Q&Me: Những yếu tố nào cản trở việc số hoá trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam?
Số hoá (Ứng dụng kỹ thuật số/ Digital Transformation – DX) hiện nay là một thuật ngữ phổ biến trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Theo số liệu từ IDC, quy mô thị trường toàn cầu của DX có giá trị hơn 10 nghìn tỉ USD với mức tăng trưởng kép (CAGR) trên 10% trong những năm tới.
Không nằm ngoài xu hướng trên, hiện đã có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp số hoá cho các doanh nghiệp và chuỗi cửa hàng tại Việt Nam nhằm giúp họ tối ưu hoá việc điều hành của mình. Sau đây, hãy cùng Q&Me tìm hiểu sâu hơn về tình hình số hoá ở Việt Nam tại thời điểm này thông qua số liệu nghiên cứu thu thập từ nhiều doanh nghiệp và chuỗi cửa hàng.
Thực trạng số hoá tại các doanh nghiệp
Hơn 50% các doanh nghiệp được khảo sát có ứng dụng công nghệ số hoá cho hoạt động kinh doanh bán hàng, có thể kể đến như các phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hoặc các phần mềm quản lý hệ thống kênh phân phối (DMS). Mặc dù một số ít vẫn sử dụng email hoặc Zalo để thực hiện một số tác vụ trong hoạt động kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong việc điều hành và quản lý bán hàng của mình.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các tác vụ báo cáo khác và quản lý vận hành thường nhật vẫn chưa phổ biến và doanh nghiệp vẫn dựa nhiều vào các phương pháp thủ công truyền thống để thực hiện. Cụ thể, việc chia sẻ thông tin hoặc thực hiện các tác vụ ad-hoc vẫn diễn ra thông qua email hoặc Zalo. Ngoài ra, việc quản lý ngày nghỉ của nhân viên cũng được thực hiện một cách thủ công. Có thể thấy rằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp để thực hiện và quản lý các tác vụ khác kinh doanh/ bán hàng.
Thực trạng số hoá tại các chuỗi cửa hàng
Vậy tình hình số hoá tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ có gì khác với doanh nghiệp? Nhiều cửa hàng bán lẻ hiện đã được trang bị hệ thống POS để thực hiện tác vụ bán hàng, vì vậy hãy cùng Q&Me tìm hiểu về thực trạng ứng dụng số hoá của họ trong các hoạt động khác. Về hoạt động liên lạc, trao đổi giữa nhân viên cửa hàng và khối văn phòng, rất nhiều cửa hàng vẫn dựa vào email và việc truyền đạt trực tiếp từ người quản lý.
Việc báo cáo các hoạt động thường nhật trong cửa hàng như vệ sinh, bảo trì, tình trạng cơ sở vật chất, và hiện trạng trưng bày cũng được thực hiện một cách thủ công. Phần lớn nhân viên cửa hàng báo cáo các tiêu chí trên về khối văn phòng bằng email kèm file excel hoặc chụp hình và gửi qua Zalo.
Những yếu tố cản trở việc số hóa trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam?
Mặc dù ngành IT tại Việt Nam đang phát triển rất tốt, lý do nào khiến việc số hoá trong hoạt động kinh doanh của các công ty vẫn chưa thật sự phổ biến?
Một trong những lý do giải thích cho câu hỏi trên là sự phụ thuộc vào Zalo. Ứng dụng nhắn tin này tỏ ra rất hữu ích không chỉ cho cá nhân mà còn cho doanh nghiệp vì những tính năng mà nó cung cấp. Vì vậy, Zalo được xem như một công cụ giao tiếp và liên lạc tiêu chuẩn cho cả khối doanh nghiệp và các chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, việc cung cấp các tính năng hữu ích như nhận và truyền file, hình ảnh cũng giúp Zalo trở thành một phương án thay thế cho các công ty chưa hoặc ít ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh.
Lý do khác có thể kể đến là chi phí nhân công. Do đặc thù giá nhân công rẻ, rất nhiều tác vụ thường nhật ở các doanh nghiệp được thực hiện một cách thủ công. Mặc dù có thể không hiệu quả như các công cụ số hoá, việc nhập liệu thủ công vào các phần mềm spreadsheet như Excel vẫn cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. Q&Me dự đoán rằng việc giảm thiểu chi phí đầu tư vẫn sẽ là xu hướng chính tại Việt Nam và điều này trái ngược với các nước Âu – Mỹ.
Ngoài ra, văn hoá ngại thay đổi của doanh nghiệp Việt Nam cũng cần được nhắc tới. Các doanh nghiệp tại Việt Nam thường sẽ gắn bó với phương pháp điều hành hiện có của mình và rất ngại đổi mới trừ khi có sự cải tổ mạnh mẽ diễn ra từ các cấp điều hành cao nhất; rất ít các doanh nghiệp cho phép cấp nhân viên được thay đổi hoặc cải thiện quy trình vận hành của họ. Bên cạnh đó, tư duy lối mòn và thiếu tính sáng tạo cũng dẫn đến việc thực hiện các tác vụ thường nhật một cách máy móc và rập khuôn.
Số hoá sẽ giúp nhân viên tăng năng suất và làm việc hiệu quả hơn
Số hoá ngày càng phổ biến và đem lại nhiều thành quả trong đời sống và công việc tại Việt Nam. Grab là một ví dụ điển hình về thành công trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào doanh nghiệp đã giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất qua đó đem lại những thành tựu to lớn và phát triển vượt bậc.
Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp doanh nghiệp trang bị cho nhân viên những công cụ cần thiết nhằm nâng cao năng suất lao động. So với việc tập trung vào cắt giảm chi phí và tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, điều này sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn cho doanh nghiệp trong dài hạn. Với lực lượng kỹ sư công nghệ, kỹ sư IT đông đảo và có trình độ chuyên môn cao, Việt Nam có tiềm năng lớn hơn để phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số so với các quốc gia khác.
Nhận thấy tiềm năng phát triển và nhu cầu về số hoá như đã trình bày ở trên, Q&Me đã nghiên cứu và phát triển thành công một giải pháp kỹ thuật số của riêng mình. Đây là ứng dụng được tích hợp những kinh nghiệm và tinh tuý trong nghiên cứu thị trường của công ty nhằm cung cấp cho nhân viên những công cụ tốt nhất để thu thập và phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác, và hiệu quả. Xin vui lòng tham khảo link dưới đây để hiểu rõ hơn về giải pháp kỹ thuật số của Q&Me: https://fieldcheck.biz
Để đọc nội dung đầy đủ, vui lòng xem toàn bộ báo cáo tại đây.
Đọc thêm nhiều báo cáo thị trường mới nhất và miễn phí của Q&Me tại đây.
Để có thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected] hoặc số điện thoại (+84) 2839 100 043.