Re-think CSR #14 – “Phát triển nhân tài tương lai là trọng tâm chiến lược ‘local-for-global’ của Bosch”
“Nhìn chung, CSR không còn là khái niệm mới mẻ mà đã trở thành một trong những kim chỉ nam của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, chúng tôi luôn ngạc nhiên bởi cách các cộng sự tại Bosch và các bên liên quan sẵn sàng ưu tiên, chủ động thực hiện các hoạt động CSR”.
Đó là chia sẻ của ông Sathyanarayana T K – Giám đốc Vận hành Cty TNHH Bosch Global Software Technologies và ông Heiko Kohlenbecker – Giám đốc Tài chính Nhà máy Bosch Việt Nam về hành trình tiến tới phát triển bền vững của thương hiệu tại thị trường Việt Nam trong số 14 của series Re-think CSR.
“Re-think CSR” là chuyên mục do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.
*Đầu tiên, hai ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về khái niệm CSR và các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung?
Ông Heiko và ông Sathyanarayana: Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, chúng tôi luôn ngạc nhiên bởi cách các cộng sự tại Bosch và các bên liên quan sẵn sàng ưu tiên, chủ động thực hiện các hoạt động CSR.
Theo quan sát của chúng tôi, CSR không còn là khái niệm mới mẻ mà đã trở thành một trong những kim chỉ nam của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Có lẽ là ngày càng nhiều doanh nghiệp đánh giá cao tầm quan trọng và sức mạnh tiềm ẩn của một chương trình CSR bài bản.
*Hai vị có thể chia sẻ tầm nhìn của Bosch Việt Nam về hoạt động CSR cũng như chiến lược CSR của tập đoàn?
Ông Sathyanarayana: Trên phạm vi toàn cầu, Bosch đã và đang theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện trong chiến lược CSR. Đối với một công ty công nghệ như Bosch, CSR là một phần của quá trình quản trị doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững.
Chúng tôi không ngừng cải tiến và ứng dụng một loạt các công nghệ “Phát minh của cuộc sống” (Invented for life). Những công nghệ ấy góp phần giảm thải carbon và chuyển sang nền kinh tế hydro. Bosch đã đạt được mục tiêu trung hòa carbon (carbon neutral) từ cuối năm 2020 trên toàn thế giới, nhờ nghiên cứu hiệu quả năng lượng, và đầu tư vào các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng xanh.
Ông Heiko: Các giá trị cốt lõi của Bosch hướng tới tăng cường sự liên kết và trách nhiệm đối với đội ngũ nhân viên, gia đình của họ, cộng đồng, đối tác…; từ đó xây dựng và duy trì các mối quan hệ lâu dài và cùng có lợi.
Theo đó, tại Việt Nam chúng tôi áp dụng chiến lược ở 3 phạm vi là (1) hoạt động vận hành hàng ngày; (2) đào tạo nhân tài; và (3) phục vụ xã hội & các bên liên quan.
Đầu tiên với hoạt động kinh doanh hàng ngày, chúng tôi luôn nỗ lực để trở thành cái tên nổi bật trong việc bảo vệ môi trường, sức khoẻ, an toàn (lao động) cũng như tạo nên một môi trường công bằng và truyền cảm hứng cho các cộng sự.
Thứ hai, chúng tôi đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng và chuyên môn cho nhân viên. Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng sự phát triển của nhân tài tương lai thông qua các chương trình hợp tác với trường đại học, hay phát triển lực lượng lao động tay nghề cao tại Việt Nam thông qua chương trình Đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp tiêu chuẩn Đức (TGA).
Thứ ba là Bosch cũng có các chương trình phục vụ xã hội nói chung, cả những bên liên quan và không liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp thông qua các dự án CSR thiết thực liên quan đến môi trường, đời sống, y tế…
*Ông có thể chia sẻ về một vài hoạt động tiêu biểu của Bosch Việt Nam thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với người lao động thuộc tập đoàn?
