Event Agency – “Được ăn cả, ngã về không”

Event Agency – “Được ăn cả, ngã về không”

Phần đông bạn trẻ bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài “cool ngầu” của những người chạy sự kiện, hay cơ hội gặp gỡ, làm việc với người nổi tiếng. Nhưng một khi đã “dấn thân”, các bạn sẽ thấm thía được rằng để tạo ra các sự kiện hoành tráng đó đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ cùng tinh thần thép của người làm nghề.

Nghề tổ chức sự kiện

Event Agency bán sự “an tâm”

Tại APEX, chúng tôi định nghĩa tổ chức sự kiện là quá trình tạo ra dấu ấn cho thương hiệu đối với công chúng bằng một sản phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, sản phẩm nghệ thuật này được hình thành trong tương lai, chỉ diễn ra một lần, và không có cơ hội lặp lại.

Bên cạnh đó, có 4 nhóm ngành sự kiện phổ biến là:

  • Corporate Event: Những sự kiện mang tính chất quảng bá công ty, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp như khởi công động thổ, ra mắt sản phẩm mới, tri ân khách hàng…
  • Culture Event: Những sự kiện mang tính chất quảng bá văn hoá của một tỉnh hay thành phố…
  • Entertainment Event: Những sự kiện mang tính nghệ thuật, giải trí như sự kiện thể thao, chương trình giải trí thực tế, chương trình ca nhạc…
  • Private Event: Những sự kiện phục vụ mục đích, nhu cầu cá nhân như đám cưới, sinh nhật…

Tôi lưu ý rằng dù bạn tổ chức bất kỳ loại sự kiện nào, cái mà bạn đang bán là sự “An tâm”. Khi đi mua sắm như quần áo, điện thoại, đồ nội thất…, bạn đều biết trước hình thù, chức năng… và cảm nhận được chất lượng của chúng. Tuy nhiên, sự kiện lại diễn ra ở tương lai. Tất cả những gì khách hàng hình dung được đều thông qua phần thuyết trình của Event Agency, giấy tờ… Do đó, việc khách hàng nghi hoặc hay lo lắng là điều dễ hiểu. Lúc này, công việc của Event Agency là thấu hiểu và đổi lại sự an tâm bằng cách thực hiện chỉn chu mọi công việc.

Có lẽ chính vì thế, phần lớn người trong ngành Event luôn trong dáng vẻ tất bật, “đầu bù tóc rối”. Thậm chí trước khi diễn ra sự kiện, các nhân viên tại APEX thức 24/7 để đảm bảo khâu chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng áp lực cũng chính là hào quang. Bởi sự kiện hoàn thành một cách thuận lợi cũng chính là niềm hạnh phúc, món quà lớn nhất của người làm nghề.

Cơ hội và thách thức trong ngành Event là như nhau

Kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ là 3 yếu tố mà người làm nghề Event có cơ hội củng cố thêm cho bản thân.

Khi làm sự kiện cho một nhãn hàng nào đó, người làm Event cần học hỏi thêm để hiểu về doanh nghiệp, ngành hàng… Có như vậy, những chiến lược, ý tưởng đề ra mới có độ phù hợp và khả năng thực thi cao.

Bên cạnh đó, không chỉ 1st jobber mà những đi người làm lâu năm đều có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm sau từng sự kiện. Vì thực chất, người làm nghề cần có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trải nghiệm và đóng gói chúng lại thành một sự kiện, dự án hoàn chỉnh. Như tôi thường nói với đội ngũ nhân sự tại APEX rằng trải nghiệm là tài sản vô cùng quý giá; đặc biệt khi đang làm trong Event Agency, mọi người có cơ hội sống nhiều và đủ đầy hơn nhiều người khác vì được trải nghiệm liên tục những điều hay ho, thú vị.

Sau cùng, để hình thành nên một sự kiện cần đến sự góp sức của nhiều bên như báo chí, Supplier, nghệ sĩ… Do đó, người làm nghề Event sẽ có cơ hội thắt chặt và mở rộng hơn vòng tròn mối quan hệ hiện tại của mình.

Theo tôi, những cơ hội trên cũng chính là thử thách mà người làm nghề Event phải đối diện. Bởi việc thiếu sót hay không chủ động củng cố 3 yếu tố đó sẽ khiến các bạn trẻ khó “sống lâu” với nghề.

Người tổ chức sự kiện

Điều mà các bạn trẻ bị hấp dẫn ở người tổ chức sự kiện đó là Khí chất. Khí chất này được tổng hoà giữa tố chất (năng khiếu nhất định trong việc tổ chức sự kiện), thể chất, và “vật chất”. Trong đó, "vật chất" là những yếu tố bên ngoài như phục trang cần thể hiện được năng lượng, khí thế của người làm sự kiện. Và để xây dựng được khí chất ấy, kiến thức cùng kỹ năng cũng quan trọng không kém.

Nghề event là một trong những nghề khá đặc biệt do để làm được một sự kiện hoàn chỉnh, bạn cần kết hợp được nhiều kỹ năng khác nhau, và có kiến thức tổng hợp ở nhiều chuyên ngành. Ở đây, tôi phân chia thành 2 nhóm điều kiện cần và đủ.

Tổ chức sự kiện là một mảnh ghép trong IMC. Thế nên điều kiện cần là kiến thức của người làm Marketing, Brand, tư duy của người làm Sales, kỹ năng của người làm dự án, tính thức thời của dân công nghệ.

Còn điều kiện đủ là đam mê của người làm nghệ thuật. Vì dựa trên kinh nghiệm bản thân, nếu không có đam mê, người làm tổ chức sự kiện sẽ rất khó tồn tại trong ngành này. Tiếp đến là tư duy logic. Tôi giả sử toàn bộ sự kiện là một câu chuyện, vậy tại sao câu chuyện này chỉ bao gồm phần 1 và 2, hay vì sao diễn biến câu chuyện lại như thế? Bạn cần hiểu rồi thuyết phục khách hàng triển khai sự kiện theo trình tự đó nhằm đảm bảo truyền tải hình ảnh thương hiệu đến TA một cách tốt nhất. Yếu tố đủ tiếp theo là sự bao quát của một nhạc trưởng và chỉn chu của các nhà nghiên cứu. Kèm theo đó là sự bay bổng của nhà văn để có được những ý tưởng tốt nhất. Sau cùng là khả năng chịu được áp lực cao để có thể giữ tinh thần “chinh chiến” xuyên suốt các dự án.

Nói chung, sự học là mênh mông, và học theo trường lớp với tự học cần phải chan hoà với nhau. Hơn nữa, việc học khác ngành không có nghĩa là bạn không thể làm việc tại Event Agency. Qua những chia sẻ trên, có thể thấy bức tranh của Event Agency đòi hỏi người làm nghề phải đa nhiệm, hiểu biết nhiều thứ. Do đó nếu thực sự yêu thích, bạn có thể dựa trên những kỹ năng cần và đủ mà tôi đề cập để soi chiếu và trau dồi thêm; từ đó tự tin “dấn thân” vào Event Agency.

Bên cạnh đó, bạn có thể xem và nghe thêm về bức tranh sự thật của Event Agency tại sự kiện Passport to Marketing #2: The World of Agencies.