Marketer Thu Nguyệt
Thu Nguyệt

Head of MarCom @ Unique OOH

Thông điệp đầy ám ảnh từ chiến dịch kêu gọi ngừng sử dụng lông thú của WWF

Thông điệp đầy ám ảnh từ chiến dịch kêu gọi ngừng sử dụng lông thú của WWF

“Gia đình chúng tôi đang mất tích. Bạn có thấy họ không?” chính là thông điệp đánh mạnh vào cảm xúc của người xem trong chiến dịch OOH được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WWF) triển khai nhằm kêu gọi chấm dứt việc sử dụng lông thú trong ngành công nghiệp thời trang.

Chúng ta ai cũng có gia đình để yêu thương, để nương tựa, nếu một ngày gia đình của bạn biến mất, bạn sẽ đâu khổ biết chừng nào? Vậy hà cớ gì con người lại cho mình quyền tước đoạt mạng sống và chia cắt tình thân của các loài thú?

Ngành công nghiệp thời trang lông thú và những tội ác

Từ thời xa xưa, con người đã sử dụng lông thú để tạo ra y phục giữ ấm cho cơ thể, nhưng đó là “vạn bất đắc dĩ”, còn ngày nay con người sử dụng lông thú như một phụ kiện thời trang để làm đẹp. Lông và da động vật được coi là một trong những nguyên vật liệu quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang vì tính sang trọng và đắt đỏ. Ước tính mỗi năm có hơn 50 triệu động vật bị giết mổ vì cái mà con người gọi là “ngành công nghiệp thời trang sang trọng” này.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Ngành công nghiệp thời trang xa xỉ ưa chuộng sử dụng lông thú vì sự độc lạ, sang trọng

Có nhiều loài động vật được sử dụng trong ngành công nghiệp này, bao gồm chồn, cáo, chó, mèo, hải ly, sóc, gấu... nhưng thỏ là loài bị giết nhiều nhất mỗi năm.

Thế nhưng để sản xuất quần áo và phụ kiện thời trang từ da, lông thú, động vật bị nuôi, bị giết trong những điều kiện khủng khiếp mà chúng ta khó lòng tưởng tượng nổi.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Mỗi năm có hơn 50 triệu động vật bị giết để phục vụ cho ngành thời trang lông thú

Ngoài việc nuôi nhốt động vật để cung cấp lông, da, sừng, móng, con người còn săn bắt, đặt bẫy các loài động vật hoang dã trong tự nhiên, dẫn đến việc một số loài động vật quý hiếm bị đẩy đến bên bờ tuyệt chủng.

Những con vật bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ, không có thức ăn, nước uống, cho đến khi bị “thu hoạch”, chúng còn bị đánh, bị giết một cách đầy đau đớn, thậm chí là lột sống da, lông một cách vô nhân đạo.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Động vật bị nuôi nhốt và bị thảm sát một cách vô nhân đạo trước khi trở thành những món phụ kiện thời trang cho con người

Để ngành công nghiệp xa xỉ này phát triển phải đánh đổi xương máu, mạng sống của hàng triệu con vật mỗi năm. Có cầu mới có cung, khi giới siêu giàu vẫn lùng sục những bộ cánh bằng lông thú đắt đỏ, độc lạ thì các nhà mốt vẫn sẽ tìm mọi cách để có thể đáp ứng nhu cầu đó.

Thông điệp ám ảnh từ chiến dịch OOH của WWF

Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật PETA đã khẳng định: “Mặc trang phục làm từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của biết bao con thú vô tội và gián tiếp huỷ hoại Trái Đất”.

Để lên án ngành công nghiệp thời trang lông thú cũng như nâng cao nhận thức của mọi người về việc ngưng sử dụng thời trang từ động vật, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Indonesia đã triển khai chiến dịch truyền thông nhằm truyền tải thông điệp theo cách đầy cảm xúc nhất.

WWF lựa chọn quảng cáo ngoài trời vì đây là kênh truyền thông có thể tiếp cận tới đại chúng và truyền tải thông điệp một cách trực diện. Tổ chức đã tạo ra những những bảng quảng cáo tại nhiều vị trí khác nhau để tiếp cận người xem và khắc sâu thông điệp hơn.

Những chiếc tay cầm trên tàu điện ngầm được biến tấu thành chiếc túi lông sóc, và ngay gần đó là những tấm poster với hình ảnh những con sóc kèm theo câu hỏi: “Gia đình chúng tôi đang mất tích. Bạn có thấy họ không?”.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Thông điệp xuất hiện trên tàu điện ngầm dưới dạng câu hỏi đánh mạnh vào cảm xúc của người xem

Một bảng quảng cáo mô phỏng cửa hàng thời trang với những chiếc áo da báo kèm theo sự xuất hiện của gia đình nhà báo, và chắc chắc không thể thiếu câu hỏi “Gia đình chúng tôi đang mất tích. Bạn có thấy họ không?”.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Bảng quảng cáo truyền tải thông điệp đến người xem một cách trực diện nhất

Loài chuột túi Kangaroo đang đứng bên cạnh những chiếc bốt cổ cao được làm từ lông thú và hỏi người đi đường câu hỏi tương tự.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Chúng ta không thể thờ ơ trước sự hi sinh của động vật vì những món thời trang vô tri vô giác

Thậm chí, bên trong xe ô tô, ngay dưới chiếc trùm ghế xe bằng lông thỏ là tấm poster có sự xuất hiện của những con thỏ kèm theo câu hỏi như trên.

Chiến dịch OOH của WWF kêu gọi việc dừng sử dụng thời trang lông thú

Thông điệp từ chiến dịch OOH của WWF khiến người xem phải ngẫm nghĩ

Chiến dịch OOH của WWF Indonesia sử dụng thông điệp dưới dạng câu nghi vấn để tác động mạnh tới nhận thức của người xem. Câu hỏi chẳng quá khó bởi chúng ta đã thấy ngay câu trả lời trước mắt: Gia đình của sóc biến mất vì chúng đã biến thành những chiếc túi hàng hiệu, gia đình của báo biến mất vì chúng đã trở thành những chiếc áo lông báo xa xỉ, gia đình của chuột túi biến mất vì chúng đã trở thành những chiếc bốt sành điệu, và gia đình của những chú thỏ ngây thơ vô tội cũng đã trở thành món đồ trang trí cho chiếc xe hơi.

Động vật liệu có biết gia đình, người thân của chúng đã bị chết dưới tay con người cho cái gọi là công nghiệp thời trang hay không? Chúng ta sẽ chẳng có câu trả lời, nhưng chúng ta biết được nỗi đau mất đi người thân, nỗi đau bị chia cắt là như thế nào, vậy hà cớ gì con người phải tàn sát động vật vì những món phụ kiện thời trang vô tri vô giác.

Cuộc chiến chống lại thời trang lông thú vẫn không hồi kết, vì hiện nay nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ vẫn sử dụng sản phẩm từ lông thú để tạo ra phụ kiện thời trang. Cho đến năm 2022, dù tỉ lệ săn bắt động vật để lấy da, lông đã phần nào thuyên giảm nhưng người ta lại chuyển sang hình thức nuôi nhốt. Chỉ khi nào ngành công nghiệp thời trang xa xỉ này biến mất thì nỗi đau đớn của động vật bị nuôi để lấy lông thú mới có thể chấm dứt. Vì vậy, cả thế giới hãy chung tay chấm dứt nạn sử dụng thời trang từ động vật.

Thu Nguyệt
* Nguồn: Unique OOH