Ông Heiko: Bosch đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động thuộc tập đoàn để tạo môi trường làm việc đầy cảm hứng cho nhân viên, cũng như tung ra nhiều chương trình đào tạo sau đại học, đào tạo nghề, đào tạo phát triển lãnh đạo cho các nhân tài Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ ví dụ phù hợp nhất thời điểm này là chiến dịch “HcP Stay Strong” và câu chuyện quản lý khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư năm 2021, các cơ quan chức năng phải triển khai những biện pháp nghiêm ngặt như phong toả toàn quốc hay mô hình “3 tại chỗ”. Theo đó, Bosch triển khai chương trình “HcP Stay Strong” tuân thủ các quy định của mô hình “3 tại chỗ” tại Nhà máy Giải pháp hệ thống truyền động ở Long Thành – Đồng Nai, thu hút sự tham gia tự nguyện của hơn 900 nhân sự trong 5 tháng.
Chúng tôi hiểu rằng để thực hiện thành công một chương trình nghiêm ngặt như thế, chúng tôi cần đặt sức khoẻ và hạnh phúc của nhân viên lên hàng đầu. Chúng tôi dồn mọi nguồn lực để giảm thiểu tối đa rủi ro do virus gây ra như đặt phòng ý tế khẩn cấp hoạt động 24/7, tiêm chủng cho nhân sự và người thân, cung cấp các dịch vụ thiết yếu (ăn uống, giặt là…), đáp ứng nhu cầu giải trí với các bộ môn thể thao khác nhau (bóng bàn, yoga…) và chương trình ca nhạc...
Và chìa khoá để quản lý thành công khủng hoảng là sự tập trung cao độ vào việc duy trì sự suôn sẻ, xuyên suốt cho quá trình hợp tác và giao tiếp giữa đội ngũ trong-ngoài nhà máy.
Thật may mắn, trong vòng 5 tháng chúng tôi không có trường hợp lây nhiễm nào trong nội bộ nhà máy. Đặc biệt, chúng tôi còn ghi nhận sự hài lòng cao từ lực lượng lao động cũng như khách hàng, đối tác. Sự nỗ lực này đã được Eurocham vinh danh với giải thưởng Business Resilience Awards ở hạng mục “Doanh nghiệp có sáng kiến quản lý tốt nhất để hỗ trợ công nhân viên và gia đình của họ”.
*Vậy còn những hoạt động CSR hướng đến giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường của các cơ sở, quy trình sản xuất? Và những hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội?
Ông Heiko: Bosch Việt Nam muốn trở thành chuẩn mực và thậm chí đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, không chỉ đáp ứng các quy định về môi trường mà còn nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon trong sản phẩm và quá trình sản xuất. Có thể kể đến kết quả ban đầu là kể từ năm 2020, Bosch là công ty quy mô lớn đầu tiên (gần 400 văn phòng trên toàn thế giới) đạt được mức độ trung hoà carbon.
Tại Việt Nam, chúng tôi đang từng bước triển khai các biện pháp như lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà máy tại Long Thành. Dự án này dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022.
Ông Sathyanarayana: Về mặt cộng đồng, phát triển nhân tài tương lai là trọng tâm trong chiến lược “local-for-global” của Bosch. Cụ thể Bosch hợp tác với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là trường đại học, để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật chất lượng. Hay chương trình Primavera e.V. vận hành bởi các tình nguyện viên thuộc đội ngũ nhân sự Bosch, với mục đích giúp các trẻ em nghèo tiếp cận giáo dục. Từ năm 2017, Primavera e.V. cùng Bosch trang bị các thiết bị và chương trình giáo dục cho 81 trẻ em mồ côi và thanh thiếu niên khuyết tật tại mái ấm Diệu Pháp.
*Cho đến thời điểm hiện tại, các chương trình hoạt động CSR của Bosch Việt Nam đã đem lại những kết quả cụ thể nào đối với đối tượng nhận hỗ trợ, cộng đồng, môi trường?
Chúng tôi vui vì có thể vừa hoàn thành phần việc của mình vừa đóng góp cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những người yếu thế, tổ chức như trại trẻ mồ côi, cơ sở giáo dục, Hội chữ thập đỏ… Công việc giúp ích những số phận thiệt thòi nói riêng và cộng đồng nói chung của các tổ chức này xứng được tôn vinh.
