Brand Updates W11/2022: TGDĐ chính thức thâm nhập Indonesia, startup Insider thành kỳ lân
Hãy cùng điểm qua các tin thú vị trong tuần: Thế Giới Di Động “bắt tay” với “ông lớn” bán lẻ Indonesia lập liên doanh và mở thương hiệu mới tại đây; Insider chính thức thành kỳ lân sau khi gọi vốn thành công 121 triệu USD vòng series D… và nhiều sự kiện nổi bật khác.
Thế Giới Di Động thâm nhập Indonesia
Thế Giới Di Động thông báo quan hệ hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) – một trong các nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ hàng đầu tại Indonesia. Theo đó, 2 bên thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic với thương hiệu đầu tiên “Era Blue” chuyên kinh doanh sản phẩm điện tử gia dụng. Era Blue dự kiến ra mắt vào giữa năm 2022. Bước đi này đánh dấu sự chính thức gia nhập thị trường Indonesia của Thế Giới Di Động.
P&G mở đơn vị mới chuyên về mỹ phẩm cao cấp
P&G công bố thành lập đơn vị mới có tên Specialty Beauty chuyên về mỹ phẩm phân khúc cao cấp. Speacialty Beauty gồm 3 thương hiệu được P&G mua lại gần đây là Ouai, Tula Skincare & Farrmacy, và First Aid Beauty cùng nhiều thương hiệu khác thuộc doanh nghiệp như SK-II, SeeMe Beauty, KeepItAnchored… Ông Chris Heiert – Senior Vice President mảng Skin Care tại Bắc Mỹ sẽ lãnh đạo đơn vị mới này.
Startup Insider chính thức trở thành kỳ lân
Startup phần mềm kinh doanh B2B Insider huy động được 121 triệu USD trong vòng gọi vốn series D, đưa mức định giá công ty lên 1,2 tỉ USD. Với con số này, Insider chính thức trở thành kỳ lân. Bên cạnh đó, Insider chia sẻ về số vốn nhận được: “Chúng tôi có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng ở phạm vi toàn cầu và dự kiến tạo ra hơn 2.000 việc làm trong vòng 4 năm tới, với trọng tâm là tuyển dụng các kỹ sư nữ làm việc ở hàng trăm vị trí R&D và phát triển sản phẩm”.
Ra mắt từ năm 2012 đến nay, Insider đã xây dựng được cho mình mạng lưới khách hàng “khủng” như Toyota, Samsung, IKEA, Gap, Estée Lauder…
FPT Retail lên kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc Long Châu trong năm 2022
Sau cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2022, FPT Retail công bố kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ. Với chuỗi dược phẩm Long Châu, công ty có kế hoạch đẩy mạnh tiến độ mở rộng ra 63 tỉnh thành với mục tiêu mở thêm ít nhất 300 cửa hàng. Đối với chuỗi FPT Shop, công ty sẽ mở rộng vùng phủ tại các khu vực quận, huyện đông dân cư mà số lượng cửa hàng chưa tương xứng hoặc chưa có. Số lượng cửa hàng FPT Shop dự kiến mở mới là 70-100 cửa hàng trong năm nay. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát triển thêm 70 trung tâm laptop trong năm 2022 để duy trì vị thế nhà bán lẻ laptop số 1 thị trường.
Đặc biệt, FPT Retail còn dự kiến thử nghiệm các điểm bán PC Gaming để hoàn thiện hệ sinh thái máy tính và đáp ứng nhu cầu nâng cao mà laptop chưa hoàn toàn đáp ứng được.
“Cha đẻ” Gogi, Hutong, Manwah lên chiến lược đạt doanh thu 1 tỉ USD
CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate) công bố 3 nhà đầu tư sừng sỏ từ Singapore gồm Temasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd mua lại gần 36% cổ phần. Đáng chú ý, đây là khoản đầu tư đầu tiên vào ngành F&B Việt Nam của “ông lớn” Temasek (top 11 danh sách các quỹ chính phủ lớn nhất thế giới).
Với sự tham gia của nhóm cổ đông mới, Golden Gate được cho là như “hổ chắp thêm cánh”. Ông Hoàng Quốc Khánh – Giám đốc khối Vận hành Golden Gate, tiết lộ 2 nhóm chiến lược chính trong vòng 3 năm tới: tăng trưởng mạng lưới nhà hàng với kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng, và nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhà hàng qua việc nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng là chiến lược trọng tâm của công ty. Trong đó, Golden Gate sẽ đầu tư mạnh mẽ, áp dụng công nghệ vào hệ thống quản trị nội bộ để nâng cao năng suất lao động và tối ưu chi phí với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỉ USD trong tương lai gần.
TikTok ra mắt nền tảng phân phối âm nhạc của riêng mình
TikTok ra mắt SoundOn – nền tảng cho phép các nghệ sĩ tải nhạc lên và phân phối đến các dịch vụ phát trực tuyến khác nhau. TikTok sẽ không thu phí các nghệ sĩ phân phối hay giao dịch mua bán nhạc. Các nghệ sĩ cũng sẽ nhận được 100% tiền bản quyền trong thời gian không giới hạn cũng như cho bất cứ khoản gì họ kiếm được trên dịch vụ phát trực tuyến âm nhạc Resso của ByteDance. Một trong các điều kiện đặt ra là người dùng TikTok có thể sử dụng âm nhạc của họ.
Những nghệ sĩ trên SoundOn sẽ có thể tự quyền chọn dịch vụ phát trực tuyến mà họ muốn phân phối. Họ cũng sẽ có quyền truy cập thông tin chi tiết về khán giả, lời khuyên từ nhóm tiếp thị SoundOn và hỗ trợ quảng cáo từ TikTok.
Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam từ nhiệm
Bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ rời vị trí Giám đốc Điều hành của Grab tại Việt Nam vào cuối tháng 4. Được biết, bà gia nhập Grab Việt Nam từ tháng 11/2019, và chính thức đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành từ tháng 2/2020. Bà Vân có kinh nghiệm dày dạn trong việc hoạch định chiến lược thương mại và điều phối hoạt động kinh doanh tiếp thị của nhiều ngành hàng tại Unilever khu vực Việt Nam, Đông Nam Á. Bà cũng đang là Đồng Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (Vietnam Mobile Marketing Association).
Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp