Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời!

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời!

Bài viết dành tặng cho những ai đang cảm thấy chán nản mỗi khi nghĩ tới việc dắt xe đi làm, mệt mỏi trước những buổi họp, những giờ tăng ca, những con số KPI hay dù vẫn đang làm việc hết mình mỗi ngày nhưng cảm thấy mông lung khi nghĩ về tương lai phía trước.

2021 là một năm đặc biệt với thế giới, với đất nước Việt Nam và cũng là một năm đặc biệt đối với bản thân mình.

Nửa năm đầu, mình dành hết tâm huyết, kỹ năng và cả sự tích cực cho nơi mình đã làm việc trong suốt 3 năm. Nhưng cuối cùng lại kết thúc bằng một email “Đơn xin nghỉ việc” và quyết định “gap year phiên bản mini”. Trong 5 tháng tiếp theo, mình nghỉ việc toàn thời gian để ở bên gia đình và trò chuyện với bản thân nhiều hơn, học những thứ mình muốn và làm những điều mình đã bỏ lỡ trước đây. Tháng cuối cùng của năm, mình trở lại với công việc toàn thời gian để khảo nghiệm kết quả của 5 tháng trước đó. Để rồi sau tất cả, mình nhận ra quyết định của 6 tháng trước là hoàn toàn đúng đắn. Điều mà bản thân mình rút ra được đó là: Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời.

Tại sao ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời?

Nghỉ việc (đúng nghĩa) theo quan điểm của mình là khoảng thời gian bạn không tham gia làm việc cho bất kỳ đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không phải chịu áp lực từ công việc, được làm những thứ bạn muốn, ở những nơi bạn thích. Nói tóm lại, bạn được tự do và tự chủ hoàn toàn với cuộc sống của mình mà không bị ràng buộc bởi bất cứ yếu tố nào.

Theo định nghĩa này, nghỉ việc (đúng nghĩa) sẽ giúp bạn có thời gian rảnh rỗi (đúng nghĩa) để làm bất kỳ điều gì bản thân muốn cũng theo một cách (đúng nghĩa).

Những ai nên quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa)?

Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể lựa chọn cho bản thân một lần nghỉ việc đúng nghĩa, thế nhưng luôn có những trường hợp “khẩn cấp”.

Với mình đó là những người đang cảm thấy chán nản mỗi khi nghĩ tới việc dắt xe ra đường để tới công ty; mệt mỏi trước những buổi họp, những giờ tăng ca, những con số KPI. Đó cũng có thể là những người dù đang làm việc hết mình mỗi ngày nhưng vẫn cảm thấy mông lung khi nghĩ về tương lai. Những người luôn sống trong hàng tá câu hỏi: bản thân thực sự muốn làm gì, trở thành người như thế nào, tại sao người khác thành công đến vậy?

Lấy ví dụ trong trường hợp của mình để các bạn dễ hiểu:

Gần 4 năm đi làm là gần 4 năm mình nghiêm túc với công việc để từng bước nâng cao kỹ năng cũng như vị trí của bản thân trong nghề marketing. Dẫu vậy mình luôn băn khoăn mỗi khi có người nói rằng mình phù hợp với công việc mang tính chuyên môn hơn là làm cấp quản lý, phù hợp với công việc freelancer, với viết lách hơn là 8 tiếng hành chính...

Những ý kiến đó giống như những hòn sỏi nhỏ đánh động vào cuộc sống đang phẳng lặng như mặt nước mùa thu của mình. Chúng khiến mình dần phải suy nghĩ về những câu hỏi: rốt cuộc bản thân muốn trở thành con người như thế nào? Làm công việc gì? Marketing và những vị trí cao trong ngành này liệu có phải đích cuối cùng mình theo đuổi?

Để trả lời những câu hỏi đó, mình gần như chấp nhận mọi cơ hội được làm việc tại các vị trí khác nhau trong phòng marketing để trải nghiệm: content marketing, nhân viên truyền thông, rồi quản lý nhãn hàng. Và dù không quá xuất sắc nhưng mình đã luôn tròn vai ở mọi vị trí. Thế nhưng điều này không giúp mình tìm ra câu trả lời mà ngược lại càng khiến mình loay hoay giữa những quyết định: tiếp tục để nâng cấp bản thân ở vị trí hiện tại hay dừng lại để làm những thứ mình chưa bao giờ làm?

