Bookaholic #14: Tác giả “Hôm nay phải mở mang” – “Nếu không thể viết cho hấp dẫn, hãy viết cho chân thành”
“Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang”. Với hy vọng giúp những bước chân đầu tiên của các cây bút trẻ được suôn sẻ, cuốn sách “Hôm nay phải mở mang” được tác giả Nguyễn Thuỳ Dung “nhào nặn” bởi những điều cơ bản, nên quan tâm trong những năm đầu của hành trình cầm bút.
Trong số 14 của series Bookaholic, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện với tác giả Nguyễn Thuỳ Dung để lắng nghe những chia sẻ của chị về cuốn sách “Hôm nay phải mở mang” cũng như những kinh nghiệm về nghề viết từ chị.
“Ngày ngày viết chữ” là fanpage dành cho tất cả những ai yêu tiếng Việt nói chung và nghề viết nói riêng của tác giả Nguyễn Thuỳ Dung. Chị là một trong những tác giả trẻ ở Việt Nam dấn thân vào con đường khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt. Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, trong quá trình làm việc, chị càng ngày càng bị vẻ đẹp của tiếng Việt thu hút. Do đó, chị đã dành nhiều thời gian, tâm sức vào việc tìm tòi chữ nghĩa.
Để lan toả vẻ đẹp của tiếng Việt đến với người trẻ, ngoài fanpage “Ngày ngày viết chữ”, chị còn cho ra mắt nhiều tác phẩm như “Từ vay hay dùng” (2019), “Chữ xưa còn một chút này” (2021) và gần đây nhất là cuốn “Hôm nay phải mở mang” (2021).
* Cảm ơn chị Dung vì đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc về quá trình hoàn thiện cuốn sách “Hôm nay phải mở mang”. Từ đâu chị Dung có cảm hứng và ý tưởng viết cuốn sách này?
Câu chuyện ra đời cuốn sách tương đối dài. Năm 2019, một đơn vị xuất bản có đề nghị Dung viết một cuốn sách về việc tự học, vì đơn vị này biết là lúc sơ khởi, Dung chủ yếu chỉ tự học tiếng Việt chứ không phải là người được đào tạo bài bản về tiếng Việt ngay từ đầu. Thời điểm đó Dung chưa đặt bút viết được bởi tự học là một chủ đề khá rộng. Việc viết tài liệu tự học cho những kỹ năng như nấu ăn, chụp hình đều sẽ có những khung lý thuyết, lưu ý nhất định. Nhưng để viết một cuốn sách về việc tự học thì bản thân mình không có điểm cụ thể để bắt đầu.
Đầu năm 2021 là thời điểm manh nha cho ý tưởng “mở mang”. Thời gian này Dung nhờ một người bạn thiết kế ảnh bìa cho fanpage Ngày ngày viết chữ, theo ý tưởng là “Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở ‘mang’, hôm nay phải mở mang”.
Sau này, đến tháng 4/2021, Dung ra mắt cuốn sách “Chữ xưa còn một chút này”, có một số cuốn Dung ký tặng cho bạn đọc với lời đề tặng “Hôm nay phải mở mang”. Lúc đó, một người bạn gợi ý Dung viết một cuốn sách lấy tên là “Hôm nay phải mở mang”. Đó là lúc Dung nghĩ thay vì viết một cuốn sách về tự học chung chung, mình sẽ viết một cuốn sách về việc học viết với tên “Hôm nay phải mở mang”.
* Xuyên suốt 8 chương của cuốn sách, đâu là chương chị thấy tâm đắc nhất?
Dung nghĩ không có chương nào tâm đắc nhất vì hơn 200 trang sách mình đều dốc lòng viết ra. Nhưng nếu buộc phải chọn, Dung hy vọng người đọc nên chú ý tới chương “Hôm nay mình nghe gì?”.
Dung luôn cảm thấy tiếng nói, ngôn ngữ nói mới đặc sắc, còn ngôn ngữ viết không mang đậm yếu tố tự nhiên cho lắm. Bởi khi viết sẽ có sự “can thiệp” của yếu tố ngữ pháp, cách hành văn. Trong khi đó, lời ăn tiếng nói của người bình dân mới thật sự mang nhiều màu sắc tự nhiên nhất. Do đó, tuy nội dung trong phần “Hôm nay mình nghe gì?” không nhiều, nhưng Dung hy vọng bạn đọc sau khi đọc chương sách này sẽ chú ý lắng nghe tiếng nói của đồng bào mình và chắt lọc những điều thú vị từ đó.
* Phần Một của cuốn sách, chị Dung đã giải thích và gợi ý cách thực hiện 4 việc cần làm của người viết là Đọc – Nghe – Viết – Sửa. Chị Dung có thể chia sẻ về trải nghiệm của chị khi viết chương này?
