Lovemark: Tôi đã từng mê Bluestone như điếu đổ

Là một người “yêu bếp – nghiện nhà”, dĩ nhiên tôi biết đến Bluestone. Và không phải chối, tôi mê thương hiệu này. Nhà tôi sắm sửa đồ gia dụng là check website xem Bluestone có sản phẩm ấy không: từ nồi cơm điện, nồi chiên không dầu, lò vi sóng đến cả bếp từ… 

Một ngày tháng 10/2020, tôi lướt newsfeed thấy chiếc video mới của “người yêu mình”. 

Là phụ nữ, bạn sẽ được nhãn hàng gia dụng ưu ái quảng cáo đến chán ngấy. Đa số các quảng cáo hiện nay thể hiện vai trò nữ giới RẤT rập khuôn. Đơn cử như cứ quảng cáo nước mắm, bột nêm, mì gói là thấy mẹ, thấy bà. Ôi trời, xã hội ngày càng tân tiến, con người ngày càng hiện đại mà cứ mãi bài ca “vợ nấu chồng khen ngon”.

Người yêu tôi được 1 điểm cộng khi “bưng” người chồng vào các hoạt động gia đình như nấu ăn, là ủi quần áo cho con… Đấy là khoảnh khắc tôi nghĩ mình “va phải” tình yêu với Bluestone lần nữa. Sản phẩm vừa tốt, bền, xịn. Quảng cáo còn hiện đại, văn minh. Kiếm đâu ra một người vừa “tốt gỗ” vừa “tốt nước sơn” như thế?

Đấy là 20 giây tôi “phổng mũi” về người yêu mình. 

Lovemark: Tôi đã từng mê Bluestone như điếu đổ

Nhưng đời không như là mơ. Tôi sững lại chừng 10 giây cuối, và đó là khoảnh khắc, tôi cảm thấy tình yêu của mình và Bluestone vỡ vụn. 

Trong chiếc clip, nhãn hàng đặt lên bàn cân 1 thứ không tốt và 1 điều tốt: 
- đàn ông phụ bếp là sợ vợ (xấu) hay thương vợ (tốt), 
- đàn ông nấu ăn là nữ tính (xấu) hay nam tính (tốt), 
- đàn ông là quần áo là bóng bẩy (xấu) hay tinh tế (tốt). 
- đàn ông tính đàn bà hay đàn ông biết sẻ chia? (TÍNH ĐÀN BÀ???)

Lovemark: Tôi đã từng mê Bluestone như điếu đổ

Dĩ nhiên, tôi đồng tình với concept: hạnh phúc bắt nguồn từ những sẻ chia mỗi ngày mà Bluestone nhắc đến ở cuối clip. Tuy nhiên, đặt lên bàn cân “đàn ông tính đàn bà” và “đàn ông biết sẻ chia” nghe thật chối tai, phân biệt giới tính và đầy miệt thị.


Nói đi cũng phải nói lại, Bluestone hình như là một trong những thương hiệu gia dụng đầu tiên mang hình ảnh người đàn ông vào bếp. Và có lẽ Bluestone cũng đồng ý với tôi rằng mỗi người trong gia đình, vừa nam tính vừa nữ tính một cách linh hoạt thì mới tồn tại (và hạnh phúc), nhất là trong cuộc sống hiện đại. Ai cũng cần phải cân bằng giữa việc mạnh mẽ và dịu dàng, cương quyết và mềm mỏng... 

Tuy nhiên, có vẻ quyết tâm thay đổi “định kiến giới” của họ đã “hơi quá tay”. “Tính đàn bà” là một cụm từ coi thường giới nữ. “Thằng ấy tính tình như đàn bà"... đó là một câu nói quen thuộc mặc nhiên được người ta công nhận như một định nghĩa về một phẩm chất có vẻ "yếu kém" của đàn ông. 

Cho nên, gửi “người cũ từng thương”: Hãy mang bình đẳng giới vào quảng cáo một cách văn minh và tôn trọng cả hai giới.