Xây kênh trên TikTok: Nghiêm túc đầu tư hay chỉ làm cho có?

Xây kênh trên TikTok: Nghiêm túc đầu tư hay chỉ làm cho có?

Trong những năm gần đây, TikTok đang dần phát triển với tệp khách hàng đa dạng. Các nhãn hàng liệu đã nhìn nhận đúng vai trò của TikTok trong chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu hay chưa?

Hãy cùng anh Đỗ Khoa – Founder Markus Agency tìm hiểu cách TikTok vận hành và suy nghĩ về chiến lược marketing trên nền tảng này cho nhãn hàng của bạn.

* Điều gì khiến TikTok trở thành một kênh truyền thông mà các nhãn hàng cần chú ý?

Với một nhãn hàng, ở đâu có người dùng là ở đó có cơ hội. TikTok sở hữu hơn 40 triệu người dùng Việt Nam, độ tuổi trung bình từ 16-40. Đặc biệt, nhóm tuổi 16-25 (Gen Z) chiếm trên 60% lượng người dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, TikTok là mạng xã hội đứng thứ 4 ở Việt Nam, chỉ sau Facebook, Instagram, YouTube.

Theo thống kê của Business of Apps, người dùng trung bình dành 52 phút mỗi ngày cho ứng dụng TikTok, mở TikTok 8 lần một ngày chỉ để xem clip. Vậy khi xuất hiện trên TikTok, rõ ràng nhãn hàng có cơ hội kết nối khách hàng mục tiêu thường xuyên. Bỏ qua điểm chạm này, nhãn hàng có thể trở thành người lạc hậu.

Xây kênh trên TikTok: Nghiêm túc đầu tư hay chỉ làm cho có?

Nguồn: Q&Me

* Vậy, có phải nhãn hàng nào cũng cần đầu tư vào TikTok một cách nghiêm túc? Hay chỉ cần xuất hiện là được?

Điều này phụ thuộc vào việc sản phẩm của nhãn hàng có phù hợp với tệp khách hàng tại TikTok không.

TikTok sẽ là kênh không thể bỏ qua, nếu nhãn hàng có:

  • Sản phẩm mới, sáng tạo và thời thượng, cần mở rộng thị trường và “educate” khách hàng về cách dùng, nhu cầu sử dụng.
  • Sản phẩm đã “cũ” với những thế hệ trước, nhưng “mới” với Gen Z thì vẫn có thể trở thành trào lưu và tiếp tục vòng đời trên TikTok.
  • Sản phẩm chưa từng xuất hiện trên TikTok, đối thủ của nhãn hàng chưa xuất hiện trên TikTok.

Bởi, hầu hết người dùng trên TikTok là Gen Z hoặc Millennials – những người có khả năng thích nghi nhanh với các xu hướng. Do vậy, khi tiếp cận với các sản phẩm lạ, có tính đột phá trên TikTok, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận và muốn thử hơn. TikTok tạo ra không gian để nhãn hàng dễ dàng thuyết phục và “educate” khách hàng mục tiêu thuộc Gen Z và Millennials.

Trong trường hợp nhãn hàng có sản phẩm đã “quen thuộc” với Gen Z và Millennials, TikTok cũng nên được coi là một kênh để tăng tiếp cận với hai nhóm này, bởi rõ ràng khi họ dành nhiều thời gian trên TikTok thì nhãn hàng cũng cần xuất hiện để nhắc nhớ người dùng.

* Như anh nói, TikTok phù hợp với những sản phẩm có tính mới, đột phá và những nhãn hàng đặt mục tiêu “educate”, thuyết phục Gen Z và Millennials. Vậy đặc điểm gì của TikTok giúp nền tảng này thực hiện được điều trên?

Có thể thấy, với mỗi nền tảng, người dùng lại có những hành vi khác nhau. Họ truy cập Facebook để xem bạn bè đang làm gì, lên Instagram để khoe ảnh đẹp, phong cách sống, lên YouTube để nghe nhạc, xem review. Và bây giờ, họ dùng TikTok để cập nhật những điểu mới lạ.

Đây là một trong những nền tảng đầu tiên cho phép người dùng trực tiếp sử dụng công cụ chỉnh sửa để tạo video thể hiện cá tính của mình một cách dễ dàng. Điều này phù hợp với Gen Z và Millennials – hai nhóm người dùng có nhu cầu thể hiện bản thân rất cao.

