Lovemark: Ngày xưa có một chuyện tình, tại Ngôi nhà Cà phê

Sài Gòn rộng lớn đón tôi vào một ngày tuổi 18, nhiều khói bụi, nhiều ồn ã. Tôi vỡ òa, vậy là xa nhà thật rồi ư? Mất bao lâu để tôi cảm thấy thân thuộc với nơi này, tôi sẽ yêu nơi này chăng, Sài Gòn sẽ che chở cho tôi đúng không? Tâm tư cứ vậy mà chìm vào những câu hỏi chưa biết bao giờ mới có câu trả lời.

Thời điểm đó tôi hiểu mỗi chuyến đi thật xa cũng chỉ để tìm cảm giác “là nhà”.

Đến một ngày, có thứ gì đó đã khiến tôi yêu lấy thành phố vội vã này. “Con gái à,... trời mưa lớn rồi đấy, lần sau nhớ mang áo mưa, giờ chú cho mượn cái này mặc tạm nhé, nó bị rách một tẹo ở đằng sau…” Tiếng gọi trầm ấm phía sau níu tôi lại trong khoảnh khắc sắp sửa lao vào cơn mưa trắng xóa của Sài Gòn. Bác bảo vệ từ trong nói vọng ra, tay chân vẫn đang chỉnh vài chiếc xe của khách vừa vào quán. The Coffee House từ đó trong tôi dịu dàng, ân tình đến lạ. Tôi biết đây là nơi tình yêu với Nhà bắt đầu và cứ thế mà nhân lên bởi rất nhiều khoảnh khắc chạm tới không chỉ vị giác mà còn là tâm hồn tôi nữa. Sau này cứ hễ trời mưa, ngửi thấy mùi mưa của Sài Gòn là tôi lại lấy thèm một ly The Coffee House ấm và thơm.

Lovemark: Ngày xưa có một chuyện tình, tại Ngôi nhà Cà phê

Tìm cho mình một góc làm việc tại một quán quen không còn là điều quá xa lạ đối với người Sài Gòn, đâu đó trong hình ảnh đông đúc tại Nhà tôi nhìn thấy những con người mong muốn được thuộc về, mong muốn được hòa chung tâm hồn của mình vào một nơi nào, bất chợt tôi nhận ra mỗi chúng ta là một cá thể quá đỗi cô đơn giữa thành phố này. Ngoài tôi ra, Nhà còn yêu thương và là nơi nương chân của rất nhiều tâm hồn khác. Nhà là trạm kết nối để ít nhất, trong một khoảnh khắc nào đó, chúng tôi, những người đang tìm kiếm cảm giác thân thuộc tìm thấy nhau. 

Ở Nhà, có anh Ba, người luôn nhớ từng món yêu thích của tôi.

Không hiểu từ bao giờ tôi mong chờ dịp Nhà “thay áo mới” như mỗi lần mẹ tôi mua đồ về trang trí lại nhà cửa. Tôi mong từng đợt Nhà ra món nước mới, quen thuộc playlist, nhớ cách nhân viên hỏi thăm tôi, quen với những cái gật đầu lễ phép, những lời hỏi thăm chân tình mỗi lần tôi vội vàng bước vào quán. Thật tuyệt biết mấy khi có ai đó nhớ sở thích của tôi như “người nhà”, biết tôi ghiền bánh mì que ở Nhà như thế nào.

Nhà chứng kiến nhiều lần tôi nóng giận, những lần tan vỡ, cũng không ít lần tôi hạnh phúc trước những thành công nhỏ. Nhà là nơi cư trú cho tôi một cảm giác an toàn khó tả, không ngại ngùng, không che đậy. 

Tôi yêu câu chuyện tử tế mà Nhà vẫn kể qua từng món nước, từng chiến dịch truyền thông, đâu đó tôi khâm phục cách mà anh Ninh truyền cảm hứng vào từng chi tiết nhỏ của Nhà. Thực tế, mỗi thương hiệu có cách riêng để giữ chân và đi sâu vào tâm trí của khách hàng để họ nhớ mãi về nó nhưng rõ ràng thứ Nhà có được không chỉ là sự yêu thích của tôi mà còn là thói quen và cảm giác thân thuộc như “người nhà”.

Mãi sau này, đi làm, xa cái thời sinh viên tuần cắm The Coffee House 3 buổi tôi vẫn giữ thói quen lại Nhà. Tôi từng cười thầm vì bản thân ngại thay đổi nhưng rõ ràng có những cảm xúc đã tồn tại thì khó thể nào mất đi. Tình yêu của tôi với Nhà là một loại tình thân được gợi nhớ bởi hương vị, âm thanh và những cử chỉ thâm tình.

Gửi Nhà,

Quỳnh Anh