Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Thế giới Agency - Tưởng vậy mà không phải vậy

Thế giới Agency - Tưởng vậy mà không phải vậy

Liệu có phải làm việc ở Research Agency là suốt ngày “dò số”, còn Digital Agency chỉ phù hợp với người “high-tech”, hay PR Agency chỉ làm việc với báo chí? 

Brands Vietnam đã phỏng vấn nhanh các khách mời của sự kiện Passport to Marketing 2: The World of Agencies về những lầm tưởng của các bạn trẻ khi mới "chân ướt chân ráo" vào thế giới Agency.

“Passport to Marketing 2: The World of Agencies” là sự kiện miễn phí được tổ chức bởi Brands Vietnam, diễn ra online trong 2 ngày 15-16/04/2022. Sự kiện hội tụ 10 chuyên gia từ 10 loại hình agency, nhằm cung cấp cho các bạn trẻ đam mê và muốn tìm hiểu về thế giới Agency những thông tin nền tảng hữu ích, hỗ trợ các bạn trong hành trình định hướng nghề nghiệp của mình.

Thế giới Agency - Tưởng vậy mà không phải vậy

Media Agency: Bắt tay làm Planning ngay thời gian đầu làm việc?

Chị Lê Hoàng Thảo Linh, Senior Integrated Planning Manager, Wavemaker

Các bạn 1st jobber ứng tuyển vào bộ phận Planning tại Media Agency thường mong muốn được làm Media Planning ngay. Tuy nhiên, việc lên một bản Media Planning chỉn chu đòi hỏi Planner phải là một người vững vàng nhiều kỹ năng cứng. Theo tôi, bạn Planner phải có kiến thức nền tảng về Marketing để đọc hiểu brief của Client; biết cách lựa chọn kênh phù hợp cho chiến dịch với mức ngân sách tương ứng; theo dõi và tối ưu hiệu quả xuyên suốt chiến dịch… 

Để thuần thục những đầu việc trên, một Planner cần khoảng 1-2 năm tích luỹ kinh nghiệm thực chiến (Execution) và làm nhiều loại báo cáo Media (Reporting). Thành ra, trong mắt các bạn trẻ mới vào làm tại Media Agency, công việc thời gian đầu có vẻ “nhàm chán”, không được “fancy” như Planning. Kết quả là các bạn quyết định chuyển ngành chừng sau 9 tháng đến 1 năm. Các bạn chưa hình dung được rằng triển khai chiến dịch và làm báo cáo là 2 giai đoạn cần thiết với Media Planner. Chỉ khi thực sự “đụng”đến các công cụ truyền thông, làm quen với số liệu và hiểu ý nghĩa của chúng, Media Planner mới có thể xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh, và có tính khả thi cao. 

Digital Marketing Agency: Chỉ phù hợp với những người “high-tech”?

Chị Mai Hồng Ngọc, Co-founder & COO, DIGIGO

Giai đoạn đầu mới vào nghề, tôi cũng có những lầm tưởng phổ biến như bao bạn 1st jobber ngày nay. Tôi từng được một Digital Agency đề xuất vị trí thực tập nhưng đã từ chối với suy nghĩ rằng: “Công việc tại Digital Agency sẽ liên quan nhiều đến công nghệ”, nên không phù hợp với thế mạnh của bản thân là content, và viết lách. Do đó, tôi chọn vị trí xuất phát điểm là mảng PR.

Nhưng sau thời gian dài “lăn lộn” ở agency, tôi dần nhận thấy làm truyền thông ở mảng nào cũng không thể bỏ qua Digital khi hầu như ai cũng dùng Internet. Thậm chí, ngày nay các chiến dịch PR cũng sử dụng kênh online để truyền tải thông tin đến người dùng. 

Dĩ nhiên, mỗi loại hình agency sẽ có tính chất khác nhau, và mỗi người nên bắt đầu từ vị trí mà mình có thế mạnh. Tuy nhiên, bài học rút ra từ câu chuyện của tôi là không có sự tách bạch rạch ròi nào giữa các phương thức truyền thông, dù là Digital hay PR thì chúng đều là công cụ để truyền tải giá trị thương hiệu, thông điệp sản phẩm đến người tiêu dùng mục tiêu. Do đó, các bạn trẻ cũng phải cố gắng “cập nhật bản thân”, củng cố điểm mạnh, cải thiện điểm yếu thay vì né tránh để nắm bắt được những xu hướng và công cụ mới.

PR Agency: Làm PR là “cắm đầu” làm báo?

Anh Trần Nguyễn Đăng Vinh, CEO, SAM Communications

Theo quan sát của tôi, đa phần các bạn 1st jobber, đặc biệt là sinh viên chuẩn bị bước vào ngành PR thường nghĩ phạm vi công việc của PR Agency chỉ là làm việc với báo chí. Về cơ bản, đây chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh công việc của một PR Agency. 

