Vinh quang nghề event

Vinh quang nghề event

Những năm gần đây, Event luôn nằm trong top những ngành nghề “hot” nhất thị trường, thu hút sự yêu thích và quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm trở lại, Event mới chính thức trở thành một lĩnh vực được các trường đại học cùng các trung tâm đưa vào giảng dạy với tên gọi ngành Tổ chức sự kiện. Vậy tổ chức sự kiện là gì mà lại trở thành thanh nam châm thu hút nhiều người đến vậy? Hãy cùng Apex khám phá những cơ hội và thách thức mà nghề Event mang đến để hiểu hơn về công việc mà Apex đang theo đuổi nhé.

“Hào quang lấp lánh”

Liệu bạn đã từng tham dự một sự kiện lớn và trầm trồ khi thấy những con người trong trang phục vest đen, cầm bộ đàm, đeo tai nghe với vẻ ngoài vô cùng chỉn chu và chuyên nghiệp chưa? Khi được chị Lê Quỳnh Thư – CEO Apex Multimedia hỏi rằng: “Bạn nghĩ gì về những người làm sự kiện?”, đa số các bạn sinh viên đều cho rằng người làm sự kiện rất “ngầu” và “chuyên nghiệp”.

Thật ra khi khoác lên mình chiếc áo vest và đeo bộ đàm, những người làm sự kiện luôn có một cảm xúc đặc biệt, dù đã chạy bao nhiêu sự kiện đi nữa, cảm giác lâng lâng xen lẫn chút tự hào vẫn luôn hiện hữu. “Hào quang lấp lánh” toát ra từ trang phục, thần thái, dáng đi và cách giao tiếp với những người xung quanh là những gì mà người khác nhìn thấy ở những người làm sự kiện. Vì đặc thù nghề nghiệp, lúc nào họ cũng chọn trang phục tối màu khi làm việc để tránh thu hút sự chú ý. Nhưng có lẽ sự “cố tình” ấy đã “vô tình” khoác lên người làm sự kiện một vẻ ngoài chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp mà nhiều người hằng mong ước.

Vinh quang nghề event

Nghề Event – Mảnh đất của cơ hội

Theo bạn tổ chức sự kiện là gì? Apex định nghĩa công việc này theo một cách đặc biệt hơn: Tổ chức sự kiện là ngành nghề tạo dấu ấn cho thương hiệu bằng “tác phẩm nghệ thuật” được hình thành trong tương lai, diễn ra một lần và không có cơ hội lặp lại. Với Apex mỗi sự kiện đều là một cơ hội giúp khách hàng tạo nên dấu ấn trong lòng công chúng bằng những kịch bản ấn tượng, những thiết kế đẹp mắt, những màn trình diễn độc đáo. Mỗi ngành nghề đều có sự thu hút nhất định và tổ chức sự kiện cũng không ngoại lệ. Apex thường gọi những người làm sự kiện là làm một nghề mà biết trăm nghề bởi nhu cầu tổ chức sự kiện không phải của riêng lĩnh vực nào. Bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào cũng có mong muốn tổ chức những sự kiện dù lớn hay nhỏ nhằm phục vụ mục tiêu nhất định, góp phần ghi dấu ấn trong lòng người tham dự.

Nếu hỏi một người làm sự kiện lâu năm rằng đâu là giá trị lớn nhất mà bạn có được trong những năm tháng lăn lộn với nghề thì có lẽ câu trả lời sẽ là kiến thức và kinh nghiệm. Đến với nghề sự kiện bạn sẽ được mở rộng cánh cửa tri thức, có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về một lĩnh vực cụ thể, vì để tổ chức sự kiện thành công người làm sự kiện trước hết phải thấu hiểu được khách hàng và lĩnh vực mà họ đang hoạt động: Làm sự kiện cho HSC sẽ hiểu về chứng khoán, làm sự kiện cho Cargill sẽ hiểu về nông nghiệp, làm sự kiện cho Central sẽ hiểu về xây dựng, làm sự kiện cho BNI sẽ hiểu về kinh doanh… Cứ như thế “ngân hàng tri thức” của người làm sự kiện lớn dần lên theo tuổi nghề.

Là người làm sáng tạo, Apex-ers không ngừng trau dồi, tích luỹ kiến thức mỗi ngày để nâng cấp bản thân và việc công ty đa dạng hoá loại hình tổ chức sự kiện, tiếp cận nhiều khách hàng thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng góp phần giúp nhân viên gia tăng kiến thức cùng trải nghiệm của bản thân. Được học hỏi những điều mới, được đi đây đi đó và trải nghiệm những công nghệ tiên tiến giúp người làm sự kiện luôn cảm thấy hưng phấn và thích thú với nghề. Mỗi ngày đối với dân Event đều là một ngày chứa đựng nhiều điều mới mẻ, thú vị để khám phá. Điều đó lí giải vì sao người làm sự kiện thường có vốn hiểu biết rộng và đặc biệt luôn tràn đầy hứng khởi trong công việc.

