thành nhiều nhánh, tùy theo nền tảng đăng tải: mạng xã hội, website, blog, … Một hình ảnh trong Infographic có thể được tận dụng trong bài đăng về e-book hay sử dụng làm thumbnail cho video, …

 

Kết:

Thiết kế tốt là nền tảng làm nên một nội dung Tiếp thị thị giác thành công. Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp đầu tư cho thiết kế từ sớm có lợi nhuận tốt hơn các bên không chú trọng. Trên hết, nếu bạn muốn nội dung Tiếp thị thị giác của mình hiệu quả, hãy học hỏi và cập nhật thường xuyên các xu hướng Marketing. 

Nguồn: Malu Design