Hành trình Management Trainee #8 - Nguyễn Thanh Hà @ Grab Vietnam: Trưởng thành là khi biết chấp nhận sự giúp đỡ
Không “an phận” với lĩnh vực Marketing đã quen thuộc, Nguyễn Thanh Hà – Kỳ lân tập sự thế hệ đầu tiên của chương trình Grab Future Unicorn 2021 – đã quyết định “nhảy thuyền” sang lĩnh vực logistics đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị. Trở thành “tân binh” trong một lĩnh vực nặng về dữ liệu, Hà đã vượt qua những cột mốc đáng nhớ nào để phát triển và hoàn thiện bản thân mình?
Trở thành Management Trainee (MT) – Quản trị viên Tập sự tại các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia không phải là đích đến, mà là khởi đầu của một hành trình đầy thử thách.
Không màu hồng, không dễ chịu, nhiều đánh đổi, nhiều áp lực, thay đổi công việc liên tục, là cách mà các công ty đào tạo những “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”. Hành trình ấy sẽ không có sự chăm bẵm, ưu ái hay mặc nhiên “được làm sếp” như nhiều bạn thường ngộ nhận. Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi “phải làm sao để trở thành MT”, chúng tôi viết loạt bài này để mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn rõ ràng hơn, đời thực hơn, về những gì một bạn MT phải trải qua, và để “tốt nghiệp các chương trình MT” thành công, thì cần những tố chất gì.
Có thể khi đọc xong, bạn sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: Liệu tôi có còn MUỐN ứng tuyển thành MT nữa không? Với những tố chất hiện tại, liệu MT có phải là con đường tôi NÊN đi hay không? Khi đó, bạn sẽ có cái nhìn và cách tiếp cận đúng hơn khi lựa chọn thi MT.
Khách mời tiếp theo của chuyên mục “Hành trình Management Trainee” là bạn Nguyễn Thanh Hà đến từ Grab Việt Nam. Bước ra từ chương trình Grab Future Unicorn 2021, Thanh Hà hiện đang công tác tại phòng Marketing, phụ trách các dịch vụ di chuyển của Grab Việt Nam.
* Cảm ơn Hà đã dành thời gian chia sẻ về hành trình của mình với bạn đọc. Trước hết, Hà có thể chia sẻ về những trải nghiệm đầu tiên tại Grab?
Thời gian đầu tiên, Hà làm ở phòng ban GrabExpress, tập trung chủ yếu ở mảng Chiến lược & Phát triển.
Dự án lớn nhất lúc bấy giờ là phát triển thị trường cho dịch vụ GrabExpress ở các tỉnh, thành ngoài Hà Nội, TP.HCM. Đây là dự án cho Hà nhiều kỷ niệm. Bởi 6 tháng làm việc đầu tiên tại Grab là thời gian cả nước đang chống dịch và giãn cách xã hội. Lúc đó, các nhân viên trong bộ phận cần đề xuất chiến lược, sáng kiến sao cho vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, vừa giúp công ty duy trì các hoạt động kinh doanh.
* Trong thời gian làm việc tại GrabExpress, Hà đã gặp những khó khăn gì và vượt qua như thế nào?
Thời điểm Hà trở thành Kỳ lân tập sự khá đặc biệt. Đó là khoảng thời gian cả nước nhận lệnh giãn cách nghiêm ngặt. Điều này dẫn đến hai khó khăn lớn dành cho Hà trong thời điểm đó: khó khăn khi giao tiếp với đồng nghiệp và khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ làm việc của công ty.
Lệnh giãn cách đã khiến việc giao tiếp, nhận hướng dẫn từ các anh chị bị “đứt đoạn”. Điều này là một rào cản không nhỏ đối với một bạn tập sự “chân ướt chân ráo” trong lĩnh vực logistics như Hà.
Trong khoảng thời gian làm việc tại bộ phận GrabExpress, Hà phải học, tìm hiểu và nghiên cứu về logistics, cụ thể là on-demand logistics (dịch vụ giao nhận theo yêu cầu). Đây hoàn toàn là một vùng đất mới mà không có bất kỳ kinh nghiệm bỏ túi nào. Lúc đó, Hà có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp cũng như nhiều thông tin mới cần tiếp thu.
“Kênh” duy nhất Hà có thể học là từ các dự án và các anh chị trong công ty. Hà cảm thấy may mắn vì ở thời điểm đó, dù rất bận bịu nhưng khi Hà có câu hỏi thì các anh chị trong công ty đều chịu khó giải thích, hướng dẫn về sản phẩm, thị trường. Ngoài ra, một điều khiến mình “sốc” nhẹ trong 2 tháng đầu là tốc độ làm việc “thần tốc” của các anh chị tại Grab. Hà khá bất ngờ khi chứng kiến một dự án có thể hiện thực hoá chỉ trong vài ngày (từ lúc lên kế hoạch đến lúc triển khai). Cụ thể, đó là dự án GrabAssistant – dịch vụ đi mua hộ hàng hoá thiết yếu ở chợ, siêu thị trong bối cảnh người dân phải hạn chế ra đường.
Một điều khiến mình “sốc” nhẹ trong 2 tháng đầu là tốc độ làm việc “thần tốc” của các anh chị tại Grab.
Bên cạnh việc cùng các anh chị trong công ty “relaunch” dịch vụ GrabAssistant tại Hà Nội và TP.HCM, Hà còn được thử sức mở rộng dịch vụ này ở một số tỉnh thành phố lớn khác. Nhờ vậy, GrabAssistant đã có thể hỗ trợ cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành trong thời gian giãn cách xã hội đầy thử thách.
Qua dự án GrabAssistant, Hà đã hiểu hơn về sản phẩm, quá trình vận hành, cách phối hợp với các phòng ban tại Grab để biến những ý tưởng thành hiện thực. Dự án này cũng mang lại cho Hà bài học về sự hợp tác trong công việc. Khi một ý tưởng mang lại lợi ích cho cộng đồng, tất cả mọi người sẽ hợp sức và triển khai dự án rất nhanh để hỗ trợ cộng đồng kịp thời.
Ngoài những thử thách kể trên, Hà còn gặp khó khăn trong việc quản lý công việc. Thời gian đầu, Hà làm việc một mình khá nhiều, vì vậy mà khối lượng công việc cũng ngày càng “dày” hơn. Lúc đó, mình rơi vào tình trạng quá tải và gặp khó khăn trong quản lý, cũng như hoàn thành các đầu việc nhanh chóng.
Khi tình hình trở nên tệ hơn, Hà biết mình phải chấp nhận rằng bản thân không thể kham nổi một lúc quá nhiều thứ và cần sự giúp đỡ từ các thành viên khác. Khi ấy, Hà mới xin phép anh quản lý bổ sung một số bạn để hỗ trợ mình hoàn thành dự án.
Khoảng thời gian đó đã khiến mình nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của sự hợp tác. Từ trước đến nay Hà tự nhủ rằng để làm việc hiệu quả, bản thân phải luôn học hỏi, có thái độ cầu tiến. Bây giờ, Hà thấy mình cũng cần chấp nhận sự thật rằng bản thân cũng sẽ có thiếu sót, cần sự trợ giúp từ người khác để hoàn thành dự án và cùng nhau phát triển.
* Những bài học trong 6 tháng đầu tiên này chắc chắn sẽ là hành trang hữu ích cho Hà trên chặng đường tiếp theo. Vậy thử thách tiếp theo của bạn tại Grab là gì?
Sau thời gian làm việc tại bộ phận GrabExpress, Hà quyết định luân chuyển sang phòng IMS (Insights & Marketplace Strategy). Phòng IMS phụ trách viêc hoạch định và điều phối cung từ đối tác như đối tác nhà hàng, đối tác tài xế, đồng thời phát triển thị trường thông qua các chương trình khuyến mãi kích cầu.
Công việc chính của Hà tại phòng IMS là tập trung phân tích dữ liệu để đưa ra nhận định về tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Từ những nhận định đó, team sẽ đề xuất giải pháp thông qua các dự án ngắn hạn hoặc trung hạn để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.
Khi tình hình trở nên tệ hơn, Hà biết mình phải chấp nhận rằng bản thân không thể kham nổi một lúc quá nhiều thứ và cần sự giúp đỡ từ các thành viên khác.
Ngoài ra, Hà cũng được tham gia vào quá trình đề xuất giá, mô phỏng chi phí cho các chương trình thưởng, hỗ trợ cho đối tác, từ đó xây dựng mô hình phát triển bền vững cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Từ những thông tin về sản phẩm và thị trường, Hà cùng các anh chị trong team sẽ phối hợp với các phòng ban khác để triển khai, theo dõi hiệu suất và đo lường kết quả của những sáng kiến đó.
Sau 3 tháng làm việc tại phòng ban IMS, mình cảm thấy góc nhìn và cách tư duy về dữ liệu và cách làm việc với con người của mình thay đổi rất nhiều. Hà đã không còn bị ngộp bởi biển dữ liệu, học được cách giao tiếp rành mạch để tăng tính thuyết phục cho những sáng kiến của mình.
Bản thân Hà cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các anh chị quản lý đã cho nhóm Kỳ lân không gian để trình bày ý tưởng, suy nghĩ và góp ý rất chi tiết để mọi người cùng nhau phát triển, thực thi dự án hiệu quả.
* Trong suốt hành trình tham gia chương trình Grab Future Unicorn 2021, Hà cảm thấy bản thân đã thay đổi như thế nào? Những bài học bạn rút ra được là gì?
Hành trình trở thành Kỳ lân của Hà là một bức tranh với đủ gam màu, từ những “màu rực rỡ” của cảm giác được công nhận, được thử sức và bày tỏ những ý tưởng, suy nghĩ đến những gam “màu trầm” khi bản thân mắc lỗi và những thử thách ập đến. Chính những trải nghiệm, cung bậc cảm xúc đó đã khiến Hà học được 3 điều: (1) Tinh thần dám nghĩ dám làm; (2) Kỹ năng hợp tác với những “tiền bối” và (3) Tinh thần tương trợ lẫn nhau.
