Lovemark: “... Kinh Đô lại là tấm vé đưa tôi trở về khoảng ký ức tươi đẹp ấy”

“Thấy Kinh Đô là thấy Tết”

Một câu nói mà tôi đã nghe nó hàng chục năm nay mỗi khi Tết đến Xuân về. Không biết từ khi nào câu nói này cứ lẩn vẫn trong tôi mãi đến khi tôi lớn. Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng mỗi khi nghe thấy câu nói ấy trên chiếc tivi cũ mua từ thập niên 90 của ông tôi là tôi biết rằng tóc ông lại càng thêm bạc trắng.

Phải nói rằng, ngoài ba mẹ thì ông là người yêu tôi nhất trên thế gian này. Có người ông nào mà tuổi đã qua ngưỡng 60 nhưng vẫn đạp xe hơn 10 cây mỗi ngày để đèo tôi đi học và rước tôi về. Có người ông nào mà sẵn sàng “lội sông vượt suối” để mua cho tôi những thanh “gạo bung” mà tôi ăn thì ít nhưng phá thì nhiều.

Bởi, tôi yêu câu nói này lắm, mỗi khi nghe thấy câu nói ấy tôi ngỡ mình lại sắp được gặp ông rồi. Nếu ở cái thời tiểu học nheo nhóc mà ngày nào cũng được làm nũng với người ông già, thì giờ đây khoảng thời gian gặp ông chỉ vọn vẹn trong 1 2 tuần Tết ngắn ngủi.

“Thấy Kinh Đô là tôi lại nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa”

Nhớ cái thời học lớp 1, lớp 2, lúc đó nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ ở trong Nam kinh doanh, còn tôi thì được gửi về vùng đất xứ Nghệ cho ông chăm sóc. Bánh Kinh Đô thời đó đúng nghĩa là món quà “quốc dân”, vào những dịp đặc biệt trong năm hay những khi được điểm cao thì vài chiếc bánh như một món quà của ông luôn khiến tôi vô cùng phấn khích. Dù chỉ là vài cái thôi nhưng tôi đã cảm thấy bản thân là người hạnh phúc nhất thế gian này rồi.

Đặc biệt, mỗi lần thưởng thức những chiếc bánh với mùi vị đặc trưng “Kinh Đô” thì tôi lại nhớ đến những tháng ngày được vui chơi cùng ông mình. Đối với tôi, ông chính là cả một bầu trời tuổi thơ, còn Kinh Đô lại là tấm vé đưa tôi trở về khoảng ký ức tươi đẹp ấy.

“Kinh Đô dù là tuổi thơ nhưng lại gợi cho tôi những nỗi buồn”

Không còn là những cảm xúc háo hức, hớn hở vì được gặp ông vào những ngày Tết, thay vào đó là một nỗi buồn mang mác đọng lại ở cậu thanh niên 17 tuổi. Ông tôi không còn nữa, ông đã mất ngay vào đúng ngày sinh nhật năm tôi học lớp 11. Điều tôi hối hận nhất chính là việc mình không thể về thăm ông khi người đang nằm trên giường bệnh và mong mỏi gặp đứa cháu hàng ngày.

Tết năm ấy - Tết đầu tiên từ khi ông mất, thay vì như một thói quen cũ, sửa soạn một hộp bánh Kinh Đô thật đẹp biếu ông, thì năm đó, tôi đã không về. Tôi sợ rằng bản thân sẽ lại òa lên khóc nức nở trước di ảnh của ông. Khoảng thời gian đó thực sự rất tồi tệ đối với bản thân tôi, một hương vị mà tôi rất thích nay lại mang nỗi buồn nặng nề đến như vậy, tôi đã không ăn chúng trong suốt 2 năm vì tôi sợ mình lại nhớ đến ông, sợ mình lại trở nên yếu đuối, sợ ông sẽ lại thấy thất vọng về tôi.

“Dù buồn nhưng Kinh Đô vẫn là một thương hiệu tôi yêu quý”

Có thể đối với nhiều người “Kinh Đô” là một thương hiệu bánh quy quen thuộc, nhưng với tôi nó là thương hiệu gợi nhớ nhiều cảm xúc nhất, nhiều kỉ niệm đong đầy cả một thời tuổi thơ rất ngọt ngào và vô tư.

Tôi vui vì Kinh Đô luôn nhắc tôi mỗi mùa Tết lại đến, luôn nhắc về những kí ức quý giá một thời mình đã qua, nhắc tôi về tình thương của ông, về tôi của quá khứ và về điều mà có lẽ trong suốt cuộc đời còn lại tôi vẫn trân trọng - Đó là gia đình.

“Thấy Kinh Đô là thấy Tết”

Thật vậy, mỗi lần nhìn thấy hộp bánh quen thuộc trong nhà, lòng tôi ấm áp lạ, có vẻ vì tôi yêu hương vị đã cùng tôi lớn lên và cũng yêu người đã tặng tôi những hộp bánh đó. Có chăng tôi yêu Kinh Đô vì có nó mới là Tết hay nơi nào có ông, Tết mới về? Và lại một năm nữa vắng ông trong những bữa tất niên gia đình, chỗ ngồi ông vẫn vậy - trống trãi và cả nhà ai cũng nhớ ông. Nhất là khi mọi người ăn bánh thường hay nói với nhau rằng: “Ngày xưa ông thích ăn Kinh Đô lắm...” Cứ thế những kí ức cứ liên tiếp ùa về với tôi - về những câu chuyện tưởng chừng đã cũ.

Rồi Kinh Đô mỗi năm vẫn “Về”, còn tôi thì bước qua một tuổi mới cùng một hành trình dài phía trước chỉ tiếc rằng mái tóc ông thì không thể bạc thêm nữa.

“Người cháu nhỏ tìm thấy hình bóng người ông trong vị bánh Kinh Đô”

Nghe có vẻ khá điên rồ nhưng biết làm sao khi mà hương vị Kinh Đô đã gắn liền với hình bóng của ông tôi - một người ông luôn tận tụy vì con vì cháu. Dần dần việc thưởng thức bánh Kinh Đô cùng ly chè đắng vốn là một thói quen thân thuộc của ông thì tôi cũng đang dần có thói quen đó. Phải chăng vì quá yêu quý người ông quá cố và cũng quá yêu quý hương vị bánh Kinh Đô mà tôi luôn muốn bản thân trở thành một người tuyệt vời như ông tôi nhỉ?

Tôi lại tự đặt cho mình một câu hỏi mà chính bản thân cũng không rõ đáp án trả lời, nhưng tôi biết chắc rằng Kinh Đô chính là thương hiệu “Lovemark” trong tôi, còn các bạn thì sao? Có thương hiệu nào gắn liền với tuổi thơ của các bạn như Kinh Đô là một phần ký ức cùng người ông như tôi không?