Nguồn: top10leatherjournals

Thời điểm nào thích hợp để quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa)?

Sở hữu một định nghĩa tương đối “khắt khe”, thậm chí là có chút giống nghỉ hưu khiến nghỉ việc (đúng nghĩa) cần những tính toán kỹ lưỡng về thời điểm ra quyết định. Nếu chọn sai thời điểm, bạn sẽ không thể tự do và tự chủ hoàn toàn với cuộc sống của mình mà không bị ràng buộc bởi bất cứ yếu tố nào sau khi nghỉ việc.

Dưới quan điểm và kinh nghiệm của mình, thời điểm thích hợp để một người quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) sẽ là sau tối thiểu 3 năm đi làm công việc toàn thời gian.

Tại sao lại là con số 3 năm? Theo mình đây là khoảng thời gian vừa đủ để một người đi làm tích luỹ cho mình những trải nghiệm về xã hội. Nếu bạn đang gắn bó tại một công ty thì 3 năm cũng là lúc cơ hội học hỏi trong một môi trường bị bão hoà dần. Ở khía cạnh tài chính, 3 năm là khoảng thời gian bạn dần tự chủ được tài chính của bản thân. Nghĩa là bạn gần như không cần phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, có khả năng vay và trả các khoản nợ cá nhân.

Hãy đưa ra quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) sau khi cân nhắc các yếu tố khác bằng lý trí và lắng nghe, tôn trọng cảm xúc cá nhân.

Thời điểm thích hợp để quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) còn phụ thuộc vào trạng thái hoàn thành của các hạng mục bạn cần chuẩn bị (mà ngay sau đây mình sẽ chia sẻ) và cả yếu tố khách quan như mối quan hệ đồng nghiệp, mối quan hệ với lãnh đạo... Những yếu tố khách quan sẽ tác động không nhỏ để tạo nên yếu tố chủ quan, cụ thể là cảm xúc của bạn. Đó có thể là những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực.

Và dù bạn đang ở trong trạng thái cảm xúc nào thì mình mong rằng bạn sẽ không đưa ra quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) bằng cảm tính. Bạn cần quyết định sau khi cân nhắc các yếu tố khác bằng lý trí và lắng nghe, tôn trọng cảm xúc cá nhân.

Những điều cần chuẩn bị trước khi quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa).

Nghỉ việc (đúng nghĩa) theo quan điểm của mình yêu cầu rất cao về sự tự chủ. Chính bởi vậy, việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định là rất quan trọng. Dưới đây là 3 điều căn bản mà một người nhất định phải hoàn thành trước khi quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) và bước vào một kỳ nghỉ dài hạn:

Một kế hoạch cụ thể sau khi nghỉ việc (đúng nghĩa)

Nếu bạn không có một kế hoạch cụ thể cho kỳ nghỉ dài hạn sau này thì quyết định nghỉ việc (dài hạn) sẽ có nguy cơ trở thành “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Hãy nhớ rằng với nghỉ việc (đúng nghĩa), bạn sẽ có một quãng thời gian tự do, tự chủ (mà theo mình tối thiểu sẽ là 6 tháng) để tiêu xài. Vì vậy đừng chỉ dừng lại ở những ý định chung chung kiểu như mình sẽ ngủ nướng ngày này qua tháng khác, đi du lịch một, hai nơi để bù đắp những năm tháng lao động chăm chỉ vừa qua...

Với nghỉ việc (đúng nghĩa), bạn cần nhiều và chi tiết hơn thế để từng giây phút, ngày tháng trôi qua sẽ luôn có ý nghĩa. Bạn sẽ đi chơi ở đâu, sẽ học những gì? gặp những ai?... tất cả cần được liệt kê và gắn với các mốc thời gian cụ thể. Notion và Google Calendar sẽ là những trợ thủ đắc lực giúp bạn trong khâu chuẩn bị này.

Nguồn: Only Chefs

Một kế hoạch tài chính

Mình biết nhiều bạn vẫn có thể tự do và tự chủ sau khi nghỉ việc mà không cần một kế hoạch tài chính (theo kiểu tới đâu hay tới đó), tuy nhiên với nghỉ việc (đúng nghĩa) thì việc chuẩn bị một kế hoạch tài chính chỉn chu sẽ giúp sự tự do, tự chủ tiến lên một cấp độ cao hơn.