Đúng là phần lớn công việc tại PR Agency sẽ xoay quanh mảng báo chí. Tuy nhiên, với sự giao thoa mạnh mẽ của các điểm chạm trong truyền thông cùng sự chuyển mình của các kênh Digital, PR Agency hiện nay cũng dần “chuyển mình” theo. Nhiều PR Agency hiện nay có đủ các bộ phận như Creative, Content, Design… để đáp ứng dòng chảy thị trường và mong muốn của Client. Như tại SAM Communications, nhiều dự án PR-lead bao gồm có các thành tố khác như Social, Creative… 

Và cuối cùng, tôi tin một chiến lược truyền thông muốn thành công cần sự tích hợp mạnh mẽ, theo đó, người làm PR cần phải đa nhiệm hơn để tránh tự “đào thải” khỏi dòng chảy thị trường.

Production House: Không có khái niệm “giờ hành chính”?

Chị Đồng Ngọc Tố Uyên, Co-founder & Executive Producer, Cheddar Asia

Các bạn chưa từng trải nghiệm môi trường Production House đều cho rằng công việc ở đây cũng tương tự các agency khác: “Sáng đi làm, tối đi quẩy”. Nhưng mà “hong bé ơi”, khi làm ở Production House, mỗi người đều phải luôn trong trạng thái sẵn sàng “chiến đấu”. 

Tôi ví dụ một trường hợp Client chốt thông tin vào buổi chiều muộn trong khi lịch quay là sáng hôm sau. Khi ấy, cả đội phải ráo riết chuẩn bị xuyên đêm để có một buổi quay chất lượng. Hay đôi khi đến gần ngày quay hình, Client quyết định điều chỉnh ý tưởng thì Production House cũng phải “xuyên màn đêm” sửa bài. 

Do đó, làm việc tại Production House nghĩa là bạn không chỉ đam mê sự sáng tạo, yêu thích những điều mới mẻ, mà còn cần "cháy" hết mình, không ngại khó ngại khổ, ham vui nhưng cũng ham làm. 

Thế giới Agency - Tưởng vậy mà không phải vậy

Research Agency: "Ăn ngủ" cùng số liệu?

Chị Nguyễn Thị Như Ngọc, Senior Marketing Manager, Kantar Worldpanel

2 lầm tưởng phổ biến ở các bạn 1st jobber tại Research Agency.

Một là làm việc ở Agency cực lắm vì phải "làm ngày làm đêm", áp lực nhiều, đặc biệt là công việc ở Research Agency xoay quanh toàn số liệu. Nhưng theo tôi, làm ở đâu cũng có lúc "cao điểm" nhiều việc và áp lực. Do đó, quan trọng là mỗi người tự sắp xếp, ưu tiên thứ tự công việc. 

Như tại một công ty rất chú trọng sức khoẻ tinh thần và “work-life balance” như Kantar, tôi có thể linh hoạt thời gian làm việc, miễn là đảm bảo hiệu quả. Nhờ vậy, mà tôi có thời gian cân bằng, nghỉ ngơi, bồi dưỡng bản thân.

Hai là công việc tại Research Agency rất khô khan, “một màu” và ít được sáng tạo. Nếu công việc khô khan và "một màu" thì có lẽ tôi sẽ không dành hơn 7 năm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường đâu (cười). Còn sáng tạo thì tôi tin là mỗi người đều có cơ hội tạo nên những điều mới mẻ trong công việc hằng ngày. 

Performance Agency: Mải mê “chạy số”? Sau đó “chạy luôn”!

Chị Hạnh Lê, Co-founder & COO, PMAX

Tôi phải nói rằng có khá nhiều lầm tưởng ở các bạn trẻ về công việc tại PMAX nói riêng và làm việc ở các Performance Agency nói chung.

Trước hết, vẫn còn nhiều bạn cho rằng công việc tại Performance Agency chỉ xoay quanh set ads, chạy quảng cáo, tổng hợp rồi phân tích số liệu… Hay thậm chí là Performance Agency chỉ mạnh về Media mà không chú trọng Creative.

Nhưng thực tế tại Performance Agency, chúng ta có nhiệm vụ làm mọi thứ có thể để giúp khách hàng đạt được mục tiêu kinh doanh của họ, nên phạm vi công việc có thể gồm nhiều thứ. Xét theo quy trình, chúng ta sẽ trải qua các khâu từ lên, triển khai kế hoạch, tối ưu chiến dịch... Hay theo chuyên môn, chúng ta không chỉ quản lý kênh quảng cáo (Media) mà còn phải quan tâm đến Creative hay Website của khách hàng, thậm chí cả hệ thống tracking và nhiều yếu tố khác. Có như vậy mới tạo ra được kết quả tốt nhất cho chiến dịch quảng cáo mà mình phụ trách. Đó là lý do tại sao PMAX bắt đầu với dịch vụ media, nhưng sau 6 năm hoạt động, PMAX mở rộng dịch vụ gồm Strategy, Creative, Merchandising & Campaign Management (Commerce), Tech/Data... nhằm tạo nên giải pháp Performance Marketing tổng thể cho khách hàng.

