Brands Update W15/2022: Baskin-Robbins đổi nhận diện thương hiệu, Elon Musk muốn mua Twitter

Brands Update W15/2022: Baskin-Robbins đổi nhận diện thương hiệu, Elon Musk muốn mua Twitter

Cùng điểm qua những sự kiện nổi bật trong tuần qua: Logo mới của Baskin-Robbins lấy cảm hứng từ quảng cáo đầu tiên của thương hiệu vào năm 1953; CEO Tesla nói rằng Twitter có tiềm năng phi thường và ông sẽ là người khai phá điều này… và nhiều tin thú vị khác.

Baskin-Robbins tái thiết kế nhận diện thương hiệu

Ngày 11/4, Baskin-Robbins bất ngờ thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Logo mới của hãng kem là sự kết hợp giữa màu nâu – hồng và xanh – trắng. Nổi bật ngay giữa là số 31 tương trưng cho 31 hương vị kem làm nên tên tuổi của thương hiệu. Phông chữ đổi thành Serif với đuôi chữ “R” cong nhẹ lên gợi nhớ về kết cấu mềm dẻo của kem. Được biết, thiết kế hoàn niệm lấy cảm hứng từ quảng cáo đầu tiên của thương hiệu vào năm 1953. Qua đó, Baskin-Robbins muốn nhắc nhở khách hàng về thời thơ ấu cùng tận hưởng món kem với cha mẹ hoặc ông bà.

Elon Musk tham vọng mua Twitter

Trong thư gửi hội đồng quản trị Twitter, vị CEO Tesla cho biết ông tin rằng Twitter "sẽ không phát triển mạnh cũng như không phục vụ tự do ngôn luận nếu giữ mô hình hiện tại. Twitter cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân". Twitter cũng đề nghị ông giữ một vai trò trong HĐQT sau khi tỷ phú này công bố sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Twitter.

Theo đó, Elon Musk dự kiến trả 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu Twitter. Như vậy, để hoàn thành thương vụ, ông có thể phải chi trả đến 43 tỷ USD. Dù vậy, chuyên gia Adam Crisafulli tại Vital Knowledge đánh giá mức 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu Twitter là "quá thấp" để cổ đông hay HĐQT chấp nhận bởi mã này từng đạt 70 USD cách đây gần một năm.

Nguồn: Salon.com

Honda đầu tư 40 tỷ USD làm xe điện

Ngày 12/4, Honda công bố đầu tư 5000 tỷ yên (40 tỷ USD) trong ngân sách 8000 tỷ yên dành cho R&D của tập đoàn, để phát triển công nghệ xe điện trong thập kỷ tới. Hãng xe có kế hoạch tung ra 30 mẫu xe điện đến năm 2030 với số lượng sản xuất 2 triệu xe/năm. Mục đích là để xe điện chiếm 40% portfolio sản phẩm của hãng vào cuối thập kỷ này. Định hướng trên được đưa ra trong bối cảnh công ty đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để giảm 10% toàn bộ chi phí chế tạo ô tô so với mức năm 2018.

Nguồn: Cafebiz

Masan phát triển mô hình “mini-mall” để tiếp cận hiệu quả NTD ở nông thôn

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Masan đặt mục tiêu doanh thu là 90.000-100.000 tỷ đồng trong năm nay, cao hơn năm 2021 là 1,6-12,9%. Để làm được, Masan dự kiến tăng tốc chiến lược Point of Life, và nhân rộng mở rộng cửa hàng mini mall. Tập đoàn dự kiến mở thêm 30.000 cửa hàng mini mall trước năm 2025.

Theo Masan, mô hình mini mall sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% lên 60–80%. Bởi, mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm thuần tuý không mang lại hiệu quả kinh tế nếu triển khai ở khu vực nông thôn – nơi tập trung phần lớn người tiêu dùng. Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan, cho biết: “Mini mall là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và mở rộng quy mô nền tảng từ online đến offline. Đây còn là lời giải cho bài toán làm sao phục vụ được 100 triệu người tiêu dùng mà không cần ‘đốt tiền’ như các sàn eCommerce”.

Ông Nguyễn Đăng Quang
Nguồn: Meeyland

Startup bán hàng hiệu giảm giá Leflair tái cấu trúc

Công ty mẹ SoPa tuyên bố hoàn thành tái cấu trúc Leflair. Tên Leflair được đổi thành Leflair Group (viết tắt là LFG). SoPa tập trung phát triển nền tảng Leflair thành một hệ sinh thái bán lẻ và tiếp thị trong phân khúc hàng hiệu và lifestyle rộng khắp Đông Nam Á. Chiến lược này nhằm gia tăng tính kết nối giữa người dùng với các thương hiệu hàng đầu thế giới và khu vực trên nền tảng Leflair. Leflair Group cũng sẽ tiếp tục mở rộng việc đàm phán M&A nhằm mua lại các nền tảng liên quan đến bán lẻ trực tuyến, sản phẩm lifestyle…

Về nhân sự, ông Loic Gautier - Đồng sáng lập sàn TMĐT Leflair hồi 2015, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành Leflair Group. Bên cạnh đó, bà Ngô Thị Châm – Giám đốc điều hành Leflair sẽ đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc vận hành (COO) của Leflair Group.

Ông Loic Gautier và bà Ngô Thị Châm

VNPAY gia nhập thị trường viễn thông

Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam (thuộc VNPAY) được cấp phép cung cấp mạng viễn thông di động ảo trên toàn quốc. Theo giấy phép, Digilife được thiết lập mạng viễn thông di động ảo trong vòng 10 năm (đến hết 31/3/2032). Được biết, Digilife là nhà mạng ảo thứ 3 tại Việt Nam bên cạnh I-Telecom và Reddi.

Nguồn: Vietnam Finance

Intel bổ nhiệm Giám đốc Điều hành mới cho khu vực châu Á

Tập đoàn Intel bổ nhiệm bà Alexis Crowell làm Giám đốc Điều hành cho khu vực châu Á gồm thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand. Bà Alexis hiện tại đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Mảng Bán hàng, Tiếp thị và Truyền thông của Intel.

Với chức vụ mới, bà Crowell sẽ phụ trách các hoạt động nhằm củng cố nền tảng vững chắc của Intel trong khu vực, thông qua hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của khách hàng. Từ đó thúc đẩy tương tác sâu hơn với hệ sinh thái các lập trình viên địa phương.

Bà Alexis Crowell
Nguồn: ictVietnam

Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Tổng hợp