Khác biệt giữa nâng cấp thương hiệu và tái định vị thương hiệu
Trong buổi tư vấn chiến lược thương hiệu với khách hàng, Vũ nhận được yêu cầu nâng cấp thương hiệu. Với văn hoá luôn đặt câu hỏi “Tại sao” nhiều lần, nhằm thấu hiểu và tìm thấy những vấn đề, Vũ cùng đội ngũ đã phát hiện ra sự nhầm lẫn trong hai khái niệm “nâng cấp thương hiệu “ và “tái định vị thương hiệu”, đây là lý do Vũ thực hiện bài viết chia sẻ hai khái niệm này.
Ý niệm nâng cấp thương hiệu và tái định vị thương hiệu bắt đầu xuất hiện khi một thương hiệu đã vận hành và phát triển trong một thời gian đủ lâu, có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng như trong nhận thức của khách hàng.
Điểm chung của một thương hiệu hoạt động có thâm niên đều là những thương hiệu là tạo ra giá trị bền vững mang tính phổ quát, tác động tích cực đến đời sống của cộng đồng và người dân. Cùng mục tiêu là hướng đến việc xây dựng thành công một thương hiệu di sản.
Nâng cấp thương hiệu
Nâng cấp thương hiệu xuất hiện khi đội ngũ phát triển thương hiệu muốn đảm bảo năng lực cạnh tranh và đưa “con thuyền thương hiệu” vượt qua mọi sóng gió, cạnh tranh hay thậm chí những tình thế ngặt nghèo nhất trên thương trường, hoặc thương hiệu muốn khẳng định vị thế của mình với vị trí rõ ràng hơn.
Hiểu đơn giản hơn, nâng cấp thương hiệu là hoạt động khẳng định vị trí của thương hiệu có tính chất làm mới nhận diện thương hiệu nhưng không thay đổi chiến lược, định vị của thương hiệu.
Tái định vị thương hiệu
Thật đáng tiếc nếu thương hiệu của bạn rơi vào tình thế này, nhưng đáng mừng là không bao giờ quá muộn để bắt đầu lại trong quan điểm của thế giới thương hiệu.
Nếu xác định rằng tầm nhìn và sứ mệnh thương hiệu đã xây dựng từ ban đầu, không phù hợp với điều kiện thực tiễn lẫn nguồn lực thương hiệu.
Nếu chắc chắn rằng năng lực cạnh tranh thương hiệu đang trở nên lung lay, trước sự tấn công của nhiều đối thủ mới bằng các lợi thế cạnh tranh mà thương hiệu mình không có.
Và nếu nhận thấy rằng chất lượng của trải nghiệm thương hiệu đang bị suy giảm, thương hiệu không còn đủ năng lực xây dựng nhận thức thương hiệu tích cực nơi khách hàng.
Đó là lúc ban lãnh đạo doanh nghiệp, cùng với đội ngũ xây dựng thương hiệu cần nghiêm túc nhìn nhận.
Rằng giờ là thời điểm hoàn hảo để cùng nhau tái định vị thương hiệu, mang hình ảnh và nhận thức thương hiệu quay trở lại quỹ đạo mà vốn dĩ nó nên thuộc về.
Bản tóm tắt về những điểm khác biệt cơ bản bên dưới, giúp người xem có cái nhìn trực quan nhất về cả Nâng cấp thương hiệu lẫn Tái định vị thương hiệu:
So sánh nâng cấp thương hiệu và tái định vị thương hiệu
Nâng cấp thương hiệu
Khẳng định lại giá trị truyền thống tốt đẹp hoặc thể hiện tinh thần mới của thương hiệu, không thay đổi tầm nhìn hoặc những giá trị cũ.
Về cơ bản không có nhiều thay đổi về chiến lược thương hiệu, chỉ phát triển sứ mệnh để tăng tốc hoặc phục vụ tốt hơn cho tầm nhìn thương hiệu.
Giữ vững ưu điểm và các lợi thế cạnh tranh sẵn có, hướng đến chiến lược khác biệt hoá để tạo dựng thương hiệu di sản.
Tái định vị thương hiệu
Là sự thay đổi hoàn toàn những định hướng và giá trị cũ, tạo dựng cho thương hiệu với nền tảng là một chiến lược thương hiệu, tầm nhìn thương hiệu mới hoặc thay đổi mô hình kinh doanh.
Nghiên cứu thị trường đối thủ và thị trường, xây dựng chiến lược khác biệt hoá nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Hoạt động của nâng cấp thương hiệu và tái định vị thương hiệu
Những hoạt động triển khai của hai khái niệm này sẽ thể hiện rõ điểm khác biệt của việc nâng cấp và tái định vị thương hiệu
Những hạng mục trong dự án nâng cấp thương hiệu có thể bao gồm:
- Hiệu chỉnh thiết kế logo, không mang đến thay đổi hoàn toàn
- Thông báo một tagline mới
- Thay đổi màu sắc thương hiệu
- Tín hiệu nhận diện mới
- Thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu
- Sử dụng phông chữ thương hiệu mới
Những hạng mục của tái định vị thương hiệu có thể bao gồm:
- Tạo ra một chiến lược định vị mới
- Thay đổi về tầm nhìn
- Thay đổi về chiến lược kinh doanh
- Lựa chọn một hình mẫu và tính cách thương hiệu mới
- Thay đổi toàn bộ logo và hệ thống nhận diện thương hiệu
- Doanh nghiệp hướng tới một thị trường mới
- Thay đổi tệp khách hàng mục tiêu
- Thay đổi mô hình kinh doanh
Tóm lại
Mọi thương hiệu đều phải thay đổi theo nhu cầu của khách hàng và bối cảnh thị trường, tuy nhiên lựa chọn nâng cấp thương hiệu hoặc tái định vị thương hiệu phụ thuộc vào tầm nhìn và quy mô mà thương hiệu hướng tới trong tương lai.
Thay đổi trong thương hiệu thường đem đến kết quả khả quan, thay đổi là minh chứng cho việc thương hiệu và doanh nghiệp đang thích nghi và phát triển. Thay đổi không hề đáng sợ.
Xin cảm ơn,
Nguồn: Vũ Digital