Gen Z, ngành PR, và những điều lầm tưởng

Gen Z, ngành PR, và những điều lầm tưởng

Quan hệ công chúng là ngành có lịch sử phát triển lâu đời trên thế giới, nhưng lại là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Phải đến năm 2010 (sau khi Việt Nam gia nhập WTO), nhu cầu quảng cáo truyền thông mới nở rộ.

Đa số mọi người hiểu lầm rằng PR là một nhánh của Marketing hay đánh đồng PR với quảng cáo. Và đến bây giờ, nhiều bạn sinh viên mới ra trường vẫn thắc mắc về cơ hội việc làm và tính chất công việc của ngành PR.

Giờ đây, những thế hệ đầu tiên của Gen Z đã và đang gia nhập vào ngành PR. Nhằm giúp Gen Z hiểu rõ hơn về cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngành PR, EloQ Communications chia sẻ bài viết này, giải đáp những thắc mắc thường gặp của các bạn.

Làm PR phải là “bậc thầy” giao tiếp, “chúa tể” thuyết trình trước đám đông? 

Khi nhắc đến Quan hệ Công chúng (PR), ấn tượng đầu tiên là những đại diện phát ngôn cho doanh nghiệp trước giới truyền thông.

Hình ảnh người làm PR lúc nào cũng hiện lên thật hào nhoáng, và cũng gây ra nhiều áp lực lên thế hệ trẻ. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với đa số sinh viên là đứng trước đám đông để thuyết trình về ý tưởng của mình. Vậy có cần phải là bậc thầy giao tiếp để theo đuổi ngành PR hay không?

Trên thực tế, không phải ai làm PR cũng sẽ phải đưa ra những phát biểu trước đám đông. Những người làm PR vốn dĩ làm công việc “behind the scene” để xây dựng bộ mặt cho công ty, còn lãnh đạo công ty hoặc phát ngôn viên sẽ là người đứng trước giới truyền thông. Ví dụ như Bộ Ngoại giao của Việt Nam có rất nhiều người, nhưng đại diện phát ngôn ngoại giao thì chỉ có một người.

Khi bước chân vào ngành PR, mỗi người sẽ có những xuất phát điểm riêng tuỳ theo điểm mạnh và định hướng của bản thân. Nếu thích viết và biên tập, bạn có thể phát triển nhiều theo hướng content/ copywriter hoặc editor; nếu thích làm việc với con người, bạn có thể bắt đầu ở vị trí account (quản lý dự án), partner relations (quan hệ đối tác) hoặc media relations (quan hệ báo chí). Vì thế, không nhất thiết phải là bậc thầy giao tiếp thì mới có thể bước chân vào ngành PR được.

Người làm PR phải linh hoạt và chịu được môi trường thay đổi nhanh và có nhiều tình huống bất ngờ.

Nhưng ngại giao tiếp hoặc đứng trước đám đông cũng là một trở ngại về lâu dài, không chỉ đối với ngành PR mà còn trong nhiều ngành nghề khác nữa. Vì khi làm PR có khi bạn phải tham gia những hoạt động pitching/thuyết trình, hoặc đơn giản là thuyết phục team nội bộ về ý tưởng của bạn.

Vậy tóm lại, bạn vẫn có thể bước chân vào ngành PR, nhưng để phát triển lâu dài và thăng tiến trong công việc thì vẫn cần rèn luyện thêm nhiều kĩ năng mềm để hỗ trợ cho công việc.

Ngoài ra, không chỉ kỹ năng giao tiếp làm việc nhóm, mà kỹ năng quản lý dự án, chịu áp lực, kỹ năng thích nghi với những thay đổi của môi trường cũng là những kỹ năng rất quan trọng khi theo đuổi ngành PR. Người làm PR phải linh hoạt và chịu được môi trường thay đổi nhanh và có nhiều tình huống bất ngờ.

Gặt hái kinh nghiệm trong ngành PR như thế nào?

Dù Gen Z là thế hệ có tính cách nổi trội và hứa hẹn sẽ dẫn dắt nhiều trào lưu tương lai, nhưng không vì vậy mà nhận được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng. Nhà tuyển dụng không lựa chọn giữa Gen Z hay Millennials, mà mục tiêu là tìm được người phù hợp với công ty của mình. Sự phù hợp này đến chủ yếu đến từ 2 khía cạnh: kinh nghiệm và thái độ.

