CBRE: Thị trường bất động sản bán lẻ dự báo sẽ hồi phục vào cuối năm
Theo Cục Thống kê TP.HCM, ước tính Quý 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỉ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ.
Thị trường bán lẻ TP.HCM trong Quý 1/2022 chưa có nhiều chuyến biến mới. Theo Cục Thống kê TP.HCM, ước tính Quý 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỉ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ như karaoke, vũ trường, massage, du lịch, là các nhóm ngành mở cửa hoạt động trở lại theo lộ trình, vì thế, doanh thu vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sau thời gian đầu kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.
Thị trường bất động sản bán lẻ không ghi nhận nguồn cung mới trong Quý 1/2022, tổng nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM không thay đổi, với diện tích cho thuê là 1.068.128 m2. Hoạt động thị trường ghi nhận mức độ phục hồi không đồng đều giữa các khu vực. Mặt bằng giá thuê khu ngoài trung tâm nhìn chung giảm từ 10-20% so với năm trước. Tuy nhiên, một số ít các TTTM có quy mô lớn có sự phục hồi tốt với lượng khách mua sắm đông đúc, ghi nhận mức giá tăng đáng kể, dẫn tới giá trung bình khu ngoài trung tâm tăng 7,5% so với quý trước và 2,5% so với năm trước. Giá thuê trung bình cho tầng trệt và tầng một của các TTTM ngoài trung tâm đang ở mức 35,5 USD/m2/tháng và giá thuê ở trung tâm là 145,1 USD/m2/tháng, gấp 4 lần giá thuê khu vực ngoài trung tâm (Giá thuê chưa bao gồm phí dịch vụ và thuế VAT). Diện tích trống tại khu trung tâm rất thấp với chỉ 3,5%, tương đương 3.800 m2, chủ yếu ghi nhận tại TTTM Icon 68 của toà nhà Bitexco Financial Centre, với khu foodcourt đóng cửa tại tầng 4. Trong khi đó diện tích trống của khu vực ngoài trung tâm là 13,7%, tương đương 131.300 m2, tăng 2% so với Q4/2021 và 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về số lượng yêu cầu hỏi thuê, thị trường ghi nhận số lượng yêu cầu hỏi thuê giảm đáng kể so với giai đoạn trước dịch, giảm mạnh ở ngành hàng dịch vụ ăn uống (F&B), thời trang và phụ kiện. Điểm sáng của thị trường là có một số ngành hàng đang mở mới và mở rộng. Các thương hiệu xa xỉ vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Nhiều nhà bán lẻ lớn trong nước và quốc tế với tài chính mạnh đang tăng tốc mở rộng, điển hình như Uniqlo với việc khai trương cửa hàng bán lẻ thứ 11 tại Saigon Centre TP.HCM; Pandora khai trương cửa hàng mới tại AEON Long Biên, Hà Nội; AEON đặt mục tiêu mở 100 siêu thị AEON MaxValu đến năm 2025; BRG Retail hợp tác mở rộng chuỗi siêu thị Fujimart với Sumitomo Corporation với mục tiêu đạt khoảng 50 cửa hàng mới vào năm 2028; NovaGroup triển khai hàng loạt kế hoạch mở mới trong tháng 3 và 4 năm 2022…
Nguồn cung tương lai 2022-2024 dự kiến đạt khoảng 235.000m2, trong đó việc xây dựng các dự án ở khu vực trung tâm vẫn đang tiếp tục trì hoãn. Hoạt động cho thuê của các TTTM mới này ghi nhận khá chậm, vì các đơn vị bán lẻ có xu hướng thận trọng hơn trước đây nhiều trong việc mở rộng.
Nhận xét về triển vọng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc, BP. Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng: “Những khó khăn từ kinh tế vĩ mô đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng trong ngắn hạn. Thị trường dự báo sẽ “ấm” dần lên và hồi phục vào những tháng cuối năm. Lượng khách mua sắm đông đúc vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần và lượng khách du lịch trong nước tăng cao vào kỳ nghỉ Tết cho thấy người tiêu dùng đã bắt nhịp với hoạt động bình thường mới. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà bán lẻ dự kiến sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành thương mại khác nhau”.