C
Consultancy ANATICS

Business Growth Consultant @ ANATICS Tech & Data Consultancy

Cách Để Data Trở Nên Có Ý Nghĩa Hơn: 4 Trường Hợp Sử Dụng Data Giúp Tăng Trưởng Kinh Doanh

Dữ liệu (data) là tài nguyên đắt giá nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, vì data có thể sử dụng nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập và kiểm soát chi phí ở bất kỳ giai đoạn nào của chu kỳ sản xuất và bán hàng. Tại bài viết này, chúng ta sẽ cùng bàn về cách quản lý dữ liệu đúng đắn và giải pháp tự động hóa quy trình có thể mang lại lợi ích như thế nào đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Cách Để Data Trở Nên Có Ý Nghĩa Hơn: 4 Trường Hợp Sử Dụng Data Giúp Tăng Trưởng Kinh Doanh

Thực hiện theo dõi khối lượng công việc và mức độ hiệu quả công việc của nhân viên theo từng ngành đặc thù

Trong nhiều ngành nghề, việc theo dõi khối lượng và hiệu quả công việc của nhân viên luôn là yếu tố then chốt làm nên thành công trong kinh doanh, nhưng cũng rất khó để thực hiện. Chẳng hạn như ngành dịch vụ với nhân viên là kỹ sư sửa chữa thiết bị được đặt tại các địa điểm, nhà máy hoặc bất kỳ nơi nào theo chỉ định của khách hàng. Trong trường hợp này, cách đánh giá một nhiệm vụ đơn giản như thay thế phụ tùng thiết bị nên được kết hợp với việc phân tích thời gian giao phụ tùng đã sửa xong đến khách hàng.

Vì vậy, để đánh giá chính xác khối lượng công việc cho từng nhân viên cụ thể, bạn cần không chỉ tính đến số lượng đơn đặt hàng họ đã xử lý mà còn cả dữ liệu về địa lý. Để làm được như vậy, bạn sẽ cần một phần mềm tự động hóa kinh doanh có khả năng xử lý loại data này.

Các nhà cung cấp và công ty dịch vụ cũng cần triển khai theo dõi lịch sử dịch vụ để có thể truy cập thông tin về dịch vụ bảo hành, chẩn đoán (diagnostics) và ngày cung cấp dịch vụ. Để giải quyết những nhiệm vụ này, các công ty cần thực hiện kiểm kê và quản lý số sê-ri tương ứng và các bộ phận thay thế của thiết bị.

Hỗ trợ xây dựng cấu trúc doanh nghiệp linh hoạt cho mục đích thương mại điện tử xuyên biên giới

Sự phát triển toàn cầu hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là xu hướng hiện nay. Cách đây vài năm, chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể mở rộng nhiều điểm tăng trưởng và tại nhiều khu vực mới có văn phòng thực tế. Tuy nhiên hiện nay những công ty có quy mô khoảng 100 nhân viên cũng có thể dễ dàng có 3 – 5 văn phòng tại nhiều thành phố, quốc gia và thậm chí là nhiều châu lục.

Khi hoạt động kinh doanh liên quan đến việc sản xuất và phục vụ khách hàng ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp có thể cần điều hành các pháp nhân khác nhau để quản lý quá trình này. Một công ty có thể được lập ra để giải quyết các vấn đề với hải quan. Một công ty khác lại được tạo ra để xử lý việc bán hàng. Công ty thứ ba có thể được dành riêng cho các nhiệm vụ dịch vụ xác định từ trước,...

Xây dựng và quản lý một cấu trúc doanh nghiệp như vậy không phải là một điều dễ dàng. Doanh nghiệp không chỉ cần hiểu đúng hàng hóa gì, thời gian và địa điểm hàng được gửi, mà còn cần kiểm soát, theo dõi giá cả và giao dịch giữa các pháp nhân. Các giao dịch này có thể thực hiện bằng các đơn vị tiền tệ khác nhau và giá của cùng một loại hàng hóa có thể khác nhau đối với từng nhóm khách hàng, từng khu vực...

Ngoài ra, các công ty cũng thường sử dụng các chính sách giá khác nhau cho các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà quản lý, hạch toán toàn bộ lợi nhuận theo một đơn vị tiền tệ là điều cần thiết.

Tiết kiệm thời gian và tiền bạc thông qua tự động hóa một cách chính xác

Đôi khi, ngay cả một sự thay đổi nhỏ trong quy trình kinh doanh cũng có thể giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong một số ngành như xây dựng và sản xuất.

Ví dụ: có nhiều trường hợp các công ty bán vật liệu xây dựng có thể giảm chi phí giao hàng bằng cách lưu trữ bảng giá phí vận chuyển do các công ty vận tải khác nhau cung cấp và sử dụng dữ liệu này để lựa chọn nhà cung cấp tự động. Phương pháp này giúp tiết kiệm đến 15 - 25% chi phí vận chuyển.

Đối với mục đích sản xuất, quản lý dữ liệu thích hợp cũng có thể giúp tối ưu hóa đáng kể. Nếu biết chính xác những gì đang có trong kho và tích hợp dữ liệu này vào quy trình sản xuất, doanh nghiệp có thể tăng tốc thời gian xử lý đơn hàng. Ví dụ: nếu phần mềm thiết kế (CAD) đưa ra thông số kỹ thuật chính xác của sản phẩm cuối cùng, nhưng tất cả các thành phần không có sẵn trong kho, doanh nghiệp có thể đặt hàng các thiết bị thiếu và chờ đợi hoặc tìm mặt hàng khác thay thế. Nhưng nếu có trong tay thông tin của các thiết bị thay thế phù hợp mà không làm giảm chất lượng của sản phẩm, doanh nghiệp có thể xử lý đơn hàng ngay lập tức và tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Để có thể làm được điều này, bạn sẽ cần một hệ thống tự động hóa toàn diện với chức năng quản lý hàng tồn kho, theo dõi lô hàng và kho hàng

Lập kế hoạch nhu cầu và kiểm soát kho hàng để tăng lợi nhuận

Đối với bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào, việc lập kế hoạch nhu cầu và kiểm soát kho hàng là những yếu tố cực kỳ quan trọng giúp tăng lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp đang thiếu các mặt hàng có nhu cầu cao trên thị trường nhưng lại có quá nhiều hàng hóa thuộc loại khác mà không thể bán nhanh sẽ dẫn đến nhiều tổn thất một cách gián tiếp.

Doanh nghiệp cần phải nắm rõ số lượng hàng hóa thuộc các loại khác nhau hiện đang có trong kho, số dư hiện tại là bao nhiêu để đặt thêm sản phẩm hoặc thực hiện các chiến dịch marketing chuyên biệt để bán các mặt hàng tồn kho quá lâu.

Cách Để Data Trở Nên Có Ý Nghĩa Hơn: 4 Trường Hợp Sử Dụng Data Giúp Tăng Trưởng Kinh Doanh

Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm phức tạp, trong đó một mặt hàng duy nhất có thể có đến hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn mẫu khác nhau. Ví dụ: một bộ quần áo (vải, kích thước, chiều cao) hoặc kim loại (kích thước, loại thép, độ bền),...Đối với những sản phẩm như vậy, điều quan trọng là phải phân đoạn được các thông số phổ biến nhất và sự kết hợp của chúng để sử dụng thông tin này khi tạo đơn hàng cho lô hàng mới.

ANATICS Tech & Data Consultancy,