*Vậy những hoạt động CSR đã đem lại những kết quả cụ thể nào cho thương hiệu và công ty?
Ông Heiko: Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng Bosch không làm CSR vì hình ảnh thương hiệu mà thực sự vì giá trị chúng tôi theo đuổi, và muốn khơi gợi cảm hứng cho đội ngũ nhân sự. Đó cũng chính là tài sản thương hiệu mà Bosch xây dựng trong nhiều năm qua.
Chúng tôi thực hiện khảo sát nhân viên mỗi 2 năm để đánh giá mức độ hài lòng của họ khi làm việc tại Bosch. Trong đó, có khoảng 99% câu trả lời tích cực. Điều này cho thấy các “Boschlers” (tên gọi cộng đồng nhân viên tại Bosch), gắn bó chặt chẽ với công ty – có lẽ đây là hiệu quả có nhiều ý nghĩa nhất với chúng tôi.
Chúng tôi cũng hiểu rõ Bosch khó có thể thay đổi thế giới bằng các hoạt động CSR. Do đó, chúng tôi chú trọng việc tạo ra sự khác biệt bởi tất cả nỗ lực dù nhỏ theo tinh thần "lá lành đùm lá rách" của người Việt.
Ông Sathyanarayana: 10 năm trước, người tiêu dùng Việt chỉ biết đến Bosch với vai trò là nhà cung cấp dụng cụ điện cầm tay. Nhưng ngày nay, Bosch được công nhận rộng rãi hơn như một thương hiệu công nghệ toàn cầu (Global Software Technologies). Theo đó, sinh viên từ nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ biết đến mà còn mong muốn gia nhập đội ngũ nhân sự Bosch.
Chúng tôi cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của tập đoàn khi tại TP.HCM hiện đã có hơn 3000 kỹ sư công nghệ phần mềm. Vì thế, chúng tôi đã mở một trụ sở mới tại Hà Nội nhằm tăng cường kế hoạch tăng trưởng tại Việt Nam, hướng tới trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô tiếp theo ở Đông Nam Á. Trên hành trình phát triển, tôi tin Bosch sẽ luôn là ngôi nhà chung cho những tài năng phần mềm khắp mọi miền đất nước, và mang lại nhiều giá trị hơn đến người dân Việt Nam.
*Ông có thể chia sẻ những điểm các tập đoàn đa quốc gia cùng ngành hàng cần lưu ý (khó khăn, thử thách) khi thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội tại thị trường Việt Nam?
Ông Sathyanarayana: Các hoạt động CSR không đơn thuần là thực hiện theo ý muốn chủ quan mà cần được triển khai dựa trên sự hiểu biết về luật pháp, chính sách của nước sở tại. Ngoài ra để hiện thực hoá chiến lược CSR, doanh nghiệp cần kết nối với các cơ quan chức năng để đảm bảo tính pháp lý, tránh xung đột lợi ích giữa các tổ chức xã hội chính quyền; và phối hợp với những đối tác có hiểu biết cặn kẽ về những vấn đề này.
Ông Heiko: Còn tôi muốn lưu ý rằng các dự án CSR luôn gắn liền với hành động, sự kiên trì, và nhiều loại chi phí. Đặc biệt giai đoạn đầu làm CSR thường đòi hỏi sự đầu tư nỗ lực để định hình chiến lược và tập hợp nguồn lực.
Nhìn chung, tôi chỉ có thể khuyến nghị các doanh nghiệp Việt tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng. Bởi người hưởng lợi từ các hoạt động này không chỉ là người nhận mà còn là doanh nghiệp và mọi cá nhân tham gia thực hiện. Minh chứng là các hoạt động CSR đã giúp Bosch Việt Nam phát triển và tăng trưởng hơn qua từng ngày. Riêng bản thân tôi, làm CSR cũng dạy tôi nhiều hơn về văn hoá và con người Việt Nam, giúp tôi trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn.
*Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của 2 ông.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Brands Vietnam