Tuỳ vào mức thu chi của mỗi người mà thời gian lên kế hoạch tài chính cho nghỉ việc (đúng nghĩa) sẽ dài ngắn khác nhau. Dù ở trường hợp nào thì theo mình có một nguyên tắc cần đảm bảo đó là tại thời điểm bạn quyết định nghỉ việc, “net worth” hay còn gọi là tài sản ròng tốt nhất phải là một con số dương.

Rất nhiều người Việt có thói quen hỏi: “Lương tháng bao tiền?” để đoán định khả năng tài chính của đối phương. Nhưng thực sự, nếu muốn biết ai đó “đắt giá bao nhiêu”, câu hỏi đúng hơn phải là: “Net worth thế nào?” (The Present Writer). Đó chính là lý do mình lựa chọn net worth làm yếu tố quyết định cho kế hoạch tài chính.

Để net worth dương trước khi quyết định nghỉ việc, bạn cần tính toán được số tiền mình sở hữu và các khoản nợ. Sau đó lên kế hoạch để xử lý các khoản nợ. Quá trình này có thể chỉ mất vài tháng hoặc cũng có thể kéo dài vài năm như trường hợp của mình.

Net worth = Số tiền mình đang sở hữu (tiền mặt, tiền trong các tài khoản ngân hàng, tiền quy ra từ giá trị thị trường của các tài sản như nhà cửa, đất đai, xe cộ…) – Số tiền đang nợ.

Tháng 7/2018 mình tốt nghiệp đại học mà cầm trong tay một khoản nợ xx triệu đồng. Mặc dù thời điểm đó mình chưa có suy nghĩ về một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) nhưng mình khá may mắn khi có nhận thức sớm về phân bổ thu nhập. Nghĩa là khi kiếm được một đồng, mình sẽ chia thành 5-6 phần khác nhau, trong đó có 1 phần để xử lý phần nợ kia. Đó là lý do sau 2 năm đi làm, mình giải quyết được khoản nợ đó.

Tới năm 2019 – cũng là năm mình bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân và suy nghĩ về một quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa), mình có phát sinh thêm một khoản nợ xx hàng tháng để hỗ trợ anh trai xây nhà, khoản này kéo dài trong hai năm.

Trong suốt quá trình gần 4 năm đi làm, net worth của mình dù không lớn nhưng may mắn luôn ở con số dương do mình luôn áp dụng công thức phân bổ thu nhập. Chính vì vậy, mình đã xử lý được các khoản nợ vào trước thời điểm quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa). Khi đó net worth của mình bằng với số tiền mình đang sở hữu. Yếu tố tài chính này đã giúp mình rất nhiều trong việc tận hưởng hành trình nghỉ việc (đúng nghĩa).

Sau khi xác định được net worth, việc bạn cần làm tiếp theo là lên kế hoạch chi tiêu cho kỳ nghỉ sắp tới dựa trên các hoạt động dự kiến bằng số tiền bạn có. Ở phần này, bạn càng chi tiết thì khả năng kiểm soát tài chính của bạn càng chắc chắn. Hãy nhớ để một khoản dự phòng để không bị động trước các tình huống phát sinh (như mình vừa nghỉ liền mất 3 triệu để sửa chiếc laptop già nua, quá buồn đau).

Một tâm lý vững vàng

Điều cuối cùng mình mong bạn sẽ chuẩn bị tốt đó là một tâm lý vững vàng để kiên định với quyết định của bản thân. Khi bạn nghỉ việc, nhất là nghỉ việc trong bối cảnh dịch bệnh, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi, những lời đánh giá từ những người xung quanh. Tuỳ vào bối cảnh mà bạn sẽ có những cách phản hồi riêng, quan trọng là bạn cần chuẩn bị tốt phương án xử lý. Mình may mắn khi được gia đình cho tự lập và tôn trọng cuộc sống cá nhân. Chính bởi vậy, khi được hỏi lý do tại sao nghỉ việc thì câu trả lời đơn giản là: “Con hơi mệt cần nghỉ một thời gian”.

Không chỉ đối mặt với gia đình, xã hội, bạn còn phải đối mặt với chính mình. Bản thân là một người đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) nhưng mình vẫn gặp phải tình trạng tự nghi hoặc bản thân sau 2 tháng. Tại thời điểm đó, tâm trạng mình đột nhiên võng oặt xuống. Mình bắt đầu để ý email của vietnamwork, để ý tới mọi người xung quanh đang đi làm như thế nào. Thế nhưng bằng những gì đã học được, mình trò chuyện với bản thân và trở lại trạng thái vui vẻ, tiếp tục tận hưởng hành trình sau khi nghỉ việc. 

