Data Station #26 – 360 độ về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam qua chia sẻ của Chủ tịch BambuUP
Theo Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp tại ASEAN. Song song với sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhu cầu cập nhật thông tin toàn diện và kịp thời nắm bắt xu hướng mới, cơ hội hợp tác và đầu tư mới của các startup, nhà đầu tư... cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nắm bắt được nhu cầu và xu hướng đó, Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) phát hành báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”.
Hãy cùng Brands Vietnam đào sâu vào những số liệu và insights thú vị của báo cáo qua buổi trò chuyện với bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP.
Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.
*Đầu tiên, bà có thể chia sẻ về phương pháp nghiên cứu và quy trình thu thập dữ liệu cho báo cáo? Mục đích của báo cáo Toàn cảnh Đổi mới Sáng tạo mở Việt Nam là gì?
Nền tảng của BambuUP được thành lập với 3 mục tiêu chính là: (1) giúp thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa giữa đơn vị cung cấp giải pháp ĐMST và đơn vị tìm kiếm giải pháp ĐMST; (2) nuôi dưỡng hệ sinh thái toàn diện cùng sáng tạo và phát triển; (3) giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia quá trình ĐMST. Trong quá trình hiện thực hoá những mục tiêu này, chúng tôi tiến hành nhiều nghiên cứu, khảo sát và nhận thấy chưa có nguồn thông tin nào rõ ràng, đáng tin cậy, và sát sao với thực tế của các startup, công ty ĐMST tại Việt Nam.
Do đó, chúng tôi quyết định phát hành báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới Sáng tạo mở Việt Nam”, cùng 5 mục tiêu chính yếu sau đây:
- Cung cấp bức tranh toàn cảnh và thông tin toàn diện của hệ sinh thái ĐMST mở tại Việt nam.
- Trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để họ có thể đề ra kế hoạch tiếp cận và đầu tư đúng đắn hơn.
- Giới thiệu với thị trường về khái niệm “ĐMST mở”.
- Là công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp Việt Nam, toàn cầu ở nhiều quy mô có thể hoàn thiện chiến lược kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn. (Vì báo cáo giúp doanh nghiệp nhìn thấy xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực của mình như thế nào và họ có thể ứng dụng chúng bằng cách nào).
- Cung cấp cho Chính phủ cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái ĐMST mở; từ đấy nắm bắt được xu hướng và sự vận động của thị trường. Nhờ vậy, việc hoạch định chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái ĐMST trở nên thiết thực, sinh động và hiệu quả.
Vậy để đạt được những mục tiêu trên, thông tin trong báo cáo cần phải phong phú, chi tiết, đáng tin cậy. Thế nên, đội ngũ tham gia triển khai dự án là các anh chị có từ 10-20 năm kinh nghiệm, chuyên môn cao trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi nhân vật nổi tiếng trong thị trường nghiên cứu và phân tích chiến lược doanh nghiệp, chị Chị Nguyễn Hương Quỳnh - cựu Tổng giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam và Campuchia; hiện là Đồng sáng lập & CEO Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP.
Theo đó, chúng tôi sử dụng ít nhất 4 phương pháp để tổng hợp và cấu trúc được khối nội dung đồ sộ cho báo cáo:
- Tham khảo nguồn dữ liệu thứ cấp như Dự án 844 của Bộ khoa học công nghệ, báo cáo Tình hình đầu tư vào các startup tại Việt Nam của DO Venture…
- Thu thập thông tin trực tiếp từ startup, công ty công nghệ thông qua họp báo, hỗ trợ truyền thông của các đơn vị báo chí hay quan hệ đối tác với Đề án 844, trung tâm ĐMST Quốc Gia NIC…
- Khảo sát trực tuyến các startup để tổng hợp những kiến nghị của họ với phía Chính phủ về chính sách hỗ trợ phù hợp.
- Phỏng vấn 1-1 với các chuyên gia để thu thập ý kiến của họ trong việc nhận định xu hướng phát triển thị trường.
