Lovemark: Du Bút - Khi yêu là dám đánh cược
“Du Bút có nghĩa là những chuyến du hành bắt nguồn từ ngòi bút; những thế giới mở ra qua câu chuyện, qua tác phẩm, qua tranh vẽ của các tác giả…” - Đó là cách Du Bút tự mô tả về họ.
Còn với tôi, Du Bút là tủ truyện tranh dành cho “người lớn” - nơi những suy nghĩ phải từ tự ngấm dần, không hối hả hay cẩu thả. Nơi những bước đi được đặt đúng chỗ, kiên định và chắc chắn. Vì ở thời điểm hiện tại, có mấy ai tin tưởng vào sự bền vững khi đứng trước guồng quay thông tin - công nghệ? Dường như, Du Bút đang tự tạo cho mình đường đua riêng, mà ở đó mọi thành tích đều được ghi nhận ở một môi trường không tốc độ.
Khi nhắc đến các nhà xuất bản sách ở Việt Nam, đâu sẽ là những cái tên xuất hiện trong đầu bạn? Đó có thể là “Kim Đồng”, “Nhã Nam” hay “RiO Book”… Nhưng bạn đã bao giờ bạn nghe đến “Du bút” chưa? Hôm nay tôi sẽ gửi đến bạn một bài viết nhỏ về thương hiệu này và cách tôi học yêu những con người “liều” nhất, chậm nhất, và trẻ nhất.
Dù sách của Du Bút, tôi chưa bao giờ đọc hết, workshop của Du Bút tôi vẫn vắng mặt thường xuyên. Dù tôi vẫn là một người tiêu dùng kém trung thành. Nhưng đã đến lúc tôi phải đầu-tư-hy-vọng vào tương lai của ngành truyện tranh trong nước.
“Dạo này tao chẳng thấy sách, truyện phù hợp với con nít. Truyện tranh Hàn - Nhật hay thật đấy nhưng chẳng mấy khi relevant. Con nít đọc nhiều dễ lầm tưởng, đánh đồng văn hoá nước mình với nước bạn.”
Ừm, đúng vậy, từ nhỏ ba mẹ đã cho tôi đọc sách, truyện, cổ tích nước ngoài (danh nhân thế giới, truyện cổ Grimm, truyện cổ Andersen…). Đọc nhiều đến nỗi, phải gần học hết cấp hai, sau khi mò lên thư viện thử tìm tòi tác phẩm Tắt Đèn, tôi mới lờ mờ nhận ra lối hành văn của người-cùng-chữ-viết.
Văn học là đời sống và truyện tranh cũng vậy. Khi còn bé, hầu hết những “kiến thức” của trẻ nhỏ đều được hình thành từ con chữ, hình ảnh mà chúng tiếp cận. Và chính điều này đã khiến tôi tự đặt câu hỏi rằng: “Không biết 5 năm nữa, em, cháu mình có được đọc tập truyện nào vui như Thần đồng Đất Việt hông”?
Nhưng đó là khi tôi chưa biết đến Du Bút, trailer cho sách, triển lãm “Thị trấn Hoa Mười Giờ” và "Ê có khi nào?" kết hợp công nghệ AR kỳ công, tỉ mỉ, đầy sáng tạo.
“Những gì ở vùng tuổi thơ chúng ta xây dựng đều sẽ biến thành những biểu tượng mà sau này, khi người lớn (trưởng thành từ những đứa trẻ) chỉ cần nhắc lại một vài câu chuyện, ai nấy cũng sẽ ồ à nhớ nhung và bồi hồi.”
Chính sự ra mắt của những tác phẩm đó đã khiến tôi tin tưởng hơn vào tương lai của nền truyện tranh Việt Nam. Mặc dù trong quá khứ, nó đã từng chớm nở, từng chóng tàn nhưng đó đều được xem là những diễn biến đáng có.
Và chính khoảnh khắc tôi nhận ra sự dịch chuyển không ngừng của những tác giả và nhà xuất bản độc lập trong nước, tôi biết rằng mình nên và sẽ làm gì. Có thể khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt giờ đã quá xưa. Có thể không còn nhiều người được khích lệ bởi những ngôn từ cổ động như thế nữa.
Nhưng hãy thử một lần đặt cược vào sự cố gắng của những cây bút trẻ vì biết đâu vài năm nữa chính bạn sẽ là người lắp đầy tủ sách gia đình với những câu chuyện như "Thị trấn Hoa Mười Giờ" và “Ê có khi nào?”.