Ví dụ đối với những vị trí senior, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào kinh nghiệm và năng lực, còn với những vị trí fresher/intern thì sẽ nhìn vào thái độ và kỹ năng mềm (như khả năng giao tiếp, tinh thần học hỏi, chịu áp lực, teamwork, sắp xếp thời gian...)

Đối với sinh viên, các bạn có thể tham gia vào ban truyền thông của các câu lạc bộ trong trường, hoặc các hoạt động ngoại khoá/tình nguyện bên ngoài để rèn luyện thêm các kỹ năng mềm và trải nghiệm về các đầu việc (task list) của một nhân viên truyền thông.

Nguồn: Retailbound

Hoặc đơn giản hơn, tập trung vào việc học cũng giúp các bạn sinh viên có nền tảng kiến thức và kỹ năng mềm vững chắc để làm PR. Ví dụ như rèn luyện kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm trong các môn học trên trường. Bên cạnh đó, việc tham khảo best practice/các case study thành công tại Việt Nam hoặc của các nước khác cũng là một cách tham khảo kinh nghiệm và rèn luyện sự sáng tạo. Sáng tạo không có nghĩa là ngồi yên một chỗ mà nghĩ ra, mà phải biết nhiều thì mới có thể sáng tạo được.

Về cơ hội việc làm, đối với sinh viên, con đường phổ biến nhất là thực tập ở các agency. Tuy nhiên, những bạn sinh viên chưa có đủ kiến thức và đi thực tập quá sớm sẽ không được giao nhiều việc chuyên môn. Nguyên nhân chính là do các bạn chưa có đủ khả năng để đảm nhận những công việc đó. Vì thế, đối với sinh viên chỉ mới học năm 1 hoặc năm 2 thì nên cân nhắc để tránh ảnh hưởng tới việc học. Thay vì đi làm những việc không tên, các bạn nên đầu tư thời gian đó để trau dồi bản thân nhiều hơn.

Viết CV – đưa càng nhiều kinh nghiệm vào càng tốt?

Thông điệp dài chưa chắc đã là thông điệp hay. Một thông điệp súc tích và cô đọng sẽ để lại ấn tượng trong lòng công chúng nhiều hơn.

Nếu làm trong ngành PR, bạn sẽ biết thông điệp dài chưa chắc đã là thông điệp hay. Một thông điệp súc tích và cô đọng sẽ để lại ấn tượng trong lòng công chúng nhiều hơn. Tương tự, một bản CV dài 4 trang chưa chắc để lại ấn tượng bằng một bản CV nêu bật được thế mạnh của bản thân.

Dù là Gen Z hay Millennials, để CV nổi bật, các bạn cần chỉ ra được những kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu trong mô tả công việc. Hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp với công việc đó như thế nào, mà không cần phải suy luận nhiều. Ví dụ như một CV được trình bày đẹp đẽ có thể gây ấn tượng khi ứng tuyển vị trí designer, nhưng chưa chắc sẽ giúp bạn trúng tuyển vị trí copywriter. Nếu muốn chứng tỏ khả năng viết, bạn có thể cân nhắc trau chuốt và sáng tạo những câu chữ trong CV cho độc đáo.

Khi lên kế hoạch PR/ marketing, việc xác định và tìm hiểu đối tượng mục tiêu (target audience) rất quan trọng. Hãy xem mỗi công ty là một khách hàng quan trọng và điều chỉnh CV của mình phù hợp với công ty và công việc đó.

Bạn là Gen Z và có thắc mắc cần giải đáp về ngành PR? Hãy gửi câu hỏi cho EloQ Communications để được giải đáp trong những bài blog tiếp theo.

Bên cạnh sứ mệnh cung cấp dịch vụ và đóng vai trò như đôi mắt, đôi tai và giọng nói của khách hàng tại Việt Nam, việc nuôi dưỡng và ươm mầm những tài năng tương lai là một trong những giá trị mà EloQ hướng đến.

* Nguồn: EloQ Communications