*Bà có thể giải thích thêm về hình thức “Đổi mới sáng tạo mở”? Hình thức ĐMST này mang lại cơ hội và thách thức gì cho các doanh nghiệp tại Việt Nam?
Thực chất, thuật ngữ “ĐMST mở” còn khá mới mẻ tại Việt Nam. ĐMST mở không đơn giản phản ánh nội tại của tổ chức hay cá nhân đang vươn tới sự đổi mới. Chúng tôi muốn nhấn mạnh ĐMST mở là sự “mở” hệ sinh thái của tổ chức để đón nhận, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp sáng tạo mới để hoạt động hiệu quả và năng động hơn. Theo đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm nguồn lực đầu tư vào R&D cũng như ĐMST.
ĐMST mở còn là cách thức giúp cho những doanh nghiệp, dù đã lớn hay còn ở giai đoạn khởi nghiệp, hoà cùng với dòng chảy xu hướng đổi mới sáng tạo. Như Kodak và Nokia đã phải trả giá đắt khi lưỡng lự hay chậm chân trong các bước đi ĐMST, đặc biệt là không sẵn sàng thực hiện các ý tưởng ĐMST đột phá – thường được cho là thế mạnh của startup.
Như Lifting The Lid On Corporate Innovation In The Digital Age năm 2020 của MIT và Capgemini chỉ ra đến năm 2025, khoảng 40% các ĐMST trong doanh nghiệp sẽ do các startup, công ty công nghệ cung cấp chứ không đến từ nội bộ doanh nghiệp nữa. Còn đối với các startup, hợp tác với doanh nghiệp lớn sẽ giúp trợ lực để vượt qua “thung lũng chết” và tăng tốc phát triển.
Như vậy, mở cửa hoạt động ĐMST sẽ là chìa khoá thành công cho các doanh nghiệp để cùng nhau đạt được lý tưởng tồn tại, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên nhiều thị trường mà vẫn có thể vượt qua tốc độ phát triển ngày càng nhanh của công nghệ.
*Bà có nhấn mạnh tầm quan trọng của startup đối với sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái ĐMST mở. Vậy bà có nhận định gì về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures cho biết Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Từ năm 2000 đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ nhà sáng lập công ty với những nét đặc trưng riêng.
Thế hệ đầu tiên (Giai đoạn thành lập: 2000-2006) bao gồm các nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp đáng chú ý như VNG, Vatgia, NextTech (trước đây là Peacesoft), VCCorp, 24H, và Yeah1. Khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ đạt đủ quy mô, những người sáng lập này thường mở rộng công ty của mình sang các lĩnh vực kinh doanh mới.
Thế hệ thứ hai (Giai đoạn thành lập: 2007-2014) bao gồm các nhà sáng lập của các công ty tên tuổi như Batdongsan, Tiki, Foody, Topica, và Nhaccuatui. Họ bắt đầu trong một môi trường cạnh tranh hơn so với những người tiền nhiệm và cần thời gian lâu hơn để chiếm lĩnh thị trường. Thế hệ thứ hai có xu hướng tập trung vào việc củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ và mở rộng theo chiều dọc để tạo thành hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm chính ban đầu.
Thế hệ thứ ba (Giai đoạn thành lập: 2015 trở đi) là thế hệ gồm nhiều nhà sáng lập đã học tập hoặc làm việc tại các hệ sinh thái công nghệ tiên tiến trên thế giới, những người có kinh nghiệm xây dựng các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, và các doanh nhân kỳ cựu đã khởi nghiệp nhiều lần quay trở lại với những tham vọng lớn hơn. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty mình.
Sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt còn được thể hiện cụ thể qua số vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp trong năm 2018 chỉ là 5% nhưng trong năm 2019 đã tăng lên tới 17%. Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng, lên tới 50% về số lượng các nhà đầu tư và quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.
Năm vừa rồi, thị trường startup Việt đón chào 2 kỳ lân mới là Tiki và MoMo. Đấy là tín hiệu cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang khởi sắc, tạo sức bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.
*Vậy các thành phần tham gia chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là gì thưa bà?
Biểu đồ trên thể hiện các thành phần chính mà tôi sắp chia sẻ thêm dưới đây. Biểu đồ được cung cấp bởi Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), và được cập nhật thêm thông tin bởi BambuUP. Theo biểu đồ, có 5 thành phần chính góp phần tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp là Service, Network, Talent, Capital và Support.
Đầu tiên, Service là các công ty cung cấp dịch vụ mà startup cần từ lúc hình thành đến các giai đoạn tăng trưởng sâu và rộng hơn. Mảng Service được chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn như Pháp lý, Tài chính, Dịch vụ đào tạo…
Network được chia thành 2 phần gồm Event (VietChallenge, InnoCity, Techfest…) và Competition (StartupViet, K-Startup Grand Challenge…). Đây là các sự kiện, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo độc đáo, cũng như cầu nối cho startup với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mảng thứ 3 là Talent. Để hình thành nên các startup chất lượng sẽ cần đến những tài năng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và ĐMST. Có thể thấy, các trường đại học, đặc biệt là trường đại học tốp đầu, rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp cũng như ĐMST.
Kế đến, nhiều startup dù đã hoạt động được một thời gian nhưng chưa thể tự đứng vững bằng nguồn vốn của mình, hoặc muốn đạt đến những vòng gọi vốn theo đúng chuẩn quốc tế, sẽ cần đến những đơn vị hỗ trợ về đầu tư và gọi vốn. Lúc này, mảng Capital xuất hiện với một số quỹ đầu tư nổi tiếng tại Việt Nam như DO Venture, Golden Gate Venture… Bên cạnh đó, gần đây ngày càng nhiều nhà đầu tư thiên thần “Angel Investor” – các nhà đầu tư tham gia vào các giai đoạn sớm của một startup, thậm chí là những startup khi mới bắt đầu với ý tưởng hay ho.
Mảng cuối cùng là Support, đề cập đến sự hỗ trợ của Nhà nước, Tổ chức Chính phủ và Phi Chính phủ, tư nhân… trong việc cải cách thể chế hay đề xuất quy định, điều luật mới theo hướng cởi mở và nhiều ưu đãi hơn cho startup.
*COVID-19 được nhận định là chất xúc tác thúc đẩy các mô hình kinh doanh độc đáo phát triển mạnh mẽ. Những cải tiến, đổi mới của công nghệ cùng các giải pháp số cho doanh nghiệp có lẽ đã thu hút đầu tư khá lớn. Bà có thể chia sẻ tổng quan tình hình thị trường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam năm 2021?
Với lợi thế về môi trường chính trị ổn định và kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới.
Theo đó, hoạt động đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam đã nhanh chóng trở lại sau một năm đầy sóng gió. Đáng chú ý, số lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 108 thương vụ. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư vào 9 tháng đầu năm 2021 là 604 triệu USD, đạt gần 70% so với mức cao nhất được ghi nhận trong cả năm 2019.
Một vài số liệu nổi bật khác mà chúng tôi ghi nhận được trong 9 tháng đầu năm 2021. Số lượng thương vụ đầu tư đạt mức cao kỷ lục ở vòng 500.000 USD đến 3 triệu USD, gấp 2.58 lần so với cùng kỳ năm trước. Có sự dịch chuyển trong tỷ lệ phân bổ đầu tư ở các giai đoạn, tăng tỷ trọng các vòng 500.000 USD - 3 triệu USD và 3 triệu USD - 10 triệu USD, đồng thời giảm đầu tư vào các startup gọi vốn giai đoạn pre-seed và seed.
*Trong báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”, BambuUP phân loại các startup Việt Nam như thế nào?
Thật ra chưa có tiền lệ hay văn bản hướng dẫn nào về cách phân chia các startup Việt Nam. Thế nên, BambuUP quyết định chọn cách phân chia theo 4 trụ cột kinh doanh mà phần lớn startup theo đuổi là “Con người, Kinh doanh, Xã hội, Công nghệ lõi”. Và chúng tôi dựa vào mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp (core business) để phân nhóm.
Trong trụ cột kinh doanh, bản chất các giải pháp là nhằm phục vụ doanh nghiệp quản trị tổ chức, con người tốt hơn như cải thiện hệ thống phân phối bán lẻ, quản lý kho bãi, hay làm thay đổi công nghệ tiếp thị… Trụ cột con người tập trung các dự án khởi nghiệp chuyên giải quyết những nỗi đau của người dân trong kỷ nguyên số. Còn trụ cột xã hội bao gồm các giải pháp mang lại lợi ích chung cho xã hội như giải quyết những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững: tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu rác thải carbon, thiết lập hệ thống giao thông thông minh… Trụ cột cuối cùng là những dự án khởi nghiệp tập trung phát triển công nghệ cốt lõi. Đây là những công nghệ nền tảng giúp cấu thành và phát triển ứng dụng, sản phẩm dịch vụ thuộc 3 trụ cột trên.
*Ở cuối báo cáo là phần khảo sát các startup ở Việt Nam. Bà hãy cho biết mục tiêu của cuộc khảo sát này là gì? Bên cạnh đó, bà hãy chia sẻ thêm về chân dung các doanh nghiệp tham gia khảo sát?
Chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát này nhằm đánh giá: điểm yếu và thách thức mà các startup Việt đang phải đối mặt trong việc thực hiện các hoạt động ĐMST; và những nhu cầu mà startup về sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng.
Khảo sát được chúng tôi tiến hành từ ngày 4/11/2021 đến ngày 27/11/2021 qua hình thức Google Form. Đối tượng tham gia là các nhà sáng lập, CEO hoặc người đang nắm giữ những vai trò lãnh đạo trong các startup ở Việt Nam. Qua hơn 3 tuần thực hiện khảo sát, chúng tôi nhận được 89 câu trả lời.
Một số con số nổi bật mà chúng tôi ghi nhận được về chân dung các doanh nghiệp tham gia khảo sát như sau: Chiếm phần lớn (khoảng 50,6%) trong số đó là những doanh nghiệp có quy mô từ 100-199 người. Có đến 81.6% doanh nghiệp đang ở giai đoạn pre-seed/ seed. Nổi bật, hàng tiêu dùng nhanh, Martech/ SalesTech, chăm sóc sức khoẻ là top 3 lĩnh vực hoạt động của các startup tham gia khảo sát. Độc giả có thể xem cụ thể những đặc điểm khác của các startup tham gia khảo sát trong hình dưới đây.
*Bà hãy chia sẻ những số liệu nổi bật đúc kết được từ cuộc khảo sát trên?
Về nội tại, điểm yếu hầu hết startup đang gặp phải nhiều nhất là "Tiếp cận khách hàng và tạo ra doanh thu" (64.4%). Tiếp theo đó, "Tiếp cận nhà đầu tư và gọi vốn" cùng với "Phát triển và đổi mới sản phẩm – giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường" lần lượt được cho là điểm yếu lớn thứ 2 (48.3%) và thứ 3 (41.4%) của các startup.
Còn khi đánh giá các điểm yếu của startup theo quy mô doanh nghiệp, có thể thấy “Tiếp cận khách hàng và tạo ra doanh thu” vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên các mối quan tâm khác vẫn có sự khác biệt đáng kể. Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, ngoài “Tiếp cận khách hàng và tạo ra doanh thu”, “Tiếp cận nhà đầu tư & gọi vốn” và “Phát triển & đổi mới sản phẩm – giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường” là 2 mối quan tâm chính tiếp theo. Đối với doanh nghiệp quy mô vừa, mối quan tâm chính của họ hiện tại lại nghiêng về việc làm sao để tối đa hóa lợi nhuận và thu hút nhân tài nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn khảo sát những thách thức lớn nhất mà startup đang phải đối mặt khi thực hiện ĐMST. Hơn một nửa startup tham gia khảo sát cho rằng “Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ (trực tiếp và gián tiếp) trên thị trường” hiện tại là mối quan tâm lớn nhất của họ khi hoạt động (51.7% bình chọn). Tiếp theo đó, “Sự thay đổi nhanh của thị trường”, “Khả năng tiếp cận nguồn vốn & hưởng ưu đãi về lãi suất là thấp” và “Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao” cùng đứng ở vị trí thứ 2 với 47.1% lượt bình chọn.
*Vậy BambuUP có đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận nguồn vốn của startup trong từng giai đoạn phát triển?
Cũng dựa trên kết quả cuộc khảo sát trên, chúng tôi ghi nhận được vốn tự có là nguồn vốn chủ yếu của các startup với 87.4% doanh nghiệp kinh doanh trên nguồn vốn này. Tiếp đến, nguồn vốn của startup lần lượt chủ yếu đến từ Nhà đầu tư thiên thần/ Nhà đầu tư cá nhân (29.9%) và Vay vốn ngân hàng (19.5%). Nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ và cộng đồng hiện tại đang chưa tiếp cận được các startup một cách hiệu quả khi chỉ có 5.7% startup tham gia khảo sát nhận được nguồn vốn từ các đơn vị này.
Có thể thấy, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang là vấn đề trăn trở với startup ở Việt Nam. Có tới 43.2% startup Việt cho rằng mình đang khó tiếp cận được với các nguồn vốn để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp và thực hiện công tác ĐMST.
Nói thêm về khả năng tiếp cận vốn theo từng giai đoạn phát triển, các doanh nghiệp ở giai đoạn tăng trưởng nhanh có khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Có 77.8% doanh nghiệp ở giai đoạn tăng trưởng nhanh đánh giá việc tiếp cận nguồn vốn là tương đối.
Điều này khá dễ hiểu khi nhìn vào nguồn vốn chính của các doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Một điểm dễ dàng nhận thấy là các doanh nghiệp ở giai đoạn “Định giá, tiếp cận” và “Hình thành, phát triển” hoạt động chủ yếu dựa trên 3 nguồn chính: Vốn tự có, Nhà đầu tư thiên thần/ Nhà đầu tư cá nhân và Huy động vốn từ cộng đồng. Các nguồn vốn còn lại đóng góp tỷ trọng rất thấp cho các doanh nghiệp ở giai đoạn này (<8%). Trong khi đó, các doanh nghiệp nằm trong giai đoạn “Tăng trưởng nhanh” có nhiều nguồn khác nhau với tỷ trọng được chia đều. Đặc biệt, có thể thấy Vốn vay ngân hàng là điểm nhấn khiến cho doanh nghiệp cảm thấy khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
*Sau cùng, bà có lưu ý gì cho các doanh nghiệp, đặc biệt là startup, muốn tăng tốc đổi mới trong thời gian tới?
Theo tôi doanh nghiệp cần xem ĐMST là hoạt động hằng ngày chứ không phải là hoạt động mang tính chất định kỳ. ĐMST phải gắn liền với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, và được thực hiện bởi từng phòng ban. Còn ban lãnh đạo có vai trò khởi xướng, thúc đẩy mọi người ĐMST trong từng công việc và hoạt động thường ngày trong doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của thị trường, giữ vững và phát huy vị thế của mình trên thương trường.
Còn những doanh nghiệp startup có thể tìm kiếm khoảng trống thị trường thông qua 21 bản đồ ngành trong 11 lĩnh vực (Ngành hàng tiêu dùng, ngành bán lẻ, ngành tài chính công nghệ, ngành công nghệ tiếp thị và bán hàng...) mà chúng tôi dày công xây dựng trong báo cáo. Và theo tôi, startup nên nghiên cứu và tìm cơ hội phát triển ở những lĩnh vực mới, chưa nhiều người tham gia. Bởi việc “nhảy” vào những mảng có tính cạnh tranh cao sẽ khiến startup gặp khó khăn để “đối đầu” với những startup với hơn 10 năm kinh nghiệm.
*Cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của bà về báo cáo “Toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam năm 2021”.
Xem báo cáo đầy đủ tại đây.
Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
*Nguồn: Brands Vietnam