Với việc đọc, Dung nghĩ mình không cần phải chứng minh tầm quan trọng của việc đọc đối với người viết. Những người cầm bút đọc hoặc nghe để nạp đầu vào, và viết là xuất đầu ra, sửa để hoàn chỉnh mọi thứ.
Phân tích sâu hơn về việc lắng nghe, có một câu nói của thầy Cao Xuân Hạo trong cuốn “Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt” mà Dung rất tâm đắc: “Một người làm ngôn ngữ học hay làm phiên dịch chuyên nghiệp phải luôn nhớ rõ rằng hằng ngày mình và đồng bào mình nói năng như thế nào”. Rộng hơn, Dung tin mỗi người cầm bút đều nên chú ý lắng nghe “lời ăn tiếng nói” hằng ngày của bản thân và đồng bào mình. Bởi Dung tin, lời ăn tiếng nói của người bình dân luôn là khởi đầu để viết ra những áng văn bất hủ. Về việc viết, Dung nghĩ các bạn nên viết tự nhiên, nghĩ gì viết đó, nói sao viết vậy. Rồi tới công đoạn sửa, mình có thể uốn nắn lại sau.
Về trải nghiệm khi viết 4 chương Đọc – Nghe – Viết – Sửa, Dung viết khá thoải mái, không gò bó vì nội dung chỉ xoay quanh những trải nghiệm thực tế của bản thân, những lợi ích từ chuyện đọc, chuyện nghe mang đến cho mình. Mọi thứ tự nhiên và thoải mái hơn so với những chương sau. Tuy quá trình viết khá dễ dàng, nhưng Dung vẫn có một trăn trở là làm sao để viết 4 chương này không bị khuôn sáo, để độc giả đọc và hiểu được, vận dụng được.
* Vậy những khó khăn chị gặp phải trong quá trình viết những chương sau là gì?
4 chương đầu là những điều cơ bản: Đọc – Nghe – Viết – Sửa mà ai làm nghề viết cũng phải trải qua. Nhưng nội dung 4 chương sau xoay quanh việc tích luỹ kỹ năng sẽ hơi khó, ví dụ như kỹ năng tích luỹ vốn từ. Hầu như người theo nghề viết nào cũng đều biết phải tích luỹ vốn từ, có từ vựng mới viết được, nhưng chuyện tích luỹ vốn từ lại không đơn giản. Có những bạn tâm sự với Dung là “em đọc nhiều nhưng không thấy vốn từ tăng lên”.
Đó là một câu chuyện nhỏ để bạn thấy nội dung của 4 chương sau khiến Dung trăn trở nhiều, về việc làm như thế nào để giúp bạn đọc tìm và hình thành văn phong cá nhân, hoặc những lưu ý dành cho các vấn đề thường gặp của người viết như những cơn “đốn bút” chẳng hạn. Những lời khuyên về cách tích luỹ kỹ năng thường là sự kỷ luật, bạn phải có 1 khung giờ cố định để viết, mỗi ngày bạn tập viết một chút. Những lời khuyên đó nói rất dễ, nhưng thực tế khi thực hành thì không đơn giản chút nào. Nên lúc viết 4 chương sau, Dung rất trăn trở, không biết là liệu mình viết những điều này có khuôn sáo hay không.
* Trong sách chị chia sẻ rằng mở mang là một việc hết sức quan trọng – mở mang để viết và viết để mở mang. Muốn có bài viết hay, cái mình biết nhất định phải nhiều hơn cái mình viết. Chị có thể giải thích rõ hơn?
Trong thời gian học ngành Báo chí, thầy mình từng dạy rằng: “Mình biết 100 điều, mình chỉ lấy ra 20 điều đưa vào nội dung bài báo thôi”, vì phải đảm bảo thông tin, và những vấn đề nghiệp vụ báo chí liên quan. Về sau, từ kinh nghiệm cá nhân, cũng như kinh nghiệm dìu dắt một số bạn vào nghề viết, Dung đã khái quát lời dạy khi đó thành “cái mình biết phải nhiều hơn cái mình viết”. Con số biết 100 điều, viết 20 điều không phải là khuôn mẫu cố định, tuỳ trường hợp mà người viết có thể nâng con số 20 này lên thành 30, 40, 50, 60, thậm chí là 70, 80. Tựu trung, để có 1 bài viết tốt, tư liệu bản thân nắm trong tay phải nhiều hơn những điều được thể hiện.
