Content Writer và Designer, phản hồi hiệu quả để “tác chiến” thuận lợi
Công việc của Content Writer gắn chặt với Designer như răng với lợi khiến tần suất “va chạm” với nhau tương đối lớn. Để giảm thiểu nguy cơ bùng nổ “nội chiến” với Designer và thuận lợi cùng nhau tác chiến, Content Writer cần làm gì?
Trước khi bắt đầu viết bài chia sẻ này, mình đã làm một cuộc khảo sát quy mô nhỏ với 5 bạn Designer để hỏi về những vấn đề vướng mắc giữa Content Writer và Designer. Mình đã không quá ngạc nhiên khi nhận được các phản hồi của họ. Tuy nhiên, điều làm mình thấy khá thú vị là ngay cả những bạn Designer mình đánh giá là có khả năng giao tiếp và thể hiện quan điểm tốt trong công việc dường như vẫn khá bế tắc hoặc chọn buông xuôi khi làm việc với Content Writer.
Họ nói rằng họ đã cố gắng phản hồi nhưng mọi chuyện đâu lại vào đó, và họ thường thoả hiệp để không làm ảnh hưởng tới quan hệ đồng nghiệp. Đây chính là lý do mình quyết định viết bài chia sẻ này hướng tới các bạn Content Writer, những người có phần “mạnh mẽ hơn”, “biểu đạt ngôn từ tốt hơn” những bạn Designer.
Content Writer dấn thân vào “cuộc nội chiến” với Designer như thế nào?
Trong một phòng Marketing, nếu như Content Writer là người sản xuất câu chữ thì Designer chính là người chuyển hoá phần câu chữ đó sang hình ảnh nhằm thu hút khách hàng, giúp họ dễ dàng tiếp nhận thông điệp truyền thông và có cái nhìn ấn tượng hơn về thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, để có một sản phẩm truyền thông hoàn chỉnh, Content Writer và Designer luôn đối mặt với nguy cơ xảy ra “nội chiến”. Một số hành vi xuất phát từ Content Writer dưới đây có thể là điểm “châm ngòi” thuận lợi cho việc phát nổ:
Điểm châm ngòi số 1: Brief (đề bài) không có hoặc sơ sài
Content Writer quăng một file toàn chữ và chữ nhưng không diễn đạt cho Designer biết tone, mood ra sao, sử dụng cho mục đích gì, đăng tải trên kênh truyền thông nào... Đề bài không rõ ràng ngay từ đầu cũng dẫn tới việc phát sinh điểm châm ngòi đính kèm là “thay đổi brief liên tục”. Sửa mãi sửa mãi, Designer nhìn lại chắc không còn thấy mối liên hệ nào giữa bản đầu và bản được duyệt nữa. Lỗi này không chỉ làm mất thời gian, giảm hiệu quả công việc mà còn gây ra áp lực đối với Designer, đẩy họ vào cuộc chiến với Content Writer.
Điểm châm ngòi số 2: Sản phẩm “nhà người ta”
Một ngày đẹp trời, Designer mở bảng order thiết kế và thấy hình ảnh của một brand nào đó xuất hiện trước mặt. Content Writer “lạnh lùng” để lại dòng nhắn nhủ: yêu cầu làm theo y hệt, trừ text. Làm mãi, làm mãi đến khi trả sản phẩm thì Content Writer phản hồi: không giống hình mẫu em gửi anh ơi.
“Giống làm sao được mà giống. Brand khác nhau, nguyên liệu thiết kế khác nhau, lượng chữ nghĩa khác nhau thì sao mà ra sản phẩm giống nhau được. Tôi làm thiết kế chứ có làm nghề chép tranh đâu”, Designer nghĩ.
Điểm châm ngòi số 3: Phản hồi trên trời
“Chị thấy chỗ này không ổn”, “Nhìn thiết kế này chưa đã”, “Chưa hợp với brand em ơi”, “Em nhìn chỗ này nó cứ thế nào ấy”...
Việc các Content Writer dùng từ ngữ không rõ ràng để phản hồi một sản phẩm có hình ảnh, bố cục, màu sắc rõ ràng... có thể khiến Designer cảm thấy bùng nổ vì họ không hình dung ra được bạn muốn sửa cái gì.
