Marketer Nguyễn Văn Thăng Long
Nguyễn Văn Thăng Long

Senior Lecturer - Professional Communication @ RMIT University, Vietnam

Mua sắm trong hoảng loạn: Vì đâu nên nỗi? 

Mua sắm trong hoảng loạn: Vì đâu nên nỗi? 

Việc mua sắm tích trữ vì hoảng loạn diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Không chỉ đã từng diễn ra ở Việt Nam hay gần đây là Trung Quốc, mà điều này đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Mua sắm tích trữ vì hoảng loạn là gì? 

Mua sắm tích trữ vì hoảng loạn là hành vi mua sắm một cách không cẩn thận, ít có suy tính. Mua sắm tích trữ vì hoảng loạn được phân làm 2 loại: mua sắm bốc đồng (Impulsive Buying)mua sắm do tâm lý sợ thiếu thốn (Obsersive Buying).

Đặc điểm của Impulsive Buying là không dự tính trước, mua một cách bất ngờ và không có sự liên tục. Trong khi đó, Obsersive Buying xuất phát từ nỗi sợ thiếu thốn và thua thiệt so với người khác. Hành vi mua sắm này thường đến từ cảm giác thiếu hụt, trống vắng khi người tiêu dùng nhìn thấy hành động của những người xung quanh trong một thời điểm hay thời gian nhất định mà nảy sinh hành vi mua sắm. Điều này chủ yếu đến từ tâm lý lo lắng, đồng thời cũng đến tự cảm giác không chịu thua thiệt. Vì thế, khi sở hữu được sản phẩm/ dịch vụ nào đó sẽ khiến người mua cảm thấy an tâm, thà mua lầm còn hơn bỏ lỡ. Dù là vì lý do gì đi nữa thì cũng được xem là hành vi mua sắm trong hoảng loạn, không bền vững và có nhiều tác hại hơn là lợi ích cho cả cá nhân và cộng đồng. 

Mua sắm trong hoảng loạn: Vì đâu nên nỗi? 

Nguồn: istockphoto

Việc mua sắm tích trữ vì hoảng loạn diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Không chỉ đã từng diễn ra ở Việt Nam hay gần đây là Trung Quốc, mà mua sắm tích trữ vì hoảng loạn đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ, vốn được thiết kế vận hành trong thời kỳ bình thường ít biến động trở nên dễ tổn thương, và bất cứ sự thay đổi nào cũng làm tăng nổi sợ hãi trong việc thiếu hụt hàng hoá. Do đó, xu hướng tích trữ thực phẩm và hàng thiết yếu đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán tăng nóng trong thời gian gần đây, hay phong trào mua đất đầu tư tạo các “cơn sốt giá” cũng là biểu hiện của hành vi mua sắm trong hoảng loạn. Nhiều người vì tâm lý sợ bỏ qua các mã chứng khoán tiềm năng, khu đất đẹp nên cũng chạy theo đầu tư. Họ thường hành động theo cảm xúc, bị dẫn dắt bởi thông tin thiếu kiểm chứng, nên sẽ dễ rơi vào tình trạng mua nhanh bán vội và thiệt hại nặng. 

Nguyên nhân của việc mua sắm tích trữ vì hoảng loạn

FOMO (The Fear of Missing Out)

Tâm lý không muốn bị bỏ lại phía là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi mua sắm hoảng loạn. Họ mua sắm chủ yếu để thoả mãn và cảm thấy an tâm hơn là xuất phát trực tiếp từ nhu cầu sử dụng. Trong tình huống bình thường, hầu hết mọi người đều khá bình tĩnh, tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước những quyết định mua sắm của mình. Nhưng khi họ quan sát xung quanh, nhìn thấy ai cũng mua sắm số lượng lớn và tích trữ đề phòng, thì sự kiên nhẫn sẽ bắt đầu bị mai một. Thêm vào đó, một khi tình trạng khoe của, cảnh báo xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều sẽ tác động đến tâm lý sợ thua thiệt, dẫn tới hành vi mua sắm tích trữ hay hoảng loạn mua hàng mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Mua sắm trong hoảng loạn: Vì đâu nên nỗi? 

Nguồn: Unsplash

Như ở Úc vào đầu mùa dịch COVID-19, khi thấy những người xung quanh ồ ạt mua hàng tích trữ, hình ảnh các kệ siêu thị trống trơn được lan truyền trên mạng xã hội, các kênh truyền thông, nên người dân cũng kéo ra siêu thị mua giấy vệ sinh, đồ hộp, đồ dùng vệ sinh cá nhân... chất đầy nhà. Mặc dù, nếu tính theo tần suất sử dụng bình thường thì có thể mất 1-2 năm mới dùng hết số đồ dự trữ đó. 

Hành vi đám đông (Collective Actions)

Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh con người dễ mất đi khả năng suy luận, cân nhắc thiệt hơn nếu hoà mình vào đám đông. Khi một người nằm trong một tập thể, thì hầu như ý chí của người đó cũng bị cuốn theo xu hướng của tập thể đó. Vì thế, trong lĩnh vực bất động sản, người bán sẽ cố gắng tập trung nhiều người có khả năng mua lại, nhằm nâng cao khả năng bán đất hay căn hộ. Bởi vì, khi một người nhìn thấy những người xung quanh mình lần lượt “chốt deal”, thì họ cũng sẽ nảy sinh mong muốn mua hàng, vì sợ giá nhà đất sẽ tiếp tục “leo thang” hoặc mất đi vị trí đắc địa.

Tác động của xã hội xung quanh

Tâm lý không muốn thua thiệt so với những người xung quanh và thích thể hiện bản thân cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi mua sắm hoảng loạn. Ngày nay, nhiều người có xu hướng khoe sự thành công, giàu có của bản thân lên mạng xã hội. Điều này vô tình khiến người khác cảm thấy áp lực, tự ti. Họ tự so sánh bản thân với những người giàu có và thành công hơn, rồi cảm thấy thua kém, tự ti. Điều này kích hoạt cơ chế mua sắm mà không suy tính của họ nhằm áp chế nỗi sợ thua thiệt và tâm trạng bất an, giúp họ cảm thấy mình kiểm soát được tình hình.

Vai trò của truyền thông 

Mua sắm trong hoảng loạn: Vì đâu nên nỗi? 

Nguồn: baodantoc

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc gỉải toả hay gia tăng tâm lý người tiêu dùng trong hành vi mua sắm tích trữ trong hoảng loạn. Tần suất xuất hiện của các thông tin về thị trường, xã hội tác động rất lớn tới việc mua sắm. Những thông tin xoay quanh việc tăng liên tục của thị trường chứng khoán thời gian gần đây đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đã ảnh hưởng đến nhiều người. Hay những chia sẻ trên mạng xã hội về việc làm gì cũng không lời bằng đầu tư chứng khoán hay môi giới đất đai, những tấm gương thành công (ảo) bằng nghề tay trái cũng khiến cho phong trào đầu tư chứng khoán, đất đai tăng cao. Tần suất xuất hiện dày đặc làm người ta hốt hoảng, tâm lý vội mua vội bán bùng lên mạnh mẽ.

Ngoài ra, những hình ảnh trái ngược giữa các kênh truyền thông chính thống (TV, báo chí) và phi chính thống (mạng xã hội) về thông tin thị trường cũng làm cho tâm lý người dân hoang mang. Xu hướng nghe ngóng các thông tin bên lề chưa được kiểm chứng ngày càng gia tăng. Khi thiếu thông tin tin cậy hoặc không được phổ biến kịp thời, công chúng trở nên hoang mang hay thiếu tin tưởng, làm giảm hiệu quả của thông điệp bình tĩnh mua sắm cần có.

Làm sao để giảm tâm lý mua sắm trong hoảng loạn?

Tỉnh táo: Hãy luyện cho mình thói quen suy nghĩ kỹ trước khi hành động, tỉnh táo trước mọi quyết định và “tâm bất biến giữa vòng đời vạn biến”. Điều này giúp bạn hình thành phản xạ tự đặt ra câu hỏi cho bản thân trước những quyết định mua sắm một món đồ giá trị: “Liệu mình có thực sự cần đến nó hay không?”, “Liệu mình đã phân tích rõ những lợi ích và rủi ro hay chưa?”, “Mình đã có đầy đủ thông tin hay chưa?”, “Các tiêu chí mà mình lựa chọn có phù hợp không?”. Một khi bạn đủ tỉnh táo để tự đặt câu hỏi cho bản thân, những quyết định mang tính cảm xúc sẽ dần bị lý trí lấn áp.

Mua sắm trong hoảng loạn: Vì đâu nên nỗi? 

Nguồn: Unsplash

Có kế hoạch mua sắm rõ ràng: Bạn nên có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân tốt, phân bổ ngân sách cho các mục cần chi tiêu, đầu tư theo hướng đa dạng hoá nhằm giảm rủi ro. Khi đó, bạn sẽ ít bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm do FOMO hay giảm rủi ro khi quyết định mua sắm sai lầm.

Chọn lọc thông tin: Đôi khi, quyết định mua sắm của bạn bị ảnh hưởng bởi hành vi và lời nói của những người xung quanh. Do đó, bạn nên chọn đối tượng và chủ đề cần thảo luận để hạn chế tần suất xuất hiện của thông tin về sản phẩm/dịch vụ. Bạn nên chọn lọc các nguồn thông tin chính thống và những người có kinh nghiệm để có góc nhìn khách quan, đúng đắn hơn, thay vì các nhóm tự phát, những người thiếu chuyên môn với thông tin mập mờ, không có cơ sở. 

Bạn cũng cần nắm bắt thông tin về sản phẩm/ dịch vụ mà mình muốn mua sắm, về tình hình kinh tế – xã hội. Khi đó, bạn có thể phân tích dễ dàng hơn, tự tin hơn vào bản thân và ít bị ảnh hưởng bởi đám đông trong việc ra quyết định mua sắm.