Bên cạnh việc tiếp thu tri thức, việc mở rộng mối quan hệ với các đối tác, khách hàng, những người có địa vị trong xã hội cũng là một lợi thế mà người làm sự kiện dễ dàng có được khi theo đuổi nghề này. Tâm sự về mối quan hệ khi dấn thân vào nghề Event, Apex-er chia sẻ: “Ngày đầu mới bước chân vào nghề, danh bạ điện thoại của mình chỉ vỏn vẹn hơn 40 số điện thoại, phần lớn là của gia đình, bạn bè, người quen. Sau một năm dấn thân, danh bạ của mình dài gấp ba lần mà còn toàn là số điện thoại của người nổi tiếng”. Mỗi lần bước chân vào một dự án, người làm sự kiện phải tìm kiếm thông tin và liên hệ với các supplier cùng các nghệ sĩ nổi tiếng để trao đổi về dự án. Sự kiện khép lại mở ra nhiều mối quan hệ, có những người chỉ được nhìn thấy trên tivi, sân khấu mà nay lại có thể trò chuyện dễ dàng như những người bạn. Đó quả thật là một trong những trải nghiệm thú vị mà người làm sự kiện có được sau khoảng thời gian gắn bó với nghề.

Vinh quang nghề event

Nhưng cũng nhiều thách thức…

Trên đây là những “cái được” khi quyết định dấn thân vào thế giới của những người làm sự kiện. Những điều ấy được gọi là “ánh hào quang” bởi khi người khác nhìn vào đều thấy chúng lấp lánh nhưng mấy ai hiểu được câu chuyện sau ánh hào quang là gì. Để có được những kiến thức, trải nghiệm quý giá ấy người làm sự kiện phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ trong đó có sức khoẻ và thời gian dành cho bản thân. Có những ngày cuối tuần quý giá nhưng họ dành trọn cho công việc. Có những ngày Lễ đặc biệt nhưng họ vẫn miệt mài mang đến những sự kiện bùng nổ cho khách hàng.

Phía sau những sự kiện ấn tượng là cả một đội ngũ ngày đêm miệt mài hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình: Là cô gái Event với chiếc proposal hơn trăm trang, là anh chàng Production túc trực tại địa điểm 24/24 để giám sát thi công, là những cô nàng, anh chàng Account ngày đêm nhận hàng trăm cuộc gọi xử lý yêu cầu từ khách hàng… Mọi nỗ lực trên khắp mặt trận đều góp phần phục vụ mục tiêu mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người tham dự và sự an tâm cho khách hàng trong từng lần chạm.

Với người làm sự kiện, về nhà trễ hay thức khuya thậm chí là thức trắng đêm có lẽ là điều quen thuộc trong mùa cao điểm. Khi ấy giấc ngủ bỗng chốc trở thành thứ xa xỉ nhường chỗ cho những sứ mệnh cao cả hơn. Bởi vậy, dù mang đến nhiều cơ hội để phát triển, nghề Event vẫn có những yêu cầu vô cùng khắc nghiệt. Vì mỗi sự kiện chỉ diễn ra một lần duy nhất và người làm sự kiện không có cơ hội để “làm lại lần nữa”, vậy nên mọi thứ đều phải thật mỹ mãn và người làm sự kiện cũng vì thế mà đối mặt với nhiều áp lực vô hình.

Vinh quang nghề event

Vô cùng khắc nghiệt, vô cùng vinh quang

Hành trình chạm đến vinh quang bao giờ cũng lắm gian truân nhưng hãy luôn tin rằng có hoa thơm, trái ngọt đang chờ bạn ở phía cuối con đường. Vinh quang của một hoa hậu là làm rạng danh quê hương trên đấu trường sắc đẹp thế giới. Vinh quang của một vận động viên là được bước chân lên bục danh dự đón nhận huy chương. Vậy đâu là vinh quang cho người làm sự kiện?

“Vinh quang ấy không lấp lánh dưới ánh đèn sân khấu, vinh quang ấy không được mọi người tung hô. Vinh quang của người làm sự kiện là được nhìn thấy niềm hạnh phúc trên gương mặt của người tham dự. Vinh quang ấy dù thầm lặng nhưng vô cùng xứng đáng.” (CEO Apex Media – Lê Quỳnh Thư)

Nghề sự kiện là nghề tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa. Trong một phút giây đặc biệt của sự kiện, khi tất cả khách tham dự không ngớt lời khen và dành những tràng pháo tay thật lớn thì cũng là lúc những người làm sự kiện vỡ òa trong những cảm xúc khó nói nên lời. Vinh quang ấy giờ đây xuất hiện lặng lẽ bên trong cánh gà và ở khu kỹ thuật. Vinh quang ấy không ồn ào, náo nhiệt, chỉ đơn giản là nhìn nhau mỉm cười hay là cái thở phào nhẹ nhõm vì “sau ngần ấy thời gian nỗ lực, cuối cùng chúng ta đã thành công”.

Vinh quang nghề event

Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm gian nan, nhiều thách thức nhưng cũng lắm vinh quang, đó chính là nghề tổ chức sự kiện. Nếu bạn thực sự đam mê và muốn bước chân vào mảnh đất đầy tiềm năng này, hãy dấn thân và trải nghiệm. Apex tin rằng nghề tổ chức sự kiện luôn mang đến cho các bạn thật nhiều giá trị và cảm xúc thăng hoa, giúp bạn tạo nên những khoảnh khắc đẹp đẽ cho đời mình.

* Nguồn: Apex Media