Nguồn: Marketing 91

Làm gì để lựa chọn nghỉ việc (đúng nghĩa) trở nên có ý nghĩa?

Cho tới thời điểm này, mình vẫn luôn mãn nguyện với những gì mình quyết định và trải qua sau khi quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa). Để có được kết quả như vậy, ngoài việc hoàn thành 3 điều căn bản trước khi quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa) thì một số điều dưới đây được mình thực hiện trong kỳ nghỉ dài sau đó cũng góp phần không nhỏ tạo nên ý nghĩa cho quyết định này:

Hãy thử làm tối thiểu 2 việc cùng một lúc.

Ví dụ như: học một khoá học và đọc một cuốn sách; hay đọc hai cuốn sách đồng thời... Bạn sẽ nhận ra rằng mọi việc đều có sự gắn kết với nhau theo cách này hay cách khác, ở điểm này hay điểm khác. 

Hãy dấn thân và làm những điều mà bạn đang còn băn khoăn về định hướng công việc.

Ví dụ trong trường hợp của mình. Để biết bản thân có hợp với công việc freelancer hay không, mình đã lên một kế hoạch để trở thành freelancer. Từ việc chuẩn bị porfolio ra làm sao, báo giá như thế nào, rồi đi đăng ký trên các nền tảng freelancer và nhận job. Và sau 3-4 tháng trải nghiệm, mình kết luận bản thân không phù hợp với hướng công việc freelancer. Cách này sẽ giúp bạn triệt tiêu đi các lựa chọn bằng cách trải nghiệm ở một thời gian vừa đủ để từ đó nhìn nhận rõ hơn về định hướng phát triển công việc trong tương lai.

Nếu bạn là một người nghiện công việc (Workaholism) (giống như mình) thì có thể bạn sẽ cần áp dụng thêm một mẹo nhỏ nữa đó là: đừng để thời gian (khoảng 15 ngày đến 1 tháng) ngay sau nghỉ bị trống.

Thời gian đầu sau khi nghỉ việc mình đã rất vui vẻ và tận hưởng cho tới khi bước sang tuần nghỉ thứ 2, thì mình bắt đầu cảm thấy trống rỗng và chênh vênh vì nhớ guồng quay công việc trước đó. Cũng may cảm giác ấy không bị kéo dài bởi ngay từ ban đầu, mình đã chọn một bước đệm đó là khoá học Bếp Chữ của anh Sói Ăn Chay. Cùng với đó là hoàn tất bộ sách Phát huy tiềm năng NLP. Chính việc đọc gần 200 trang sách, ghi chép 60 trang giấy và học viết 21 giờ trong vòng 30 ngày đã thành công đưa mình vượt ra vòng lặp tới công ty – về nhà – rồi lại tới công ty trong hơn 4 năm trước đó. 

Cuối cùng, sống cho hiện tại và dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe bản thân.

Bạn đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có được một quyết định nghỉ việc (đúng nghĩa), vậy nên mình mong rằng khoảng thời gian sau đó bạn sẽ sống cho hiện tại. Bởi nếu bạn còn lo lắng cho tương lai chưa tới hay quá khứ đã qua thì sẽ thật lãng phí. Cùng với đó là dành thời gian nhiều hơn để lắng nghe bản thân. Nghe xem những năm qua, mình có đánh rơi phần nào trong con người mình không? Nghe xem bản thân có những tổn thương nào cần phải hàn gắn không? Và nghe xem bản thân thực sự muốn gì và trở thành người như thế nào?

Một bài viết không ngắn cũng chẳng quá dài thực sự là chưa đủ để kể hết những gì mình đã trải nghiệm trong một năm 2021. Thế nhưng với những gì vừa chia sẻ, mình mong rằng đây sẽ là động lực để những ai còn đang băn khoăn giữa ngã ba, ngã tư đường sẽ dễ dàng và tự tin hơn để lựa chọn; mong rằng bạn sẽ đừng lo lắng quá về những cơ hội, bởi lựa chọn nào cũng là lựa chọn tốt và luôn có một cánh cửa rộng mở hơn chờ đón bạn ở phía trước.

* Nguồn: Leng Keng Trà Đá