Thông qua những dự án tại Grab, Hà được rèn tư duy dám thử, dám làm. Ở Grab, mọi người không sợ “chân lấm tay bùn” để tạo ra những giá trị cho doanh nghiệp. Chỉ cần bạn có ý tưởng tiềm năng, công ty và các anh chị sẽ tạo không gian và cơ hội cho bạn hiện thực hoá những sáng kiến đó.
Hà đã tự rút được khá nhiều kinh nghiệm về cách phối hợp, làm việc với các anh chị có nhiều năm kinh nghiệm để cùng mọi người hoàn thành những mục tiêu chung nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Cuối cùng là tinh thần tương trợ lẫn nhau. Trước đây, Hà nghĩ bản thân phải tự sắp xếp, giải quyết được mọi việc mới là giỏi. Tuy nhiên, sau quá trình làm việc, Hà nhận ra bản thân không thể làm việc một mình trong môi trường doanh nghiệp. Bạn phải học cách cộng tác cùng nhiều người để hoàn thành công việc và mang lại kết quả tốt nhất có thể cho công ty.
* Hà có thể chia sẻ về một Mentor để lại ấn tượng mạnh mẽ trong suốt hành trình của mình?
Trong 10 tháng làm việc tại Grab, Hà được làm việc và học hỏi từ rất nhiều anh chị giỏi. Tuy nhiên, Mentor để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là anh quản lý trực tiếp của Hà.
Anh đã cho Hà nhiều cơ hội để mình tự tay triển khai và tự rút kinh nghiệm. Dự án phát triển dịch vụ GrabExpress ở các thị trường lớn là một trong những cơ hội anh đã trao cho mình. Khi làm việc với anh, ngoài việc giải đáp những thắc mắc và hướng dẫn trực tiếp, anh cũng khuyến khích Hà tự đi tìm giải pháp, thử nghiệm để có câu trả lời. Chính sự chỉ dẫn theo hướng “mở” này đã giúp Hà tự tin vào quyết định của bản thân và ghi nhớ những bài học lâu hơn.
* Quay lại thời điểm Hà quyết định tham gia Grab Future Unicorn 2021, lý do Hà chọn chương trình này là gì?
Trước đó, Hà vốn là một người dùng khá trung thành của Grab. Bên cạnh sự thân thuộc đó, Hà cũng có niềm yêu thích lớn với công nghệ, những cải tiến và tính chất đổi mới của ngành này nên cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu về Grab. Hà phát hiện điểm chung của mình và công ty là yêu thích việc ứng dụng công nghệ để đưa ra những giải pháp thực tế, tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, sau một khoảng thời gian làm Marketing – Truyền thông, Hà cũng muốn “đổi gió” và tìm hiểu sâu hơn các khía cạnh khác của doanh nghiệp về mặt kinh doanh.
Hai yếu tố trên kết hợp lại, và trùng hợp trong năm 2021 Grab lần đầu tổ chức chương trình Grab Future Unicorn – chương trình đáp ứng cả 2 nguyện vọng của Hà về con đường sự nghiệp – nên Hà quyết định tham gia ứng tuyển.
* Theo Hà, một bạn sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị gì để thành công tại Grab Future Unicorn nói riêng và các chương trình Quản trị viên tập sự nói chung?
Dựa trên kinh nghiệm của mình, Hà nghĩ các bạn sinh viên có thể chuẩn bị 3 điều sau để thành công tại các chương trình Quản trị viên tập sự nói riêng và con đường sự nghiệp nói chung: (1) Đọc và cập nhật tin tức thị trường có chọn lọc; (2) Đặt nhiều câu hỏi trong quá trình làm việc và (3) Luôn thách thức, mở rộng giới hạn của bản thân.
Đầu tiên, bàn về việc đọc và cập nhật tin tức thị trường một cách có chọn lọc. Trải nghiệm thực tế tại Grab khiến Hà nhận ra rằng những kiến thức mình học ở trường lớp thường chưa được cập nhật so với tốc độ phát triển của thị trường. Việc đọc và theo dõi tin tức thị trường liên tục sẽ làm giàu nguồn thông tin, mở rộng vùng hiểu biết của các bạn.
Thứ hai, các bạn nên đặt nhiều câu hỏi, vì nếu không hỏi, mọi người sẽ không biết bạn gặp vấn đề gì để hướng dẫn và giải đáp. Khi làm việc với các anh chị có kinh nghiệm, Hà thường đặt câu hỏi “tại sao” để được nghe giải thích về quá trình tư duy và đề xuất giải pháp của anh chị. Từ đó, mình cũng sẽ học được cách tư duy của các “tiền bối” và chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh sau này.
Cuối cùng, Hà nghĩ các bạn không nên giới hạn khả năng của bản thân và những điều mình có thể học được. Các bạn nên giữ tinh thần cầu tiến, không ngại thử thách để chạm đến nhiều cơ hội hơn. Hà tin không điều gì là không thể làm được nếu các bạn cố gắng học hỏi và kiên trì rèn luyện.
* Cảm ơn Hà về những chia sẻ trên!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam