Marketer Le Linh
Le Linh

Senior Integrated Planning Manager @ Wavemaker

Media agency: Bạn đã hiểu rõ và chuẩn bị đủ hành trang?

Media agency: Bạn đã hiểu rõ và chuẩn bị đủ hành trang?

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, việc lên một bản Media Planning chỉn chu đòi hỏi planner phải là một người nắm vững kiến thức và trang bị nhiều kỹ năng từ kinh nghiệm “thực chiến” với những con số, dữ liệu.

 Bài viết là một phần nội dung trong buổi chia sẻ của tôi tại sự kiện webinar Passport To Marketing #2: The World of Agencies do Brands Vietnam tổ chức trong 2 ngày 15-16/4 vừa qua.

Media thực chất là gì? Media agency làm những công việc gì?

Theo tôi, Media đơn giản là công cụ để đưa những thông điệp của thương hiệu tới khán giả. Media có nhiều hình thức, bao gồm 2 nhóm kênh chính: (1) kênh truyền thống như TV, báo chí, OOH và radio và (2) kênh digital. Nhóm kênh digital vẫn đang phát triển hàng ngày và dần kết hợp với các kênh truyền thông để thực hiện mục tiêu truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng.

Vậy Media agency đóng vai trò như thế nào trong thế giới Agency?

Tôi cho rằng về mặt chức năng, media agency sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch và đặt mua các dịch vụ quảng cáo của các kênh truyền thông dựa trên sự thấu hiểu về insight người tiêu dùng, hành vi sử dụng các kênh truyền thông của họ để đưa đúng thông điệp đến đúng đối tượng trên đúng kênh vào đúng thời điểm.

Các kênh media digital dần kết hợp với các kênh truyền thông để truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng. Nguồn: HenkinSchultz.

Một khía cạnh khác mà tôi nghĩ sẽ khá hữu ích cho các bạn trẻ mới ra trường, muốn tìm hiểu về ngành media là cấu trúc của Media agency. Thông qua sơ đồ này, các bạn cũng có thể hình dung được những hoạt động và quy trình làm việc cơ bản.

Một media agency cơ bản sẽ bao gồm bộ phận Planning Lead tiếp nhận thông tin từ phía Client và các bộ phận nghiên cứu, triển khai các giải pháp theo yêu cầu của client gồm: Buying, Digital & Performance, Trading và Media Research. Cụ thể, khi nhận được nhu cầu từ phía thương hiệu, bộ phận Planning Lead sẽ làm việc chủ yếu với 2 phòng ban Buying, Digital & Performance để lên kế hoạch triển khai chi tiết.

Phân tích sâu hơn, Buying là bộ phận tập trung quảng bá ở những kênh truyền thống như TV, OOH, báo chí, radio. Với các nền tảng truyền thống, các bạn sẽ làm việc với các nhà đài như HTV, VTV, Đài truyền hình Vĩnh Long, các đầu báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Nhóm Digital & Performance sẽ phụ trách phân phối các thông điệp truyền thông, mẩu quảng cáo ở kênh digital như Facebook, YouTube, TikTok, Local Ad-Network. Ngoài ra, với các kênh truyền thông Digital, các bạn sẽ làm việc với các đối tác như Kênh 14, VnExpress, Tuổi Trẻ Online. Nhìn chung, đây là những nền tảng truyền thông phổ biến và các Media planner cần nắm vững kiến thức căn bản để có thể lên kế hoạch một cách tối ưu nhất.

Sơ đồ vận hành tại Media agency. Nguồn: Wavemaker.

Song song đó, phòng Trading và Media research sẽ tập trung nghiên cứu, cung cấp các ưu đãi cũng như thông tin chung về bối cảnh để hỗ trợ cho việc lên kế hoạch triển khai của bộ phận Buying, Digital & Performance. Cụ thể, bộ phận Trading sẽ làm việc với các bên cung cấp dịch vụ để đưa ra những lợi ích chiến lược hơn cho Client (chiết khấu cao hơn theo khối lượng, những dịch vụ hỗ trợ thêm, ưu tiên sản phẩm mới...). Bộ phận Research sẽ làm việc trực tiếp với các nhóm đối tượng mục tiêu để thu thập, phân tích dữ liệu về media trend và media consumption để đưa ra những đề xuất về media hợp lý nhất cho client.

Hành trang công việc của một Media planner

Từ các khía cạnh cơ bản của loại hình Media agency, vậy các bạn trẻ muốn bước chân vào ngành media planning sẽ cần chuẩn bị những gì? Theo tôi, để triển khai tốt các dự án marketing trên phương tiện truyền thông đại chúng, Media planner cần những tố chất sau:

  • Tư duy logic, xử lý dữ liệu nhạy bén là 1 lợi thế. Điều này không có nghĩa bạn phải là thần đồng toán học, mà bạn cần hiểu số liệu này thể hiện điều gì, bạn nhận ra được insight nào từ số liệu đó, và nên đề xuất kế hoạch truyền thông nào dựa vào số liệu đó…
  • Linh hoạt và kỹ năng giải quyết vấn đề: Để thấu hiểu được nhu cầu người tiêu dùng, planner cần sự tinh tế và linh hoạt. Tinh tế để dễ dàng nhìn nhận và đánh giá được suy nghĩ, linh hoạt để thay đổi phù hợp dưới góc nhìn của người tiêu dùng chứ không phải của nhãn hàng.
  • Nắm bắt xu hướng về dịch vụ khách hàng, tức là bạn cần lên lộ trình kế hoạch cho một dự án. Ví dụ, để phát sóng một TVC, bạn cần bám sát và nhắc nhở Client gửi giấy phép đăng ký doanh nghiệp, video quảng cáo… đúng mốc thời gian đưa ra trước khi phát sóng.
  • Nỗ lực không ngừng và trang bị kĩ năng phục hồi, nghĩa là bạn cần cập nhật xu hướng liên tục trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, vượt qua những áp lực công việc. Một Media planner cũng cần trau dồi tư duy sáng tạo. Khi bắt tay vào các chiến dịch, bạn luôn cần những ý tưởng độc đáo, “hay ho” ngay từ đầu.

Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm thông tin tham khảo về hình thức Media agency và hành trang cần thiết để bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này. Ngoài việc học hỏi các bí quyết hay cập nhật xu hướng mới về ngành Media, các bạn hãy dành thời gian rèn luyện bản thân ngay từ những hành động đơn giản nhất hằng ngày. Với đam mê và nỗ lực, con đường sự nghiệp của các bạn sẽ vững vàng, và các bạn sẽ luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách mới, công việc mới.

Xem lại toàn bộ nội dung sự kiện tại đây.