Cách quay dạng dọc của TikTok giúp thu hút điểm nhìn đến những chi tiết cụ thể, phù hợp với người dùng smartphone. Gen Z và Millennials đã quá quen với smartphone, nên tất nhiên, họ dễ dàng quen với TikTok hơn là Facebook hay YouTube.

Kết hợp hai yếu tố trên, TikTok giúp sản phẩm thể hiện được USP, thu hút khách hàng mục tiêu, từ đó, thâm nhập thị trường thành công.

Xây kênh trên TikTok: Nghiêm túc đầu tư hay chỉ làm cho có?

Nguồn: Pexels

* Nhưng có vẻ các nhãn hàng vẫn coi TikTok là kênh giải trí đơn thuần, chứ chưa thực sự tìm các nội dung phù hợp với TikTok?

Đúng vậy. Chưa có nhiều nhãn hàng thật sự tìm cách thích nghi với TikTok. Nhắc đến TikTok, nhiều nhãn hàng vẫn đang áp dụng “Dance Challenge” với sự tham gia của KOLs để “tăng view”, phủ hashtag hoặc sử dụng nội dung hài hước... Nhưng đấy là chưa đủ. Lượt xem chỉ là một trong rất nhiều chỉ số cần quan tâm. TikTok có đa dạng nội dung, từ giáo dục tài chính đến hướng dẫn nấu ăn, và người dùng TikTok cũng sẵn sàng tiếp nhận các thông điệp quảng cáo. 

Nhãn hàng luôn có cơ hội tiếp cận với khách hàng mục tiêu trên TikTok mà vẫn giữ được bản sắc thông điệp của mình. Tất nhiên, nhãn hàng cũng cần tìm cách thích nghi với TikTok, chứ không phải cứ lấy một video bất kỳ từ Facebook qua TikTok. Những nội dung càng đời thường, càng đơn giản và chân thật sẽ càng phù hợp với TikTok.

Điển hình là case study “Cô Em Niềng Răng” cho client mảng nha khoa do Markus Agency thực hiện. Những nội dung ban đầu của kênh rất gần gũi, không nhắc đến quảng cáo, chỉ đơn giản là kể lại trải nghiệm niềng răng của một bạn nữ, từ việc răng xấu như nào, nhật ký mỗi lần niềng răng ra sao… Sau khi đã có lượng người theo dõi nhất định, lượng xem tự nhiên (organic view) đều đặn và có những tương tác chất lượng, nhãn hàng mới bắt đầu đưa tên thương hiệu vào. Nhờ vậy, kênh TikTok này vẫn có những nội dung chân thực, nhưng vẫn giữ được bản sắc thương hiệu và thuyết phục người xem.

Xây kênh trên TikTok: Nghiêm túc đầu tư hay chỉ làm cho có?

Nguồn: Coemniengrang

* Vậy, anh có lời khuyên gì cho các nhãn hàng khi bắt đầu với TikTok?

Quy trình xây dựng kênh TikTok cho nhãn hàng cũng giống như các kênh truyền thông khác. Đầu tiên, bạn cần xác định mục tiêu mở kênh (tạo nhận diện thương hiệu, duy trì tương tác hay mở rộng tệp khách hàng mới), lựa chọn tệp khách hàng mục tiêu, xây dựng câu chuyện theo từng giai đoạn và cách tổ chức các nội dung trên kênh để tương tác sâu với khách hàng.

Cái khó của nhãn hàng là làm video như thế nào để phù hợp với nền tảng mà vẫn giữ được thông điệp của mình. Có một số cách mà nhãn hàng có thể áp dụng như: Xây dựng nhịp quay dựng nhanh, dồn dập; Tập trung vào các tình huống thực thế; Giữ nội dung clip càng đơn giản càng tốt nhưng có sự tập trung trong 2-3 giây đầu; Chăm chỉ tương tác – trả lời người dùng bằng video.

Cuối cùng, nhãn hàng nên duy trì một ê-kíp trẻ, hiểu cách vận hành của TikTok để có được lượng clip đều đặn, tạo ra sự thân thiện cho người xem. Nếu đầu tư nghiêm túc, nhãn hàng nên có một creative và một mini-campaign riêng chỉ dành cho TikTok. Như vậy, hiệu quả của TikTok mới được tối ưu.

Markus Agency cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược, hỗ trợ khách hàng nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và triển khai kế hoạch Marketing. Markus Agency sở hữu kinh nghiệm làm việc cùng khách hàng trong nhiều lĩnh vực: FMCG, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, y tế, thời trang và bất động sản, nghỉ dưỡng và công ty phân phối.