Lovemark: Miliket - thứ mì gói pha vài giọt sương và mồ hôi dưới căn bếp củi
Mình được sinh ra và lớn lên từ một gia đình ở vùng Bắc Trung Bộ. Nó có chút gì đó pha cái rét miền Bắc mỗi chập tháng 10, nhiều chút nắng oi giữa mùa hè và sự ấm áp của mùa xuân. Từ nhỏ, mình đã thường sống chung cùng với ông bà ngoại. Được có thời gian dài trên đôi tay ông bà nuôi nấng, những hình ảnh về một gian bếp củi, một mảnh vườn rau, một chiếc hè nhô ra là khung cảnh mình không thể quên của những ngôi nhà nhỏ ở vùng phía Bắc.
Mỗi đợt đông đến, mình và bà thường phải lên núi để lượm những chiếc lá thông rơi trên mặt đường, búi thành bó đem về tích trữ nấu củi. Có khi mình lại vịn chiếc yên sau xe đạp để cùng ông chở rơm khô, vừa đi vừa nhặt vài chiếc rơi giữa đường để chống "phí". Thời điểm những năm 2000, ông bà mình chưa có sử dụng bếp ga, mọi hoạt động nấu ăn và sinh hoạt của mùa đông ấm áp nhất chắc chỉ có gian bếp củi. Những âm thanh tí tách của xác củi, phùng phùng lên của lửa hay tiếng sôi của nước là những điều ấm áp nhất mà mình từng cảm nhận được trong thời điểm bấy giờ.
Góc bếp củi của những gia đình miền Bắc.
Hồi đó, nhà mình thiếu đủ thứ lắm. Ông bà mình cứ chi li tính toán, cất trữ đủ thứ, có khi bữa cơm chỉ có bánh mì, khoai luộc thôi. Ngày xưa, tụi con nít rất mê mì gói. Ai cũng bảo nấu thì nhanh, ăn thì ngon, nước thì húp hết như nước phở ấy. Một gói mì ở những năm 2000 trung bình có giá 1000 đồng, so với tài chính gia đình của mình lúc đó thì một gói cũng là số tiền lớn. Cho tới khi, trong một lần đi chơi cùng lũ bạn ở chợ, tớ lại phát hiện ra một thứ mì gói rẻ hơn, có hai con tôm to bự chảng ở trên bao bì, không gì khác chính là Miliket.
Ảnh: Viet Times
Miliket - hồi đó ai cũng gọi là Mì 2 Con Tôm, xuất hiện như một người bạn đồng hành cùng mình trong các bữa ăn nhiều hơn, và cũng được đặt tại nơi ấm áp nhất căn nhà. Những sáng đi học, mình thường dành phần đun nước trước cả bà chỉ để úp một bát mì và tưởng tượng hai con tôm đang vùng vẫy trong đó. Có hôm mình lại đem trộm một gói tới lớp để cả đám xúm vào chia nhau vài phần ở cuối lớp rồi cười khúc khích. Những đêm học khuya, mình lại nghe tiếng bà nhóm củi rồi thưởng "lớn" cho mình một tô mì có thêm một quả trứng chín. Ngay cả khi ông bà ốm, ông bà vẫn bảo mình nấu một tô mì Miliket được bóp nhừ cho dễ ăn.
Đi qua những tháng ngày khó khăn như thế, hiện giờ mình và ông bà ngoại đều đã chuyển vào thành phố mang tên bác sinh sống. Không còn những cơn giá rét đêm đông khiến bà cứ lủi thủi đi giữ lửa, cũng không còn cảnh ông phải đi kiếm rơm rạ khô để nhóm bếp, căn nhà cũng hiện đại hơn, đồ ăn cũng không thiếu, mì gói cũng đắt hơn, xịn hơn. Và những gói mì Miliket lại cùng đi qua mình những ngày như thế, những tô mì lấm lem vài hạt tro đen, lúc thì dính vài hạt sương sớm, có lúc thì lại rơi vài giọt mồ hôi nóng.
Đôi khi mình hay đùa ông bà rằng có thích quay về sống như xưa không. Ông bà cười bảo mình khùng lắm, nhưng khi mình rủ ông bà ăn mì Miliket không thì vẫn cứ là ăn.