Một ví dụ thường gặp là nếu bạn chỉ biết chút đỉnh thì khi viết được nửa bài người viết sẽ thấy “đuối”. Lúc này, họ bắt đầu bôi vẽ ra cho đủ số lượng chữ. Do đó, Dung luôn dặn những bạn học viên của mình là phải làm sao để cái biết của mình nhiều hơn cái mình viết ra. Tôi biết 10 điều, nhưng tôi chỉ thể hiện ra 5-7 điều thôi, và 5-7 điều mà tôi thể hiện là những điều hay nhất, có ý nghĩa nhất. Còn những cái bình thường hơn thì bỏ qua, không đưa vào. Có như vậy thì bài viết mới chất lượng.
* Theo chị, các bạn trẻ nên nắm vững về tiếng Việt trước khi viết lách, hay học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tiễn làm nghề viết?
Dung nghĩ mình nên làm song song: vừa học vừa viết. Lúc học, các bạn sẽ nắm vững các vấn đề lý luận, và lúc viết người viết cũng sẽ nảy ra rất nhiều vấn đề nằm ngoài những nội dung đã được học. Dung tin yếu tố nào cũng cần thiết và không nên tách riêng.
Nếu “lao” vào làm nghề ngay mà bỏ qua chuyện tìm hiểu, đào sâu về lý luận ngôn ngữ, nhiều bạn không nắm được các vấn đề lý luận của tiếng Việt và ngôn ngữ. Điều này dẫn đến hai hệ quả: (1) viết sai và (2) không có cơ sở để giải thích, phản biện cho cách hành văn, lựa chọn câu từ, ý tứ cho sếp, đồng nghiệp và khách hàng của mình. Ở chiều ngược lại, nếu chỉ có lý luận mà không thực hành thì cũng không ổn. Các cây bút trẻ sẽ bị rơi vào nhóm lý luận suông.
Dung có thể chia sẻ về 1 trường hợp là nhiều người hay bắt lỗi cụm “đồng hành cùng” là “đã đồng rồi còn cùng gì nữa”. Những người thuộc nhóm lý luận sẽ nói là “cùng” với “đồng” là một, bỏ từ “cùng” đi. Ngược lại, những người theo nhóm dựa vào kinh nghiệm thực tế sẽ cho rằng không thể bỏ ra được vì không có “cùng” thì đâm ra thiếu thiếu. Nếu như mình có 1 chút kiến thức về ngôn ngữ, kết hợp với thực tế sẽ thấy câu chuyện không phức tạp đến vậy. Về mặt nghĩa, “đồng” cũng là “cùng”, nhưng về mặt từ loại, các bạn có thể xem “đồng hành” là 1 động từ, còn “cùng” là kết từ nối động từ với 1 đối tượng, tân ngữ phía sau. “Đồng hành” và “cùng” có vai trò riêng biệt trong câu nên dùng “đồng hành cùng” cũng không có gì là không ổn.
* Cảm giác “đốn bút” là trường hợp bất cứ người cầm bút nào cũng sẽ gặp phải dù ít hay nhiều. Chị Dung có lời khuyên nào để những cây bút trẻ có thể “khai thông” được sự “ùn tắc” trong suy nghĩ, trong ý tưởng để có thể quay trở lại viết liền mạch hơn?
Đầu tiên, Dung nghĩ một trong những lý do khiến bản thân không viết được là mình chưa hiểu kỹ vấn đề mình đang viết. Thông thường, ngoại trừ lý do khách quan thiên về biến cố cuộc sống, Dung nhận thấy có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đốn bút” gồm: (1) không có từ để viết và (2) không có ý để viết, chưa hiểu về điều mình viết.
Chuyện trải qua những cơn “đốn bút” này, Dung nghĩ ai rồi cũng sẽ gặp. Có 2 cách mà Dung nghĩ người viết nên làm là viết đều đặn và dành thời gian với những người bạn, người thầy có cùng định hướng và sở thích viết lách.
Thứ nhất, chúng ta nên viết đều đặn. Dung nghĩ 1 trong những cách để người viết không bị đốn bút là viết đều đặn như một thói quen, một phần trong cuộc sống hằng ngày. Có thể hôm nay bản thân viết không được hay lắm, không được nhiều lắm, nhưng cũng nên viết một chút. Dĩ nhiên vẫn có những trường hợp bản thân thật sự kiệt quệ, không thể viết được nữa, người viết có thể tạm nghỉ, không nên ép bản thân. Nhưng các bạn phải tự hứa rằng nghỉ ngơi để quay lại, chứ không phải nghỉ là nghỉ luôn.
Thứ hai, một cách hữu hiệu hơn mà bạn nào cũng có thể làm được, đó là chơi cùng những người viết, những người bạn có cùng sở thích với mình và tìm cho mình một người thầy. Dung nghĩ vai trò của người thầy, người hướng dẫn khá quan trọng trong hành trình gắn bó với nghề. Người thầy ở đây là người anh, người chị trong nghề, một người đi trước mà có chung quan điểm về nghề viết, có cùng sở thích về lối viết. Khi gặp khó khăn, mình chia sẻ với các anh chị để lắng nghe kinh nghiệm của các anh chị. Trong cuốn “Hôm nay phải mở mang”, Dung có trích lời của nhà giáo Nguyễn Tài Cẩn: “Một người muốn tự học cái gì đó, muốn làm cái gì đó thì phải có 3 thứ: có sách, có thầy, có không khí học thuật”.