Điểm châm ngòi số 4: Can thiệp quá sâu vào khâu thiết kế
Content Writer sẽ cảm thấy thế nào nếu Designer hay Kế toán nhìn chòng chọc vào bài viết của bạn rồi bảo: Đặt dấu chấm chỗ này, dấu phẩy chỗ kia? Câu này sao cụt thế, diễn đạt kiểu này thấy kì kì sao ấy?... Hẳn là bạn sẽ thấy khó chịu, việc ai thì người đó làm, có phải chuyên môn của mình đâu mà ý kiến?
Ấy vậy mà một số Content Writer lại dùng đúng cách đó để “đối xử” với Designer, nhảy vào để chỉ đạo cách họ thiết kế: “Chị ơi em thấy chữ này đặt chỗ này đẹp hơn”; “Thay màu đỏ đi chị, màu xanh nhìn không nổi bật”... ngay khi họ đang làm việc.
Làm thế nào để Content Writer “tác chiến” thuận lợi cùng designer?
Công việc của Content Writer gắn chặt với Designer như răng với lợi khiến tần suất “va chạm” với nhau tương đối lớn. Để giảm thiểu nguy cơ bùng nổ “nội chiến” với Designer và thuận lợi cùng nhau tác chiến, Content Writer có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây:
Giải pháp số 1: Tránh chạm vào 4 điểm châm ngòi
- Đưa ra brief rõ ràng, đầy đủ thông tin nhất có thể: Designer là người tư duy hình ảnh tốt hơn con chữ, đừng mặc định họ đủ thông thái để rồi bắt họ đoán ý của bạn dựa trên những gì bạn viết. Họ không hiểu, hoặc nếu có thể hiểu thì chưa chắc đã đúng ý bạn muốn truyền tải.
- “Học hỏi có chọn lọc”: Sản phẩm nhà người ta đẹp nhưng không có nghĩa là áp dụng sang brand của mình cũng đẹp. Học cách nhìn nhận thực tế và lắng nghe cách tiếp cận của Designer đối với sản phẩm mẫu để đưa ra phản hồi có hiệu quả.
- Phản hồi có hiệu quả: Nhận xét trên tầng ý tưởng trước, lắng nghe nhau để hiểu Designer đang tư duy như thế nào. Bạn thấy chỗ nào chưa được thì chỉ rõ cho Designer hiểu. Chưa ổn là chưa ổn chỗ nào, màu sắc hay hình ảnh; Chưa đã là chưa đã chỗ nào, chi tiết nào khiến bạn chưa đã... Hãy nhớ rằng mình đang phản hồi để xây dựng trên nền móng của brief, không phải dùng cái tôi cá nhân để đè bẹp ý tưởng của người khác.
- Tôn trọng chuyên môn của nhau: Bạn có thể góp ý, nhưng hãy góp ý khi Designer đã sẵn sàng đưa sản phẩm của họ cho bạn xem, tham gia vào quá trình thiết kế bằng một thái độ tôn trọng chuyên môn.
Giải pháp số 2: Hiểu đồng đội của mình
Không phải chỉ người quản lý hay cấp lãnh đạo mới cần kỹ năng thấu hiểu nhân sự, nhân viên với nhân viên cũng luôn cần sự thấu hiểu lẫn nhau. Mình dám cam đoan rằng quá trình làm việc với Designer của Content Writer sẽ trôi chảy hơn rất nhiều nếu bạn hiểu được người đồng đội của mình.
- Hiểu về năng lực
Mỗi Designer sẽ có cấp độ năng lực chuyên môn và tư duy khác nhau. Có người chuyên về Web Designer, có người lại chuyên về Graphic Designer... Người có kiến thức về Marketing, người không có hoặc có nhưng rất cơ bản. Khi bạn hiểu được chuyên môn của đồng đội, bạn sẽ đưa ra một brief phù hợp với năng lực của họ. Khi bạn hiểu được mức độ tư duy của họ, bạn sẽ hiểu được vì sao họ làm ra một sản phẩm như vậy, từ đó lựa chọn cách tiếp cận để phản hồi có hiệu quả.
- Hiểu về cách họ phản ứng trước ý kiến của bạn (tính cách)
Có 3 kiểu phản ứng chính từ phía Designer khi họ bất đồng ý kiến với Content Writer mà mình thường thấy:
Kiểu 1 – Dĩ hoà vi quý: Không đồng tình với ý kiến phản hồi của Content Writer nhưng không nói ra, chỉ hậm hực trong lòng. Họ nhắm mắt bỏ qua vì lười tranh luận và sửa theo đúng yêu cầu. Kiểu này khá nguy hiểm vì sẽ kéo chất lượng công việc của đôi bên cùng đi xuống bởi phản hồi của Writer chưa hẳn đã đúng trong mọi trường hợp.
Kiểu 2 – Nhẹ nhàng phản hồi, góp ý với content writer theo quan điểm của mình: Nếu bạn Writer thấy hợp lý, thì chúng mình cùng tình thương mến thương, sửa với nhau. Nếu bạn writer khăng khăng không đồng ý thì không ý kiến nữa, sửa theo cho vừa lòng. Kiểu phản ứng này thực ra khá tốt cho cả Designer lẫn Writer trong việc cải thiện chất lượng công việc. Ngay cả khi kết quả không tốt thì cũng giúp cả hai rút kinh nghiệm và coi trọng ý kiến của đối phương trong các sản phẩm tiếp theo.
Kiểu 3 – Nhảy bổ lên ngay từ đầu, phản ứng rất gay gắt và chỉ trích gu thẩm mỹ cũng như tư duy hình ảnh của bạn Content Writer: Kiểu này thường dẫn tới cuộc “ẩu đả” nhanh chóng và “thương vong” nặng nề nhất. Chiến thắng thường nghiêng về bên nào lì đòn, nhiều sức hơn, thậm chí là “ô dù” to hơn.
Content Writer khi đã nhận dạng được người cộng sự của mình thuộc kiểu phản ứng nào thì bắt đầu lựa chọn cho bản thân cách phản hồi phù hợp. Mục tiêu cuối cùng là đạt được một sản phẩm cả hai cùng ưng ý và sát với brief nhất. Ví dụ với Designer kiểu 1, bạn có thể vận dụng kỹ năng thảo mai bằng một số câu khích lệ để làm tăng máu “cái tôi” của đồng đội lên, thúc đẩy họ phản ứng nhiều hơn với ý kiến của mình.
Giải pháp số 3: Nâng cao hiểu biết về thiết kế và tư duy hình ảnh
Khi bạn có kiến thức về thiết kế, bạn sẽ thuận lợi hơn khi trao đổi với Designer. Điều này giống như bạn và họ đang nói chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ.
Một kỹ năng quan trọng nữa mà mình nghĩ Content Writer cần rèn luyện đó là khả năng tư duy về hình ảnh. Trong quá trình làm việc cùng đội ngũ sáng tạo của phòng Marketing, không ít lần mình phải đứng ra phân xử hoặc trở thành thông dịch viên giữa bạn Content Writer và Designer. Một brief tốt đối với mình không chỉ dừng lại ở việc nó có idea mới mẻ, sát với mục tiêu truyền thông mà còn phải đảm bảo tính khả thi cho người đồng đội của mình.
Trước khi gửi một bản brief cho Designer, Content Writer hãy thử hình dung trong đầu brief của mình sẽ được thể hiện bằng các hình ảnh như thế nào? Liệu các hình ảnh đó có phù hợp hay không, tài nguyên hiện tại đáp ứng được yêu cầu này hay không? Đừng vội thử thách Designer, chúng ta còn cả một quá trình trao đổi ở phía sau để hoàn thiện sản phẩm. Nếu ngay từ đầu bạn đã đặt ra một đề bài bất khả thi cho Designer, sẽ rất khó để đôi bên có thể hoàn thành công việc.
Tuy nhiên bạn cần chú ý rằng, dù bạn am hiểu thì người có chuyên môn vẫn là Designer, bạn nâng cao hiểu biết để hiểu người đồng đội của mình chứ không phải để bắt bẻ hay tìm cách yêu cầu họ phục tùng bạn.
Phần kết của bài chia sẻ, mình gửi tặng bạn đọc bộ câu hỏi mình hay sử dụng để đánh giá một thiết kế của designer. Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn Content Writer vui vẻ hơn trong quá trình phối hợp công việc cùng Designer:
- Câu hỏi số 1: Có nhìn ra idea của bản thiết kế hay không?
- Câu hỏi số 2: Nếu có idea thì idea này có sát với brief hay không?
- Câu hỏi số 3: Đâu là creative angles (góc nhìn sáng tạo) của bản thiết kế này? Điều gì khiến người xem không rời mắt?
- Câu hỏi số 4: Bản thiết kế đã nhất quán với bản sắc thương hiệu hay chưa? (hệ thống nhận diện thương hiệu, tính cách, giá trị của thương hiệu)
- Câu hỏi số 5: Tính khả thi của bản thiết kế khi triển khai thực tế.
* Nguồn: Leng Keng Trà Đá