Thứ 2, trong hành trình đào tạo và phát triển nguồn lực cho lĩnh vực này, PMAX có thiết kế và tổ chức chương trình đào tạo bài bản lẫn chuyên sâu về Performance Marketing cho nhân sự mới, kéo dài từ 3-6 tháng. Cũng vì vậy mà nhiều bạn trẻ đến với PMAX “chỉ nhằm” tham gia chương trình này và “rời đi” khi hoàn thành khoá đào tạo. Các bạn ấy quên mất rằng đây là mối quan hệ 2 chiều: Công ty đầu tư vào khâu đào tạo, ngược lại, các bạn nên vận dụng những gì được học và năng lực của mình để đóng góp cho công ty. Bất kỳ mối quan hệ nào muốn bền vững đều phải thoả mãn tiêu chí win-win. Đó là một sự thật đáng buồn mà nhiều công ty, chứ không chỉ riêng PMAX, gặp phải. Qua đó, tôi hy vọng các bạn trẻ có cái nhìn đa chiều hơn để tạo dựng được mối quan hệ win-win giữa mình và công ty.

Event Agency: Công việc hào nhoáng, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng?

Chị Lê Quỳnh Thư, CEO, Apex Multimedia

Lầm tưởng về nghề Event có lẽ đến từ vẻ hào nhoáng bên ngoài. Phần đông bạn trẻ bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài “cool ngầu” của những người chạy sự kiện, hay cơ hội gặp gỡ, làm việc với người nổi tiếng. Nhưng một khi đã “dấn thân”, các bạn sẽ thấm thía được rằng để tạo ra các sự kiện hoành tráng đó đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ cùng tinh thần thép của người làm nghề. 

Tôi phải thú thực rằng khối lượng công việc tại Event Agency khá cao, nhất là trong những ngày sát sự kiện, mỗi nhân sự đều làm việc xuyên đêm, sáng tạo không ngừng nghỉ. Quá trình tổ chức sự kiện là quá trình sáng tạo để mang đến dấu ấn cho thương hiệu. Vì thế, mỗi dự án, sự kiện được xem là tác phẩm nghệ thuật. Nhưng khắc nghiệt ở chỗ, những tác phẩm nghệ thuật này không cho chúng ta cơ hội làm lại như lúc vẽ tranh hay sáng tác nhạc. Hơn nữa là tính “real-time” của sự kiện đòi hỏi đội ngũ Event Agency phải chuẩn bị thật kỹ càng, dự đoán trước các tình huống xấu, và khả năng giải quyết vấn đề tức thời. Thế nên, tôi nghĩ những bạn trẻ có ý định làm việc tại Event Agency hãy cân nhắc kỹ để không bị choáng ngợp khi “dấn thân”.  

Và lầm tưởng ở Branding & Design Agency là gì?

Anh Phạm Đình Nguyện, Founder, REFORMN

Thực tế, tính chất công việc chuyên môn của Branding & Design Agency đã khá rõ ràng nên thường không có nhầm lẫn đáng kể nào. Thay vào đó, tôi sẽ bàn về 4 yếu tố quan trọng mà đa phần newbie thiếu khi bắt đầu con đường sự nghiệp trong lĩnh vực Branding & Design. 

  • Có tầm nhìn (mục tiêu cụ thể) và chiến lược phát triển sự nghiệp cá nhân trong tương lai.

Các bạn khá mơ hồ về Mục tiêu sự nghiệp có liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày của các bạn, và nghĩ rằng nó là 2 việc tách rời nhau và đi làm chỉ để kiếm tiền phục vụ cuộc sống hằng ngày. Thực tế thì sự nghiệp (công việc) và cuộc sống là một. Điều quan trọng là bạn cần cân bằng giữa hai thứ và tìm thấy niềm vui, hạnh phúc chân thật trong lúc làm những việc đó.

  • Áp lực công việc rất lớn.

Khối lượng công việc tại Agency cũng như deadline rất lớn. Bạn phải xác định rằng đi làm để kiếm tiền bằng công sức bỏ ra phải chấp nhận các thử thách và áp lực. Tôi cũng không thấy công việc nào dễ dàng và ít áp lực mà tạo ra được một người tài năng và kiếm thu nhập cao.

  • Có kế hoạch tài chính cụ thể

Trong nhiều trường hợp giai đoạn đầu khi xin việc và đi làm, mức thu nhập thường rất thấp. Các bạn cần có một kế hoạch tài chính trước 6 tháng đến 1 năm trong tiết kiệm và chi tiêu.

  • Tập trung hoàn toàn vào kế hoạch để đạt được mục tiêu

Bạn nên xác định rõ các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng làm việc và kinh nghiệm cần đạt được ở mỗi cấp độ chuyên môn trong một khoảng thời gian xác định cụ thể, có thể lấy các cột mốc như 3-6-9-12 tháng.

Cùng Brands Vietnam gỡ bỏ những lầm tưởng và tự tin bước vào thế giới agency đa sắc màu thông qua những phần chia sẻ của các khách mời tại sự kiện “Passport To Marketing 2: The World of Agencies”. Sự kiện được livestream xuyên suốt trên fanpage, websiteYouTube của Brands Vietnam trong 2 ngày 15-16/4/2022.

Thế giới Agency - Tưởng vậy mà không phải vậy

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam