Dreamer & Dream Maker: Kẻ dám nghĩ – Người dám làm
Dreamer được xem là những người dành nhiều thời gian cho việc mơ mộng về những thứ không bình thường, hoặc không tầm thường. Còn Dream Maker thì sao?
Dream thì ai cũng biết, vậy Dreamer và Dream Maker là gì?
Dreamer được xem là những người dành nhiều thời gian cho việc mơ mộng về những thứ không bình thường, hoặc không tầm thường. Họ có những ước mơ và hoài bão lớn về việc làm chủ, sở hữu thứ gì đó cho riêng mình. Dreamer thường trong trạng thái “chân chạm đất, đầu óc trên mây”. Họ nghĩ nhiều, nhưng làm hay không thì… chưa chắc.
Dream Maker là thuật ngữ chỉ những người hay giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy ước mơ và mong muốn của người khác; giúp người khác – Dreamer – biến ước mơ thành hiện thực. Nói một cách khác, Dream Maker là những người thực hiện những giấc mơ của Dreamer. Ai nghĩ gì thì nghĩ, Dream Maker làm trước đã.
Ai quan trọng hơn ai?
Sau khi hiểu đôi nét về họ rồi, bạn có thấy định nghĩa này quen không? Nó có vẻ giống với Người làm chủ và Người làm công? Khi người chủ thường nghĩ ra những thứ trên trời dưới đất để công ty ngày càng phát triển và kiếm được nhiều hợp đồng “khủng” thì nhân viên là người trực tiếp thực thi, triển khai những hoạt động đó, ngày đêm sống chết cày cuốc với deadline và “sung sướng” khi thấy thành phẩm của mình được nhiều người công nhận.
Ví dụ như tập đoàn trang sức đá quý nổi tiếng thế giới – Tiffany Company. Charles Lewis Tiffany là người tạo ra những phép thuật thần kỳ mà không ai nghĩ là có thật, bằng những viên đá quý tinh xảo, ngay tại NewYork – thành phố của những giấc mơ. Ngài Tiffany hiểu rằng, một viên đá quý hoàn hảo có sức quyến rũ không ai chống lại được. Tiffany & Co. đã đem đến một chuẩn mực chưa từng có của một viên kim cương hoàn hảo. Và ngài không thể làm điều đó một mình.
Charles Lewis Tiffany chính xác là một Dreamer, và giấc mơ của ông chỉ thành hiện thực và vươn ra thế giới khi có sự trợ giúp từ các Dream Maker – những nghệ nhân, nhà thiết kế trang sức. Nếu không có những tham vọng của Tiffany, những nhà thiết kế có thể mãi không bao giờ được biết đến; và nếu không có những người nghệ nhân, phép màu của Tiffany & Co. sẽ không tồn tại. Vậy nên, có thể nói mối quan hệ giữa Dreamer và Dream Maker là quan hệ cộng sinh, nếu thiếu đi 1 bên, bên còn lại cũng không còn ý nghĩa.
Không ít công ty hiện nay thường không xem trọng các Dream Maker, coi họ chỉ là công cụ. Dream Maker luôn cần sự động viên từ cấp trên, họ cần được cảm thấy mình đóng vai trò quan trọng. “Được công nhận” là bậc cao thứ 4 trong tháp nhu cầu 5 bậc của Maslow, nên dù không có khái niệm rõ ràng, nhu cầu được công nhận vẫn luôn tồn tại trong mỗi người.
“Với tôi, mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Tôi muốn truyền năng lượng và nhiệt tình của mình đến cho tất cả dream maker (chúng tôi gọi nhân viên mình là các dream maker) vì chính họ là những người tạo nên thành công cho doanh nghiệp”, Chris Harvey – CEO VietnamWorks và Navigos Search.
Vậy thì, không có ai là quan trọng hơn ai cả. Vì Dreamer và Dream Maker đều có “Dream” và họ giúp nhau để đạt được “Dream” của mình.
Còn bạn, bạn là Dreamer hay Dream Maker?
* Nguồn: Telos