Nếu như người viết có thể “nuôi” mình bằng kỷ luật viết đều đặn, và xây dựng cho bản thân một môi trường có nhiều anh chị, bạn bè cùng quan tâm về nghề viết, về tiếng Việt, Dung tin sẽ không có những cơn “đốn bút” trầm trọng.
* Là một người ngày ngày viết chữ, chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ trong việc học và làm nghề viết ở thời đại số đòi hỏi sáng tạo không ngừng và xây dựng văn phong cá nhân như hiện nay?
Trong thời đại phổ biến các dạng nội dung ngắn như bài đăng social, các video ngắn như TikTok, người làm nội dung thường sẽ nhận được những yêu cầu phải viết cho dí dỏm. Nhưng Dung biết có nhiều bạn không viết hài hước được, các bạn phải gồng mình để dí dỏm, để hài hước theo yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, về lâu dài, Dung nghĩ người viết nên tìm cách giữ cho ngòi bút của mình phản ánh đúng phong cách của bản thân. Dung cho rằng “nếu không thể viết cho hấp dẫn, hãy viết cho chân thành”. Người viết nên tập trung vào lối viết yêu thích, lối viết chủ đạo của bản thân, không nên lúc nào cũng gò ép ngòi bút mình vào một phong cách không phù hợp. Có như vậy, mình mới sớm xây dựng được văn phong cá nhân.
Lý thuyết là như vậy, nhưng nghề viết hiện đại vẫn có nhiều điểm khó. Suy cho cùng, hầu hết người viết đều viết như một dịch vụ, đã là dịch vụ thì phải đảm bảo đúng mong muốn của khách hàng. Do đó, đôi khi người cầm bút chưa có chỗ để phát huy lối viết của mình. Dung nghĩ nếu như tạm thời chưa thể phát huy được văn phong, chưa thể định hình được phong cách cá nhân, xu hướng của chính mình, thì cũng hy vọng là các bạn sẽ giữ vững tinh thần, từ từ tích luỹ cho bản thân để tạo nên một phong cách dung hoà được cái tôi và yêu cầu của thị trường.
“Nếu không thể viết cho hấp dẫn, hãy viết cho chân thành”.
Bên cạnh lối viết cá nhân, Dung cũng hy vọng các bạn trẻ lưu ý đến trải nghiệm người đọc. Ví dụ có những bạn rất thích viết dài, 1 vấn đề lẽ ra có thể viết trong 10-20 câu, mà các bạn viết cả vài trang A4. Đó cũng là 1 phong cách. Nhưng để người đọc dễ theo dõi, các bạn nên chia nhỏ các đoạn ra, và kèm hình ảnh, để họ không cảm thấy mệt mỏi khi đọc.
Tạm tổng kết lại, Dung có 2 lời khuyên dành cho những cây bút trẻ: (1) Giữ vững phong cách của mình và (2) Chú ý đến trải nghiệm người dùng.
* Theo chị cuốn sách này có thể là lựa chọn phù hợp cho nhóm đối tượng độc giả nào? Chị có điều gì muốn gửi gắm đến độc giả của cuốn sách?
Trong lời đầu sách, Dung đã nói về đối tượng của cuốn sách là những cây bút trẻ. Những cây bút trẻ không có nghĩa là những người trẻ tuổi, mà là những cây bút đang đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình của nghề viết. Tuy nhiên, thực tế, khi cuốn sách phát hành được nửa năm và đã tái bản được một lần, nhiều bạn đọc làm nghề lâu rồi đã chia sẻ rằng cuốn sách giúp bạn hệ thống lại nhiều kiến thức về câu chữ. Nên Dung hy vọng bất kỳ ai đang làm nghề viết cũng sẽ đọc cuốn sách, và xem nó như một cuốn “giáo trình” hệ thống hoá kiến thức để tham khảo.
Còn về lời gửi gắm cho bạn đọc, thật ra Dung có nhiều lời muốn nói, nhưng Dung sẽ rút thành một lời như thế này: Dung chúc cho các bạn luôn có thật nhiều niềm hân hoan với hành trình chữ nghĩa, và nếu như “Hôm nay phải mở mang” có thể giúp cho những bước chân đầu tiên của các bạn trên hành trình đó được thuận lợi hơn, thì đó thật sự là niềm hân hạnh cho Dung.
* Cảm ơn chị Dung về những chia sẻ trên!
Bạn có thể mua sách tại đây.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.
Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam