Biên tập bài viết – Phép màu biến bản nháp thành nội dung triệu đô
Các tòa soạn, đơn vị xuất bản luôn có đội ngũ biên tập viên riêng. Họ là những phù thủy lão luyện, với khả năng hô biến bài viết bình thường trở nên xuất sắc. Tuy nhiên, với công việc viết lách tự do, bạn vừa là người viết, vừa là biên tập viên. Vì thế, không cách nào khác, bạn buộc phải thành thạo cả kỹ năng viết và biên tập bài viết.
Sức mạnh của phép màu biên tập bài viết
Mình thường hỏi các cây viết về việc phân bổ thời gian hoàn thành một bài viết. Hầu hết các bạn đều nói rằng khâu biên tập tốn não và thời gian chẳng khác gì viết mới. Mình hoàn toàn hiểu điều này.
Biên tập không đơn giản chỉ là sửa lỗi chính tả, lặp từ, chỉnh lại diễn đạt vài câu văn. Biên tập là quá trình thay da đổi thịt cho bài viết. Nếu viết giống như bước tạo hình gốm thì biên tập chính là bước trang trí hoa văn và tráng men, để cuối cùng ta có được một chiếc bình hoa đẹp.
Đây là một ví dụ về sự lột xác sau khi biên tập bài viết. Bạn có nhận ra sự khác biệt không? Không đơn thuần chỉ là nội dung triển khai cứng nhắc theo chủ đề được giao nữa, bài viết đã được phủ vẽ chất văn để thêm mượt, thêm thấm vào tâm tư độc giả. Ý tứ và lối diễn đạt cũng mạch lạc, rõ ràng hơn rất nhiều. Đó là lý do biên tập chính là phép màu nhiệm kỳ trong viết lách.
Thần chú giúp bạn trở thành phù thủy biên tập
Vậy làm cách nào để bạn sở hữu được phép màu đó? 5 câu thần chú dưới đây có thể không giúp bạn trở thành biên tập viên xuất sắc nhưng chắc chắn sẽ hữu ích cho công việc tự biên tập của bạn.
Viết – Nghỉ ngơi – Biên tập
Khi bạn ngừng làm việc, bộ não vẫn tiếp tục hoạt động. Nó vẫn miệt mài xử lý thông tin mà bạn đã nạp vào trong quá trình đọc và viết. Đó là lý do những ý tưởng tuyệt vời nhất thường lóe sáng trong lúc bạn tắm, làm việc nhà hoặc đi vệ sinh.
Vì vậy, đừng vội vàng biên tập ngay sau khi viết. Hãy cho bộ não của bạn một chút khoảng trống để sắp xếp lại dữ liệu. Có thể là vài phút, vài giờ thư giãn hoặc thực hiện công việc khác rồi sau đó quay trở lại với con chữ. Lúc này, bạn sẽ bất ngờ nhận ra tâm trí mình sáng rõ ngần đến ngần nào.
Sử dụng checklist biên tập
Quá trình biên tập gồm nhiều công đoạn. Trong đó, bạn cần chỉnh sửa cả nội dung và hình thức, tức là bài viết, cách trình bày và hình ảnh minh họa. Đó là lý do mình luôn sử dụng checklist biên tập để không bỏ sót bất kỳ bước nào khi biến hóa bài viết.
Đây là checklist biên tập mình thường sử dụng, với tất cả kinh nghiệm cá nhân sau thời gian làm biên tập viên cho một dự án sức khỏe cộng đồng. Checklist tổng hợp 8 yếu tố và hơn 30 câu hỏi để bạn tự đánh giá và chỉnh sửa bài viết. Nghe có vẻ nhiều nhưng khi đã quen, checklist này sẽ ngấm vào tư duy và quay lại dẫn đường cho bạn trong giai đoạn viết. Lúc đó, bạn không cần tiêu tốn nhiều thời gian và chất xám cho khâu biên tập nữa.
Chẳng hạn, mình luôn căn chỉnh lề, phông chữ, cỡ chữ và khoảng cách dòng trước khi viết. Trong quá trình viết, mình chú ý căn chỉnh thống nhất đề mục và các gạch đầu dòng. Nhờ đó, sau khi viết xong, bài viết đã có hình thức gọn gàng, đẹp mắt. Mình không bao giờ phải đau đầu vì nội dung chất lượng nhưng trình bày lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp nữa.
Checklist biên tập dành riêng cho cây viết về sức khỏe sẽ được phát hành vào 27/4/2022. Đừng bỏ lỡ ưu đãi pre-order để nhận được checklist với giá 99.000 VNĐ (giá gốc 149.000 VNĐ), bạn nhé!
Đọc to thành tiếng khi biên tập
Trong quá trình tìm đọc tài liệu, bạn nên sử dụng kỹ thuật đọc bằng mắt để cải thiện tốc độ đọc. Tuy nhiên, khi biên tập bài viết, đọc to thành tiếng lại hiệu quả hơn. Đọc to giúp bạn dễ dàng phát hiện lỗi sai và thiếu sót trong bài viết. Cách này đặc biệt hiệu quả khi bạn cần biên tập lỗi chính tả và diễn đạt lủng củng.
Biên tập trong không gian yên tĩnh
Bạn có nghe nhạc trong lúc viết không? Mình thường bật nhạc nhẹ nhàng, nhạc không lời hoặc những âm thanh thiên nhiên trong quá trình viết. Âm nhạc giúp mình viết nhanh và tập trung hơn. Tuy nhiên, giai điệu trầm bổng và lời bài hát lại khiến mình phân tâm khi biên tập nội dung. Bởi lẽ lúc này, mình cần lắng nghe giọng đọc và tiếng nói phản hồi bên trong não bộ. Do đó, khi biên tập, mình sẽ chọn không gian yên tĩnh và hạn chế tối đa tiếng ồn từ môi trường xung quanh.
Biên tập một bài viết nhiều lần
Có phải bài viết dở quá nên cần biên tập nhiều lần hay không? Không đâu, bạn có thể chỉnh sửa bài viết 1 lần, 2 lần, thậm chí 3 – 4 lần. Không sao cả, đó không phải dấu hiệu của bài viết kém chất lượng. Khi chúng ta phát triển, bài viết cũng cần “trưởng thành” và nâng cấp hơn. Vì thế, bạn hoàn toàn có thể biên tập lại bài viết nhiều lần, sau vài ngày, vài tuần hoặc vài năm.
Tiến lên không phải lúc nào cũng cần nghĩ ra những ý tưởng mới lạ, độc đáo. Tiến lên có thể đơn giản là cải thiện những điều đã cũ và trở thành phiên bản tốt hơn so với ngày hôm qua.
Biên tập bài viết không phải công đoạn dễ dàng. Bạn cần tư duy, nghiền ngẫm, đánh bóng, thậm chí cắt gọt, thay đổi nội dung ban đầu. Tuy nhiên, sự đầu tư đó đáng giá và cần thiết để hô biến bản nháp thô sơ thành bài viết giá trị. Hãy dành thời gian biên tập, bạn sẽ nhận ra phép màu này có sức mạnh đến nhường nào.